PHẦN 2: NỘI DUNG GIÁO DỤC PHÒNG TRÁNH XÂM HẠI TÌNH DỤC
1. Giới thiệu về phương thức thiết kế các chủ đề giáo dục phòng tránh xâm hại tình dục
1.1.Cấu trúc của từng chủ đề phòng tránh xâm hại tình dục bao gồm:
- Phần mở đầu: Thường là một trò chơi, hoặc bài hát, hoặc đoạn phim gắn với chủ đề nhằm khởi động, kích thích sự tham gia hào hứng của mọi thành viên trong nhóm, trong lớp.
- Phần phát triển: Bao gồm những hoạt động hướng vào mục tiêu cần đạt được có nhiệm vụ truyền thông những thông điệp cốt lõi và hình thành kĩ năng sống cần
thiết.
- Phần tổng kết: Chốt lại những thông điệp đã đưa ra trong các hoạt động, các kĩ năng đã thực hành.
- Phần đánh giá: Bao gồm các câu hỏi và các tình huống trắc nghiệm hiểu biết của các em về các vấn đề đó sau hoạt động.
- Hoạt động nối tiếp: Thường hướng vào công việc cần tiếp tục sau buổi ngoại khoá, nhằm củng cố thêm nhận thức và kĩ năng.
Mỗi chủ đề đều có thêm những tài liệu tham khảo để mở rộng hiểu biết của người tổ chức (NTC) về chủ đề đó.
1.2. Phương pháp giáo dục
1.2.1. Những phương pháp tiếp cận
- Giới tính và các vấn đề liên quan là những vấn đề thầm kín, tế nhị, ở lứa tuổi dạy thì thích được trao đổi về những chủ đề này với bạn bè hơn cả. Cho nên, cách tiếp cận sử dụng ở đây là "trẻ với trẻ". Tuy nhiên, vì người tổ chức/ hướng dẫn hoạt động ở cùng lứa tuổi nên sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải nhận dạng, phân tích, tổng hợp, khái quát các ý kiến của các bạn tham gia chia sẻ do còn thiếu kinh nghiệm.
- Cách tiếp cận cùng tham gia được coi là sự khác biệt cơ bản với các truyền thông nâng cao nhận thức. Việc lôi cuốn tất cả mọi người cùng tham gia tích cực vào quá trình hoạt động để cùng nhau tìm ra những kết luận, những thông điệp cần thiết đã khắc phục được tính áp đặt. Cùng tham gia còn phát huy quyền của trẻ em được bày tỏ những quan điểm, suy nghĩ của mình, các em có quyền lựa chọn hành vi và thái độ của mình trước những vấn đề đặt ra.
- Tiếp cận kĩ năng sống để làm thay đổi hành vi/ hoặc hình thành kĩ năng trong việc xử lý các vấn đề giới tính. Giáo dục giới tính không chỉ dừng lại ở mức độ biết rõ nó là cái gì, nó như thế nào, mà phải giúp các em lựa chọn những hành vi phù hợp, tránh được những nguy cơ, đáp ứng được những thách thức của cuộc sống. Tiếp cận kĩ năng sống thể hiện trong nội dung của từng chủ đề. Sau phần nhận thức là phần đặt các em vào các tình huống giả định phải xử lý, hoặc rèn luyện các kĩ năng sống cốt lõi như: kĩ năng tự nhận thức, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng kiên định, kĩ năng ra quyết định, kĩ năng giải quyết vấn đề,... trong ngữ cảnh của các vấn đề về giới tính và quan hệ giới tính.
1.2.2. Các phương pháp cụ thể được sử dụng
a) Phương pháp động não: Đây là một phương pháp giúp học sinh có thể đưa ra các ý tưởng, giả định, giả thuyết về một vấn đề nào đó.
Cách tiến hành:
- Nêu một vấn đề cần bàn bạc cho cả lớp, hoặc từng nhóm từ 4 đến 10 HS.
- Khích lệ các HS phát biểu ý kiến càng nhiều càng tốt, tránh trùng lặp.
- Ghi lại những ý kiến phát biểu lên bảng hoặc giấy to.
- Phân loại các ý kiến.
- Làm sáng tỏ những ý kiến chưa rõ ràng và thảo luận sâu từng ý.
- Tổng hợp ý kiến và hỏi xem còn ai thắc mắc hay bổ sung gì không.
Lưu ý:- Phương pháp động não có thể dùng để thảo luận bất kì một vấn đề nào. Tuy nhiên, nó đặc biệt phù hợp cho những vấn đề ít nhiều đã quen thuộc với những người tham gia hoạt động.
- Các ý kiến phát biểu nên ngắn gọn và súc tích.
- Hoan nghênh và chấp nhận tất cả mọi ý kiến đóng góp và không vội vã phê phán đúng hay sai. Ý tưởng của phương pháp động não là thu được càng nhiều ý kiến càng tốt.
- Kết thúc thảo luận nên nhấn mạnh rằng kết luận này là kết quả của sự tham gia chung của tất cả mọi người.
b) Phương pháp đóng vai để tạo ra tình huống có vấn đề, mục đích của phương pháp này không phải chỉ ra cái cần làm, mà là bắt dầu cho một cuộc thảo luận. Để bắt đầu cho một cuộc thảo luận thú vị:
- Người đóng vai nên làm một cái gì đó sai.
- Người đóng vai phải thực hiện một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Nếu người đóng vai làm đúng mọi chuyện thì chẳng có gì để thảo luận Tại sao cần chia học sinh thành những nhóm nhỏ?
- Để tạo ra cơ hội cho nhiều người được tích cực tham gia.
- Để tạo ra sự trung thực và cởi mở.
- Thảo luận các chủ đề "nhạy cảm" với 5-6 người thì dễ hơn nhiều so với 30- 40 người.
Một trong những lí do chính để sử dụng phương pháp này là nhằm khuyến khích học sinh trao đổi và biết cách làm việc hợp tác với người khác.
Thảo luận theo nhóm được sử dụng rộng rãi vì nó giúp mọi người tham gia tích cực vào quá trình học tập, lắng nghe và ghi lại những ý kiến và quan điểm khác nhau của mọi người, chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm, đưa ra ý kiến giải quyết một vấn đề chung.
Cách tiến hành:
- Chia nhóm: Một cách thức để chia nhóm là học sinh đánh số mình trong lớp học. Nếu muốn có 5 nhóm, hãy đánh số học sinh tham gia theo lượt 1-2-3-4-5, 1-2-3-4-5... Sau đó yêu cầu tất cả những HS nào mang số 1 thành lập ra một nhóm, sau đó là những HS mang số 2, 3...và cứ thế cho đến khi các HS đều đứng trong nhóm. Ngoài ra có thể dùng tên của các loại hoa quả như: đào, lê, táo, cam, chuối, xoài, hoặc tên các con vật như: chim, cá, mèo , thỏ... Các chủ đề về giáo dục giới tính mang tính nhạy cảm nên thường chia nhóm theo giới tính để trao đổi không bị ngượng ngùng.
- Mỗi nhóm cử ra một nhóm trưởng và một thư kí.
- Mở đầu thảo luận: Trình bày mục đích chung của chủ đề cần thảo luận và phạm vi thảo luận.
- Vai trò của nhóm trưởng: Dẫn dắt buổi thảo luận, khuyến khích mọi thành viên trong nhóm tham gia thảo luận, tránh tranh cãi cá nhân và đảm bảo cuộc thảo luận đi đúng hướng bằng cách đưa ra những câu hỏi đã chuẩn bị kĩ (do người hướng dẫn giúp).
- Vai trò của thư kí: Ghi lại các ý kiến được phát biểu.
- Cử đại diện của nhóm lên trình bày trước lớp về kết quả thảo luận của nhóm mình.
c) Phương pháp giải quyết vấn đề
Đặt HS vào các tình huống để các em phải ra quyết định và xử lí tình huống gặp phải nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề xử lí các tình huống có nguy cơ xảy ra.
Chủ đề 1: NHẬN BIẾT LẠM DỤNG TÌNH DỤC I. Mục tiêu
1. Nhận thức
- Người tham gia nhận thức được em gái hay em trai đều có thể bị lạm dụng tình dục.
- Nhận dạng được những người có thể thực hiện hành vi lạm dụng tình dục và các tình huống dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng để có thể phòng tránh.
2. Thái độ
- Hình thành thái độ cảnh giác, đề phòng trong các tình huống.
- Tin rằng mình là chủ cơ thể của bản thân, nên có quyền từ chối những gì mình không thích.
- Hình thành thái độ kiên quyết thoát ra khỏi nguy cơ bị lạm dụng.
3. Kĩ năng
- Rèn kĩ năng phán đoán và nhận biết nguy cơ bị lạm dụng.
- Rèn kĩ năng kiên định, kĩ năng tư duy sáng tạo để tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị lạm dụng.