Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA DẠY HỌC Ở TIỂU HỌC DỰA VÀO PHONG CÁCH HỌC TẬP CỦA HỌC SINH
1.2. Phong cách học tập
1.2.1. Quan niệm về phong cách học tập
Phong cách là một khái niệm thường được dùng trong lĩnh vực thời trang, nghệ thuật, thể thao và đa phương tiện và nó chủ yếu liên quan đến sở thích của cá nhân.
Theo từ điển Tiếng Việt, phong cách là “những lối, những cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên cái riêng của mỗi người hay một loại người nào đó [26, tr 782].
Tác Nguyễn Ngọc Khuê cho rằng phong cách của một người chính là sự thể hiện trong đời sống, quan hệ giao tiếp ứng xử và trong công việc những
nét độc đáo riêng biệt được mọi người hay một nhóm người đánh giá và thừa nhận. Phong cách thường gắn liền với đặc trưng của một người hay một nhóm người thể hiện rõ nét trong hành vi và quan hệ hàng ngày. Nó gắn liền với bản chất của con người, với bản lĩnh của người đó (Nguyễn Ngọc Khuê, 1992).
Với tác giả Đặng Xuân Kỳ thì “Phong cách còn được hiểu theo nghĩa rộng tức là lề lối, cung cách, cách thức, phong thái, phong độ và phẩm chất đã trở thành nề nếp, ổn định của một người hoặc của một lớp người, được thể hiện trong tất cả các mặt hoạt động như lao động, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt,… tạo nên những giá trị, những nét riêng biệt của chủ thể đó. Với cách hiểu này chúng ta có thể nói đến phong cách của bất cứ một người nào, từ một người bình thường đến một lãnh tụ, một vĩ nhân, cũng như phong cách quân nhân,..” [23, tr 158].
b) Phong cách học tập (learning style)
Có rất nhiều định nghĩa, quan niệm khác nhau về PCHT:
Theo Atkin [71], PCHT là những cách khác nhau của việc học và tạo ra nghĩa của thông tin. “PCHT” liên quan đến sở thích của người học với một số hoạt động học tập so với các hoạt động khác. Một PCHT của HS là phải làm với cách mà HS đó xử lý thông tin để học và áp dụng nó.
Tác giả Rose [75], PCHT là các cách khác nhau trong việc tiếp cận các biện pháp học tập. Một số người học tập đạt hiệu quả thông qua quan sát, số khác thì bằng lắng nghe và một số khác thì bằng cách tiếp cận thực hành.
Với Keefe (1979) PCHT là những đặc điểm nhận thức, xúc cảm, tâm lý tương đối ổn định mà người học sử dụng để tiếp nhận, tương tác và phản ứng với môi trường học tập [61, tr87]
Còn Dunn and Dunn (1993) thì nhận định PCHT là con đường, biện pháp mà HS có thể hiểu và xử lí thông tin kiến thức, giải quyết vấn đề thông tin mới và khó [51].
Theo Cassidy (2004): "PCHT là các đặc điểm tâm lý của con người tương đối bền vững, nhưng ở vài khía cạnh nào đó PCHT có thể thay đổi để đáp ứng kinh nghiệm và đòi hỏi của các tình huống khác nhau" [38, tr412].
Ở Việt Nam, tác giả Nguyễn Công Khanh [22] cho rằng: "PCHT là một cấu trúc phức hợp đa mặt, đa thành tố. Đó là tổ hợp những phẩm chất/ nét nhân cách, năng lực/ kỹ năng thể hiện được cái riêng, có tính ổn định về các chiến lược học, thái độ, động cơ, hứng thú học, phương pháp giảng dạy được ưa thích của người học, nhằm đáp ứng các nhiệm vụ nhận thức, tương tác và thoả mãn các yêu cầu của môi trường học tập".
Theo Nguyễn Thế Lộc [25, tr25], PCHT có thể xem là các phương pháp học tập riêng biệt mà mỗi cá nhân chọn lựa để tiếp nhận thông tin. Mỗi phong cách học được xác định có mối liên quan đến nhu cầu học. Biết được phong cách học của người học, người dạy có thể hiểu được mặt mạnh, mặt yếu của người học, chọn lựa phương pháp dạy phù hợp để giúp người học phát huy các mặt mạnh cũng như cải thiện các mặt yếu kém.
Kết luận chung: Mặc dù có rất nhiều nhà nghiên cứu về PCHT và giải thích theo các cách khác nhau nhưng tất cả đều có hai điểm chung:
Một là, tập trung vào quá trình học tập: cá nhân làm thế nào để tiếp nhận thông tin, lưu giữ thông tin và làm thế nào để đánh giá kết quả một cách phù hợp nhất.
Hai là, nhấn mạnh vào cá tính - các nhà nghiên cứu về PCHT đều cho rằng học tập là kết quả của hành động cá nhân, của tư tưởng và cảm giác.
Từ những phân tích trên, khái niệm PCHT trong luận án được hiểu như sau: PCHT là những đặc trưng riêng mang tính nổi trội tương đối ổn định của cá nhân HS trong quá trình tiếp nhận, xử lý, tìm tòi và phân tích thông tin kiến thức diễn ra trong các hoạt động học tập ở môi trường cụ thể.