4.1.1. Khái quát về tình hình dịch thuật Kafka Việt Nam
Dịch thuật Kafka ở Việt Nam biến động qua lịch sử. Hai thời kỳ không có tác phẩm được dịch là miền Bắc trước 1975 và Việt Nam sau 1975 -1986. Hai thời kỳ tác phẩm của Kafka được dịch giả quan tâm là miền Nam trước 1975 và Việt Nam sau 1986. Điều đó là do sự tác động của các yếu tố chính trị - xã hội, văn hóa – văn học cũng như tâm lí tiếp nhận của mỗi thời kỳ mang lại.
4.1.2. Đặc điểm dịch thuật Kafka ở Việt Nam
Dịch thuật Kafka có những đặc điểm sau: Dịch thuật chịu tác động mạnh mẽ của điều kiện chính trị - xã hội và văn hóa; dịch thuật qua một ngôn ngữ trung gian, chủ yếu là tiếng Anh và tiếng Pháp; đội ngũ dịch giả chủ yếu là nhà văn hoặc nhà nghiên cứu văn học, các nhà giáo trong các trường đại học dẫn đến chất lượng bản dịch tốt cũng như tạo sự gắn kết giữa dịch, nghiên cứu và giảng dạy.
4.2. Giảng dạy Kafka trong nhà trường Việt Nam 4.2.1. Chương trình và giáo trình
Do tính chất đặc biệt trong sáng tác của Kafka, tác phẩm của nhà văn không được dạy ở các trường phổ thông tại Việt Nam. Kafka chỉ được giảng dạy trong các trường đại học. Chương trình chủ yếu nằm trong học phần liên quan tới Văn học Tây Âu, Phương Tây với 2TC (30 tiết). Từ chương trình đó có thể nói việc giảng dạy Kafka ở trường đại học vẫn chưa được chú trọng ở mức cần thiết.
Do tác động của chương trình, đến nay vẫn chưa có một giáo trình chính thức nào có nội dung riêng về văn học Đức. Ngoài đề cương bài giảng hoặc các giáo trình lưu hành nội bộ, Giáo trình giảng dạy về Kafka hiện nay có 2 bộ chính là “Văn học phương Tây” của nhóm tác giả Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân, Lương Duy Trung, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Văn Chính, Phùng Văn Tửu biên soạn, nhà xuất bản giáo dục ấn hành và “Giáo trình Văn học phương Tây” của nhóm tác giả Lê Huy Bắc, Lê Nguyên Cẩn, Nguyễn Linh Chi, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam phát hành năm 2011 Bên cạnh các giáo trình chính thống, còn có một số giáo trình lưu hành nội bộ, bài giảng chuyên đề hoặc các tài liệu tham khảo. Có thể kể đến hai bộ tiêu biểu sau: “Văn học phương Tây giản yếu” của Lê Văn Chín và Bài giảng của “Văn học phương Tây 3” của Phùng Ngọc Hoài. Bài giảng chuyên đề và tài liệu học tập về Kafka khá đa
dạng, có thể kể đến một số bộ như sau: “Đại cương văn học Đức” do Lương Văn Hồng biên soạn, nhà xuất bản Văn học, năm 2003), “Đại cương văn học thế giới” của Đỗ Xuân Hà, nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2006, “Văn học Âu - Mỹ thế kỷ XX” do Lê Huy Bắc chủ biên, nhà xuất bản Đại học Sư phạm xuất bản năm 2011, Bài giảng chuyên đề về “Tiểu thuyết phương Tây thế kỷ XX (Khuynh hướng - tác giả - tác phẩm) của Trần Hinh, nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội
Qua hệ thống giáo trình, bài giảng, sách tham khảo, chuyên đề... có thể thấy những người biên soạn chủ yếu tập trung vào các vấn đề trung tâm trong tác phẩm của Kafka là vấn đề về thân phận con người với sự tha hóa, cô đơn và vấn đề về nghệ thuật đặc biệt là phương thức huyền thoại. Có thể nói các giáo trình, bài giảng đều có tính thống nhất cao độ trong việc lựa chọn nội dung biên soạn và giảng dạy.
4.2.2. Luận văn và luận văn
Theo thống kê của chúng tôi từ nguồn tài liệu của các trường đại học và trên các trang mạng, từ năm 2001 đến nay (3/2017) tại các trường đại học ở Việt Nam có 12 luận văn thạc sĩ nghiên cứu về sáng tác của Kafka. Qua hệ thống luận văn của các trường đại học có thể thấy việc nghiên cứu Kafka khá phong phú, từ vấn đề về chủ nghĩa hiện đại trong tác phẩm Kafka, mô hình nghệ thuật, về hiện thực và huyền thoại, quan niệm nghệ thuật về con người cho đến phi lí vấn đề quyền lực, nhân vật... Do đi sâu vào từng mảng nghiên cứu nhất định nên luận văn tập trung khai thác các vấn đề một cách sâu sắc. Hệ thống luận văn thạc sĩ cung cấp thêm cái nhìn đa chiều về sáng tác của Kafka.
Ở Việt Nam đến nay có hai luận án tiến sĩ nghiên cứu sáng tác của Kafka là Luận án “Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác của Franz Kafka” của Lê Thanh Nga và Luận án “Nhân vật trong tác phẩm Franz Kafka” của Nguyễn Thị Thắng. Qua hai công trình luận án trên, có thể thấy việc nghiên cứu Kafka ở bậc cao trong trường Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần nghiên cứu của một tác giả văn học có tầm ảnh hưởng như nhà văn.
4.2.3. Điều tra về việc giảng dạy Kafka ở các trường đại học
Để đánh giá sự tiếp nhận Kafka trong nhà trường chúng tôi khảo sát tình hình và mức độ tiếp nhận Kafka ở các trường đại học. Điều này dựa trên một thực tế là Kafka không được giảng dạy ở những cấp học khác ngoài các trường đại học. Điều tra được tiến hành ở các trường thuộc bốn vùng miền khác nhau, cụ thể là: Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Tây Nguyên, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Đại học Vinh (đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh)
Chúng tôi sử dụng phiếu hỏi gồm 10 câu, chia làm ba phần nhằm khảo sát về việc hiểu biết các tác giả văn học phương Tây hiện đại cũng như Kafka. Bên cạnh đó còn có các câu về các vấn đề chuyên sâu như việc giới thiệu Kafka ở cấp học phổ thông hay ảnh hưởng của Kafka
Kết quả khảo sát cho thấy trong các tác giả văn học phương Tây thế kỷ XX, hai tác giả Kafka và Hemingway là những tác giả được nhiều người biết đến nhất. Điều này cũng phản ánh đúng thực tế hiện nay, Kafka và Hemingway là những tác giả có mặt trong hầu hết các chương trình giảng dạy cũng như giáo trình của các trường đại học. Số lượng tác phẩm của Kafka đã đọc chủ yếu là từ 1-4 tác phẩm với ngôn ngữ chủ yếu là tiếng Việt, có rất ít người đọc đọc thông qua ngôn ngữ khác. Kết quả khảo sát về nguồn tiếp nhận tác phẩm Kafka ở các trường đại học Việt Nam cho thấy người học ở Việt Nam biết đến Kafka chủ yếu thông qua bài giảng của giáo viên, các kênh khác chủ yếu là internet và qua sách nghiên cứu nhưng số lượng không cao.
Ba tác phẩm được độc giả yêu thích nhất là “Hóa thân”, “Vụ án”, “Lâu đài”, điều này phản ánh đúng thực tế ba tác phẩm trên là những tác phẩm nổi bật nhất của Kafka, có mặt trong hầu khắp các chương trình, giáo trình, bài giảng hoặc các sách nghiên cứu về tác giả đồng thời cũng là ba tác phẩm được dịch sớm nhất ở Việt Nam và có số lượng xuất bản cũng như tái bản nhiều nhất.
Kết quả điều tra cho thấy đối với người học trong trường học, những sáng tạo về mặt bút pháp, chất trí tuệ là những yếu tố được đánh giá cao nhất. Song chính vì điều này mà độc giả thấy tác phẩm khó hiểu, khó đọc và không hấp dẫn.
Sáng tạo nghệ thuật được người học đánh giá cao nhất là phương thức huyền thoại, thể hiện nỗi cô đơn của con người và vấn đề tha hóa của con người trong xã hội hiện đại. Lựa chọn này hoàn toàn phù hợp với nội dung giảng dạy được nhấn mạnh trong các giáo trình cũng như bài giảng. Trong các giáo trình bài giảng, có thể thấy các tác giả đều tập trung làm rõ những nội dung về phương thức huyền thoại, về nỗi cô đơn và vấn đề tha hóa của con người qua những tác phẩm lớn của Kafka như “Hóa thân”, “Vụ án” hay “Lâu đài”.
Hầu hết người học cho rằng nên giới thiệu Kafka ở trường phổ thông, chủ yếu là giới thiệu các tác phẩm “Hóa thân”, “Làng gần nhất” vì những yếu tố phù hợp với người học ở phổ thông như dung lượng, độ khó, là những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật.
Đa số người học cho rằng Kafka có ảnh hưởng đối với các nhà văn Việt Nam. Tác giả được lựa chọn nhiều nhất là Phạm Thị Hoài với tác phẩm “Thiên sứ” và phương thức huyền thoại. Tuy nhiên nhận thức về sự ảnh hưởng của Kafka ở Việt Nam còn hạn chế.
Qua khảo sát có thể kết luận, chúng tôi có những kết luận sau:
(1)Kafka là một trong những tác giả văn học phương Tây có lượng người đọc ở các trường đại học cao. Mặc dù có những khó khăn nhất định đối với việc tiếp nhận tác giả như tác phẩm khó đọc, khó hiểu, không có độ hấp dẫn, chất trí tuệ cao nhưng tác phẩm của ông vẫn thu hút được số lượng người đọc lớn trong các trường đại học.
(2) Tiếp nhận Kafka ở trường học có tính thống nhất cao, thống nhất trong trong đánh giá tác phẩm, trong nhận thức với các nội dung tiếp nhận từ sáng tác của Kafka, thống nhất trong nhận xét đánh giá và những cảm nhận khi đọc tác phẩm. Sự thống nhất còn thể hiện ở chỗ không có sự khác biệt nhiều giữa nhận thức của người tham gia khảo sát ở những trình độ khác nhau, ở những trường học thuộc các tỉnh thành khác nhau dù là trung tâm hay ngoại vi;
các vấn đề mà độc giả lựa chọn cao có sự tương thích đặc biệt với những nội dung được đề cập nhiều trong các giáo trình. Điều đó đưa chúng tôi đến kết luận về việc dạy học Kafka ở đại học: Dạy học Kafka ở bậc đại học trong các trường học ở Việt Nam có tính tập trung và tính định hướng cao, chính tính hướng này tạo nên tính thống nhất trong nhận thức về Kafka ở trong nhà trường. Mặt trái của điều này chính là sự thiếu sáng tạo trong tiếp nhận nhà văn.
(3) Tiếp nhận Kafka trong trường học không chỉ thiếu tính sáng tạo mà còn hết sức thụ động. Các tác phẩm xuất hiện nhiều trong giáo trình bài giảng cũng là những tác phẩm được đánh giá cao nhất, được đọc nhiều nhất và được yêu thích nhất. Những sáng tạo được giới thiệu ở hầu khắp các giáo trình, giáo án, bài giảng, tài liệu tham khảo hay được quan tâm nhất trong giảng dạy Kafka cũng đồng thời thu hút sự lựa chọn của người học. Đặc biệt hơn nữa là kênh thông tin giúp người học tiếp xúc với nhà văn giữ vị trí gần như tuyệt đối là thông qua bài giảng của giảng viên, các kênh còn lại, ngay cả thông qua các sách nghiên cứu, chiếm vị trí thứ yếu. Sự tiếp nhận thụ động đó gây cản trở cho nhà văn trong một môi trường cần tính năng động, sáng tạo như trường học ở bậc cao.
Tiếp nhận Kafka qua dịch thuật và giảng dạy là những cách thức đưa sáng tác của Kafka đến với độc giả ở những môi trường khác nhau. Dịch thuật Kafka ở Việt Nam chịu sự chi phối của những điều kiện chính trị - xã hội và văn hóa cũng như tâm lí tiếp nhận và nhu cầu thẩm mỹ của mỗi thời đại nên có những bước phát triển ngắt quãng và không đồng đều.
Có những thời điểm sáng tác của Kafka vắng bóng, có những thời điểm bùng phát với số lượng cũng như chất lượng của các bản dịch. Giảng dạy Kafka ở Việt Nam có tính thống nhất cao từ phương diện chương trình, giáo trình, bài giảng cho tới nội dung và phương
hướng tiếp cận. Điều đó dẫn đến một hệ quả là sự thiếu đa dạng và sáng tạo trong tiếp nhận Kafka của người học cũng sự thụ động trong nhà trường.