Vai trò và đặc trưng của xuất khẩu hàng nông sản

Một phần của tài liệu Tăng cường xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái (Luận văn thạc sĩ) (Trang 21 - 25)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM VỀ TĂNG CƯỜNG XUẤT KHẨU HÀNG NÔNG SẢN

1.1. Cơ sở lý luận

1.1.5. Vai trò và đặc trưng của xuất khẩu hàng nông sản

Việt Nam là quốc gia nông nghiệp có trình độ sản xuất thấp, kinh tế thị trường chưa phát triển, phần đông lực lượng lao động nằm trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, có thu nhập thấp. Do vậy, phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có phát triển XKHNS theo hướng phát triển bền vững, không chỉ có tầm quan trọng đối với khu vực này mà còn có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của quốc gia. Ở Việt Nam vai trò của phát triển XKHNS được thể hiện như sau:

Hàng nông sản giữ vị trí quan trọng trong tổng GDP cả nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam.

Thực hiện đường lối đổi mới cơ chế kinh tế và hội nhập quốc tế, nền kinh tế của nước ta đã có sự tăng trưởng rõ rệt. Thời kỳ 2000 - 2010, GDP cả nước tăng bình quân 8,2%, thời kỳ 2011 - 2016 tăng 6,9%, tính chung cả giai đoạn mỗi năm tăng 7,6%. Thành công lớn nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhịp độ tăng trưởng cao và ổn định, với nhiều sản phẩm xuất khẩu có khối lượng lớn. Nhịp độ phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta giai đoạn 2011- 2016 đạt bình quân 5,7%/năm. Cùng với sự gia tăng về nhịp độ phát triển giá trị sản lượng thì tỷ trọng giá trị hàng nông sản trong tổng GDP cả nước cũng ngày càng thay đổi theo chiều hướng không ngừng tăng về giá trị sản lượng và giảm về tỷ trọng của ngành trong nền kinh tế quốc dân [7].

Sản xuất nông nghiệp phát triển đã kéo theo sự phát triển của các hoạt động công nghiệp chế biến, dịch vụ và thương mại ở nhiều vùng nông thôn.

Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng nông sản hàng hoá tập trung gắn với công nghiệp chế biến với thiết bị tương đối hiện đại [7], góp phần tăng nhanh tỷ suất hàng hoá nông sản trong những năm gần đây.

Sản xuất hàng nông sản thu hút phần lớn nguồn nhân lực cả nước, tạo nguồn vốn thực hiện CNH - HĐH nông nghịêp, nông thôn.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 60% dân số sống ở nông thôn, đời sống còn rất khó khăn. Mức dư thừa lao động của Việt Nam vẫn là vấn đề căng thẳng, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tương đối cao so với các nước trong khu vực. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng nhanh hàng nông sản xuất khẩu là mét trong những hướng giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động ngày càng tăng của Việt Nam.

Theo kinh nghiệm của các nước, giải pháp quan trọng để thực hiện quá trình CNH và HĐH đất nước là phải thu hút được nhiều nhất vốn và kỹ thuật từ nước ngoài. Song với một quốc gia nghèo như Việt Nam, thiếu nguồn ngoại tệ mạnh, dự trữ quốc gia lại ít thì khó mà thực hiện được [7]. Trong tình hình đó, nguồn vốn để thực hịên CNH thường được hình thành từ các nguồn sau:

- Vốn trong nước: từ xuất khẩu hàng hoá, từ dịch vụ và du lịch, từ xuất khẩu lao động.

- Vốn nước ngoài: từ vốn đầu tư nước ngoài, vốn vay và viện trợ…

Từ năm 2012 đến 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 95,1 tỷ USD, trong đó tổng các khoản thu ngoại tệ khác mới đạt 155, 6 tỷ USD. Như vậy là tổng kim ngạch xuất khẩu đã chiếm tới 61% tổng nguồn thu ngoại tệ. Có thể nói rằng, nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu hàng hoá của ta là nguồn vốn chính để nước ta nhập khẩu công nghệ, máy móc phục vụ cho sự nghiệp CNH và HĐH đất nước. Mặt khác, đẩy mạnh xuất khẩu còn có ý nghĩa trong việc trả nợ cho các khoản vay, tạo thêm uy tín cho các khoản vay mới.

Bảo đảm nguồn lương thực và thực phẩm cho cả nước

Nông nghiệp là ngành sản xuất và cung cấp cho con người những sản phẩm tối cần thiết cho cuộc sống - đó là lương thực và thực phẩm, yếu tố đầu tiên của sự tồn tại và phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước [7].

Hiện nay ta đã sản xuất được một lượng lương thực và thực phẩm đủ tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và còn xuất khẩu ra thị trường thế giới. Từ đó đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành nghề nông nghiệp khác cùng phát triển, nhất là ngành chăn nuôi, làng nghề truyền thống ở nông thôn…

Xuất khẩu hàng nông sản là cơ sở để mở rộng và thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại, tăng cường địa vị kinh tế của mỗi quốc gia trên thị trường thế giới.

Xuất khẩu hàng nông sản và các quan hệ kinh tế đối ngoại có tác động qua lại phụ thuộc lẫn nhau. Xuất khẩu hàng nông sản là một hoạt động kinh tế đối ngoại. Có thể hoạt động xuất khẩu hàng nông sản có sớm hơn các hoạt động kinh tế đối ngoại khác và tạo điều kiện thúc đẩy các quan hệ này phát triển [7].

Ví dụ, xuất khẩu hàng nông sản và công nghệ sản xuất hàng xuất khẩu thúc đẩy quan hệ tín dụng, đầu tư, mở rộng vận tải quốc tế… Mặt khác chính các quan hệ kinh tế đối ngoại lại tạo điều kiện mở rộng xuất khẩu hàng nông sản.

Tóm lại, đẩy mạnh xuất khẩu được coi là vấn đề có ý nghĩa chiến lược để phát triển kinh tế và thực hiện CNH đất nước.

1.1.5.2. Đặc trưng của xuất khẩu hàng nông sản

Một là, mọi sự thay đổi về điều kiện tự nhiên đều tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của hàng nông sản [11]. Do đặc tính tự nhiên, nông sản dễ bị hư hỏng xuống cấp khi bảo quản, vận chuyển, đòi hỏi phải có đầu tư thích đáng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến mới có thể bảo quản được lâu dài nhưng cũng chỉ trong thời hạn nhất định. Vì vậy, nếu không quan tâm đến ứng dụng khoa học công nghệ trong việc bảo quản sau thu hoạch hoặc đưa vào chế biến kịp thời thì khi vào vụ thu hoạch các nhà sản xuất vẫn phải bán đổ bán tháo hoặc để nông sản bị hư hỏng, xuống cấp.

Hai là, phần lớn các nông sản là những mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu và có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, do đó yêu cầu về chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu nông sản rất khác nhau [11]. Những sản phẩm sạch là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn về bảo vệ sức khỏe cho người, động vật, thực vật và môi trường sinh thái, là những sản phẩm được người tiêu dùng ưa thích vì mục đích bảo vệ sức khỏe.

Ba là, giá cả hàng NSXK không ổn định [11]. Giá cả của hàng hóa xuất khẩu là một yếu tố cạnh tranh quan trọng. Ở Việt Nam, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều có chi phí rất cao, khiến cho giá thành sản phẩm thường cao hơn các nước trong khu vực. Các chi phí cơ sở hạ tầng, bưu chính viễn thông, điện nước, phí vận chuyển đều cao hơn so với các nước khác: cước phí vận chuyển container của Việt Nam cao gấp 3 lần so với Singapore, gấp 2,5 lần so với Malayxia, gấp 2 lần so với Indonexia. Trong khi đó, giá nông sản thường gặp phải sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế. Một đặc điểm chính của thị trường nông sản và cũng là thách thức lớn nhất cho xuất khẩu của Việt Nam là tính biến động cao của giá cả. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, giá nông sản ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố kinh tế vĩ mô như

chính sách tiền tệ, sự cân bằng ngân sách quốc gia, tỉ giá, các chính sách thương mại quốc tế. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến cho tất cả các quốc gia xem xét, điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô và điều này sẽ làm cho giá cả xuất nhập khẩu trở nên khó lường.

Bốn là, chủng loại hàng nông sản hết sức phong phú đa dạng, chất lượng của một mặt hàng cũng rất phong phú [11]. Hàng nông sản được sản xuất ra từ các địa phương khác nhau, với các yếu tố về địa lý, tự nhiên khác nhau, mỗi vùng, mỗi hộ, mỗi trang trại có phương thức sản xuất khác nhau với các giống nông sản khác nhau. Vì vậy, chất lượng hàng nông sản không có tính đồng đều, hàng loạt như sản phẩm công nghiệp, do đó vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm phải được quan tâm trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng nông sản.

Một phần của tài liệu Tăng cường xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái (Luận văn thạc sĩ) (Trang 21 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)