Mô tả dấu hiệu khó khăn tài chính và phương pháp chọn mẫu

Một phần của tài liệu LA02 103 áp dụng mô hình dự báo khó khăn tài chính cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 61 - 64)

CHƯƠNG 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Phương pháp nghiên cứu

2.1.2. Mô tả dấu hiệu khó khăn tài chính và phương pháp chọn mẫu

Khó khăn tài chính doanh nghiệp có thể được mô tả bằng một số dấu hiệu như phá sản, thất bại kinh doanh,…Trong nghiên cứu này, một công ty niêm yết được coi là gặp khó khăn tài chính là khi công ty bị hủy niêm yết bắt buộc. Nói cách khác, “hủy niêm yết bắt buộc” chính là biểu hiện của khó khăn tài chính cho các công ty niêm yết trong mô hình. Sự lựa chọn này hoàn toàn phù hợp với lý thuyết về dự báo khó khăn tài chính và có ý nghĩa thực tiễn.

Về mặt thực tiễn, khi công ty niêm yết gặp khó khăn tài chính ở một mức độ nào đó thì sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Nghị định 58/2012/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán” và Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ban hành ngày 26/6/2015 quy định chứng khoán bị huỷ bỏ niêm yết khi:

- Công ty niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên;

- Công ty niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành;

- Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng;

- Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét;

- Công ty niêm yết chấm dứt sự tồn tại do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể hoặc phá sản; quỹ đầu tư chứng khoán chấm dứt hoạt động;

- Trái phiếu đến thời gian đáo hạn hoặc trái phiếu niêm yết được tổ chức phát hành mua lại toàn bộ trước thời gian đáo hạn;

Theo quy định trên, một công ty có thể bị hủy niêm yết mà chưa chắc đã gặp khó khăn về tài chính, chẳng hạn, công ty có thể bị hủy niêm yết do sự thay đổi trong chiến lược quản lý tài chính của mình như mua lại toàn bộ trái phiếu trước khi đáo hạn. Do đó, trong nghiên cứu này, công ty được coi là khó khăn tài chính khi bị hủy niêm yết bắt buộc vì kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính được kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Về mặt lý thuyết, việc các công ty bị hủy niêm yết do thua lỗ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian dài gắn với dấu hiệu khó khăn tài chính là thất bại trong kinh doanh dẫn đến nguy cơ không thể thực hiện được các nghĩa vụ thanh toán của công ty. Biểu hiện này cũng đã được lựa chọn để thể hiện khó khăn tài chính trong các nghiên cứu dự báo khó khăn tài chính trước đó của Ding và cộng sự (2008), Geng và cộng sự (2014).

2.1.2.2. Mô tả mẫu nghiên cứu

Trong các mô hình dự báo khó khăn tài chính, một công ty gặp khó khăn tài chính là khi bị hủy niêm yết bắt buộc do thất bại trong kinh doanh còn các công ty đang có chứng khoán giao dịch bình thường được coi là những công ty không gặp khó khăn tài chính. Dữ liệu nghiên cứu của tất cả 4 mô hình đều được thu thập từ 2 nhóm công ty: gặp khó khăn tài chính và không gặp khó khăn tài chính.

Trong khoảng thời gian quan sát từ năm 2009 đến 2015, có tất cả 140 công ty hoạt động trên hai sàn giao dịch chứng khoán là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh bị hủy niêm yết bắt buộc. Tác giả quyết định chọn tất cả 140 công ty này vào mẫu nghiên cứu. Biến phụ thuộc mô tả khó khăn tài chính của các công ty trong nhóm này nhận giá trị 0.

Để phục vụ cho công việc phân loại và dự báo, một lượng tương tự các công ty không gặp khó khăn tài chính (140 công ty) cũng được lựa chọn. Biến phụ thuộc mô tả khó khăn tài chính của các công ty trong nhóm này nhận giá trị 1. Các công ty trong nhóm thứ hai này là các công ty có cùng ngành nghề kinh doanh và có sự

tương đồng tương đối về quy mô tài sản với các công ty trong nhóm bị hủy niêm yết. Như vậy, tổng số công ty trong mẫu trong một năm nghiên cứu bao gồm 280 công ty: 140 công ty gặp khó khăn tài chính và 140 công ty không gặp khó khăn tài chính. Các dữ liệu này tiếp tục được chia thành hai phần bằng nhau: phần 1 gồm 140 công ty (70 công ty gặp khó khăn tài chính, 70 công ty không gặp khó khăn tài chính); phần 2 cũng gồm 140 công ty (70 công ty gặp khó khăn tài chính, 70 công ty không gặp khó khăn tài chính). Để bảo đảm tính ngẫu nhiên, việc chia mẫu các công ty vào hai phần như vậy được thực hiện thông qua hàm RANDBETWEEN trên Excel 2010.

Sau khi xác định được số lượng công ty và tên công ty trong mẫu nghiên cứu, công việc tiếp theo cần tiến hành là thu thập dữ liệu của các công ty tương ứng với các biến dự báo của từng mô hình trong những khoảng thời gian khác nhau. Với mục đích đánh giá khả năng dự báo khó khăn tài chính của công ty từ các thông tin trong quá khứ, dữ liệu nghiên cứu sẽ không thu thập ở tại thời điểm công ty gặp khó khăn tài chính mà sẽ được thu thập ở các năm trước đó. Chẳng hạn, nếu công ty gặp khó khăn tài chính ở năm t thì dữ liệu sẽ được thu thập ở năm t-1 để tìm hiểu xem với thông tin về tình hình tài chính của công ty năm t-1 thì có thể dự đoán được công ty đó sẽ gặp khó khăn tài chính 1 năm sau đó (năm t) hay không.

Trong nghiên cứu này, các quan sát sẽ được thu thập tại 3 thời điểm: 1 năm trước khi công ty bị hủy niêm yết (t-1), 2 năm trước khi công ty bị hủy niêm yết (t- 2), 3 năm trước khi công ty bị hủy niêm yết (t-3). Như vậy, dữ liệu nghiên cứu của công ty bị hủy niêm yết năm 2015 sẽ được thu thập trong 3 năm từ 2012 đến 2014, dữ liệu nghiên cứu của công ty bị hủy niêm yết năm 2014 sẽ được thu thập trong 3 năm từ 2011 đến 2013, dữ liệu nghiên cứu của công ty bị hủy niêm yết năm 2013 sẽ được thu thập trong 3 năm từ 2010 đến 2012, dữ liệu nghiên cứu của công ty bị hủy niêm yết năm 2012 sẽ được thu thập trong 3 năm từ 2009 đến 2011. Các quan sát được thu thập đầu tiên vào năm 2008 và năm cuối cùng là năm 2014. Như vậy, dữ liệu nghiên cứu là dữ liệu chéo từ 280 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán trong thời gian từ 2008 - 2014, với tổng các quan sát lên tới 840.

Dựa vào thời gian dự báo, một mô hình dự báo có thể chia thành 3 loại:

- Mô hình dự báo sử dụng dữ liệu trong 1 năm trước khi công ty chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc (1 năm trước dự báo).

- Mô hình dự báo sử dụng dữ liệu trong 2 năm trước khi công ty chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc (2 năm trước dự báo).

- Mô hình dự báo sử dụng dữ liệu trong 3 năm trước khi công ty chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc (1 năm trước dự báo).

Một phần của tài liệu LA02 103 áp dụng mô hình dự báo khó khăn tài chính cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)