Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này là cuộc khủng hoảng sâu rộng nhất kể từ sau Đại Suy thoái 1929-1934 và có những hậu quả to lớn đối với nền kinh tế thế giới, cho đến nay vẫn chưa lường hết được vì khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn. Tuy vậy, tại các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, Mỹ và Châu Âu, một phần hậu quả đã là hiển nhiên: thu hẹp tín dụng, các ngân hàng lo sợ không dám cho nhau vay đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao, nguy cơ suy thoái đang lơ lửng, thất nghiệp gia tăng, mức tiêu dùng giảm, sản xuất sa sút,… Các đại công ty sản xuất gặp khó khăn, do giảm tiêu dùng rất nhiều ô tô không bán được để đầy kho bãi, Sony dự kiến lợi nhuận sẽ giảm 59% và khiến cổ phiếu của nó sụt 14%
trong một ngày xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm, Nikkei mất 9,6%, các thị trường châu Á và châu Âu đều giảm mạnh từ 5-8% vào ngày 24-10-2008. So với điểm cao nhất khoảng 1 năm trước các thị trường chứng khoán đã mất gần đến hơn một nửa: ngày 9-10-2007 chỉ số Dow Jones đạt 14.164 điểm, ngày 24- 10-2008 còn 8.378,95 điểm, giảm mất 40,8%; ngày 10-7-2007 Nikkei đạt 18.261,98 điểm, nay (24-10-2008) xuống 7649,08 giảm mất 58,1%; ngày 15-7- 2007 chỉ số FTSE 100 ở Anh đạt 6.732,4 điểm, ngày 24-10-2008 còn 3.883,36, giảm mất 42,3%; ngày 13-7-2007 chỉ số DAX của Đức đạt đỉnh cao 8.151 điểm, ngày 24-10-2008 còn 4.295,67, giảm mất 47,2%. Tại các nước phát triển, hàng trăm triệu người dân đầu tư tiền tiết kiệm của mình vào cổ phiếu, các quỹ hưu bổng, bảo hiểm cũng đầu tư như vậy. Với sự sụt giảm gần gay hơn một nửa của thị trường chứng khoán trong vòng khoảng 1 năm, một nửa tài sản của họ thực sự bị bốc hơi, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, tiêu dùng và tương lai của hàng
trăm triệu người trên thế giới. Những hậu quả xã hội là thật khổng lồ và nghiêm trọng. Thị trường chứng khoán giảm sút, các đại công ty khó huy động vốn, công việc sản xuất kinh doanh của chúng gặp nhiều khó khăn. Các công ty như GM, Ford, GE, Sony đã bị thiệt hại nặng chứ không chỉ các ngân hàng và các công ty tổ chức. Ngành ô tô Mỹ đang ráo riết xin cứu trợ. Nguy cơ dẫn tới suy thoái nặng đang hiển hiện, và suy thoái đã thực sự diễn ra ở tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Về viễn cảnh kinh tế Mỹ, Chủ tịch cục dự trữ liên bang (FED) Ben Bernanke đã có cuộc điều trần trước Ủy Ban Ngân sách, Hạ Viện Mỹ ngày 20- 10-2008. Theo ông, tháng 9 khu vực tư nhân đã làm mất 168.000 chỗ làm việc, đưa tổng số chỗ làm việc bị mất lên gần 900.000 kể từ đầu năm. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vào tháng chín là 6,1%, tăng 1,2 điểm phần trăm kể từ tháng 1- 2008. Những số liệu về chi tiêu tiêu dùng, xây dựng, và đầu tư kinh doanh đều chậm lại đáng kể trong mấy tháng qua. Sự chậm lại về chi tiêu và hoạt động kinh tế trải rộng hầu khắp các khu vực. Tiêu dùng cá nhân đối với hàng hóa và dịch vụ giảm đáng kể, nhất là chi tiêu mua sắm ô tô giảm đột ngột. Ông cũng cho biết tình hình của khu vực kinh doanh cũng không sáng sủa. Và khủng hoảng kinh tế, suy thoái đã xảy ra ở Mỹ và không còn chỉ giới hạn ở khu vực tài chính.
Tình hình của các nước châu Âu, Châu Mỹ Latin cũng vậy. Cuộc khủng hoảng đã lan ra các nền kinh tế mới nổi và có ảnh hưởng hết sức nặng nề. Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng mạnh với gần 100 ngàn nhà máy bị đóng cửa và chính phủ đã phải đưa ra gói kích thích khổng lồ và dự đoán tăng trưởng năm 2008 chỉ còn ở mức 9,4%, dự báo cho 2009 chỉ còn 7,5%. Các thị trường mới nổi bị ảnh hưởng nặng, nhất là các nước dựa nhiều vào xuất khẩu và mở cửa thị trường tài chính ngân hàng. Tại một số trong các nước này nợ quốc gia dài hạn có thể vẫn ở mức không lớn (thí dụ dưới 33% GDP), tuy nhiên khu vực tư nhân mà chủ yếu là khu vực doanh nghiệp lại có nợ ngắn hạn bằng ngoại tệ khá lớn (phần nhiều do các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại đó tài trợ).
Hình 9: Nợ ngoại hối của khu vực tư nhân (tính bằng % của GDP) năm 1995 và 2007 Nguồn:Independent Strategy
Hình 10: Nợ của doanh nghiệp (% của nợ khu vực tư nhân) năm 1995 và 2007 Nguồn:Independent Strategy
Nợ bằng ngoại hối ngắn hạn của khu vực tư nhân trong đó có các doanh nghiệp là vấn đề gay gắt tại các thị trường mới nổi. Ngay cả các nước đã chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng 1997-1998 cũng lại vấp phải cùng các lỗi lầm và không để ý đến các khoản vay này một cách đúng mức. Các ngân hàng (phần nhiều thuộc sở hữu nước ngoài) ở các nước này đã cho vay ngắn hạn cho dân cư (tiêu dùng, thẻ tín dụng, mua xe hơi) và doanh nghiệp (vay thương mại) quá lớn. Các ngân hàng cho vay dễ dãi một phần do lãi suất ở các thị trường mới nổi cao hơn ở chính quốc, họ vay trên thị trường quốc tế và cho vay tại các thị trường mới nổi. Nợ ngắn hạn như vậy tại Hàn Quốc cỡ 400 tỷ USD. Khi khủng hoảng xảy ra, thanh khoản khô cạn, các ngân hàng rút tiền về nước, các khoản vay ngắn hạn mới không còn, việc gia hạn các khoản cũ không thể tiến hành và đó là nguyên nhân chính khiến đồng nội tệ của các nước này mất giá mạnh, ngân
hàng trung ương muốn cứu đồng nội tệ phải dùng dự trữ ngoại hối song khoản dự trữ lại hạn hẹp. Hệ thống ngân hàng lâm vào khó khăn và nhiều nước đã phải vay khẩn cấp IMF để ứng cứu như Ukraina (16,4 tỷ USD), Hungary (15,7 tỷ USD), nhiều nước đã ký các thỏa thuận hoán đổi với Cục dự trữ Liên Bang Hoa Kỳ để có thể vay USD khi cần thiết (Hàn Quốc, Singapore, Brazil, Mexico).
4.2. Ảnh hưởng đến Việt Nam
Giả như không có khủng hoảng tài chính toàn cầu thì nền kinh tế Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những khó khăn to lớn: những bất ổn kinh tế vĩ mô (lạm phát cao, thâm hụt cán cân thương mại lớn, thâm hụt ngân sách lớn, đầu tư công kém hiệu quả, …). Thêm vào những khó khăn nội tại của nền kinh tế, khủng hoảng tài chính toàn cầu làm cho tình hình trầm trọng thêm, nhưng cũng tạo ra những cơ hội mà các thách thức ấy buộc chúng ta phải đứng trước lựa chọn quyết định: tiếp tục cải cách để có sự phát triển bền vững hay để cho những khó khăn kéo chúng ta lùi lại.
Việt Nam có nền kinh tế rất mở (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ~ 1,5 lần GDP) nên chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này.
Trước tiên là ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Các thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản là các nước nhập khẩu nhiều của Việt Nam. Tiêu dùng của họ chậm lại, các nhà nhập khẩu khó tiếp cận đến tín dụng và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của ta. Tuy các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng (quần áo, dày dép, hải sản, …) và chúng có độ co dãn với thu nhập không cao, thậm chí khi khó khăn người ta thường thay các mặt hàng cao cấp bằng mặt hàng rẻ hơn như các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (và nếu điều đó là đúng thì có thể gợi ý nhiều ý tưởng cho các nhà xuất khẩu Việt Nam nên làm gì), nhưng ảnh hưởng đến xuất khẩu đã có thể cảm nhận được qua số liệu thống kê:
0 1000 2000 3000 4000 5000 6000 7000
T.7 T.8 T.9 T.10 T.11
M$
Hình 11: Xuất khẩu tháng 7, 8, 9, 10 và 11 (triệu USD)
Cần phân rõ sự giảm sút này có bao nhiêu phần là do giảm giá chung gây ra, bao nhiêu phần là do sự giảm sút về lượng hàng hóa xuất khẩu gây ra. Theo tổng cục thống kê, về xuất khẩu tháng 11-2008, hàng dệt may giữ được kim ngạch 780 triệu USD, giầy dép tăng nhẹ từ 396 lên 400 triệu USD, đồ gỗ tăng từ 254 triệu USD tháng 10 trước lên 260 triệu USD; cao su từ 152 lên 161 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu giảm là dầu, than, gạo.
Dường như các số liệu này củng cố cho nhận định của chúng tôi rằng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, rẻ (trừ dầu, than và gạo do ảnh hưởng lớn của giá thế giới) có độ co dãn thấp (tại các nước Nhật, EU và Mỹ) đối với thu nhập của người tiêu dùng và có thể có lợi thế nào đó đối với hiệu ứng thay thế (khi thu nhập giảm người tiêu dùng thay hàng cao cấp bằng hàng thấp cấp hơn và rẻ hơn), và nếu điều đó đúng (cần theo dõi tiếp) thì có thể là gợi ý tốt để các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó hiệu quả hơn với khủng hoảng.
Cần thu thập thêm dữ liệu và nghiên cứu tiếp ảnh hưởng tới xuất khẩu.
Trong mọi trường hợp, sự giảm sút là có thể cảm nhận được, đo lường được. Có lẽ tình hình xuất khẩu của chúng ta trong các tháng tiếp theo và đầu năm 2009 cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi sự năng động hơn nữa của các doanh nghiệp xuất khẩu. Các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc, cũng sẽ gặp khó khăn trong xuất khẩu và các nước này lại luôn xuất siêu sang chúng ta, rất có thể họ sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam và có thể làm cho cán cân thương mại của chúng ta xấu đi hơn nữa nếu không có cách ứng phó khôn khéo. Sau vài
tháng giảm, nhập khẩu đã tăng trở lại, tháng 10 giá trị nhập khẩu 5,8 tỷ USD so với 5,51 tỷ USD của tháng 9; liệu đây có phải là dấu hiệu xấu mà ta vừa nói đến?
Ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng tài chính. May là các ngân hàng của chúng ta chưa học được “các sản phẩm tiên tiến”, chưa tiến hành nhiều việc mua bán hay đầu tư vào các sản phẩm phái sinh trên thị trường thế giới nên ít bị dính trực tiếp vào cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, các ngân hàng và doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tiếp cận đến nguồn vốn thương mại quốc tế hơn, nếu có tiếp cận được thì phải chịu các điều kiện khắt khe hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của diễn biến tình hình thế giới. Bong bóng chứng khoán và nhà đất ở ta đã xẹp, nhưng cuối năm 2008, quý 1 và nửa đầu 2009 nhiều khoản vay nhà đất sẽ đến hạn hay đến hạn điều chỉnh lãi suất. Chắc chắn lượng nợ quá hạn và nợ xấu của khu vực ngân hàng sẽ tăng lên và cần phải có các phương án ứng phó kịp thời từ bây giờ.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu chắc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến FDI trong các tháng cuối năm và năm 2009. Nói đến FDI chúng ta chỉ nói đến vốn thực hiện, con số đăng ký dẫu có mang lại cho chúng ta niềm hứng khởi song thực ra không có mấy ý nghĩa. Không có nhà đầu tư nước ngoài nào không dùng vốn vay để đầu tư, sự co lại của tín dụng chắc chắn ảnh hưởng lớn đến họ. Hậu quả hiển nhiên là họ phải dãn tiến độ thực hiện, thậm chí hủy bỏ dự án. Vì thế tiến độ giải ngân thực hiện các dự án đầu tư đã và sẽ đăng ký có thể bị ảnh hưởng nặng. Song trong thời gian vừa qua có quá nhiều dự án có thể có tác động lan tỏa xấu đối với nền kinh tế (tiêu dùng quá nhiều năng lượng, gây ô nhiễm, chèn ép khu vực doanh nghiệp trong nước) và nếu vì khủng hoảng các dự án này có bị bỏ hay phải xem xét lại, thì là điều cũng không tồi cho nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra cũng cần tính đến những ảnh hưởng khác đối với nền kinh tế Việt Nam.
4.3. Bài học
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho chúng ta nhiều bài học (và do khủng hoảng đang diễn tiến cần tiếp tục theo dõi và rút ra các bài học khác nữa).
• Phải tăng cường kiểm soát (song không có nghĩa là thắt chặt) hệ thống tài chính tiền tệ, tăng cường năng lực của các cơ quan điều tiết tiền tệ và tài chính.
• Giám sát chặt tăng cung tiền và tăng tín dụng.
• Giám sát chặt việc dùng đòn bẩy tài chính.
• Học tập kỹ thuật phòng ngừa và trải rủi ro (song phải tránh lạm dụng).
• Hệ thống tiền tệ tài chính quốc tế sẽ có thay đổi lớn, chúng ta phải sẵn sàng để thích ứng.
• Khuyến khích các doanh nghiệp tự cứu mình (bằng cách hợp tác, mở rộng thị trường mới, chú trọng đến thị trường nội địa, tiết kiệm chi phí và nhà nước có các biện pháp hỗ trợ [tiếp cận tín dụng, hỗ trợ lãi suất, cung cấp thông tin, …]).
• Tình hình lạm phát đã được cải thiện. CPI tháng 9 (so với tháng 8) còn 0,18% và sang tháng 10 (so với tháng 9) là -0,19%, tháng 11 CPI giảm tiếp 0,67%. Bản thân khủng hoảng làm cho lạm phát dịu đi (đối với khu vực mới nổi ở Châu Á có thể giảm đến 2%), giá có xu hướng giảm13: dầu xuống dưới 50 USD/thùng, giá lương thực giảm, giá sắt thép giảm, …cũng tạo điều kiện cho sản xuất và tiêu dùng. Tháng 10 chúng tôi đề xuất “có lẽ đã đến lúc phải nghĩ tới kích cầu”. Mới đây Thủ tướng chính phủ đã khẳng định phải kích cầu: khi nền kinh tế phát triển chậm lại thì là lúc nên kích thích và khi nó tăng trưởng khá trở lại thì phải thôi kích thích (lỗi vừa qua là chúng ta đã “kích cầu” quá lâu). Tuy nhiên, nếu kích cầu được làm theo lối cũ, tức là tăng chi tiêu và đầu tư công, tăng đầu tư của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước, thì sẽ rất nguy hiểm.
Vẫn phải cắt giảm chi tiêu công và đầu tư công kém hiệu quả, dùng số tiền thực cắt đó hỗ trợ cho khu vực dân doanh, khu vực năng động tạo nhiều công ăn việc làm. Tăng chi tiêu công cho các dự án có hiệu quả, sắp kết thúc. Nói cách khác là phân bổ lại nguồn vốn cho khu vực hiệu quả nhất, giảm thâm hụt ngân sách, giảm thâm hụt cán cân thương mại, khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô. Gói kích
13 Xem, IMF, World Economic Outlook 2008, October, 8, 2008
cầu khoảng 100 ngàn tỷ đồng do chính phủ công bố gữa thánh 12 nếu được làm theo hướng đó, tạo cơ sở cho những cải cách sâu rộng thì sẽ tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới của Việt Nam. Ngược lại nếu làm như cũ (mà chủ yếu là ưu ái cho các doanh nghiệp nhà nước, chi vào các dự án không hiệu quả) thì sẽ là tai họa.
• Khủng hoảng sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của những người nghèo, cần tiếp tục các biện pháp giúp họ vượt khó khăn để tự đứng dậy và cải thiện cuộc sống của mình.
Tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu còn đang diễn ra và có diễn biến phức tạp. Cần tỉnh táo theo dõi và cập nhật thông tin kịp thời, vạch ra nhiều kịch bản ứng phó và cập nhật, sửa đổi các kịch bản đó. Chuẩn bị càng tốt thì hậu quả có thể càng nhỏ14. Lợi dụng khủng hoảng để tiến hành cải cách triệt để, nhất là cải cách khu vực kinh tế nhà nước, để làm những người việc mà lúc bình thường rất khó làm, để biến các thách thức thành cơ hội. Đấy là cách ứng phó tích cực, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Ngược lại thì chúng ta rất dễ bị những khó khăn nội tại và những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu này đẩy vào trì trệ. Phải có sự dũng cảm chính trị để lựa chọn và những người có quyền quyết định phải chịu trách nhiệm trước đất nước, dân tộc và lịch sử về các quyết định chính trị của mình.
14 Các doanh nghiệp, nhất là các tổ chức ngân hàng tài chính có thể học một số kỹ năng quản trị khủng hoảng trong cuốn D. Barton, R. Newell, G. Wilson, Dangerous Markets: Managing in financial crisis, John Wiley & Sons, 2003.
DIỄN TIẾN KHỦNG HOẢNG 1.1 Diễn tiến từ 14-9 đến 24-10-2008
Tuần lễ từ 14 đến 20-9-2008 đã chứng kiến sự rối loạn chưa từng có trên thị trường tài chính thế giới.
Ngày 14-9 Merill Lynch, ngân hàng đầu tư có gần 100 năm lịch sử, 60 ngàn nhân viên, quản lý tổng tài sản 1,6 ngàn tỷ USD, đã bị Bank of America thâu tóm tránh được sự phá sản.
Ngày 15-9-2008, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư của Mỹ, Lehman Brothers có 158 năm lịch sử, có vốn cổ phần khoảng 28 tỷ USD, có 26 ngàn nhân viên, quản lý lượng tài sản 600 tỷ USD, đã chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Sự sụp đổ và nguy cơ sụp đổ của nhiều công ty tài chính Mỹ đã làm cho thị trường chứng khoán Mỹ lại trải qua một ngày thứ hai đen tối với sự sụt giảm 504 điểm (hơn 4%) và đã khiến các thị trường chứng khoán châu Âu và châu Á cũng giảm sút khoảng từ 3-5% trong một ngày (VN-index ngày 16-9 giảm 20,81 điểm, 4,36% cũng ở mức tương tự [do lệch thời gian nên diễn biến ở châu Á và châu Âu được tính cho giao dịch ngày hôm sau, 16-9]).
Ngày 16-9-2008: buổi sáng thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm, nhưng đến chiều phục hồi lại và tăng 140 điểm khi đóng cửa do tác động của quyết định không thay đổi lãi suất của FED (ngân hàng trung ương Mỹ). Thị trường chứng khoán châu Á phục hồi chút ít, thị trường châu Âu vẫn giảm sút.
Chiều thứ ba ngân hàng Anh Barclays thỏa thuận mua một số bộ phận của Lehman Brothers có giá trị khoảng 2 tỷ USD. Tối thứ ba (sáng thứ tư theo giờ Việt Nam) FED thông báo khoản vay 85 tỷ USD (đổi lại 79,9% cổ phần) để cứu AIG, công ty bảo hiểm lớn nhất Mỹ và thế giới, được thành lập từ 1919 tại Thượng Hải sau chuyển sang Mỹ và có tài sản 1,1 ngàn tỷ USD, 74 triệu khách hàng ở 130 nước trên thế giới và 116 ngàn nhân viên, khỏi bờ vực phá sản. Ngày 16-9 thị trường Nga ngừng giao dịch 1 giờ.
Ngày 17-9-2008, thị trường Mỹ tiếp tục tuột dốc, chỉ số Dow Jones mất thêm 449 điểm (4%) bất chấp (hay chính vì) thông báo cứu trợ AIG tối hôm trước. Sự hoảng loạn không dịu đi. Cổ phiếu của các ngân hàng đầu tư lớn như Goldman Sachs và Morgan Stanley giảm mạnh. Tại Singapore hàng trăm người mua bảo hiểm của AIG tại Singapore (mà công ty con ở châu Á gọi là AIA) đã