Chương 2: Phương tiện dạy học
4. Lựa chọn phương tiện dạy học
4.1 Các yếu tố ảnh hưởng đến lựa việc lựa chọn phương tiện dạy học Trước khi tiến hành lựa chọn phương tiện dạy học, chúng ta phải tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn đó.
- Phương pháp dạy học
Phương pháp dạy học là một yếu tố quan trọng luôn được xem xét khi lựa chọn phương tiện dạy học, mỗi loại PTDH thích hợp cho từng loại phương pháp dạy học khác nhau.
- Nhiệm vụ học tập
Tuỳ theo nhiệm vụ học tập của học sinh, thầy giáo phải áp dụng phương pháp dạy học thích hợp. Khi dạy các vấn đề thuộc các lĩnh vực kỹ năng thực hành rất cần các phương tiện như vật thật, luyện tập tương tự hay trò chơi.
- Đặc tính của người học
Cùng một nội dung hoc tập, giáo viên áp dụng cùng một phương pháp dạy học nhưng kết quả thu được khi dạy học sinh lại khác nhau có học sinh tiếp thu nhanh, có học sinh tiếp thu chậm do đặc tính của người học
- Sự cản trở thực tế
Hiện trạng thực tế nhà trường cả về hành chính và kinh tế là một yếu tố cản trở lớn đến việc sử dụng PTDH. Có nhiều loại PTDH hiện đại có hiệu quả cao trong dạy học nhưng không phải trường nào cũng đủ khả năng tài chính và tổ chức để trang bị đầy đủ. Vì vậy cần phải căn cứ vào thực tế nhà trường mà lựa chọn loại PTDH thích hợp và phải xem xét đến các yếu tố khác có liên quan.
- Thái độ và kỹ năng của thầy giáo
Đây là một yếu tố rất quan trọng. Trong nhiều phương pháp dạy học, người thầy giáo chỉ đóng vai trò hướng dẫn, nhưng dù thế nào vai trò của người thầy giáo vẫn có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả cuối cùng của quá trình dạy học. Nếu người thầy không say sưa với công việc, không toàn tâm toàn ý vào việc chuẩn bị bài giảng trước khi lên lớp và trong lúc giảng bài thì dù phương tiện dạy học có hiện đại và phù hợp với nội dung bài học và học sinh đến đâu thì hiệu quả sử dụng PTDH cũng rất thấp.
- Không gian, ánh sáng và cơ sở vật chất của lớp học
Các yếu tố này cũng có ảnh hưởng đến việc phát huy tác dụng của PTDH.
Vậy người thiết kế bài giảng và thầy giáo phải tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng trên và xuất phát từ thực tế của nhà trường mà lựa chọn các loại PTDH thích hợp nhất cho mình mới đảm bảo hiệu quả sử dụng cao. Chúng ta phải luôn
nhớ rằng việc lựa chọn PTDH là một phần việc trong sự tiếp cận hệ thống của quá trình dạy học.
4.2 Các yêu cầu đối với phương tiện dạy học
Để đánh giá chất lượng của các loại phương tiện dạy học đã được chế tạo phải căn cứ vào tính chất sau:
- Tính khoa học sư phạm
PTDH phải đảm bảo học sinh tiếp thu được các kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp tương xứng với chương trình học, giúp cho thầy giáo truyền đạt cho học sinh các kiến thức phức tạp, kĩ xảo tay nghề một cách thuận lợi, làm cho họ phát triển khả năng nhận thức và tư duy logíc
Nội dung và cấu tạo của PTDH phải đảm bảo các đặc trưng của việc dạy lý thuyết, thực hành và các nguyên lý sư phạm cơ bản.
PTDH phải phù hợp với nhiệm vụ sư phạm và phương pháp giảng dạy, thúc đẩy khả năng tiếp thu của học sinh.
Các PTDH tập hợp thành bộ phải có mối liên hệ chặt chẽ về nội dung, bố cục và hình thức trong đó mỗi loại trong một bộ phải có vai trò và chỗ đứng riêng.
PTDH phải thúc đẩy việc sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại và các hình thái tổ chức dạy học tiên tiến. Thực tế đã chứng tỏ, do sự ra đời của một số phương tiện dạy học mới mà cơ cấu tổ chức của nhà trường và phương pháp dạy học có nhiều thay đổi.
- Tính đúng đắn
PTDH dùng để biểu diễn trước học sinh phải đủ lớn để học sinh ở hành ghế cuối lớp cũng nhìn thấy. Các phương tiện dùng cho cá nhân không chiếm nhiều chỗ trên bàn học.
PTDH phải phù hợp với tâm sinh lý của học sinh và thầy giáo.
Mầu sắc cũng có tác dụng thông tin. Mầu sắc của phương tiện phải hài hoà, không làm mỏi mắt hay làm cho học sinh khó phân biệt các chi tiết. Tốt nhất mầu sắc của phương tiện phải gần giống như thật.
PTDH phải đảm bảo tất cả các yêu cầu của kỹ thuật an toàn và khi sử dụng không được gây độc hại hay nguy hiểm cho thầy và trò.
- Tính thẩm mỹ
Vì được dùng để biểu diễn trước đám đông hay được dùng cho cá nhân trong một thời gian dài, PTDH phải có tính thẩm mỹ cao và tỉ lệ giữa các đường nét, hình khối phải cân xứng, hài hoà giống như các công trình nghệ thuật. PTDH phải làm cho thầy giáo và học sinh thích thú khi sử dụng, kích thích tính yêu nghề, yêu môn học, tạo cho họ nâng cao sự cảm thụ, chân, thiện, mỹ.
- Tính khoa học kỹ thuật
Chất lượng vật liệu dùng để chế tạo PTDH phải đảm bảo tuổi thọ cao và độ bền chắc.
PTDH phải thể hiện các thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật.
PTDH phải có kết cấu thuận lợi cho việc bảo quản và chuyên chở.
- Tính kinh tế
Nội dung và đặc tính kết cấu của PTDH phải sao cho số lượng ít, chi phí tài chính nhỏ nhất mà vẫn đảm bảo hiệu quả sử dụng cao nhất.
PTDH phải bền chắc và chi phí bảo quản thấp.