Năm 2021 diễn ra với những vấn đề không thực sự thuận lợi khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngày càng phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới như Delta đã càn quét gần như mọi quốc gia trên thế giới. Toàn bộ chuỗi cung ứng trên thế giới bị đình trệ, những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng như vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường không, đường bộ và đường biển đều vận hành dưới công suất. Tuy nhiên, những tác động này không kéo lùi được đà tăng giá của giá
dầu, thị trường xăng dầu thế giới với xu hướng tăng trong cả năm 2021 .Giá dầu thế giới năm 2021 đã tăng 50% so với năm 2020.
Năm 2021 chứng kiến sự biến động của giá dầu ở mức thấp hơn so với năm 2020 với giá dầu dao động trong khoảng 47 (mức thấp nhất) đến 86 (mức cao nhất), không giống như năm 2020, chứng kiến sự biến động giá mạnh từ -37 đến 63 đối với giá dầu thô WTI, và từ 19 đến 69 đối với Brent.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/10/2021, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Hoa Kỳ tăng 1,5%, lên 80,52 USD/thùng, trong khi đó, giá dầu thô Brent cũng tăng 1,5%, lên 83,65 USD/thùng. Đến phiên giao dịch ngày 12/10/2021, giá dầu thô Brent giảm hơn 0,4%, xuống còn gần 83,3 USD/thùng, sau khi đạt mức cao 84,23 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ WTI lại tăng 0,02%, lên 80,54 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất của dầu WTI trong 7 năm qua. Theo tính toán, giá dầu thô Brent đã tăng trong 5 tuần, còn giá dầu WTI đã tăng 7 tuần liên tiếp. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nhu cầu xăng dầu tăng cao trong khi nguồn cung khan hiếm đã dẫn tới những tác động tiêu cực về kinh tế, đặc biệt là thị trường tiêu dùng trên toàn cầu. Tại Hoa
Kỳ, giá xăng tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua, khoảng 3,39 USD/gallon (3,79 lít). Tại Anh, nhiên liệu này cũng chạm mức cao kỷ lục vào cuối tuần qua, lên tới 142,94 xu/lít, vượt qua kỷ lục trước đó là 142,48 xu/lít. Điều này cho thấy áp lực tài chính đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp ở Anh tăng chưa từng có.
Tại Ấn Độ, giá xăng và dầu diesel hiện là 107,24 INR/lít và 95,97 INR/lít, đây là mức cao kỷ lục so với hồi tháng 5/2021.
Nguyên nhân làm giá dầu tăng lên mức cao kỷ lục là do tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu và châu Á thúc đẩy một số quốc gia chuyển sản xuất điện từ khí đốt sang dầu diesel và dầu mỏ, dẫn đến nhu cầu dầu thô tăng mạnh, kéo theo sự tăng giá dầu và khí đốt trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác ngoài khối (OPEC +) tiếp tục duy trì mức tăng thêm 400 nghìn thùng/ngày, bất chấp việc Hoa Kỳ và Ấn Độ kêu gọi tăng nguồn cung sau khi giá dầu tăng hơn 50% trong năm 2021. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới tăng còn bởi ảnh hưởng từ yếu tố mùa vụ "tự nhiên". Khi mùa đông, nhu cầu dầu mỏ và khí đốt thường tăng cao, dẫn tới giá các nguyên liệu này cũng tăng theo.
Chốt năm 2021, WTI ở mức 75,21 USD/thùng, tăng 55% trong năm, mức tăng cao nhất kể từ năm 2009. Trong khi đó Brent chốt ở mức 77,85 USD/thùng, tăng 51% trong năm và có mức tăng lớn nhất của Brent kể từ năm 2016.
Mức tồn kho dầu theo dữ liệu mới nhất về tồn kho dầu của OECD ở mức cao hơn 200 triệu thùng so với mức trung bình của 5 năm qua vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây nhất về dự trữ dầu của OECD năm nay ở mức thấp hơn 207 triệu thùng so với trung bình 5 năm qua và điều này sẽ bù trừ cho việc tiếp tục hứng chịu hậu quả của đại dịch và tăng cường các dấu hiệu phục hồi nhu cầu dầu.
Điều này có nghĩa là năm 2021 đã chứng kiến sự gia tăng khoảng 407 triệu thùng trong kho dự trữ dầu, đây là một con số khổng lồ cho thấy các nhà sản xuất OPEC + đã thành công trong việc giữ chặt thị trường nhưng không gây thiếu hụt nguồn cung dầu.