III. CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN MỤC TIÊU
3.1. Biện pháp quản lý
3.1.6. Các biện pháp khác
Giấy phép nhập khẩu được xác định như là các thủ tục hành chính được sử dụng để thực hiện chế độ cấp phép nhập khẩu, đòi hỏi đệ trình đơn hay các tài liệu khác (không liên quan tới mục đích hải quan) tới các cơ quan hành chính thích hợp là điều kiện tiên quyết để được phép nhập khẩu. Tuy nhiên, thủ tục hành chính để thực hiện chế độ cấp phép không được bóp méo thương mại do sử dụng không thích hợp các thủ tục đó. Các qui tắc đối với thủ tục cấp phép nhập khẩu phải được áp dụng trung lập và được quản lý theo một cách thức công bằng và hợp lý.
Mặt khác, cần phải công khai các thông tin liên quan tới thủ tục nộp đơn, tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, cơ quan tiếp nhận, danh sách các sản phẩm đòi hỏi giấy phép trong thời hạn 21 ngày trước khi chúng có hiệu lực. Người nộp đơn chỉ cần tiếp cận tới một cơ quan hành chính. Trường hợp đặc biệt không được quá ba cơ quan.
Nhà nhập khẩu hàng cần giấy phép có thể tiếp cận ngoại tệ cần thiết trên cùng một cơ sở với hàng nhập khẩu không cần giấy phép.
Cấp phép nhập khẩu tự động: khi tất cả đơn đều được chấp thuận, không hạn chế khối lượng nhập khẩu trong phạm vi điều chỉnh, không đặt ra hạn chế với nhà nhập khẩu, được chấp thuận trong vòng 10 ngày.
Cấp phép nhập khẩu không tự động: là thủ tục cấp phép không phải là cấp phép tự động. Cấp phép không tự động không được gây ra hạn chế hay bóp méo thương mại hơn mức các điều kiện do yêu cầu cấp phép đặt ra. Các thủ tục cấp phép không tự động cần phải tương ứng về phạm vi và thời hạn với biện pháp mà chúng được sử dụng để thực hiện, và sẽ không đặt ra những gánh nặng hành chính hơn mức cần thiết để quản lý biện pháp đó. Trong trường hợp đòi hỏi cấp phép không vì mục đích quản lý số lượng, các thành viên phải công bố đầy đủ thông tin về cơ sở để cấp phép.
b. Biện pháp chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu
Mỹ áp dụng việc áp thuế chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước có nền kinh tế phi thị trường. Luật mới này có một số ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ.
Theo trang web của tổ chức tư vấn luật Mayer Brown, ngày 13-3, dự luật cho phép chính phủ Mỹ áp dụng thuế chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước có nền kinh tế phi thị trường (NME) đã được Tổng thống Mỹ Obama ký để trở thành luật.Tháng 12-2011, liên quan đến việc áp thuế chống trợ cấp đối với lốp xe ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc, Toà phúc thẩm liên bang Mỹ ra phán quyết rằng luật hiện hành của Mỹ không cho phép áp dụng thuế chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước NME. Phán quyết này đã vô hiệu hoá hàng chục yêu cầu cũng như các cuộc điều tra chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Theo một đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), luật mới này chính thức cho phép Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu từ nền kinh tế phi thị trường. Theo đó, khi luật này có hiệu lực, sẽ không có tranh chấp về việc liệu Mỹ có được áp thuế chống trợ cấp lên hàng hoá nhập khẩu từ các nước NME hay không. Và, các nước cũng không thể phản đối và kiện lên toà án
Mỹ với lý do rằng luật pháp nước này không cho phép áp thuế chống trợ cấp đối với NME. Còn về việc liệu luật này có làm tăng nguy cơ bị kiện chống trợ cấp của Mỹ lên hàng hoá của Việt Nam hay không, thì vị đại diện này cho rằng nguy cơ bấy lâu đã cao rồi, và vẫn như thế khi luật này có hiệu lực. Trên thực tế, trước đây, dù chưa có quy định mới, thì túi nhựa PE của Việt Nam vẫn bị Mỹ áp thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá vào tháng 5-2010.
Tuy nhiên, luật mới này cũng có một quy định được đánh giá là tích cực. Đó là, trước đây, đối với hàng hoá bị áp đồng thời thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá, thì doanh nghiệp xuất khẩu xem như bị đánh hai lần thuế chống trợ cấp. Lý do là, bản thân trong thuế chống bán phá giá áp dụng cho các nước NME đã có xử lý luôn vấn đề trợ cấp.
Với luật mới, Bộ Thương mại Mỹ sẽ bù trừ để tránh việc đánh hai lần thuế chống trợ cấp. Theo đó, đối với các vụ việc bị áp đồng thời thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá trong tương lai, luật mới có thể giúp giảm đáng kể tổng thuế suất của thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá cho Việt Nam. Tuy nhiên, theo đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh, để tránh bị đánh thuế hai lần, doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu thêm gánh nặng là làm sao chứng minh được những khoản nào bị đánh thuế hai lần và tính toán được mức thuế bị tính hai lần đó.
c. Luật thuế bù giá
Luật thuế bù giá quy định một khoản bồi thường dưới dạng thuế nhập khẩu phụ thu để bù vào phần trợ giá của sản phẩm nước ngoài, mà việc bán sản phẩm đó ở Mỹ gây thiệt hại các nhà sản xuất những hàng hoá giống hoặc tương tự của Mỹ. Trong hầu hết các trường hợp, phần trợ giá phải bù lại có thể do chính phủ nước ngoài trực tiếp trả, nhưng luật này cũng áp dụng đối với loại trợ giá gián tiếp bị phát hiện sau khi điều tra theo luật thuế bù giá.
Việc điều tra theo luật thuế bù giá thường được tiến hành do có đơn khiếu nại của các ngành công nghiệp trong nước trình lên Bộ Thương mại Mỹ và Ủy ban Thương mại Quốc tế, tuy nhiên Bộ Thương mại có thể tiến hành độc lập một luật thuế.
Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế đều có thể tiến hành điều tra. Bộ Thương mại điều tra để xác định xem có sự trợ giá "chịu thuế" trực tiếp hoặc gián tiếp ở nước hoặc lãnh thổ xuất xứ cho việc chế tạo, sản xuất hoặc xuất khẩu sản phẩm là đối tượng bị điều tra hay không.
Ðiều tra của Ủy ban Thương mại Quốc tế xác định xem việc khiếu nại của ngành công nghiệp Mỹ bị thiệt hại vật chất hoặc đe doạ thiệt hại vật chất, hoặc các cơ sở kinh doanh của một ngành có bị thiệt hại vật chất hay không do hàng nhập khẩu được trợ giá. "Thiệt hại vật chất" được định nghĩa trong luật không phải là những thiệt hại nhỏ, vô hình, hoặc không quan trọng. Ðể áp đặt thuế bù giá, bộ Thương mại phải xác định phần trợ giá chịu thuế bù giá và Ủy ban Thương mại Quốc tế phải tìm ra những thiệt hại. Luật thuế bù giá còn đề cập đến cả các loại "trợ giá ngược chiều" -- những hình thức trợ giá cho sản xuất các yếu tố đầu vào được tính vào sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang Mỹ.