Chương 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.4. Đề xuất một số giải pháp góp phần quản lý hiệu quả các trạng thái rừng phòng hộ đầu nguồn tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu của đề tài và kế thừa những kinh nghiệm trong và ngoài nước nhóm chúng tôi đã xây dựng một số giải pháp kỹ thuật, kinh tế và xã hội cho quản lý rừng đầu nguồn như sau.
4.4.1. Những giải pháp kỹ thuật cho quản lý rừng đầu nguồn
- Quản lý và bảo vệ tốt hiện trạng rừng tự nhiên hiện có, mở rộng diện tích rừng trồng với những loài cây đảm bảo chức năng phòng hộ.
Dung tích chứa nước của rừng trung bình là lớn nhất trong các trạng thái rừng nghiên cứu. Do vậy, cần duy trì diện tích rừng này nhằm phát huy vai trò giữ nước của rừng.
Quản lý và bảo vệ tốt trạng thái rừng phục hồi và rừng nghèo để các trạng thái này duy trì và nâng cao khả năng giữ nước.
Phát triển diện tích rừng trồng Thông và Trẩu trên những diện tích đất trống với mục đích phát triển kinhh tế cho người dân mà vẫn đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng.
- Duy trì lớp thực vật tầng thấp và thảm khô dưới rừng đầu nguồn Kết quả nghiên cứu trong đề tài này cho thấy khả năng giữ nước của rừng đầu nguồn phụ thuộc chủ yếu vào các tính chất của đất rừng. Đến 99%
dung tích chứa nước của rừng là dung tích chứa nước của đất. Duy trì khả năng giữ nước của rừng chủ yếu là duy trì các tính chất của đất quyết định đến dung tích và hệ số giữ nước của rừng như độ xốp và bề dày tầng đất.
Những tính chất này bị ảnh hưởng chủ yếu bởi quá trình xói mòn và rửa trôi.
Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất để hạn chế xói mòn và rửa trôi, duy trì khả
năng giữ nước của rừng là duy trì lớp thảm tươi cây bụi và lớp thảm khô dưới rừng.
Những kết quả nghiên cứu của đề tài này cũng phù hợp với các kết quả nghiên cứu về bảo vệ đất ở Việt Nam và thế giới. Tất cả đều đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của lớp thảm tươi cây bụi và thảm khô dưới rừng.
Trong trường hợp những cây nhỏ, cây bụi, thảm tươi và lớp thảm khô không bị thay đổi mạnh thì dù rừng có bị khai thác hầu hết cây lớn các tính chất thuỷ văn của rừng vẫn không thay đổi đáng kể, khả năng giữ nước của rừng vẫn được duy trì.
Vì vậy, ở những vùng đầu nguồn xung yếu mọi tác động của con người làm suy giảm lớp cây bụi thảm tươi và thảm khô dưới rừng đều phải được hạn chế đến mức tối đa, trong đó có hoạt động canh tác nương rẫy, hoạt động đốt trước để phòng cháy, hoạt động phát dọn thực vật chăm sóc rừng trồng, hoạt động đốt cỏ để chăn thả gia súc v.v...
- Duy trì tỷ lệ che phủ rừng thích hợp cho đầu nguồn
Theo nguyên tắc chung thì, phân bố của rừng càng đều thì càng có hiệu quả giảm lũ cao, tuy nhiên trong thực tế, để sử dụng đất hiệu quả người ta phải xác định những diện tích có rừng và những diện tích không có rừng. Nên ưu tiên phát triển rừng ở những nơi có nhu cầu giữ nước cao hơn, như trên đất dốc, những vùng đất ven các công trình cần bảo vệ như hồ đập, sông suối, những đỉnh núi cao v.v...
4.4.2. Những giải pháp KTXH cho quản lý rừng đầu nguồn - Quy hoạch diện tích rừng đầu nguồn
Quy hoạch rừng đầu nguồn là việc nghiên cứu bố trí diện tích rừng đầu nguồn và những biện pháp quản lý thích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu phòng hộ với khả năng đạt được lợi ích cao nhất cho người dân địa phương. Quy hoạch rừng đầu nguồn vừa định hướng trong sử dụng đất và rừng cho người dân địa
phương vừa là căn cứ pháp lý để quản lý rừng đầu nguồn ổn định và bền vững.
Các biện pháp quản lý đối với rừng đầu nguồn được xác định là hệ thống những biện pháp từ nuôi trồng, bảo vệ và khai thác các sản phẩm rừng đầu nguồn gồm cả sản phẩm gỗ và sản phẩm ngoài gỗ. Nguyên tắc chung để xây dựng các biện pháp quản lý rừng đầu nguồn là mang lại hiệu quả kinh tế cao trong khi không làm suy giảm dung tích chứa nước và hệ số giữ nước của rừng.
- Thúc đẩy quản lý rừng đầu nguồn trên cơ sở cộng đồng
Một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả của các biện pháp quản lý rừng đầu nguồn là thiếu sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Trong một số trường hợp quản lý rừng đầu nguồn, người dân địa phương còn bị tách ra khỏi rừng, thậm chí đối lập với rừng. Vì vậy, họ khai thác rừng bằng các hình thức khác nhau nhưng lại không quan tâm đến bảo vệ và phát triển rừng. Một số biện pháp thúc đẩy người dân tham gia quản lý rừng đầu nguồn được đề xuất: Hình thành những tổ chức và luật lệ cộng đồng về quản lý rừng đầu nguồn; Tăng cường lực lượng hướng dẫn và giám sát thực hiện quy hoạch quản lý rừng đầu nguồn; Kết hợp những giải pháp hỗ trợ kinh tế để khuyến khích với những giải pháp hành chính mang tính cưỡng chế cho quản lý rừng đầu nguồn
- Giáo dục nâng cao nhận thức và kiến thức liên quan đến quản lý rừng đầu nguồn
Một giải pháp hiệu quả cho quản lý rừng đầu nguồn sẽ là phát triển những chương trình giáo dục về quản lý rừng đầu nguồn cho người dân. Nâng cao nhận thức và kiến thức cộng đồng sẽ là giải pháp quan trọng để họ hiểu được sức mạnh và sự cần thiết của cộng đồng trong quản lý rừng đầu nguồn vì lợi ích của gia đình và xã hội.
- Hỗ trợ về tiền quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn từ các nguồn lợi do quản lý rừng đầu nguồn vùng cao.
Hiện nay, ngoài thu nhập không đáng kể từ tiền khoán bảo vệ, người dân hầu như không thu nhập được từ rừng đầu nguồn. Vì vậy, họ không quý rừng đầu nguồn và không quyết liệt đấu tranh với những hành vi phá hoại rừng đầu nguồn. Để thúc đẩy cộng đồng hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, ngoài việc hỗ trợ xây dựng những phương thức khai thác hợp lý các nguồn lợi từ rừng Nhà nước cần có chính sách huy động những nguồn hỗ trợ khác của xã hội. Hỗ trợ tiền cho bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn sẽ nâng cao thu nhập chính đáng của người dân từ hoạt động quản lý rừng đầu nguồn, giúp họ nhận thức đầy đủ hơn vai trò quản lý rừng đầu nguồn, gắn kết họ để nâng cao sức mạnh cộng đồng trong hoạt động quản lý rừng đầu nguồn.
KẾT LUẬN – TỒN TẠI VÀ KIẾN NGHỊ