2.5.1 Giá trị lịch sử
Văn nghệ dân gian của dân tộc Ê Đê là kho tàng văn hóa nhân loại, gìn giữ toàn bộ quá trình phát triển lịch sử của người Ê Đê. Nó mang dấu ấn một chặng đường lịch sử với những khó khăn và những thử thách của dân tộc Ê Đê. Những truyện cổ, những câu ca dao, điệu múa... là cả một quá trình lịch sử do con người sáng tạo ra, là cội nguồn lịch sử của dân tộc Ê Đê.
2.5.2 Giá trị nghệ thuật
Văn nghệ dân gian của dân tộc Ê Đê mang hình tượng nhân hóa, liên tưởng, ví von, ẩn dụ. Bên cạnh đó, dân tộc Ê Đê rất khéo léo trong việc lựa chọn ngôn ngữ một cách tinh tế, nhịp nhàng và có văn vần. Nghệ thuật trong truyện cổ, những câu làn điệu ca dao, dân ca... vô cùng độc đáo, phong phú. Qua đó, giúp cho mỗi người hiểu được ý nghĩa sâu xa cũng như răn dạy của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau.
2.5.3 Giá trị cấu kết cộng đồng
Trong mỗi truyện cổ, hay múa, ca dao, dân ca... của dân tộc Ê Đê, mỗi chúng ta đều thấy được một tinh thần cố kết cộng đồng một cách bền vững.
Những truyện cổ, lời ca, điệu múa... đều do tập thể cùng sáng tạo , cùng bồi để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Qua đó, ta thấy được một cộng đồng luôn gắn bó, đoàn kết với nhau để cùng nhau xây dựng một làng bản ấm no, hạnh phúc, một dân tộc hùng mạnh.
Nhờ có tinh thần cố kết cộng đồng dân tộc Ê Đê nói riêng và các dân tộc khác nói chung đã tạo nên một đất nước Việt Nam dũng cảm, vượt qua mọi khỏ khăn và thử thách của lịch sử.
3.Đánh giá và đề xuất biện pháp để quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị văn nghệ dân gian của tộc người Ê Đê
3.1 Đánh giá 3.1.1 Ưu điểm
Các giá trị văn nghệ dân gian rất phong phú và đa dạng. Nhiều loại hình còn giữ được nét đặc trưng truyền thống. Làm nên sự phong phú về bản sắc văn hóa của dân tộc Ê Đê nói riêng, của các dân tộc nói chung.
3.1.2 Nhược điểm
Nhiều giá trị văn nghệ dân gian đã bị tổn thất, có loại đã bị mai mọt hoàn toàn.
3.2 Biện pháp quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị văn nghệ dân gian của dân tộc Ê Đê
3.2.2 Phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo là điều kiện quan trọng để đảm bảo hiệu quả công tác giữ gìn và phát huy các giá trị của tộc người Ê Đê
Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, vấn đề phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và toàn bộ nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhằm tạo điều kiện, tiền đề cho văn hóa phát triển.
Có thể thấy rõ, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk là một quá trình khó khăn và lâu dài, nó không thể là sản phẩm chủ quan mà trước hết phải phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, vào tình hình
và điều kiện cụ thể của địa phương. Đến nay, Đắk Lắk vẫn là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, trình độ phát triển kinh tế thấp kém; kết cấu hạ tầng phức tạp; cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, còn nhiều bất cập; tổ chức quản lý bộ máy yếu; hiệu lực và hiệu quả thấp. Xen vào đó bệnh quan liêu tham nhũng, chủ nghĩa cơ hội có chiều hướng gia tăng,.. điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Ê Đê. Vì vậy, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo được khẳng định là cơ sở quan trọng hàng đầu để phát triển văn hóa.
Để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc Ê Đê. Nhà nước cần có chính sách đầu tư và quản lý đầu tư tốt hơn nữa để xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông; hỗ trợ vốn kỹ thuật và giống cây trồng, vật nuôi cho đồng bào phát triển kinh tế - xã hội để từng bước xóa đói giảm nghèo.
Nhà nước và chính quyền địa phương cần tăng cường cán bộ khoa học kỹ thuật, nhất là cán bộ biết tiếng dân tộc Ê Đê, đến từng bản làng hướng dẫn đồng bào một cách cụ thể, thậm chí cần phải “cầm tay chỉ việc” tránh tình trạng chỉ đạo chung chung. Điều quan trọng là tỉnh Đắk Lắk phải đẩy mạnh việc liên kết bốn nhà để làm tốt công tác bảo quản sản phẩm và có thị trường đầu tư cho sản phẩm, từng bước đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực cho đồng bào Ê Đê. Bên cạnh đó, trong các hoạt động văn hóa, thông tin nên lồng ghép nội dung tuyên truyền các mục tiêu và các hoạt động kinh tế - xã hội. Các cơ quan văn hóa cần kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hóa với tuyên truyền, phát triển kinh tế - xã hội để đồng bào dân tộc Ê Đê hiểu và hăng hái tham gia các hoạt động xây dựng văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của công việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Ê Đê.
3.2.3 Thực hiện chính sách ưu đãi dành cho nghệ nhân.
Nghệ nhân dân gian có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc gìn giữ và truyền bá giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Họ chính là những người “giữ lửa” và “tiếp lửa” cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của
địa phương, bởi chính họ là những người hiểu tâm tư, ước vọng, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào và dân tộc mình.
Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) quy định trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, áp dụng cụ thể với các trường hợp như: Có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (tại thời điểm ban hành Nghị định là 1.150.000 đồng) và nằm trong độ tuổi từ 55 tuổi trở lên đối với nữ và đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục của Bộ Y tế quy định. Mức áp dụng hỗ trợ là 700.000 đồng - 800.000 đồng và 1.000.000 đồng đối với từng đối tượng.
Bên cạnh đó, nghệ nhân còn được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế với mức đóng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo và hỗ trợ chi phí mai táng.
3.2.4 Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị văn nghệ dân gian của tộc người Ê Đê
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy văn nghệ dân gian.
Thông qua các hoạt động dạy và học, có thể lồng ghép các hoạt động giới thiệu, tham quan thực tế cho học sinh, sinh viên. Từ đó, góp phần vào việc giáo dục truyền thống và lòng tự hào dân tộc cho tầng lớp thanh niên. Hơn nữa, công tác giáo dục, tuyên truyền tốt sẽ tạo ra hiệu ứng vô cùng tốt đẹp trong việc quảng bá du lịch hay nói cách khác có thể coi đây là một cách thức marketting hiệu quả.
Chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch từ giá trị các di tích lịch sử - văn hóa có trên địa bàn các xã, thị trấn. Thông qua phát triển du lịch để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Đài Truyền thanh - Phát lại Truyền hình huyện xây dựng chuyên mục bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa phát trên Đài huyện và các đài truyền thanh xã, thị trấn.
3.2.5 Đẩy mạnh công tác giáo dục văn hóa, lịch sử văn hóa truyền thống, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk hiện nay
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với đường lối cải cách mở cửa, hội nhập với thế giới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thử thách lớn hơn cả về kinh tế, chính trị và văn hóa,... nhất là những mưu đồ phản động của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Bởi vậy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, đoàn kết cộng đồng càng phải phát huy hơn bao giờ hết, bởi vì “mất nước nhiều khi còn giành lại được. Nhưng để mất bản sắc văn hóa dân tộc sẽ là mất hết và mãi mãi.”
Để cộng đồng tộc người Ê Đê phát triển được trong quá trình toàn cầu hóa, một trong những vấn đề cần quan tâm hàng đầu là tăng cường giáo dục lịch sử văn hóa truyền thống, giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước là tình yêu đối với đất nước; là lòng trung thành với Tổ quốc; là có khát vọng, có hành động tích cực để phục vụ và đem lại nhiều lợi ích cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Ngày nay chủ nghĩa yêu nước với nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cùng với giáo dục chủ nghĩa yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc là giáo dục lòng nhân ái, tình cảm cộng đồng dân tộc để phát huy truyền thống dân tộc và giúp con người sống cân bằng trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập. Đồng thời, phải đặc biệt quan tâm giáo dục tính cần cù sáng tạo trong lao động và học tập cho đồng bào Ê Đê để đồng bào có thu nhập chính đáng và có nghề nghiệp chuyên môn vững vàng. Giáo dục tinh thần dân chủ và công bằng xã hội, đây là hạt nhân của định hướng xã hội chủ nghĩa trong lối sống mới, đạo đức mới.
Giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc có hiệu quả hay không tùy thuộc nhiều vào quá trình giáo dục và tự giáo dục trong các môi trường gia
đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình và nhà trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Giáo dục gia đình cần nhấn mạnh giáo dục lối sống tình nghĩa, tinh thần tương trợ đùm bọc lẫn nhau, thái độ chăm chỉ trong lao động, học tập và sinh hoạt; giáo dục lòng kính trọng và biết ơn tổ tiên, biết ơn các anh hùng dân tộc.
Cùng với giáo dục gia đình, giáo dục trong nhà trường cần phải nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về lịch sử dân tộc, về khoa học hiện đại; giáo dục lý tưởng, động cơ học tập và rèn luyện đúng đắn. Tất cả nhằm đào tạo những con người có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực và trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu sự nghiệp cách mạng.
Cần chú ý giáo dục lịch sử văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Ê Đê nói riêng. Đây là công việc truyền bá, chuyển giao những giá trị lịch sử của dân tộc cho thế hệ mai sau, làm cho những giá trị đó khắc sâu vào tiềm thức nhân dân, biến thành những tình cảm đẹp đẽ, niềm tin, động lực có ý nghĩa đối với sự phát triển hiện tại.
Cùng với công tác đẩy mạnh giáo dục là nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk
Nâng cao dân trí cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số hiện nay (trong đó có dân tộc Ê Đê), là một trong những vấn đề được tỉnh Đắk Lắk quan tâm hàng đầu. Bên cạnh trình độ kinh tế còn thấp kém, trình độ dân trí còn rất nhiều hạn chế, càng làm cho người dân ít nhận thức được ý nghĩa của các giá trị văn hóa, do đó bản thân họ cũng chưa có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Nâng cao trình độ dân trí nghĩa là mở mang trí óc của mỗi cộng đồng, dân tộc, là hoạt động khai trí cho nhân dân. Nâng cao trình độ dân trí không chỉ dừng lại ở trình độ học vấn mà còn là sự phổ biến kiến thức phổ thông về khoa học kỹ thuật; về toàn bộ thể chế chính trị - xã hội; về hiến pháp và pháp luật; về các chuẩn mực đạo đức và luân lý; về các quan điểm thẩm mỹ tiến bộ trong thưởng
thức nghệ thuật và trong sinh hoạt giao tiếp, về dân số và kế hoạch hóa gia đình;
về ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và nhân loại.
Cần phải tạo điều kiện hơn nữa về mọi mặt để con em các gia đình trong diện chính sách, con em là người dân tộc thiểu số, gia đình nghèo được học tập. Đặc biệt là con em ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và núi cao. Cần phải thực hiện tốt hơn chương trình xã hội hóa giáo dục, mở rộng nhiều loại hình trường bán công, dân lập, tư thục. Củng cố các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên về trình độ lý luận chuyên môn nghiệp vụ. Mô hình trường dân tộc nội trú và mô hình bán trú liên xã rất phù hợp với việc phát triển giáo dục ở vùng sâu vùng xa, do đó cần tiếp tục nâng cao cơ sở vật chất, bổ sung đội ngũ giáo viên để phát triển mạnh hơn nữa.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, cần triển khai thực hiện tốt mục tiêu phổ cập chương trình tin học cơ sở, không chỉ cho các trường trung tâm thị xã, thị trấn mà cần ưu tiên tới các trường con em dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong khu vực để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi trong giai đoạn mới. Tạo điều kiện cho các em tiếp cận dần với khoa học – công nghệ để từng bước giúp các em nâng cao trình độ, hiểu biết, theo kịp với xu thế chung của thời đại.
Đẩy mạnh công tác giáo dục và nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk làm cho đồng bào nhận thức được ý nghĩa của các giá trị văn hóa dân tộc, từ đó có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.