3. ĐÁNH GIÁ VÀ ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP ĐỂ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN NGHỆ DÂN GIAN CỦA TỘC NGƯỜI CHURU
3.3. Biện pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn nghệ dân gian Churu
Trong xã hội đương đại công nghiệp hoá – hiện đại hoá, văn hoá dân gian vẫn phải được bảo tồn và phát huy vì nó chính là “bộ gen của văn hoá dân tộc”, là “vườn ươm cho văn nghệ chuyên nghiệp, là sự giữ gìn cốt cách bền vững của dân tộc”. Do đó việc sưu tầm và nghiên cứu văn hoá dân gian chính là cách “biến di sản quá khứ thành tài sản hôm nay”.
Trước cơn lốc của kinh tế thị trường và sự hội nhập, khi thế hệ trẻ đang quay lưng với văn hóa truyền thống, cần tăng cường công tác sưu tầm, biên soạn, phổ biến văn hóa dân gian mà hiện đang mai một và còn rất ít già làng am hiểu và nhớ.
Văn nghệ dân gian là sinh khí, là bản sắc của người Churu, vì vậy cần sưu tập những tập truyện cổ, những bài ca dao… có giá trị hiện còn có thể tìm và lưu giữ tại các bảo tàng, nhà truyền thống…Có một bảo tàng riêng của người Churu hiện nay lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, đó chính là nhà thờ Ka Đơn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Nhà thờ hiện nay lưu giữ nhiều loại nhạc cụ cũng như di sản của người Churu ở Lâm Đồng.
Thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa ,văn nghệ; khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu văn nghệ dân gian; áp dụng các biện pháp cần thiết của chính quyền các cấp để bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền. Khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian...Khuyến khích việc duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của dân tộc Churu.
Cấp thiết cần phải khẩn trương sưu tầm, văn bản hóa, số hóa với những tài liệu đã sưu tầm được, đóng góp vào chương trình sử thi Tây Nguyên do Nhà nước đầu tư, từ năm 2002, đã sưu tầm được khoảng 200 tác phẩm sử thi và đã xuất bản được 100 tác phẩm. Đây là một thắng lợi bất ngờ, là một chương trình có ý nghĩa không chỉ giúp gìn giữ các giá trị văn hóa văn nghệ Churu nói riêng mà còn giúp lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào Tây Nguyên nói chung.
3.3.2. Khôi phục lại những giá trị văn nghệ dân gian đặc sắc
Công việc này đòi hỏi sự kì công của những nghệ nhân Churu - những người còn biết về các điệu múa, điệu hát, truyện cổ…để truyền lại cho các thế hệ trẻ, cùng với sự quan tâm và tạo điều kiện của các cấp và chính quyền địa phương. Cần ưu tiên khôi phục những loại hình văn hóa đã và đang mai một nhưng vẫn còn những người già làng biết đến và có khả năng khôi phục. Tiếp đó cần quan tâm và bảo tồn những loại hình văn hoá đang có nguy cơ bị mai một. Có thể lồng ghép việc giảng dạy văn nghệ như múa, hát… trong các trường học của dân tộc Churu.
Thời gian hợp lí là vào các giờ ngoại khóa, các giờ học lịch sử địa phương… Cần khuyến khích lớp trẻ học tập, tìm hiểu về văn nghệ dân tộc, đồng thời truyền dạy những hình thức văn nghệ dân gian cổ truyền.
3.3.3. Gìn giữ bảo tồn kết hợp với đào tạo
Cần tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học về văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, quy hoạch, dự án phát triển văn hoá.
Văn hóa và văn nghệ dân gian là do con người làm nên, tồn tại vì con người.
Vậy phải chủ động tìm mọi biện pháp trao nó lại cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cần phải tổ chức các trường lớp riêng hoặc đưa vào giảng dạy ở các trường lớp từ tiểu học, trung học, phổ thông của người Churu. Tất nhiên trình độ cao thấp, khối lượng nhiều ít, phải lệ thuộc vào mục tiêu đào tạo của các cấp. Nên ưu tiên mở các lớp học truyền dạy văn hóa cồng chiêng, dạy hát, dạy múa Churu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, khuyến khích hoạt động văn nghệ của các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục ưu tiên đào tạo và sử dụng hợp lý, hiệu quả lực lượng con em đồng bào dân tộc Churu đã tốt nghiệp các trường trung học, cao đẳng, đại học về công tác tuyên truyền và giảng dạy văn hóa văn nghệ Churu
Mở rộng và phát huy phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, mà yếu tố hạt nhân nòng cốt tạo dựng và hướng dẫn phong trào là các cán bộ văn hóa cơ sở được trang bị kiến thức và kỹ năng về âm nhạc dân tộc thiểu số.
3.3.4. Có chính sách hợp lí đối đãi với các nghệ nhân Churu
Cần tạo điều kiện và kinh tế tốt nhất cho những người đang cứu sống văn hóa văn nghệ Churu bởi họ chính là những người còn biết và có khả năng truyền lại các giá trị văn nghệ này cho thế hệ trẻ. Khi họ dành tình yêu và tâm huyết cho việc gìn giữ văn hóa dân tộc thì mới có thể toàn tâm nghiên cứu và phát huy hết các giá trị của văn nghệ dân gian cũng như truyền dạy tinh hoa văn nghệ Churu đến lớp trẻ.
Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống. Phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” cho các nghệ nhân có đóng góp to lớn trong lĩnh vực sáng tạo và lưu truyền văn hoá văn nghệ dân gian để tạo điều kiện cho cộng đồng tôn vinh họ, qua đó gián tiếp tôn vinh các giá trị văn hoá văn nghệ dân gian
3.3.5. Nâng cao nhận thức của người Churu trong việc bảo tồn giá trị văn nghệ dân tộc
Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa. Tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa tích cực truyền thống trong cuộc sống mới.
Xây dựng và thực hiện quy ước văn hóa trên cơ sở kết hợp những yếu tố truyền thống tốt đẹp. Tổ chức hình thức hoạt động văn hóa lành mạnh để thu hút nhân dân tham gia.
Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấm sâu, rộng vào cuộc sống, cần phát huy vai trò già làng để tăng cường điều hành xã hội bằng các luật tục tích cực, phù hợp và loại bỏ
những luật tục trái pháp luật; đồng thời tiếp thu có chọn lọc văn hóa tiên tiến của các dân tộc anh em.
3.3.6. Đầu tư cho văn nghệ dân gian hợp lí
Cần đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật như các câu lạc bộ tự tổ chức sinh hoạt nghệ thuật, đồng thời đào tạo những cán bộ cơ sở am hiểu về âm nhạc cổ truyền. Để duy trì và động viên phong trào, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức các liên hoan nghệ thuật cổ truyền các dân tộc từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh và TW, phát động các cuộc thi tài năng âm nhạc dân tộc, tôn vinh các nghệ nhân dân gian cùng những phần thưởng vật chất xứng đáng; động viên lớp trẻ tìm hiểu, học hỏi, rèn luyện âm nhạc của dân tộc mình. Tổ chức các hội thi, hội diễn, lễ hội văn hóa để bảo tồn và giới thiệu văn nghệ dân gian Churu tới bạn bè trong nước và thế giới.
Để bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, cần làm tốt công tác tuyên truyền, truyền thông, quảng bá âm nhạc dân tộc, mở câu lạc bộ dân ca nhạc cổ truyền…
Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc; cân đối phân bổ ngân sách thực hiện các dự án thuộc Chương trình. Có chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển văn hoá, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hoá và văn nghệ sĩ các dân tộc trong tỉnh; lồng ghép các chương trình đầu tư vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn vào việc hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hoá để nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá cho đồng bào dân tộc Churu.