1. Ưu, nhược điểm 1.1 Ưu điểm
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về
"xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"
và nay đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về "xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh kom tum nói chung và người Gier – Triêng nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.
Cùng với phát triển kinh tế nâng cao đời sống, người Gier – Triêng cũng rất có ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền và các đoàn thể địa phương, làng Gier – Triêng nào cũng có Nhà rông truyền thống làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Nhiều phong tục, tập quán và lễ hội tốt đẹp được bảo tồn ngay trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Ông Dương Tôn Bảo, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên, cho biết: "Trong nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Gier – Triêng vẫn còn giữ được rất nhiều phong tục tập quán tốt đẹp.
Tiêu biểu về nhạc cụ truyền thống thì Đinh Tút là một dàn nhạc cụ gồm 6 người nam nhưng lại mặc trang phục giả nữ để trình diễn Đinh Tút hết sức độc đáo. Về lễ hội cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên người Gier – Triêng có lễ mừng lúa mới rồi lễ mừng Nhà rông mới, lễ thổi tai trong vòng đời của em bé sơ sinh khi trưởng thành. Đó là những nét đẹp trong phong tục tập quán của đồng bào Gier – Triêng mà hiện nay đồng bào vẫn duy trì và phát huy rất tốt trong cuộc sống hiện tại".
Những năm vừa qua nhất là từ thời điểm năm 1991, khi tỉnh Kon Tum được thành lập lại trên cơ sở chia tách từ tỉnh Gia Lai – Kon Tum, cuộc sống của người Gier – Triêng ngày càng thay da, đổi thịt. Bước ngoặt thứ hai là khi tuyến
đường Hồ Chí Minh được đầu tư hoàn thiện giúp tỉnh Kon Tum phá thế ngõ cụt và tạo thuận lợi vô cùng lớn cho việc giao thương ở vùng người Gier – Triêng cư trú. Giờ đây bà con không chỉ biết trồng mì, làm lúa rẫy mà đã thành thục trong canh tác lúa nước, trong việc trồng, chăm sóc các loại cây công nghiệp thế mạnh ở vùng đất Tây Nguyên, như cao su, cà phê. Người Gier – Triêng giờ đã không còn phải ăn bữa sang lo bữa tối mà nhà nào cũng có của ăn của để.
Với ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, song song với việc sử dụng thành thạo tiếng phổ thông, người Gier – Triêng hiện nay vẫn sử dụng tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me và giữ gìn chữ viết có cấu tạo bộ vần bằng chữ cái La Tinh. Cùng với đó trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, bên cạnh những ngôi nhà xây theo lối hiện đại, các vật dụng hiện đại như, ô tô, xe máy, tủ lạnh, bếp ga… bà con vẫn yêu quý những ngôi nhà sàn sạch sẽ thoáng mát, trân trọng giữ gìn bếp lửa của ông bà, khéo léo đan những tấm đắp, chiếc gùi; chăm chút cho những bó củi hứa hôn, với nhiều phong tục khác đúng theo truyền thống văn hóa của người Gier – Triêng.
1.2 Nhược điểm
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa trên địa bàn cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục, đó là, một số tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và vật thể tại chỗ chưa được đẩy mạnh, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của người Gier – Triêng có nguy cơ bị mai một dần; cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở còn thiếu, chưa được đào tạo chuyên sâu. Các nghệ nhân dân gian phần lớn tuổi đã già, sức khoẻ yếu nên việc truyền dạy cho lớp trẻ gặp khó khăn, chính sách hỗ trợ nghệ nhân dân gian chưa được quan tâm đúng mức; các hình thức hoạt động văn hoá còn sơ cứng, giản đơn và chưa rộng khắp; kinh phí phân bổ cho việc khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể và vật thể còn hạn chế, chưa kịp thời. Công tác xã hội hoá cho các hoạt động văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa truyền
thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Gier – Triêng nói riêng chưa thật sự sâu sắc…
2. Giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn nghệ dân gian của người Gier – Triêng
2.1 Nâng cao công tác tổ chức quản lý
Tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học về bảo tồn các giá trị văn hoá đặc sắc của tỉnh; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, quy hoạch, dự án phát triển văn hoá.
Coi trọng và làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hoá của các dân tộc thiểu số tại chỗ; Thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa; khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; Phối hợp với các cơ quan hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết của chính quyền các cấp để bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống, ngăn chặn nguy cơ làm mai một, sai lệch hoặc thất truyền, đặc biệt là vấn nạn buôn bán, trộm cáp cồng chiêng. Có chính sách tạo điều kiện bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc. Khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian...Khuyến khích việc duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc; phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; khôi phục và nâng cao các lễ hội truyền thống, bài trừ hủ tục có hại đến đời sống văn hóa của đồng bào; chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức và các hoạt động lễ hội;
duy trì và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, giá trị về trang phục truyền thống dân tộc và các tri thức dân gian khác.
2.2 Khai thác giá trị văn hóa truyền thống
Khơi dậy sức sáng tạo chủ động của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới.
Giữ gìn truyền thống văn hoá trong gia đình, trong làng, tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội và thực hiện quyền làm chủ của mình.
Đối với các lễ hội dân gian, cần có kế hoạch khôi phục lễ hội truyền thống của người Gier – Triêng. Tìm kiếm các bài dân ca, các làn điệu dân gian, các trò chơi dân gian để thu hút đông đảo quần chúng tham gia lễ hội, tạo môi trường văn hóa lành mạnh. Trước mắt và lâu dài là phải làm cho các lễ hội dân gian truyền thống của người Gier – Triêng song hành cùng với những loại hình văn hóa hiện đại.
2.3 Đầu tư cho các nghệ nhân dân gian về mặt tài chính
Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình bảo các giá trị văn hoá truyền thống; cân đối phân bổ ngân sách thực hiện các dự án thuộc Chương trình. Có chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển văn hoá, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hoá các dân tộc trong tỉnh; lồng ghép các chương trình đầu tư vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn vào việc hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hoá để nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá cho đồng bào các dân tộc.
Đề nghị nhà nước có chính sách đầu tư mang tầm chiến lược về mặt văn hóa… ổn định đời sống đồng bào dân tộc và khu vực miền núi. Đặc biệt coi trọng và có chính sách đào tạo cán bộ là người dân tộc, có kế hoạch sử dụng các học sinh dân tộc đã tốt nghiệp ra trường để họ được về phục chính đồng bào mình.
2.4 Nâng cao nhận thức của người dân
Khơi dậy sức sáng tạo chủ động của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới.
Giữ gìn truyền thống văn hoá trong gia đình, trong làng, tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội và thực hiện quyền làm chủ của mình.
Để làm tốt những giải pháp trên, điều có tính chất quyết định là chúng ta phải đổi mới và nâng cao nhận thức, xem cơ sở buôn làng là địa bàn chiến lược của sự nghiệp cách mạng, nơi biến những quan điểm của Đảng và Nhà nước thành hiện thực, nơi sinh ra và cũng là nơi lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số. Chúng ta tin tưởng rằng, nếu có chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, được toàn dân và các cấp, các ngành và khi có đủ sức mạnh tổng hợp ấy thì nhất định công tác xây dựng đời sống văn hóa thông tin ở
cơ sở sẽ đạt được nhiều thành tựu mới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.