Dựa vào kết quả đã trình bày trong chương 4 và trên cơ sở tham khảo các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm giảm nghèo, cải thiện cuộc sống của người dân tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.
Thứ nhất: Theo kết quả phân tích cho thấy, tình trạng hôn nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc dẫn đến nghèo. Việc một mình (một vợ hoặc một chồng) gánh vác kinh tế cho gia đình là điều vô cùng khó khăn, tình trạng này sẽ làm cho nỗ lực giảm nghèo của chính quyền địa phương kém hiệu quả hơn. Điều này phản ánh rất rõ thông qua kết quả mô hình, tình trạng hôn nhân của chủ hộ khi đơn thân sẽ tác động rất mạnh đến khả năng nghèo xảy ra (với xác suất ban đầu là 10% có thể tăng lên 16,47% xảy ra nghèo đối với các hộ gia đình). Do vậy, theo quan điểm của tác giả, chính quyền địa phương cần thực hiện chính sách ưu đãi đối với các hộ gia đình trong tình trạng đơn thân, chẳng hạn như: ưu tiên đào tạo nghề, tạo điều kiện vay vốn lãi suất thấp từ các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ cho các hộ này thực hiện mô hình sản xuất mới…
Đồng thời, các cấp chính quyền cần quan tâm đến công tác hòa giải ngay từ cơ sở, hội liên hiệp phụ nữ và các đoàn thể phải bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, của hội viên, đoàn viên của đoàn thể mình để hạn chế tình trạng ly hôn có xu hướng ngày càng tăng hiện nay, từ đó giảm dần số hộ đơn thân.
Thứ hai: Việc tiếp cận hiểu rõ chính sách Nhà nước hỗ trợ người nghèo có vai trò to lớn trong việc làm giảm xác suất xảy ra hộ nghèo đối với các hộ gia đình. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện nay, việc nắm bắt, hiểu biết các chính
sách của nhà nước hỗ trợ cho hộ nghèo của các hộ gia đình tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định hầu hết là cũng chỉ nghe nói chứ không rõ lắm, thể hiện ở mức trung bình là 2,1/3 điểm và khi các hộ gia đình nắm rõ chính sách hỗ trợ hộ nghèo của nhà nước sẽ giúp giảm thiểu xác suất xảy ra hộ nghèo là 5,63%. Thực tế cho thấy, hiện nay, việc nắm bắt, hiểu biết các chính sách giảm nghèo của nhà nước vẫn còn hạn chế, dẫn đến nhận thức về chủ thể thoát nghèo chưa đúng, nhiều hộ dân không có động lực thoát nghèo, còn trông chờ ỷ lại nhà nước. Do đó, các cấp chính quyền địa phương thuộc huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định cần thiết phải gia tăng công tác tuyên truyền, giải thích chính sách giảm nghèo của nhà nước đến các hộ gia đình một cách rõ ràng và cụ thể; Đồng thời thông qua hoạt động, sinh hoạt của các đoàn thể, thông qua người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua các hộ nông dân sản xuất giỏi để giải thích, tuyên truyền, vận động và làm hình mẫu để đồng bào làm theo.
Thứ ba: Theo kết quả mô hình hồi quy cho thấy, khi số người không có thu nhập của hộ gia đình tăng lên 1 đơn vị (người) thì xác suất xảy ra hộ nghèo tăng thêm 1,46% cũng như khi số người khuyết tật của hộ gia đình tăng thêm 1 đơn vị thì xác suất xảy ra hộ nghèo tăng lên thêm 1,09%. Do đó, các cấp chính quyền địa phương phải cải cách hành chính mạnh mẽ, xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện, từ đó giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng lao động; Đồng thời tạo điều kiện tiếp cận vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tập huấn việc sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp… cho người không có việc làm để họ có cơ hội tham gia lao động sản xuất, nhằm giảm thiểu người không có thu nhập. Bên cạnh đó cần có chính sách ưu đãi tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia lao động sản xuất, ví dụ như giao cho hội người khuyết tật, các nhóm người khuyết tật nhận gia công sản phẩm cắt may, thêu đan và một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp khác phù hợp với khả năng lao động của họ; hỗ trợ, vận động người khuyết tật tự vươn lên, tham gia lao động sản xuất. Bản thân mỗi người dân tại địa phương cũng cần phải tích cực, chủ động trong việc tìm kiếm công việc cũng như tìm kiếm và hiện thực hóa các ý tưởng sản xuất kinh doanh.
Thứ tư: Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, khi số lượng trẻ em dưới 15 tuổi của hộ gia đình tăng thêm 1 đơn vị (người) thì xác suất xảy ra hộ nghèo sẽ tăng thêm 0,68%. Do đó, để giảm tình trạng xảy ra xác suất nghèo đối với các hộ gia đình, các cấp chính quyền địa phương nên chú trọng và quan tâm đến các hộ gia đình có trẻ em dưới 15 tuổi, tạo công ăn việc làm cho các hộ gia đình có đông trẻ em dưới 15 tuổi, hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể và có chính sách giảm học phí cho con em các hộ gia đình này và trong tương lai, khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển, chính quyền địa phương có thể thực hiện việc hỗ trợ thu nhập trên mỗi trẻ em dưới 15 tuổi. Điều này sẽ giảm gánh nặng chi phí cho các hộ gia đình khi các em bị bệnh tật, tai nạn, thương tích và giảm nguy cơ bỏ học giữa chừng của các em.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền, vận động và thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các hộ gia đình cũng phải tích cực tham gia lao động sản xuất, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (mỗi gia đình chỉ 2 con).
Thứ năm: sự hạn chế về mặt kiến thức cũng đã ảnh hưởng đến xác suất xảy ra hộ nghèo đối với các hộ gia đình trên địa bàn huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.
Khi chủ hộ có trình độ học vấn cao hơn thì xác suất xảy ra hộ nghèo sẽ giảm đi 0,49%. Do đó, để khắc phục điều này, các cấp chính quyền địa phương có thể mở các lớp học bổ túc văn hóa, tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm của những hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tổ chức hội nghị đầu bờ về kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp, mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân... Song song với đó, chính quyền địa phương cần cải thiện các điều kiện tiếp cận thông tin giúp người dân nâng cao trình độ hiểu biết của mình, bằng cách đa dạng hóa kênh thông tin cho người dân.
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc tiếp cận thông tin đến từ nhiều nguồn khác nhau như báo giấy, truyền hình, radio, loa phát thanh, mạng xã hội...
Tuy nhiên, hiện nay, việc tiếp cận thông tin của người dân tại huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định chủ yếu là từ nguồn tivi và loa phát thanh xã, điều đó đã hạn chế rất nhiều lượng thông tin mà họ cập nhật được. Vì vậy, chính quyền địa phương có thể đầu tư các điểm bưu điện văn hóa xã thành nơi cung cấp thông tin, khai thác báo
chí, các loại sách và truy cập internet nhằm tạo điều kiện cho người dân dần dần sử dụng mạng internet trong việc tìm hiểu thông tin cũng như khuyến khích người dân đến đọc sách, báo để có thêm thông tin mới. Các hộ gia đình cũng nên chủ động trong việc tìm kiếm thông tin từ các kênh báo chí, mạng xã hội, radio, trao đổi với bạn bè, hàng xóm,...
Thứ sáu: Thông qua kết quả mô hình cho thấy, các hộ gia đình càng có nhiều diện tích đất sản xuất thì khả năng xảy ra hộ nghèo càng giảm. Do đó, các cấp chính quyền địa phương nên gia tăng quỹ đất sản xuất cho người dân bằng cách quy hoạch rừng sản xuất đối với những diện tích rừng nghèo và cấp cho các hộ dân sản xuất lâm nghiệp. Để thực hiện việc này, chính quyền huyện cần sớm có ý kiến đề xuất Tỉnh cho điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng hàng năm để giao đất cho hộ dân đưa vào sản xuất kinh doanh, cải thiện tình hình kinh tế của hộ cũng như toàn địa phương, góp phần giảm tình trạng nghèo. Mặt khác, do diện tích đất sản xuất cho từng hộ còn ít nên chính quyền phải có chính sách, tìm kiếm thị trường và giúp các hộ dân thâm canh tăng năng suất, lựa chọn mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ và có hiệu quả kinh tế nhất.
Thứ bảy: Và cuối cùng, để giảm thiểu tình trạng nghèo, cần thiết phải có công việc ổn định, điều này thể hiện rất rõ qua kết quả mô hình hồi quy, khi công việc thiếu tính ổn định thì xác suất xảy ra hộ nghèo sẽ tăng thêm 0,08%. Chính vì vậy, để gia tăng tính ổn định việc làm của lao động trong các hộ gia đình, các cấp chính quyền địa phương nên khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng như các địa bàn lân cận và có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp cho lực lượng lao động của huyện; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các phiên giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động, xuất khẩu lao động. Đồng thời, các cấp chính quyền cần điều tra, khảo sát điều kiện thổ nhưỡng, thế mạnh của từng địa bàn và quy hoạch ngành nghề sản xuất phù hợp với từng xã, thị trấn; tuyên truyền, phổ biến và vận động các hộ gia đình áp dụng hình thức chuyên môn hóa sản xuất ngành hàng theo từng xã, thị trấn gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Cùng với chính quyền, căn cứ trên các điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng
sẵn có, các hộ gia đình cần phải chủ động gia tăng sản xuất, áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện chuyên trách sản xuất một loại mặt hàng thế mạnh, đảm bảo chất lượng và nâng cao tính cạnh tranh. Đó là cách chủ động để tạo công việc làm ổn định cho chính hộ gia đình của mình.