TRONG MẠNG AN TOÀN TÀI CHÍNH QUỐC GIA
3.1 Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động BHTG tại Việt Nam
So với Nghị định 89/1999/NĐ-CP, Nghị định 109/2005/NĐ-CP được đánh giá có nhiều tiến bộ hơn như: Xác định rõ hơn vị thế của BHTGVN trong hệ thống tài chính quốc gia; Bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền (Ngoài cá nhân, đối tượng người gửi tiền được bảo hiểm đã mở rộng thêm gồm hộ gia đình, tổ hợp tác, DN tư nhân và Công ty hợp danh); Mức tiền chi trả bảo hiểm được nâng lên tối đa là 50 triệu đồng; Mức phí BHTG được điều chỉnh theo sự đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về chất lượng hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi;…
Tuy nhiên, nhiều vấn đề đòi hỏi cần được tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện khi ban hành Luật BHTG, cụ thể:
3.1.1 Tiền gửi được bảo hiểm
Theo Nghị định 109/2005/NĐ-CP, tiền gửi được bảo hiểm là đồng Việt Nam, bao gồm các loại tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn của cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, DNTN và công ty hợp danh gửi tại tổ chức tham gia BHTG. Thực tế hiện nay hoạt động gửi tiền bằng đồng ngoại tệ tại Việt Nam vẫn chưa thuộc đối tượng được bảo hiểm. Từ thực tiễn hoạt động BHTG, TC - NH, Luật BHTG cần mở rộng tiền gửi được bảo hiểm, bao gồm cả tiền gửi nội tệ và ngoại tệ để đảm bảo công bằng và bình đẳng trong nền kinh tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền bằng ngoại tệ.
Xuất phát từ mục đích của chính sách BHTG là bảo vệ người gửi tiền và phát triển hoạt động ngân hàng, việc mở rộng loại tiền gửi được bảo hiểm còn thu hút nhiều tiền gửi, hoạt động ngân hàng được ổn định và phát triển, hệ thống tài chính quốc gia ổn định.
3.1.2 Phí bảo hiểm tiền gửi
Khung pháp lý hiện tại quy định phí BHTG đồng hạng và khi đủ điều kiện sẽ áp dụng theo mức độ rủi ro đối với tổ chức tham gia BHTG. Phí BHTG trên cơ sở rủi ro là một loại phí tiên tiến, theo đó, các tổ chức tham gia BHTG phải nộp phí theo mức tương
ứng với mức độ rủi ro có thể xảy ra đối với tổ chức đó. Việc áp dụng phí theo mức độ rủi ro nhằm đánh giá chính xác mức độ an toàn trong hoạt động, khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG nâng cao chất lượng hoạt động, quan tâm việc giảm thiểu rủi ro để giảm phí BHTG phải nộp nhằm đảm bảo sự công bằng và tạo động lực cạnh tranh, tích cực giữa tổ chức tham gia BHTG, từng bước đảm bảo hình thành quỹ mục tiêu để hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách Nhà nước.
3.1.3 Hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm
Hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm là một nội dung rất quan trọng của Luật BHTG, được người gửi tiền quan tâm. Hạn mức chi trả hiện nay của BHTGVN mới được nâng lên tối đa là 50 triệu đồng (theo quy định tại Nghị định 109/2005/NĐ-CP), nhưng vẫn bị coi là thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền tài chính tiền tệ, đặc biệt nếu xảy ra khủng hoảng. Trong khi đó, quy mô tiền gửi không ngừng tăng cao, đặc biệt là khối lượng vốn huy động của các tổ chức tín dụng đã tăng rất lớn, mỗi năm tăng bình quân 35%. Hạn mức quá thấp sẽ làm giảm hiệu quả chính sách BHTG. Bởi vậy, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động BHTG bao gồm yêu cầu nâng hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm tối đa cho mỗi cá nhân (tổ chức, doanh nghiệp) tại một tổ chức tham gia BHTG cao hơn mức đang áp dụng theo quy định hiện hành.
Bảng 3.1: Xu hướng tăng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tại Đông Nam Á
Đơn vị: USD
T
T Tên quốc gia Hạn mức trước đây Hạn mức chi trả hiện tại
1 Malaysia 18.200 Chi trả không giới hạn
2 Singapore 14.500 Chi trả không giới hạn
3 Indonesia 10.000 182.000
4 Phillipines 5.300 10.600
5 Thái Lan (thành lập vào tháng 10.2008)
Duy trì chi trả không giới hạn vào năm 2008 và dự kiến giảm dần qua các năm.
6 Việt Nam 2.750 2.750
7 Lào NA NA
Nguồn: Cindy Marks and Walter Yao (2008), Asia Focus: Recent Developments in Asian Deposit Guarantee Programs, Federal Reserve Bank of San Francisco.
Biểu đồ 3.1. Hạn mức chi trả BHTG của các quốc gia trên thế giới.
Nguồn: International Association of Deposit Insurers (2008), Deposit insurance coverage - Discussion Paper
3.2 Cải thiện mô hình hoạt động của BHTG và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ tổ chức tham gia BHTG tại Việt Nam
3.2.1 Từng bước thay đổi mô hình hoạt động cho BHTG tại Việt Nam
Tuy đã là một bước tiến đáng kể so với “mô hình chi trả” thông thường, nhưng “ mô hình chi trả mở rộng” hiện nay còn nhiều hạn chế. Cụ thể: vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức bảo hiểm tiền gửi còn mờ nhạt, chưa quan tâm đúng mức tới phòng chống những rủi ro tiềm ẩn… Trong những năm tới đây, để BHTGVN có thể thực sự có những bước tiến đáng kể, việc đưa BHTGVN hoạt động theo “mô hình giảm thiểu rủi ro” là cần thiết.
So với 2 mô hình trước, tổ chức BHTG hoạt động theo “mô hình giảm thiểu rủi ro” , đánh giá giám sát rủi ro, đảm bảo an toàn tài chính và tái thiết hệ thống ngân hàng khi có sự cố xảy ra do đó bảo vệ tốt nhất người gửi tiền. Thực hiện mô hình này, BHTGVN có thể can thiệp vào mọi thời điểm trong quá trình hoạt động của tổ chức tham gia BHTG từ lúc các tổ chức này ra đời, phát triển hay suy thoái nhằm kiểm soát, ngăn chặn rủi ro kịp thời. Ngay cả khi tổ chức tham gia BHTG suy yếu đến mức buộc phải giải thể, phá sản thì lúc này tổ chức BHTGVN không chỉ đứng ra chi trả mà còn có thể áp dụng các biện pháp xử lý khác để giải quyết đổ vỡ, tiết kiệm chi phí, tránh lây lan ảnh hưởng xấu tới sự an toàn của thị trường tài chính và cả nền kinh tế.
Với mô hình giảm thiểu rủi ro, tổ chức BHTGVN sẽ thực hiện được các mục tiêu chính sách công của 1 tổ chức BHTG. Đó là bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền;
giám sát rủi ro, đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh của các tổ chức tín dụng; chủ động tham gia tái cấu trúc hệ thống ngân hàng – tài chính. Đặc biệt, khi Việt Nam hội nhập với thế giới, nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như hệ thống ngân hàng nói riêng chịu ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới; hệ thống ngân hàng có khả năng chịu rủi ro cao. Việc thực hiện mô hình giảm thiểu rủi ro sẽ là 1 biện pháp hữu hiệu không chỉ giúp BHTGVN sớm nhận ra được những rủi ro tiềm ẩn và có biện pháp hạn chế rủi ro. Vì vậy, sớm triển khai mô hình giảm thiểu rủi ro là điều cần thiết và cấp bách.
Để thực hiện được mô hình này, cần có các điều kiện sau:
Luật BHTGVN cần quy định rõ mô hình của tổ chức BHTG là mô hình giảm thiểu rủi ro cùng với đầy đủ các chức năng và quyền hạn. Quan trọng hơn, cần quy định về vai trò kiểm tra, giám sát và tiếp cận thông tin của BHTGVN đối với các tổ chức tham gia BHTG, nhằm tạo điều kiện cho BHTGVN có thể đánh giá 1 cách chính xác và nhanh chóng hoạt động của các thành viên, thiết lập hệ thống cảnh báo rủi ro sớm để chấn chỉnh kịp thời các hoạt động làm phát sinh rủi ro.
Nguyên tắc hoạt động của tổ chức BHTG giảm thiểu rủi ro là theo cơ chế thị trường, tức là ở đâu có rủi ro thì sẽ có nguồn lực tương xứng để xử lý với các chi phí phù hợp. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, năng lực tài chính của
BHTGVN còn rất hạn chế. Do đó, để thực hiện mô hình bảo hiểm giảm thiểu rủi ro một cách hiệu quả, năng lực tài chính của BHTG cần được củng cố.
Với mô hình giảm thiểu rủi ro, BHTGVN sẽ chủ động hơn trong việc ngăn chặn và xử lý những đổ vỡ có thể xảy ra, thực hiện tốt hơn mục tiêu bảo vệ và duy trì niềm tin của người gửi tiền, đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng quốc gia.
3.2.2 Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG gặp khó khăn Trong thực tế, khi có một tổ chức tham gia BHTG gặp khó khăn thì vai trò của BHTGVN chỉ dừng lại ở việc chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền và tham gia vào quá trình thanh lý tài sản khi tổ chức đó bị phá sản.Các trường hợp BHTG hỗ trợ tài chính thường rất ít, thường chỉ xảy ra đối với các Quỹ tín dụng với quy mô không lớn, và hình thức hỗ trợ tài chính chỉ là cho vay, bảo lãnh hoặc mua lại tài sản nợ… dẫn đến một mặt trái là chi phí cao và làm phát sinh “rủi ro đạo đức” trong hoạt động BHTG của các tổ chức nhận tiền gửi vì tâm lý luôn được BHTGVN bảo hiểm gián tiếp cho hoạt động của mình.
Việt Nam có thể vận dụng các kinh nghiệm của hệ thống các tổ chức BHTG trên thế giới như xây dựng “Ngân hàng bắc cầu”, hình thức mua và tiếp nhận vào hoạt động của mình, có tác dụng bảo vệ sự ổn định của hệ thống Ngân hàng, rút lui hoặc tái thiết các Ngân hàng bị phá sản một cách êm thấm, hạn chế sự tác động đổ vỡ Ngân hàng đến tâm lý người gửi tiền. Bên cạnh đó, tổ chức BHTGVN còn có thể hỗ trợ ổn định tổ chức, quản lý điều hành để sau khi được tái thiết, các Ngân hàng hoạt động hiệu quả, bền vững hơn.
Để có thể hỗ trợ một cách hiệu quả cho các tổ chức đang gặp khó khăn, BHTGVN cần thực hiện các nguyên tắc sau:
Xác định đúng thời điểm hỗtrợ tài chính. Hỗ trợ chỉ nên thực hiện khi xác định được tổ chức tham gia BHTG bị mất khả năng thanh toán, hoặc khi tổng giá trị tài sản của tổ chức lớn hơn tổng các khoản nợ nhưng tổ chức tham gia BHTG không thể tiếp tục hoạt động được. Nếu hỗ trợ quá sớm sẽ dẫn tới hành vi “rủi ro đạo đức” của các Ngân hàng tham gia BHTG.
Tổ chức BHTG cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và thường xuyên việc sử dụng vốn hỗ trợ tài chính nhằm đảm bảo tính hiệu quả của đồng vốn, bảo đảm an toàn cho hệ thống Ngân hàng quốc gia.
Xây dựng, bảo đảm sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan.
Trao quyền độc lập và tự chủ xử lý các tổ chức mất khả năng thanh toán hoặc gặp khó khăn cho BHTGVN, tạo tính linh hoạt chủ động, kịp thời ứng phó với các sự cố xảy ra cho các tổ chức tham gia BHTG.
Tổ chức BHTG phải đảm bảo nguồn tài chính để thực hiện hỗ trợ tài chính kịp thời bằng cách thiết lập quỹ hỗ trợ tài chính, phát hành trái phiếu,…