Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.3. Những vấn đề đặt ra nghiên cứu trong luận án
1.3.1. Những vấn đề đặt ra về lý luận, thực tiễn và giải pháp
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận về nhân thân người phạm tội XPSH, rút ra ý nghĩa của việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội XPSH có tác dụng gì đến công tác phòng ngừa tội phạm; phân loại nhân thân người phạm tội XPSH, làm rõ đặc điểm nhân thân người phạm tội gồm những đặc điểm gì và những hiện tượng xã hội tiêu cực nào tác động làm hình thành nhân thân tiêu cực của người phạm tội XPSH.
Thứ hai, trên cơ sở nền tảng lý luận về nhân thân người phạm tội xâm phạm sở hữu, nghiên cứu sinh sử dụng để làm rõ đặc điểm nhân thân người phạm tội xâm phạm sở hữu trên địa bàn miền ĐNB giai đoạn 2008-2017, từ đó phục vụ công tác phân loại, phòng ngừa tội phạm được hiệu quả.
Thứ ba, từ thực trạng các đặc điểm nhân thân người phạm tội XPSH miền ĐNB đã phân tích được, nghiên cứu sinh tiếp tục khảo sát thực tế để đánh giá những hiện tượng xã hội tiêu cực nào từ môi trường sống và thuộc về người phạm tội tác động hình thành nên đặc điểm nhân thân tiêu cực ở người phạm tội XPSH làm thúc đẩy hành vi phạm tội.
Thứ tư, từ kết quả nghiên cứu về lý luận, thực trạng các đặc điểm tiêu cực và những hiện tượng tiêu cực tác động hình thành nhân thân người phạm tội XPSH trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, nghiên cứu sinh sẽ đề xuất những giải pháp nhằm phòng ngừa tình hình các tội xâm phạm sở hữu trên địa bàn ĐNB nhìn từ góc độ nhân thân người phạm tội trong thời gian tới.
1.3.2. Câu hỏi nghiên cứu
- Làm rõ những vấn đề lý luận về nhân thân người phạm tội XPSH?
- Phân loại nhân thân người phạm tội XPSH gồm những loại nào?
- Tình hình đặc điểm nhân thân người phạm tội XPSH miền ĐNB từ năm 2008 đến năm 2017?
- Những hiện tượng tiêu cực tác động hình thành nhân thân người phạm tội XPSH miền ĐNB?
- Trong thời gian tới, tình hình đặc điểm và những hiện tượng tiêu cực tác động hình thành nhân thân người phạm tội XPSH miền ĐNB sẽ như thế nào?
- Địa nhân thân người phạm tội XPSH miền ĐNB có đặc trưng gì? so sánh với các vùng, miền khác?
- Những giải pháp phù hợp với địa lý học tội phạm nhằm phòng ngừa tình hình các tội xâm phạm sở hữu trên địa bàn ĐNB nhìn từ góc độ nhân thân người phạm tội trong thời gian tới?
1.3.3. Giả thuyết nghiên cứu
Vớ i đề tài như trên, tác giả đưa ra giả thuyế t nghiên cứu như sau:
- Nhân thân người phạm tội XPSH miền ĐNB từ năm 2008 đến năm 2017 với những đặc điểm sau: Tội phạm chủ yếu là nam giới, độ tuổi từ 18 đến 30, thất nghiệp hoặc không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập thấp, xuất thân gia đình có điều kiện khó khăn về kinh tế, thường sống trong gia đình khiếm khuyết, bất hòa, không hạnh phúc, có trình độ học vấn thấp; đa số là những người có tư tưởng hám lợi, ăn bám, tham lam, chây lười lao động, có nhu cầu, sở thích lệch lạc, tham gia vào các hoạt động tệ nạn xã hội, tâm lý coi trọng đồng tiền, xuống cấp về đạo đức; thường có tiền án, tiền sự, tái phạm nguy hiểm...
- Phân tích thực trạng những hiện tượng tiêu cực tác động đến quá trình hình thành nhân thân người phạm tội XPSH, nghiên cứu sinh phân tích những hiện tượng từ các lĩnh vực từ môi trường sống như: kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, nhà trường, công tác quản lý...; những hiện tượng tiêu cực từ cá nhân người phạm tội như: Ý thức pháp luật, sở thích, nhu cầu... Từ đó là cơ sở để áp dụng các biện pháp phòng ngừa được hiệu quả.
- Trên cơ sở phân tích lý luận và thực tiễn về nhân thân người phạm tội XPSH trên địa bàn các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ từ năm 2008 đến năm 2017, tác giả lựa chọn các giải pháp phòng ngừa tối ưu, phù hợp với thực tế góp phần giải quyết tốt tình hình tội XPSH trong tương lai trên địa bàn miền ĐNB, bao gồm các giải pháp loại bỏ các yếu tố tiêu cực tác động đến quá trình hình thành đặc điểm nhân thân người phạm tội xâm phạm sở hữu và giải pháp phòng ngừa đặc điểm nhân thân người phạm tội xâm phạm sở hữu đã hình thành.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Phòng ngừa tình hình tội phạm xâm phạm sở hữu cần phải được thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, dưới nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau, trong đó biện pháp tác động ảnh hưởng trực tiếp tới nhân thân người phạm tội là rất quan trọng để chuyển biến những nhân thân tiêu cực trở nên tích cực hơn, có trách nhiệm với xã hội. Việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội còn cho phép xác định được những hiện tượng xã hội tiêu cực tác động đến việc hình thành đặc điểm tiêu cực ở con người dẫn đến hành vi phạm tội, từ đó là cơ sở để nghiên cứu sinh có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả từ góc độ nhân thân người phạm tội.
Để tiếp cận giải quyết vấn đề nghiên cứu về nhân thân người phạm tội XPSH, nghiên cứu sinh làm rõ tổng quan tình hình nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhân thân người phạm tội XPSH qua các tài liệu trong và ngoài nước có liên quan như luận án, luận văn, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, giáo trình, sách chuyên khảo, bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành... từ đó tiếp cận một cách khái quát, toàn diện về nhân thân người phạm tội XPSH.
Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy ở nước ta hiện nay chưa có công trình nào ở tầm luận án tiến sĩ nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về lý luận và thực tiễn về nhân thân người phạm tội xâm phạm sở hữu mà chỉ dừng ở lý luận tội phạm học về nhân thân người phạm tội nói chung. Trong khi đó như đã nhấn mạnh việc nghiên cứu nhân thân người phạm tội xâm phạm sở hữu có ý nghĩa đối với việc xác định phương pháp, biện pháp phòng ngừa theo từng nhóm, loại, theo từng đặc điểm từng vùng của tội phạm xâm phạm sở hữu nhằm hạn chế, loại trừ những hiện tượng xã hội tiêu cực vốn góp phần hình thành nhân thân người phạm tội trong xã hội.
Chính vì vậy, nghiên cứu sinh đã làm rõ lý luận và thực trạng trong chương 1 của luận án, bao gồm tập trung nghiên cứu, phân tích và làm sáng tỏ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cũng như những khoảng trống về mặt khoa học thể hiện trong các công trình nghiên cứu liên quan đến nhân thân người phạm tội xâm phạm sở hữu trong và ngoài nước, như: Các công trình nghiên cứu làm rõ về mặt lý
luận và thực tiễn nhân thân người phạm tội nói chung và XPSH nói riêng, các công trình về giải pháp phòng ngừa tội phạm XPSH dưới góc độ nhân thân người phạm tội, phân tích những vấn đề vướng mắc, hạn chế cần đặt ra khi tiếp cận nghiên cứu, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm XPSH xét về khía cạnh nhân thân người phạm tội.
Chương 2