PHẦN I. CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.3. Mối quan hệ giữa chức năng kiểm toán với chất lượng báo cáo tài chính
1.3.1 Những yếu tố quyết định chất lượng báo cáo tài chính
Đầu tiên là tính độc lập của cơ quan kiểm toán là vấn đề cơ bản cho công tác kiểm tra tài chính có hiệu lực và hiệu quả. Kết quả kiểm tra tài chính đối với tất cả các cơ quan, đơn vị, các tổ chức... nói chung chịu nhiều tác động về nhiều mặt. Tính độc lập đầy đủ của cơ quan kiểm toán, cũng như KTV là yếu tố quan trọng trực tiếp tác động đến chất lượng kiểm toán bởi vì trong hoạt động kiểm toán mọi ý kiến đánh giá, nhận xét và kết luận của KTV đều dựa vào bằng chứng kiểm toán và tuân thủ pháp luật không chịu sự tác động của bất kì sức ép nào nhất là sức ép quyền lực.
Thứ hai: trình độ nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của KTV là nhân tố quyết định đến chất lượng kiểm toán. Nếu tất cả các yếu tố hợp thành tạo nên môi trường kiểm toán thuận lợi nhưng do KTV thiếu trình độ nghiệp vụ không đáp ứng nhiệm vụ được giao hoặc không trung thực, khách quan hoặc để các lợi ích cá nhân chi phối đến hoạt động kiểm toán thì kết quả kiểm toán sẽ bị sai lệch, bóp méo.
Thứ ba là cơ cấu tổ chức và cơ chế phân cấp phân nhiệm của cơ quan kiểm toán có tác động đến chất lượng kiểm toán. Nếu cơ cấu tổ chức hợp lý
quy định rõ chức năng nhiệm vụ của đơn vị theo từng chuyên ngành sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị chuyên môn hoá hoạt động kiểm toán theo hướng chuyên sâu thì hiệu quả chất lượng kiểm toán từng bước được nâng cao và ngược lại. Việc bố trí hợp lý và giao việc phù hợp với khả năng chuyên môn nghiệp vụ của từng thành viên trong đoàn là yếu tố quyết định đến chất lượng và hiệu quả kiểm toán.
Yếu tố tiếp theo ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán BCTC là việc tuyển dụng cán bộ, KTV: KTV là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng kiểm toán, ngoài những tiêu chuẩn của một công chức khi tuyển dụng KTV cần đặc biệt chú ý đến hai tiêu chuẩn đó là: phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có kiến thức về pháp luật có nghĩa là người đó đã tốt nghiệp theo một chuyên ngành về mặt pháp lý và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực được đào tạo. Việc đánh giá về phẩm chất đạo đức được thực hiện chủ yếu là đánh giá trên hai góc độ đó là về mặt lý lịch về lịch sử cá nhân thông qua cơ quan quản lý cán bộ và các tổ chức, đoàn thể mà người đó đã từng tham gia đồng thời phải kết hợp với việc thăm dò dư luận của quần chúng để xác định đối chiếu những ý kiến nhận xét đã nêu trong lí lịch.
Mặt khác chính sách cán bộ và đào tạo cũng ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán BCTC. Chính sách này luôn tác động trực tiếp đến tâm lý làm việc của KTV, nếu chính sách cán bộ tốt sẽ khuyến khích KTV hăng say có trách nhiệm trong công việc được giao và ngược lại. Vì vậy muốn xây dựng, ban hành các chính sách cán bộ để mọi KTV biết lấy đó làm mục tiêu phấn đấu.
Việc đánh giá năng lực để phân loại đề bạt khen thưởng KTV phải được thực hiện thường xuyên, việc đánh giá phải dựa trên kết quả các cuộc kiểm toán mà KTV đó có thực hiện, thông qua hội đồng bình xét theo từng cấp độ để đảm bảo tính dân chủ, khách quan, tránh mọi biểu hiện định kiến cá nhân. Vì vậy việc đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán và pháp luật là hết sức quan trọng nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Yếu tố thứ sáu ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán BCTC là hệ thống văn bản quy định chuyên môn nghiệp vụ. Việc hoàn thiện hệ thống văn bản chuyên môn, nghiệp vụ không những là yếu tố quan trọng tác động đến chất lượng kiểm toán mà còn là cơ sở pháp lý đảm bảo tính độc lập khách quan cho hoạt động kiểm toán tạo niềm tin cho những người sử dụng kết quả kiểm toán.
Quan hệ với đơn vị được kiểm toán là yếu tố tiếp theo ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán BCTC. Nếu KTV có quan hệ với đơn vị được kiểm toán về lợi ích kinh tế hoặc tình cảm sẽ làm ảnh hưởng đến tính khách quan và chi phối đến các ý kiến nhận xét, kết luận trong báo cáo kiểm toán. Để đảm bảo tính khách quan cho KTV trong quá trình kiểm toán, Nhà nước và cơ quan kiểm toán phải quy định rõ các trường hợp KTV không được vào kiểm toán tại đơn vị, nếu KTV có quan hệ gia đình hoặc có lợi ích kinh tế và các lợi ích khác với đơn vị được kiểm toán.
Yếu tố cuối cùng ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán là kiểm tra, giám sát. Kiểm tra là một chức năng của quản lý đối với hoạt động kiểm toán thì chức năng này càng phải được đề cao hơn nhằm ngăn chặn biểu hiện làm việc qua loa, đại khái, hoặc có tư tưởng thiên vị vì lợi ích cá nhân ... làm ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán. Để nâng cao chất lượng kiểm toán cơ quan kiểm toán phải có quy chế công khai quy định cụ thể việc kiểm tra,giám sát hoạt động kiểm toán theo từng cấp, trách nhiệm của KTV và cán bộ quản lý đối với nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh những yếu tố làm ảnh hưởng tới chất lượng của BCTC còn có những yếu tố thuộc về khách hàng và công ty kiểm toán.
1.3.1.1 Các sai phạm thuộc về khách hàng ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán BCTC .
Như chúng ta đã nghiên cứu ở trên chức năng của kiểm toán là “xác minh“ và “bày tỏ ý kiến“. Vậy với hành vi vi phạm (như gian lận và sai sót...) trên BCTC thì KTV có nên “bày tỏ ý kiến“ với cơ quan pháp luật về hành vi
đó hay không sau khi xác định được các sai phạm đó trên BCTC ? trong khi một trong những chuẩn mực nghề nghiệp của KTV là "bảo mật". Câu hỏi này đã được trả lời trong chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 240:
"* KTV và công ty kiểm toán phải thông báo kịp thời những phát hiện của mình cho giám đốc đơn vị được kiểm toán trong thời hạn nhanh nhất trước ngày phát hànhBCTC hoặc trước ngày phát hành báo cáo kiểm toán khi:
- KTV nghi ngờ có gian lận, mặc dù chưa đánh giá được ảnh hưởng của gian lận này tới BCTC
- Có gian lận
- Có sai sót trọng yếu
+ Khi nghi ngờ có sai phạm hoặc sai sót trọng yếu đã xảy ra hoặc có thể xảy ra KTV phải cân nhắc tất cả các tình huống xem cần thông báo cho cấp nào. Trường hợp có gian lận KTV phải đánh giá khả năng gian lận này liên quan đến cấp quản lý nào. Trong hầu hết các trường hợp xảy ra gian lận KTV và công ty kiểm toán phải thông báo cho cấp quản lý cao hơn cấp của người có dính líu đến gian lận đó.
+ KTV và công ty kiểm toán có trách nhiệm bảo mật các thông tin số liệu của khách hàng, trừ trường hợp đơn vị được kiểm toán có gian lận và sai sót mà theo quy định của pháp luật kiểm toán viên và công ty phải thông báo hành vi này cho cơ quan chức năng có liên quan ".
Như vậy đối với một số doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, BCTC doanh nghiệp lập ra chưa đảm bảo thể hiện một cách trung thực và hợp lý thì KTV độc lập sẽ đưa ra các yêu cầu điều chỉnh lại các thông tin trên BCTC. Trong trường hợp doanh nghiệp không muốn điều chỉnh lại do không thể khắc phục được mà các thông tin này ảnh hưởng trọng yếu tới thông tin trình bày trong BCTC thì báo cáo của KTV sẽ nêu ra dưới dạng xác nhận không toàn bộ (có ngoại trừ). Các điểm ngoại trừ có thể được coi là điểm kiểm toán không xác nhận tính trung thực và hợp lý của các thông tin, điều này trở thành điểm yếu
của BCTC làm hạn chế và ảnh hưởng không tốt tới các giao dịch và quan hệ kinh tế với doanh nghiệp. Trong trường hợp báo cáo kiểm toán được cơ quan quản lý xem xét thì đây cũng là những vấn đề mà nhà quản lý không mấy hài lòng. Do đó khi trên BCTC mà KTV phát hiện ra những sai phạm thì còn tuỳ thuộc vào mức độ sai phạm lớn hay nhỏ làm ảnh hưởng tới BCTC như thế nào thì KTV mới quyết định báo cáo hoặc không báo cáo với cơ quan pháp luật hoặc để cho khách hàng tự sửa đổi.
1.3.1.2 Những sai phạm ở đơn vị làm ảnh hưởng tới chất lượng của BCTC Trong quá trình hoạt động của một đơn vị, nhiều sai phạm có thể xảy ra và dẫn đến khả năng là các BCTC sẽ phản ánh không trung thực về thực trạng tài chính của họ. Để xem xét trách nhiệm của KTV đối với các sai phạm diễn ra tại đơn vị, các chuẩn mực kiểm toán thường đề cập đến ba nhóm hành vi sai phạm bao gồm sai sót gian lận và không tuân thủ luật định:
*Các sai sót:
-Nhầm lẫn số học, hoặc ghi chép trong dữ liệu kế toán.
-Bỏ sót hoặc hiểu sai sự kiện.
-Áp dụng sai các phương pháp kế toán
*Gian lận như:
-Sửa đổi nguỵ tạo tráo đổi sổ sách chứng từ.
-Tham ô tài sản.
-Che giấu, bỏ sót các nghiệp vụ trên sổ sách hay chứng từ -Ghi chép các nghiệp vụ không có thật
-Áp dụng sai các phương pháp kế toán.
*Không tuân thủ: là hành vi thực hiện sai, bỏ sót, thực hiện không đầy đủ không kịp thời hoặc không thực hiện pháp luật và các quy định dù là vô tình hay cố ý của đơn vị gồm tất cả những hành vi của tập thể, cá nhân mang danh nghĩa đơn vị gây ra.
Sự phân biệt giữa các sai phạm trên không có ranh giới rõ ràng. Giữa gian lận và sai sót tuy có sự khác biệt về bản chất nhưng trong thực tế rất khó xác định được, mặt khác hành vi không tuân thủ chủ yếu là các sai phạm dưới góc độ của đơn vị hơn là của các cá nhân và không cần phân biệt cố ý hay vô tình.
Đối với các sai phạm nêu trên thì người quản lý phải ngăn ngừa và phát hiện những sai phạm đặc biệt là hành vi gian lận và không tuân thủ. Bởi lẽ nếu không thực thi được điều này thì chắc chắn thông tin sẽ không trung thực và thậm chí đơn vị có thể sẽ bị giải thể vì những hành vi không tuân thủ.
Bên cạnh trách nhiệm của nhà quản lý thì KTV cũng có trách nhiệm với việc phát hiện các loại sai phạm trong quá trình kiểm toán:
-Đối với gian lận và sai sót: trách nhiệm của KTV là xem xét rủi ro tồn tại các sai lệch trong BCTC do những gian lận và sai sót gây ra.
-Đối với hành vi không tuân thủ: mặc dù chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 250 quy định hành vi không tuân thủ pháp luật và các quy định nói chung không phải là trách nhiệm nghề nghiệp của KTV và công ty kiểm toán nhưng KTV cần ghi nhận về các hành có thể gây ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC.
Như vậy, với những yếu tố thuộc về khách hàng, thuộc về đơn vị (công ty) kiểm toán có ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng kiểm toán BCTC thì trên cơ sở chức năng của kiểm toán có thể hạn chế hay khắc phục được những sai phạm nhờ đó làm tăng tính trung thực hợp lý, hợp pháp cuả BCTC từ đó nâng cao hơn chất lượng của kiểm toán. vậy thì thực trạng chất lượng kiểm toán BCTC ở nước ta như thế nào ?
PHẦN II