RÈN LUYỆN KỸ NĂNG TIẾP NHẬN VĂN BẢN
III. TRIỂN KHAI ĐỀ CƯƠNG THÀNH VĂN BẢN
Đề cương tuy quan trọng nhưng chưa phải là một văn bản hoàn chỉnh, trọn vẹn.
Bởi vậy, cần chuyển đề cương thành những câu, chữ cụ thể. Đây chính là việc triển khai đề cương thành văn bản.
Mỗi văn bản có một kiểu cấu tạo riêng. Tuy vậy, nhìn một cách chung nhất, để tạo được một văn bản hoàn chỉnh, khi triển khai, chúng ta cần viết văn bản theo một trình tự sau:
1. Viết phần Mở bài
Phần Mở bài có nhiệm vụ giới thiệu đề tài, xác định chủ đề cho nội dung trình bày và xác lập mối quan hệ giữa tác giả với đối tượng giao tiếp. Phần này chỉ ra hệ thống vấn đề, nội dung vấn đề và phạm vi vấn đề sẽ được bàn đến.
Trong văn bản khoa học, phần Mở bài thường mang nhiệm vụ thông tin thuần tuý và nghiêng về cách trình bày lôgic. Nhưng trong các văn bản mang tính chất giao tiếp thì phần Mở bài ngoài nhiệm vụ thông tin những nội dung sẽ trình bày còn mang thêm nhiệm vụ tâm lý. Đó là việc mở đầu còn làm sao cho thu hút sự chú ý, tăng sức hấp dẫn và lôi cuốn ngay được người đọc, người nghe.
Có hai cách Mở bài, đó là:
- Cách trực tiếp: đó là việc nêu thẳng các vấn đề sẽ được trình bày trong phần thân bài.. Cách trình bày trực tiếp thường ngắn gọn, rõ ràng, tốn ít thời gian nhưng lại khô khan, không hấp dẫn người đọc.
- Cách gián tiếp: Vào đề, người viết không nêu trực tiếp các vấn đề định trình bày mà thường bằng một số sự việc, sự kiện, hiện tượng hoặc câu chuyện hấp dẫn, người viết dần dần đưa người đọc, người nghe vào vấn đề cần trình bày trong văn bản.
Cách Mở bài gián tiếp, có chỗ mạnh là sức lôi cuốn người đọc, người nghe cao nhưng lại thường dễ rơi vào chỗ lan man, dài dòng; vấn đề cần trình bày thường bị chìm đi trong sự kiện, số liệu hay hiện tượng và hơn nữa việc mở bài kiểu này thường tốn nhiều thời gian.
Như vậy, vào đề như thế nào là tuỳ thuộc vào vấn đề trình bày, vào dự kiến dung lượng định viết, vào đối tượng giao tiếp và vào thời gian cho phép để thực hiện bài viết đó.
2. Viết phần thân bài
Phần này còn được gọi là phần triển khai. Đây là phần quan trọng nhất của toàn bộ văn bản, nó làm nhiệm vụ phát triển những tư tưởng chủ yếu được vạch ra ở phần mở bài sao cho đầy đủ và trọn vẹn.
Nếu phần Mở bài chỉ mang những thông tin tổng luận thì phần Thân bài lại mang những nội dung thông tin chi tiết, cụ thể, đáp ứng được sự chờ đợi của người đọc. Ở đây diễn ra mọi quá trình: thông báo, giải thích, bình luận, bác bỏ, rẽ nhánh, mở rộng, bắc cầu... Để đáp ứng thông tin một cách trọn vẹn, phần chính bao giờ cũng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức.
Đặc biệt chú ý trong phần Thân bài là mối quan hệ giữa vấn đề chung và riêng, giữa cái khái quát và cái cụ thể, giữa cái bao hàm và cái bị bao hàm, giữa sự kiện và các con số,...
Trong văn bản khoa học hay chính luận, việc trình bày các luận điểm, luận cứ và lập luận có tầm quan trọng đặc biệt.
- Luận điểm: là những điều tác giả cần dẫn người đọc, người nghe hướng tới nhưng chưa được giải thích, chưa được chứng minh. Luận điểm chỉ có giá trị như một kết luận khi luận điểm đó được giải thích và chứng minh một cách đầy đủ.
- Luận cứ: được coi là cơ sở để làm sáng tỏ luận điểm. Đó là những lý lẽ, những dẫn chứng đưa ra để giải thích, chứng minh cho luận điểm. Không có luận cứ, kể cả luận cứ lý lẽ lẫn luận cứ dẫn chứng, thì cũng sẽ không có những kết luận mang tính thuyết phục.
- Lập luận: là quá trình sắp xếp, liên kết các ý lại thành một khối thống nhất để dẫn người đọc đến với từng kết luận nhỏ (luận điểm) và từ đó đến với kết luận chung của toàn văn bản (luận đề).
Về mặt tâm lý, phần thân bài phải đảm bảo duy trì tới mức tối đa sự hứng thú của người đọc, người nghe. Phần này cần tránh tình trạng gây căng thẳng không cần thiết và sự quá tải về dung lượng khiến người đọc mệt mỏi, không đủ sức để theo dõi hết văn bản.
Khi viết phần Thân bài, cần chú ý các điểm sau:
a. Cách viết đoạn văn - Từ góc độ chức năng
Từ góc độ này, chúng ta thấy ở phần Thân bài có thể có các loại đoạn như: đoạn nêu luận điểm, đoạn triển khai luận điểm, đoạn nối... Mỗi đoạn này có thể có những độ dài ngắn khác nhau tuỳ thuộc vào nội dung trình bày. Việc phân chia thành từng loại đoạn như vậy chỉ có tính chất tương đối, vì có thể ngay trong một đoạn tính chất này được thể hiện một cách đan xen nhau.
- Từ góc độ cách thức nghị luận
Xem xét từ góc độ cách thức nghị luận là xem xét mối quan hệ ý nghĩa một cách khái quát nhất giữa các câu trong đoạn văn. Từ góc độ này, chúng ta có thể chia đoạn văn trong phần triển khai thành một số loại đoạn chủ yếu như sau: đoạn giải thích, đoạn chứng minh, đoạn bình luận, đoạn so sánh, đoạn nhân quả, đoạn phân tích, đoạn tổng hợp, đoạn tổng - phân - hợp.
- Từ góc độ thao tác tư duy
Từ góc độ này, chúng ta lại có thể chia đoạn văn thành: đoạn diễn dịch, đoạn quy nạp.
Thao tác tư duy là thao tác hoạt động dùng để nhận thức hiện thực, để tìm ra chân lý, cũng tức là để tìm ra các ý kiến, tìm ra các luận điểm và xác lập mối quan hệ giữa các ý kiến. Khi nói tới tư duy, chúng ta thường đề cập tới các thao tác diễn dịch và quy nạp, phân tích và tổng hợp. Các thao tác này một mặt là thao tác dùng để nhận thức hiện thực, mặt khác lại là các thao tác dùng để trình bày nhận thức của chúng ta về hiện thực.
Nhưng dưới góc độ tư duy lôgic thì chỉ có diễn dịch và quy nạp mới thực sự là các thao tác dùng để phát hiện, tìm tòi, nhận thức cái mới. Còn các thao tác phân tích và tổng hợp chủ yếu là thao tác dùng để trình bày các ý kiến của chúng ta về hiện thực...
+ Diễn dịch là cách lập luận được bắt đầu bằng một nhận xét chung khái quát hoặc những điều đã được mọi người thừa nhận...mà suy ra những nét riêng, cụ thể.
+ Quy nạp là cách lập luận được bắt đầu bằng những nhận xét mang tính cụ thể, riêng biệt để đến với những nhận định mang tính tổng quát, những nhận xét chung.
- Từ góc độ kết cấu
Từ góc độ này, đoạn văn có thể được phân ra thành: đoạn văn có kết cấu chuỗi và đoạn văn co kết câu song hành.
+ Đoạn văn có kết cấu chuỗi là đoạn văn trong đó các yếu tố nội dung được thể hiện nối tiếp nhau liên tục, yếu tố trước tạo tiền đề cho sự xuất hiện của yếu tố sau, yếu tố sau tạo tièn đề cho sự xuất hiện của yếu tố sau nữa và cứ thế liên tục cho tới hết đoạn văn.
Ở đây, các yếu tố được xâu chuỗi với nhau, nội dung được triển khai dường như theo một đường thẳng, và nhờ vậy, đoạn văn đã tạo được sự thống nhất nghĩa và lôgic.
+ Đoạn văn có kết cấu song hành là đoạn văn trong đó các yếu tố nội dung được thể hiện trong sự đối chiếu, phát triển song song với nhau. Các yếu tố nội dung thuộc đoạn văn ở kiểu kết cấu này không có sự móc nối, lồng chéo nhau như kiểu kết cấu xâu chuỗi.
b. Cách liên kết các đoạn văn - Liên kết đoạn văn bằng các từ ngữ
+ Liên kết các đoạn có nội dung tương phản nhau dùng các từ ngữ: trái lại, nhưngm tuy vậy, tuy thế, đối lập với...
+ Liên kết các đoạn có nội dung tương đồng nhau dùng các từ ngữ: tương tự, cũng thế, cũng giống như, giống với...
+ Liên kết các đoạn có những nội dung chỉ đinh thay thế như: nó, chúng, thế, vậy, này, đó, ấy...
- Liên kết đoạn văn bằng câu nối
Ngoài việc dùng từ ngữ, chúng ta có thể dùng câu nối để liên kết các đoạn văn.
Câu nối có chức năng chủ yếu là liên kết, chuyển tiếp từ đoạn văn nọ sang đoạn văn kia.
Nếu như trong câu nối có mang tính thông tin thì thông tin đó hoặc là đã cũ, đã được trình bày ở phần nội dung đoạn văn trên, hoặc là sẽ được trình bày cụ thể
- Liên kết đoạn văn bằng trật tự tuyến tính c. Cách lập luận trong đoạn văn
- Thế nào là lập luận?
- Các yếu tố của lập luận
+ Luận cứ lập luận: là căn cứ để rút ra kết luận.
Luận cứ có thể được chia ra thành hai loại:
. Luận cứ thực tế: là những lý lẽ, chân lý, các nguyên lý, các nghi thức được nhiều người biết đến, những số liệu, những chi tiết, mẩu chuyện, dẫn chứng minh hoạ,… được rút ra từ đời sống hiện thực.
. Luận cứ nhân tạo: là các lý lẽ, các dẫn chứng do người viết, người nói tự tạo ra trong quá trình lập luận.
Trong hai loại luận cứ này, luận cứ thức tế là luận cứ có giá trị đối với kết luận của lập luận.
+ Kết luận lập luận: Là điều rút ra được sau khi đã giải thích, phân tích và chứng minh trong quá trình lập luận. Kết luận là cái đích của một lập luận. Đây là điều người viết, người nói muốn người đọc chấp nhận.
Kết luận lập luận được thể hiện bằng hai cách:
. Kết luận tường minh: là kết luận được phát biểu trực tiếp thành lời, thành câu chữ cụ thể tạo cho người đọc, người nghe nhận hiểu được ngay.
. Kết luận không tường minh: là kết luận không được phát biểu trực tiếp thành lời, thành câu chữ cụ thể mà người đọc, người nghe chỉ có thể nhận biết được bằng cách suy ra từ các luận cứ có trong lập luận.
+ Cách thức lập luận: là sự phối hợp, tổ chức, liên kết các luận cứ theo những cách thức suy luận nào đấy để dẫn đến kết luận và làm nổi bật kết luận.
3. Viết phần Kết bài
Phần kết bài có nhiệm vụ tạo sự hoàn chỉnh, tính trọn vẹn cho văn bản, đồng thời góp phần giải toả tâm lý chờ đợi của người đọc.
Có thể kết thúc văn bản theo nhiều cách khác nhau, nhưng về cơ bản có hai cách chính:
- Kết thúc khép:
Đó là kết thúc theo kiểu tóm tắt lại, hệ thống hoá lại những vấn đề đã được trình bày trong phần triển khai của văn bản. Thông thường, đối với những văn bản có dung lượng lớn, người đọc khó nhớ hết các điểm đã trình bày, phổ biến các văn bản dùng kết thúc khép.
- Kết thúc mở:
Đó là kết thúc theo kiểu dựa vào những điểm đã được trình bày ở phần Thân bài mà đưa ra những liên tưởng, những cảm nghĩ, những đề nghị,… thường các văn bản ngắn hay sử dụng kết thúc mở.
Nói văn bản dài kết thúc khép còn văn bản ngắn kết thúc mở, không có nghĩa là cứ văn bản dài là kết thúc khép còn văn bản ngắn là kết thúc mở,
Độ dài ngắn của văn bản không quyết định kiểu kết thúc văn bản. Khép lại văn bản theo kiểu nào là tuỳ nội dung vấn đề được trình bày, tuỳ phong cách người viết và tuỳ thuộc đối tượng giao tiếp mà tác giả hướng tới.