ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG ĐẤT

Một phần của tài liệu DỰ THẢO BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 HUYỆN LẮK – TỈNH ĐẮK LẮK (Trang 27 - 32)

Phần II PHƯƠNG ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

I. ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG ĐẤT

1.1. Khát quát phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

1.1.1. Quan điểm phát triển

Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo quy luật thị trường.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Phát huy nội lực, tăng cường kêu gọi đầu tư, tranh thủ các nguồn lực để phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của địa phương.

Không ngừng chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo; xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách an sinh xã hội.

Đảm bảo Quốc phòng - an ninh, chủ động trong mọi tình huống, giữ vững ổn định chính trị - trật tự an toàn xã hội; chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện.

1.1.2. Mục tiêu phát triển a. Mục tiêu tổng quát

Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng cao hơn 5 năm trước.

Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng, an ninh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

b. Mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường - Về kinh tế

+ Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm bình quân giai đoạn 2016-2020 từ 14,5 - 15%; trong đó Nông - Lâm nghiệp- thủy sản tăng từ 6,5 - 7,0%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 23 - 25%, thương mại - dịch vụ du lịch tăng trên 22%.

+ Cơ cấu kinh tế: Nông - Lâm nghiệp – thủy sản chiếm 47 - 48%; công nghiệp - xây dựng chiếm 26 - 27%; thương mại - dịch vụ chiếm 24 - 25%;

+ Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 là 26 triệu đồng/người/năm theo giá thực tế.

- Về xã hội và môi trường

+ Thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, duy trì đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS; huy động 98% trẻ em trong độ tuổi đến trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học dưới 0,5%; đến năm 2020 có 80% phòng học kiên cố, không còn phòng học tạm; đến năm 2020 toàn huyện có 13 - 14 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 5 trường đạt chuẩn mức độ II.

+ Phấn đấu 95% các cháu trong độ tuổi được uống và tiêm phòng đầy đủ các loại Văccin; 100% số trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc; thực hiện cấp thẻ BHYT cho đối tượng chính sách đạt 100%; đến năm 2020 có 7 bác sỹ /vạn dân; duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

+ Giảm tỷ suất sinh hàng năm 0,5%0, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,4%.

Giảm tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn dưới 17%.

+ Phấn đấu trong nhiệm kỳ giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2,5 - 3%/năm.

+ Tạo việc làm cho 10.000 lao động.

+ Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 80 - 85% thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận văn hoá; trên 85% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; có 1 - 2 xã đạt tiêu chuẩn văn hóa; 100% buôn và 50% thôn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

+ Đến năm 2020 có 1 - 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên.

+ Phủ sóng phát thanh và truyền hình ở 100% số xã, tỷ lệ người dân được xem truyền hình trên 97%.

+ Tỷ lệ chất thải rắn tại thị trấn được thu gom, xử lý 85% trở lên.

+ Tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh khu vực nông thôn và đô thị 90% trở lên.

c. Phương hướng chủ yếu phát triển các ngành kinh tế - xã hội

- Đối với nông nghiệp: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tập trung chủ yếu vào thâm canh tăng vụ, sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, tiến tới xây dựng thương hiệu lúa huyện Lắk vào 2018; chăm sóc tốt diện tích cây cà phê hiện có bảo đảm năng suất bình quân trên 3,5 tấn nhân/ha. Quy hoạch những vùng trồng cây ăn quả, để đến năm 2020 có 450 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế.

Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, trồng cỏ để chăn nuôi bò bán chăn, thả và cải tạo đàn bò theo hướng tăng về trọng lượng và chất lượng thịt; tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; đồng thời chú trọng công tác kiểm dịch động vật trên địa bàn.

Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 02/2014/CT-UBND ngày 01/4/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về nghiêm cấm hành vi huỷ diệt trong khai thác thuỷ sản ở các vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản ở hồ Lắk, lòng hồ thủy điện Tua Srah và các hồ đập, sông suối trên địa bàn huyện; đồng thời khuyến khích các hộ dân phát triển diện tích nuôi cá, phấn đấu đưa diện tích nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2020 trên 900 ha, sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 3.000 tấn.

Thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi; tập trung hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng rộng rãi những tiến bộ kỹ thuật, các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao, quy trình canh tác, chế biến thức ăn gia súc... Đồng thời nghiên cứu kỹ điều kiện sinh thái của từng vùng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và chuyển giao khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất cho nông dân.

Công tác bảo vệ thực vật phải thực hiện tốt việc dự báo diễn biến tình hình sinh trưởng của các loại cây trồng và sâu bệnh hại cây trồng; tăng cường kiểm tra việc kinh doanh và tiêu thụ các loại thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức hội thảo giới thiệu các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng cho bà con nông dân.

Huy động các nguồn lực cho đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương nội đồng, thường xuyên sửa chữa nâng cấp để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có, đẩy mạnh xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, kiên cố hóa tất cả hệ thống kênh mương để chủ động điều tiết, sử

dụng nước hợp lý phục vụ sản xuất; xây dựng các phương án chủ động phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Đến năm 2020 các công trình thủy lợi phải đảm bảo đủ nước tưới ổn định cho trên 90% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới.

Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác trái phép, bảo vệ và phát triển rừng; tích cực trồng rừng tập trung và phân tán để nâng cao độ che phủ của rừng. Tiếp tục thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt việc bảo vệ rừng, không phát rừng làm rẫy. Giám sát và quản lý chặt chẽ các đơn vị hợp đồng trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn, kịp thời kiến nghị thu hồi diện tích đất rừng đối với các công ty nhận trồng rừng nhưng không hiệu quả, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng.

- Đối với công nghiệp - xây dựng: Phát huy nội lực, tiềm năng và lợi thế, đồng thời tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển các ngành chế biến lương thực, thực phẩm, thức ăn gia súc; sản xuất vật liệu xây dựng, sửa chữa điện tử, sản xuất nông cụ, sửa chữa cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên môi trường. Quy hoạch vùng, khảo sát quy mô, trữ lượng các khoáng sản trên địa bàn để có kế hoạch khai thác hợp lý, hiệu quả.

Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề phù hợp với truyền thống và thế mạnh của địa phương nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Phấn đấu đưa giá trị tổng sản lượng ngành Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020 đạt trên 230,3 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994).

- Đối với thương mại - dịch vụ: Phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại ở trung tâm thị trấn Liên Sơn và các chợ ở xã và cụm xã (Buôn Triết, Đắk Nuê, Krông Nô…); khuyến khích hoạt động thương mại của các thành phần kinh tế phát triển cạnh tranh bình đẳng, đồng thời tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong lưu thông hàng hóa, chống hàng nhái, hàng giả.

Đa dạng hóa các dịch vụ viễn thông, cải tiến các dịch vụ phục vụ đáp ứng nhu cầu thông tin. Phấn đấu đến năm 2020 bình quân đạt 57 thuê bao điện thoại/100 người dân; quản lý tốt các hoạt động dịch vụ Internet, số thuê bao internet băng thông rộng...

Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, trong đó chú trọng tăng cả về cơ số lẫn

chất lượng phương tiện, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và chuyên chở hàng hóa của nhân dân. Triển khai xây dựng bến xe của huyện nhằm khắc phục tình trạng đậu, đỗ xe không đúng nơi quy định, hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm về trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị.

1.2. Quan điểm sử dụng đất.

- Quy hoạch sử dụng đất nhằm quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất đai theo quy hoạch và pháp luật; đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả, nhằm khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Quy hoạch sử dụng đất phải đáp ứng mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai, phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Quy hoạch sử dụng đất là cơ sở để thực hiện kế hoạch hóa quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Quy hoạch sử dụng đất phải là công cụ quan trọng của Nhà nước thực hiện quyền định đoạt về đất đai; tạo lập cơ sở pháp lý cho công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hỗ trợ điều tiết thị trường bất động sản.

- Việc tính toán, phân bổ nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực, địa phương được định hướng từ trên xuống dưới, từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

- Duy trì và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực; đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên và đất di tích danh thắng nhằm bảo vệ cảnh quan môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước và phát triển bền vững.

- Ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung phát triển các lĩnh vực hạ tầng then chốt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có phân kỳ đầu tư ưu tiên những dự án quan trọng tạo đột phá phát triển và có tác động lan tỏa lớn.

- Đảm bảo hợp lý quỹ đất đáp ứng nhu cầu xây dựng đô thị, phát triển công nghiệp, dịch vụ trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Đảm bảo đủ quỹ đất để thiết lập, duy trì và quản lý hành lang bảo vệ các công trình thuộc hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lực, nguồn nước, di tích lịch sử - văn hóa,... theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Khai thác hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng; ngăn chặn tình trạng đất bị xâm hại, lấn chiếm; phát triển quỹ đất theo hướng khai hoang, mở rộng diện tích đất ở những nơi có điều kiện; áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong việc sử dụng cải tạo, bồi bổ, bảo vệ, làm tăng độ phì của đất để nâng cao hiệu quả kinh tế đầu tư trên đất.

Một phần của tài liệu DỰ THẢO BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN NĂM 2020 HUYỆN LẮK – TỈNH ĐẮK LẮK (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(64 trang)