Công viên Lê Thị Riêng là công viên có vị trí tốt, toạ lạc trung tâm thành phố, gần đường lớn CMT8, ba mặt tiền là điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách.
Quan trọng là công viên phải tạo được nét hấp dẫn lưu giữ khách, tạo một nét đặc biệt riêng cho mình. Nét đặt biệt ấy được thể hiện không chỉ ở vài nơi riêng biệt để trở thành điểm chung của công viên mà được thể hiện xuyên suốt. Ở đây là công viên văn hoá nên trục chính được thiết kế sao cho vừa mang đậm nét văn hóa giàu bản sắc vừa bắt nhịp theo lối hiện đại. Xuyên suốt trục chính là việc sử dụng các cây lớn tạo bóng mát, tăng diện tích cây bụi và hoa nền làm cho cảnh sắc tươi vui, thoải mái hơn . Bên cạnh đó triệt để sử dụng các hình tượng, vật liệu trang trí từ thiên nhiên ghi nhớ điểm xuất phát của nước ta là nền nông nghiệp, mây, tre lá..
Cổng chính công viên được thiết kế phỏng theo cổng Ngọ Môn thời nhà Nguyễn, nhưng kích thước lớn hơn , được khắc chạm trổ trên thân cột, bên cạnh cổng là hàng cây lớn che bóng mát. Đi qua du khách sẽ có cảm giác như được bước qua cánh cổng thời gian trở về với những văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Bước vào sẽ gặp sảnh được thiết kế đơn giản với vòi phun nước và cây hoa được cắt xén uốn lượn ôm tròn lấy trục nước. Sảnh này như là bình phong cho cả công viên, du khách sẽ đi vòng theo sảnh vào công viên vừa chậm rãi thưởng thức nét đẹp của công viên.
Từ cổng công viên nhìn vào có thể thấy trục chính được thiết kế thoáng mát , rộng thẳng từ cổng chính đến điểm cuối của trục.
Khuôn viên được thiết kế theo tầng bậc từ thấp đến cao và kết thúc là nhà truyền thống với mái ngói đỏ lấp ló sau những tán cây Phượng hồng. Việc phân chia như vậy nhằm làm không gian rộng hơn và tạo cảm giác mới mẻ cho người thưởng ngoạn. Bước qua bậc thang là đến những không gian mới, những cảm nhận mới nhưng tất cả các không gian vẫn hài hoà và thống nhất với nhau bằng nững đường nét mềm mại.
Từ khuôn viên trục chính có các đường giao thông phụ dẫn ra các khu vực khác, có nhiều đường phụ để tiện cho việc di chuyển của du khách và mỗi đường phụ được thiết kế với những cảnh sắc khác nhau tránh sự nhàm chán.
Tính chất hình học của khuôn viên bãi cỏ, hình dáng cây tùng kết hợp với trục nước kéo dài làm cho không gian như trang nghiêm hơn, vững chắc hơn. Sẽ không quá cứng mà trở nên mềm mại hơn, uyển chuyển hơn khi những cây tùng được sắp xếp thành những đường cong hài hòa với vũ điệu uốn lượn của những mảng hoa cắt xén nhiều màu sắc.
Bước vào khuôn viên trục chính, nổi bật trên mảng cỏ hình bán nguyệt là cụm ba cây vạn tuế được sắp xếp có trật tự, kết hợp hàng cây cắt xén…và được thiết kế đối xứng tạo một cảm giác của sự khởi đầu trang trọng.
Những mảng cỏ vuông vức và đơn giản được sắp xếp ở đây làm cho không gian mở đầu trở nên thông thoáng hơn. Dưới những hàng cây xanh mát có bố trí các dãy ghế để quý khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh….
Tiếp theo là trục nước với những đường cây tùng thấp uốn lượn nhịp nhàng.
Từ đó có nhiều hướng nhìn khác nhau được tạo ra: các bồn hoa bụi, hoa nền với nhiều màu sắc đẹp, hướng về phía tượng đài đồng chí Trần Phú. Bước qua hai bậc tam cấp là tới không gian của tượng đài với hai bên là hai bồn hoa đẹp cao khoảng 1m50. Chính sự cao thấp có chủ ý của các bồn hoa làm cho tượng đài như là một khu vực riêng, dành cho sự trầm tĩnh, cho sự tưởng nhớ đến những vị anh hùng dân tộc, đến lòng yêu nước của nhân dân ta. Từ tượng đài có lối đi phụ từ các phía làm công trình như là trung tâm nhỏ, càng mạnh mẽ và thiêng liêng hơn. Bên cạnh công trình bê tông cứng rắn là sắc xanh dịu mắt của những khóm cây bụi bao quanh, phía trước tượng đài là sự bố trí của hai chậu Mai chiếu thuỷ uốn tỉa dạng bon sai.
Trở lại đường trục thẳng, việc sử dụng các mảng hoa nền nhiều màu sắc nhằm tạo không gian công viên vui nhộn hơn, sinh động hơn. Một công viên sẽ đạt được yêu cầu, thu hút được du khách nếu tạo cho du khách sự thoải mái, thích thú khi đặt chân đến.
Những tầng cây bàng kéo dài trục ngang như tạo sự tò mò cho người thưởng ngoạn, họ sẽ phải bước tiếp vì không gian tiếp theo như ẩn hiện qua những tán cây. Hàng cây bàng phía trước là cây rụng lá, thay màu lá theo mùa. Việc bố trí trải rộng các loại cây thay lá theo mùa như bàng, phượng làm cho không gian được thay đổi không ngừng theo dòng thời gian. Cây ra lộc non, qua bao thời gian sinh trưởng rồi trở nên già cỗi, lá chuyển dần màu và rụng xuống, cây trở nên khẳng khiu, mạnh mẽ rồi chuẩn bị đâm chồi, ra những sắc hoa rực rỡ…cứ thế tuần hoàn. Con người cũng vậy, sinh ra, sống ở đời rồi lại trở về với cát bụi.
Bàng khi sắp rụng sẽ có màu đỏ loang lổ do lá có màu không đều, điều đó làm không gian như thi vị hơn và gần gũi với thiên nhiên hơn, tuy việc cây rụng lá gây khó khăn cho dọn dẹp vệ sinh nhưng không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp của nó, ngay cả trong thơ ca còn vang mãi “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ..”
Từ những bậc tam cấp bước lên là bước tiếp nối những con đường phụ, rẽ phải là con đường dẫn ra bờ hồ, nơi đây phù hợp cho những ai muốn câu cá , ngồi hóng mát..
Không gian tiếp theo đang dần hiện ra, trước mắt là một sảnh lớn được thiết kế đơn giản để tạo sự thông thoáng. Ở giữa là trục hình tròn như là sảnh nhưng cao dần lên theo tầng bậc để cao nhất là vòi phun nước. Sảnh này được lát gạch màu sáng nên lại nổi thêm, trên từng bậc được lát gạch, sự sắp xếp những bồn cây ôm dọc theo sảnh và những bồn cây hoa bụi kết hợp thành bồn làm ghế ngồi. Những bồn cây này được sắp xếp sao cho mở rộng tầm mắt ra trục thẳng, vừa đặt hướng nhìn ra bờ hồ, đáp ứng ý muốn thưởng ngoạn cho du khách. Từ đây nhìn xuống có thể thấy được con đường tử bờ hồ lên thật rộng và những bồn hoa Huỳnh Anh vàng rũ xuống thật hấp dẫn.
Ở đây cũng như toàn bộ trục chính, ghế được bố trí đầy đủ để tiện cho du khách muốn dừng chân, ghế được bố trí kết hợp với những khóm cây bụi, cũng có khi là núp bóng dưới những tán cây tìm bóng mát.
Những tiểu cảnh nhỏ được thiết kế đậm chất dân gian, vài ba viên đá kết hợp những bụi cây vừa và cây bụi nhỏ, thêm một chiếc đèn tre tạo vẻ đẹp lung linh khi
về chiều là đẹp. Cây là bụi trúc nhỏ kết hợp những đám dương xỉ, trâm ổi đầy màu sắc.
Có tiểu cảnh là sự kết hợp của một cái chum bằng gốm, huyết dụ, những bụi cây dương xỉ, vài viên gạch nung cũng đủ thu hút những ánh nhìn thích thú.
Trên những mảng cỏ rộng là sự kết hợp của các tầng cây từ cao đến thấp tạo thành cụm cau đuôi chồn.
Không gian này còn là sự kết hợp hài hoà giữa các loại cây có hình dạng tính chất khác nhau, hình tia của cau đuôi chồn và hình sắc nhọn của hàng cây lưỡi hổ như được trung hoà bởi cụm cây bướm bạc phi hình khối tròn…Không gian theo chiều đứng được sắp xếp cho thấp dần vào trung tâm làm trung tâm như trang trọng hơn.
Nếu như ở các phần trước, không gian của khuôn viên chưa thể hiện rõ những nét văn hoá dân tộc thì ở phần kết thúc của trục chính này, nét văn hoá được thể hiện đậm đà nhất. Từ việc sử dụng gạch gốm đỏ sẫm – màu của thời gian để lát sảnh làm không gian trở nên mộc mạc hơn, gần gũi thiên nhiên và quê hương. Nhà truyền thống và đài tưởng niệm liệt sĩ nhìn từ xa chỉ thấy thấp thoáng sau những tán cây phượng với sắc đỏ của mái ngói cong, một nét kiến trúc cổ.
Bước vào sảnh, hai bên đường là hai hàng cây tùng cứng cáp như hướng tầm nhìn lên nhà truyền thống ở trên cao, vừa tạo không khí trang nghiêm cho khu vực.
Tùng là cây có dáng đẹp, nó còn mang ý nghĩa của sự trường tồn, dù thời gian có qua đi, các loại cây khác có rụng lá nhưng nó vẫn giữ nguyên một sắc xanh tươi mát.
Hai bể nước được đặt ở đây, trồng sen hồng, trắng vừa đẹp lại mang ý nghĩa thanh lọc, rất thích hợp cho không gian này.
Trước công trình là những chậu cây bonsai được sắp xếp ngay ngắn ở hai bên.
Thành bao quanh được thiết kế rộng đủ để có thể ngồi nghỉ ngơi. Nơi đây còn bố trí dãy ghế dài, du khách có thể thưởng thức khung cảnh dưới giàn leo Kim Đồng tươi sáng. Nền ở dưới ghế là loại gạch nung khác màu với gạch chính để gây cảm giác khác lạ. Toàn bộ khu vực là sự bao phủ của cây phượng, khi hè đến loại
hoa này sẽ làm cho không gian rực lên với màu đỏ rất đẹp, mùa rụng lá là lúc nó khoe vẻ đẹp khẳng khiu, thô mộc của mình.
Tuy đây là điểm kết thúc của khu vực nhưng có hai đường giao thông phụ dẫn ra các khu vực lân cận, đường được nối ra hai bên của nhà truyền thống. Phía trái nhà truyền thống là con đường đốc thoải, du khách sẽ thả bộ từ từ mà thưởng ngoạn. Từ dưới đi lên, trước tiên sẽ gặp cổng vòm là giàn hoa giấy đầy màu sắc.
Hai bên đường trồng các loại cây kết hợp lớn nhỏ, một bên góc nhà là vài ba bụi chuối và những khóm cây bụi ven đường, một bên sứ được trồng ôm cong theo lối đi và tầng dưới là những bụi cây nhỏ được trồng ven đường. Lối đi này sẽ dẫn du khách trở về với không gian nông thôn đậm chất Việt, con đường quanh co bằng gạch đất nung, những bụi chuối xanh mát, những khóm cây bụi mọc hờ hững…
Sau đài tưởng niệm là không gian mà cổng được tạo với hai bên là hai mảng tường ngắn, còn lại dành cho cây hoa bụi và cây sứ trắng. Mảng tường làm bằng gạch nung kết hợp với dây leo rũ xuống, đây là hình ảnh của không gian đồng quê, sự giản dị mà súc tích. Bước vào trong sẽ thấy một bồn nước thấp được xây dựng phỏng theo giếng xưa. Không gian này được bao bọc bởi hai mảng tường, bởi vòng cây hoa sứ sau lưng, sự sắp đặt của cây bụi tạo một sự thoải mái, không quy tắc.