Đặc điểm người HMTN trong nghiên cứu

Một phần của tài liệu NGHIÊN cứu đặc điểm các CHỈ số tế bào máu NGOẠI VI ở NGƯỜI HIẾN máu TÌNH NGUYỆN tại VIỆN HUYẾT học TRUYỀN máu TRUNG ƯƠNG (Trang 39 - 42)

Trong những năm gần đây, tỉ lệ người HMTN tại hầu hết các Ngân hàng máu đều gia tăng. Tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chỉ trong ba tháng từ ngày 1/11/2018 đến ngày 31/1/2019 đã tiếp nhận được 4486 lượt HMTN. Trong đó, nghiên cứu đã được thực hiện trên tổng số 3650/4486 người HMTN.

Theo kết quả ở biểu đồ 3.1, nghiên cứu của chúng tôi tiếp nhận được 2222 người HMTN là nam giới tương ứng tỷ lệ 60,88 %, ở nữ giới là 1428 người HMTN tương ứng với 39,12%. Như vậy, người HMTN ở nam giới cao hơn ở nữ giới với tỷ lệ là 1,56. Sự chênh lệch này có thể giải thích rằng: do tính đến 31 tháng 12 năm 2018, tỷ lệ giới tính của nước ta là 0,979 ( 979 nam trên 1000 nữ) mà mỗi tháng nữ giới đều có chu kỳ kinh nguyệt với thời gian hành kinh trong khoảng từ 3-7 ngày và phụ nữ trong thời kỳ mang thai thì sẽ không đủ điều kiện để tham gia HMTN.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với nghiên cứu của Lê Hoàng Oanh với tỷ lệ nam giới là 61,55 % lớn hơn nữ giới là 38,45 % [29], nghiên cứu của Phạm Văn Hiệu cũng cho với tỷ lệ nam giới là 79,09 % cao hơn ở nữ giới là 20,93% [26], nghiên cứu của Nguyễn Thị Hiền Hạnh với tỷ lệ nam giới là 75,9% và nữ giới là 24,1% [27], nghiên cứu của Murugavel với nam giới 60,6%, nữ giới là 39,4% [30]. Như vậy, có thể nói rằng nếu lựa chọn mẫu nghiên cứu là người HMTN ngẫu nhiên thì tỷ lệ người HMTN là nam giới luôn lớn ở nữ giới cả ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn nghiên cứu của Huỳnh Thị Bích Huyền với tỷ lệ nam giới là 31.4%, tỷ lệ nữ giới là 68,4 % [28], nghiên cứu của Yalew với tỷ lệ nam giới và nữ giới đều là 50% [31]. Sự khác biệt này có thể do cách chọn đối tượng nghiên cứu, ví dụ như nghiên cứu của tác giả Huỳnh Thị Bích Huyền là từ những nhân viên bình thường HMTN của bệnh viện mà tỷ lệ nhân viên ở đây là nữ > nam.

4.1.2. Phân bố theo tuổi

Tuổi của người HMTN được phân bố theo giới trình bày ở bảng 3.1 và phân bố tuổi theo độ tuổi ở biểu đồ 3.2. Tuổi trung bình của người HMTN là 28,84±8,49 tuổi, trong đó ở nam giới là 29,18±8,23 cao hơn ở nữ giới là 28,30±8,86 với p <0,01. Tuổi thấp nhất là 18 tuổi, tuổi cao nhất là 59 tuổi.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn nghiên cứu của Nguyễn Thị Thảo với trung bình là 31,3±7,83 tuổi [32], nghiên cứu của Murugavel 29,8±7,6 [31]. Cao hơn nghiên cứu của Yalew 24,5±6,65 [31], nghiên cứu của Trần Thị Ngọc Lan là 21±2 [33] do nhóm đối tượng này tập chung vào tỷ lệ học sinh sinh viên là chủ yếu. Cao hơn nghiên cứu của Phạm Văn Hiệu với tuổi trung bình là 21,61±4,03 thấp nhất cũng là 18 tuổi và cao nhất là 60 tuổi do nghiên cứu này nghiên cứu người HMTN tại Viện 103 và 108 của quân đội khu vực Hà Nội nên phần lớn đối tượng HMTN cũng là các học viên của các trường quân đội [26].

Theo biểu đồ 3.2, lượng máu tiếp nhận ở các lứa tuổi khác nhau, phần lớn người HMTN thuộc độ tuổi 18-33 trong đó từ 18-25 tuổi có 1567 người HMTN chiếm tỷ lệ 42,93%, từ 26-33 tuổi có 1120 người HMTN chiếm tỷ lệ 30,68%. Tiếp sau đó là độ tuổi 34-41 với 618 người HMTN chiếm tỷ lệ 16,93%. Còn lại một phần nhỏ từ 42-49 tuổi với 259 người HMTN chiếm tỷ lệ 7,1%, 50-59 tuổi với 86 người HMTN chiếm tỷ lệ 2,36%.

Như vậy, đối tượng nghiên cứu của chúng tôi lấy ngẫu nhiên từ những người đến HMTN tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nên đủ các lứa tuổi từ 18 đến 59 tuổi. Trong đó, có thể nói rằng phong trào vận động HMTN đã được tiến hành và tác động mạnh mẽ đến lứa tuổi từ 18-25 (42,93%). Đây thường là đối tượng sinh viên mới nhập học, có sự hiểu biết nhất định cũng như có tuổi trẻ, có sức khỏe và sự khao khát tham gia tình nguyện cống hiến cho xã hội. Lứa tuổi này có thể được coi là lực lượng nòng cốt cho phòng trào HMTN bởi không chỉ là đối tượng chính tham gia HMTN mà tại các học viện, trường đại học, cao đẳng,...cũng đều có các “Đội thanh niên tuyên truyền vận động hiến máu” giúp lan tỏa tinh thần HMTN “thương thân thương ái” rộng khắp đến mọi người. Lứa tuổi từ 26-33 (30,68%) có tỷ lệ thấp hơn độ tuổi từ 18-25 nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người HMTN, do nhóm tuổi này là nhóm tuổi trẻ, đang ở độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao trong tháp dân số. Lứa tuổi từ 42-49 (7,1%), 50-59 ( 2,36%) chiếm tỷ lệ thấp hơn trong tổng số người HMTN nguyên nhân có thể do khi ở tuổi này hệ miễn dịch đã bắt đầu suy yếu, hoạt động của các cơ quan đã bắt đầu thay đổi, cơ thể của con người xuất hiện nhiều bệnh lý khác nhau, do đó có những hạn chế nhất định về sức khỏe chính vì vậy không đáp ứng đầy đủ những điều kiện để tham gia hiến máu nữa.

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đồng với các nghiên cứu về tỷ lệ độ tuổi HMTN, theo Nguyễn Đức Thuận độ tuổi của người HMTN chủ yếu từ 18 đến 25 (83,6%), tiếp đến là từ 26 đến 35 (13,8%) và chỉ có 2,6% là trên 35 tuổi. Theo Lê Hoàng Oanh khi nghiên cứu về đặc điểm người HMTN tại Chợ Rẫy thì tỷ lệ người HMTN trẻ tuổi nhỏ hơn 45 tuổi là 86,7%[29].

Theo nghiên cứu của Phạm Văn Hiệu cũng cho tỷ lệ người HMTN từ 18-20 tuổi là 63,75%, 21-30 tuổi là 25,15%, 31-40 tuổi là 4,2%, trên 40 tuổi chỉ có 6,9% [26].

Một phần của tài liệu NGHIÊN cứu đặc điểm các CHỈ số tế bào máu NGOẠI VI ở NGƯỜI HIẾN máu TÌNH NGUYỆN tại VIỆN HUYẾT học TRUYỀN máu TRUNG ƯƠNG (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(53 trang)
w