Ngày nay các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y học ngày càng nhiều, đã có nhiều phương pháp mới để chẩn đoán và điều trị UBT nhưng chủ yếu vẫn là phẫu thuật. Đặc biệt với UTBT thì điều trị ngoại khoa làm giảm tối đa số tế bào ung thư, tạo điều kiện cho hóa trị liệu phát huy tác dụng. Hóa trị liệu là sự ra đời và phát triển của các thuốc chống ung thư mới, bên cạnh đó các thành tựu về gen, sinh học tế bào, sinh học phân tử đang mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới đầy triển vọng.
1.5.1. Điều trị ngoại khoa 1.5.1.1. Chọc hút dưới siêu âm
Sau khi tiền mê, dưới sự hướng dẫn của siêu âm đầu dò âm đạo để chọc hút dịch nang. Phương pháp này được áp dụng cho các nang cơ năng, u dạng lạc nội mạc, hay nang thực thể lành tính khác có kích thước dưới 5 cm ở những phụ nữ dưới 40 tuổi. Tuy nhiên phương pháp này hiện nay ít làm vì khó xác định chắc chắn khối u lành tính hay ác tính.
1.5.1.2. Mổ qua nội soi
Khi chẩn đoán chắc chắn là u lành tính, có thể boc tách u hay cắt cả buồng trứng. Trong những trường hợp nghi ngờ ác tính phải chuyển sang mổ mở ổ bụng để xử trí triệt để. Đối với người bệnh trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là tuổi vị thành niên, trẻ em thì phẫu thuật nội soi được coi là một phương pháp điều trị ban đầu cần thiết để chẩn đoán và quyết định thái độ bảo tồn, nếu là nang lành tính thì việc bảo tồn buồng trứng cần phải được đặt ra, nhưng cần phải theo dõi chặt chẽ sau mổ để phát hiện sự tái phát. Điều này phụ thuộc vào đặc điểm của u nang như kích thước, mật độ, hình dạng và độ dày của vách ngăn… Nếu có gợi ý khả năng ác tính thì nên phẫu thuật mở bụng, hội chẩn và cắt lạnh khối u để có hướng giải quyết một cách tối ưu nhất.
Hiện nay, tại nhiều bệnh viện phụ sản đã áp dụng kỹ thuật nội soi ổ bụng bóc u nang trong bao hạn chế sự lan tràn các thành phần của u vào ổ bụng và tránh tai biến khi sử dụng các dụng cụ điện trong lúc mổ.
1.5.1.3. Mổ mở bụng
Năm 1809 Ephraim Mac Dowell, một bác sĩ người Hoa Kỳ đã tiến hành phẫu thuật lấy bỏ một khối u buồng trứng nặng gần 10 kg cho bà Jane Todd Crawford, bệnh nhân đã sống 30 năm sau mổ. Phẫu thuật này đã được các nhà ngoại khoa nói chung và phẫu thuật Sản phụ khoa nói riêng nhất trí tôn vinh như một trong những cột mốc đầu tiên trong lịch sử điều trị UBT bằng phẫu thuật. Kể từ đó phẫu thuật mổ mở bụng trong UBT đã có nhiều tiến bộ vượt bậc và áp dụng cho hầu hết các UBT.
Trong quá trình phẫu thuật, nếu là u lành thường bóc tách khối u hay có thể cắt bỏ cả khối u hay cắt bỏ cả một phần phụ tùy theo từng trường hợp cụ thể, phụ thuộc vào đặc điểm của người bệnh như tuổi, đã có gia đình, có con hay chưa…Nếu nghi ngờ u ác tính, cần thực hiện các nguyên tắc sau: cắt UBT, sinh thiết buồng trứng đối diện, kiểm tra tế bào học ổ bụng và kiểm tra xem có di căn trong ổ phúc mạc hay không. Đồng thời cần quan sát các tạng lân cận hoặc có điều kiện nên sinh thiết lạnh xem có biểu hiện ác tính hay không để có thai độ xử trí đúng mức. Nhiều tác giả đề nghị mổ lại lần 2, lần 3 xen kẽ các đợt điều trị nội khoa nhằm khu trú tổn thương để lấy được càng nhiều tổ chức ung thư càng tốt.
1.5.2. Điều trị nội khoa (với UTBT)
Đối với UTBT, việc điều trị phức tạp hơn nhiều, phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, bản chất, nguồn gốc khối u, ngoài phẫu thuật còn có các phương pháp điều trị hỗ trợ khác như: Hóa trị liệu, tia xạ, điều trị bằng hormone, miễn dịch.
1.5.2.1. Hóa liệu pháp
Hóa liệu pháp là phương pháp điều trị hỗ trợ rất quan trọng đối với UTBT, nhất là những trường hợp dính, phẫu thuật khó khăn hay tổ chức ung thư đã di căn xa. Phương pháp này với nhiều ưu điểm như dùng được kéo dài đa số người bệnh chấp nhận được, dùng nhiều đợt trong nhiều giai đoạn khác nhau như tấn công, dự phòng hay điều trị triệu chứng. Tuy nhiên vẫn có một số nhược điểm như tác dụng thay đổi theo từng loại ung thư hay trên những người bệnh khác nhau và sau một thời gian có hiện tượng quen thuốc, gây độc cho hệ tạo máu, hệ miễn dịch, do đó cần được theo dõi , kiểm tra thường xuyên công thức máu và chức năng gan, thận.
Một số phác đồ đang được áp dụng hiện nay:
- Phác đồ VAC (Vancristin, Actinomycin D, Cyclophosphamid).
- Phác đồ PVB (Cisplantin, Vinplastin, Bleomycin).
- Phác đồ PEB (Cisplantin, Etoposide, Bleomycin).
Năm 2000, khi điều trị hóa liệu pháp cho 76 người bệnh UTBT đã cắt bỏ triệt để khối u, Kyuzc A cho thấy tỷ lệ khỏi (5 năm) lần lượt tương ứng với phác đồ PVB, VAC, PEB là 55%, 63,6% và 74,6%. Báo cáo của Ngô Văn Tài tại bệnh viện PSTW cũng cho kết quả tương tự là 78,8%.
1.5.2.2. Quang tuyến liệu pháp
Đây là phương pháp được áp dụng từ rất lâu với cơ sở là dùng tác dụng hủy của tia xạ để diệt các tế bào ung thư đang phân chia rất nhanh so với tế bào bình thường. Tổng liều dùng thông thường là 6000 Rad trong vòng 3 đến 4 tuần. Hiện nay so với tiến bộ của hóa liệu pháp thì quang tuyến liệu pháp ít được sử dụng.
1.5.2.3. Miễn dịch liệu pháp và hormone liệu pháp
Hai phương pháp này được đề cập từ rất lâu nhưng ít được sử dụng vì hiệu quả thường không được như mong muốn.
1.5.2.4. Theo dõi sau điều trị phẫu thuật UTBT
Người bệnh được khám 3-4 tháng một lần trong 2 năm đầu, 6 tháng một lần trong hai năm tiếp theo và sau đó là theo dõi hàng năm.
Khám lâm sàng:
- Tình trạng toàn thân, cân nặng
- Hạch thượng đòn, tình trạng phổi, khám vú, gan, vùng bụng, vùng bẹn…
- Tìm u tái phát ở vùng tiểu khung Xét nghiệm:
- Định lượng lại nồng độ CA125, CEA… huyết tương nếu lúc bắt đầu điều trị có nồng độ cao. Theo dõi tế bào học.
- Siêu âm ổ bụng, chụp X quang phổi 6 tháng đến 1 năm/ lần theo dõi tái phát khối u.