CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
1.2. Các nghiên cứu có liên quan đến đề tài
1.2.2. Các nghiên cứu tại Việt Nam
Trách nhiệm xã hội hay công bố thông tin trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam đã được đưa vào nghiên cứu trong thời gian qua nhưng đối với người sử dụng thông tin hay nhiều doanh nghiệp vẫn còn là một khái niệm khá mơ hồ. Số lượng nghiên cứu vẫn còn ít và hạn chế, điển hình có một số nghiên cứu như sau:
Bài nghiên cứu “Corporate Social Disclosures in Southeast Asia: A Preliminary Study” của hai tác giả Juniati Gunawan và Riandy Hermawan, công bố trên tạp chí Social and Environmental Accounting, số 6, trang 198-220 năm 2012.
Kết quả nghiên cứu báo cáo thường niên của 19 doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam trong hai năm 2017-2018 cho thấy quan hệ đối ngoại là thông tin được công bố nhiều nhất trong năm 2007 bởi 72,2% các doanh nghiệp. Năm 2008 đánh dấu sự thay đổi trong xu hướng công bố, chuyển từ quan hệ đối ngoại sang bền vững. Sự thay đổi này cho thấy xu hướng tích cực trong công bố thông tin trách nhiệm xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, năng lượng vẫn là thông tin công bố ít nhất. Theo tác giả, những khó khăn trong tính toán mức tiêu thụ năng lượng và ít nhận thức về hiệu quả năng lượng có thể là những lý do chính cho việc số lượng nhỏ thông tin năng lượng được công bố. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong hai năm 2007 và 2008 có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ phần trăm các doanh nghiệp công bố thông tin trách nhiệm xã hội. Phát hiện này có thể cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng nhận thức về các vấn đề xã hội và môi trường trong hoạt động kinh doanh. Qua đó cũng thể hiện sự tăng trưởng mức độ công bố thông tin trách nhiệm xã hội trong tương lai và báo cáo trách nhiệm xã hội có thể trở thành một chủ đề quan trọng trong nhiều lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam.
Bài nghiên cứu “Corporate social responsibility: A study on awareness of managers and consumers in Vietnam” của tác giả Phạm Đức Hiếu, sinh viên trường Đại học Thương mại, Hà Nội đăng trên tạp chí Journal of Accounting and Taxation, số 3, trang 162-170 năm 2011. Nghiên cứu điều tra nhận thức về trách nhiệm xã hội của các nhà quản lý doanh nghiệp Việt Nam cũng như thái độ của người tiêu dùng Việt Nam đối với CSR là tích cực hay không. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng trong khi các nhà quản lý thể hiện thái độ tích cực đối với CSR thì nhận thức của người tiêu dùng với CSR thấp. Tuy nhiên nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dường như có sự khác biệt giữa những gì người quản lý công bố trong báo cáo của họ và những gì họ thực sự làm. Đối với người tiêu dùng Việt Nam, mặc dù họ không có một thái độ rõ ràng nhưng nhận thức của người tiêu dùng và quyết định mua hàng của họ có sự ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện CSR cũng như sự công bố thông tin trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Bài luận văn “Corporate social responsibility disclosure practices in Vietnam: Differences between English and Vietnamese versions of large listed companies” của tác giả Trần Thảo Nhi, sinh viên trường Đại học Khoa học ứng dụng Lahti, Phần Lan năm 2014. Nghiên cứu đã so sánh sự khác biệt về mức độ công bố thông tin trách nhiệm xã hội giữa báo cáo thường niên, báo cáo phát triển bền vững (nếu có) phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt của 30 doanh nghiệp niêm yết có cổ phiếu vốn hóa và thanh khoản cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Mô hình nghiên cứu thông qua phân tích thông tin trách nhiệm xã hội được công bố trong báo cáo thường niên để xác định mức độ thông tin trách nhiệm xã hội được công bố thực tế tại Việt Nam cũng như kiểm tra các thông tin được công bố trong phiên bản tiếng Việt nhưng không được công bố trong phiên bản tiếng Anh và ngược lại. Kết quả thực nghiệm cho thấy các báo cáo phiên bản tiếng Việt có mức độ công bố thông tin trách nhiệm xã hội cao hơn các báo cáo phiên bản tiếng Anh.
Bài nghiên cứu “Association between corporate social responsibility disclosures and firm value - Empirical evidence from Vietnam” của tác giả Bich Thi Ngoc Nguyen và các cộng sự đăng trên tạp chí International Journal of Accounting and Financial Reporting, số 5, trang 212-228 năm 2015. Nghiên cứu xem xét mối quan hệ giữa công bố thông tin trách nhiệm xã hội và giá trị doanh nghiệp tại Việt Nam bằng cách lấy mẫu 50 doanh nghiệp niêm yết trên các Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013. Mô hình thông qua phân tích nội dung của các báo cáo thường niên để đo lường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với tỷ số Tobin’s Q đại diện cho giá trị doanh nghiệp. Kết quả phân tích hồi quy cho thấy công bố thông tin trách nhiệm xã hội có liên quan với giá trị doanh nghiệp của năm tiếp theo. Cụ thể hơn, mối quan hệ giữa mức độ công bố thông tin về môi trường và giá trị doanh nghiệp của năm sau là tích cực, trong khi mối quan hệ giữa công bố thông tin nhân viên và giá trị doanh nghiệp là tiêu cực. Nghiên cứu cũng cho thấy một dấu hiệu tích cực để các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các trách nhiệm về môi trường.
Bài nghiên cứu “Examining CSR disclosure in Vietnam: Too little, too late!” của hai tác giả Kelly Anh Vu và Thanita Buranatrakul đăng trên tạp chí UTCC International Journal of Business and Economics, số 9, trang 65-79 năm 2017. Thông qua số liệu thu thập từ báo cáo thường niên của 200 doanh nghiệp niêm yết được lựa chọn ngẫu nhiên trên các Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Hồ Chí Minh tại Việt Nam trong năm 2013, nghiên cứu phân tích tác động của các nhân tố thuộc quản trị doanh nghiệp và đặc điểm của chủ sở hữu (sở hữu nhà nước, sở hữu của nhà quản lý, sở hữu nước ngoài) đến mức độ công bố thông tin trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ công bố thông tin trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn thấp (18,03%). Cả ba nhân tố sở hữu được đo lường đều có ảnh hưởng tiêu cực đến mức độ công bố thông tin trách nhiệm xã hội. Ngoài ra, sự độc lập của hội đồng quản trị theo nghiên cứu không phải là một cơ chế giám sát hiệu quả để khiến các nhà quản lý tăng mức độ công bố thông tin trách nhiệm xã hội. Nghiên cứu cũng đề xuất các nhà quản lý Việt Nam nên tập trung vào việc tăng cường khuôn khổ pháp lý đối với
mức độ công bố các thông tin phi tài chính nhằm tăng cường tính minh bạch của thị trường.