4.3. KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ NANG NHÁI
4.3.2. Khả năng tái phát và biến chứng sau phẫu thuật
Có 3 trường hợp cắt trọn nang với đặc điểm nang nhỏ (<1,5cm) mới phát hiện và chưa từng bị vỡ, quá trình bóc tách thuận lợi và theo dõi không thấy tái phát. Các trường hợp nang lớn đã từng bị vỡ hay tái phát và nang nhái sâu được chủ động cắt nang kèm cắt tuyến dưới lưỡi (12 trường hợp), cắt tuyến dưới lưỡi và cắt tuyến dưới hàm (3 trường hợp) cũng không phát hiện thấy tái phát. Trong 13 nang được phẫu thuật mở thông khâu lộn túi, có 3 tái phát chiếm tỷ lệ 23,1%. Các trường hợp này sau đó được chuyển sang phẫu thuật cắt nang kèm cắt tuyến dưới lưỡi.
Theo các nghiên cứu trước đây, tỷ lệ tái phát nang nhái rất cao, theo nghiên cứu của Zhao và cộng sự (2004) trên 580 ca tỷ lệ tái phát là 57,69%.
Phương pháp nhẫu thuật cũng có liên quan rất nhiều đến nguy cơ tái phát, có tác giả đã đưa ra quan điểm không nên phẫu thuật cắt trọn nang nhái vì nguy cơ tái phát cao, chỉ nên phẫu thuật cắt trọn nang khi nang có kích thước nhỏ hơn 1,5cm [10]. Trong nghiên cứu này, chỉ có 3 trường hợp được phẫu thuật cắt bỏ trọn nang, tất cả 3 nang này đều có kích thước < 1,5cm và không có tiền sử vỡ hay tái phát. Theo dõi cũng thấy không có bệnh nhân nào tái phát.
Điều này cũng cho thấy với dạng nang nhái có kích thước nhỏ thì phẫu thuật cắt trọn nang có tỷ lệ thành công cao.
Với phẫu thuật mở thông khâu lộn túi, nhiều nghiên cứu cho thấy có tỷ lệ tái phát rất cao. Theo Zhao và cộng sự (2004) tỷ lệ tái phát là 66,67%, theo Crysdale (1988) tỷ lệ tái phát từ 61-89%, theo Mortellano (2008) tỷ lệ này là 12% [9], [11], [12]. Tác giả Hồ Nguyễn Thanh Chơn, có nghiên cứu phẫu thuật mở thông khâu lộn túi nang nhái theo 2 phương pháp kinh điển và cải tiến cho thấy tỷ lệ tái phát ở phương pháp kinh điển là 50%, còn ở phương pháp cải tiến (thời gian lưu bấc kéo dài 1 tuần) thì tỷ lệ tái phát là 11% [6].
Trong nghiên cứu này có 13 đối tượng được phẫu thuật mở thông khâu lộn túi và tỷ lệ tái phát ghi nhận được là 3 ca chiếm tỷ lệ 23,1%. Kết quả này cũng hoàn toàn phù hợp với các kết luận về khả năng tái phát đối với phương pháp khâu lộn túi của các tác giả khác. Như vậy chúng tôi cũng đồng tình với tác giả Hồ Nguyễn Thanh Chơn về việc cân nhắc chỉ định khâu lộn túi. Khác với Hồ Nguyễn Thanh Chơn về đề xuất phẫu thuật mở thông cải tiến để giảm thiểu nguy cơ tái phát bằng cách lưu giữ bấc trong 1 tuần, chúng tôi đề xuất cải tiến cách khâu lộn miệng túi bằng phương pháp khâu vắt và cắt chỉ muộn hơn vài ngày (thời gian cắt chỉ trung bình khoảng 10 ngày). Điều này sẽ giúp
cho niêm mạc nang liền thương với niêm mạc sàn miệng, không còn cơ hội cho niêm mạc nang dính liền lại với nhau tạo ra nang tái phát.
Phương pháp phẫu thuật cắt nang kèm theo phẫu thuật cắt tuyến được thực hiện ở 15 trường hợp, trong đó có 12 trường hợp cắt tuyến dưới lưỡi và 3 cắt cả tuyến dưới lưỡi và tuyến dưới hàm. Theo dõi không ghi nhận thấy trường hợp nào tái phát trong nhóm này. Kết quả này cũng tương tự như kết quả của các nghiên cứu khác khi điều trị nang nhái bằng phương pháp cắt nang kèm theo cắt tuyến, chẳng hạn theo tác giả Zhao (2004) tỷ lệ tái phát là 1,2%, của Chidzonga (2007) là 0% [9], [13].
Tỷ lệ tái phát của phẫu thuật nang nhái là rất lớn, ngoại trừ phẫu thuật kèm theo cắt tuyến dưới lưỡi, do đó có tác giả như Bridger (1989) đề xuất phẫu thuật cắt tuyến dưới lưỡi ở tất cả các trường hợp nang nhái không cần tính đến kích thước to nhỏ, loại nang nhái nông hay sâu [14]. Tuy nhiên, theo chúng tôi không nên chỉ định rộng như vậy vì phẫu thuật cắt tuyến cũng có những rủi ro nhất định, đó là các biến chứng tổn thương ống Wharton và dây thần kinh lưỡi.
Trong nghiên cứu này, các trường hợp biến chứng sau phẫu thuật chỉ gặp ở phương pháp cắt nang kèm cắt tuyến dưới lưỡi hoặc và tuyến dưới hàm với tỷ lệ thấp (bảng 3.15). Có 1 ca tổn thương ống Wharton chiếm 6,7%. Ca này được phát hiện ngay trong mổ và xử trí bằng khâu đính miệng lỗ tuyến lên niêm mạc sàn miệng. Theo dõi không thấy hiện tượng tắc nước bọt. Tổn thương thần kinh lưỡi gây tê bì lưỡi gặp ở 3 trường hợp chiếm 30,0%, các biểu hiện này được khắc phục đáng kể sau 6 tháng. Như vậy có thể thấy, phẫu thuật cắt nang nhái kèm theo cắt tuyến dưới lưỡi hoặc và dưới hàm cho kết quả tốt, không tái phát và ít biến chứng. Các biến chứng tổn thương ống Wharton và tê bì lưỡi do tổn thương thần kinh lưỡi là những tai biến có thể
xảy ra, do đó các phẫu thuật viên cần hết sức cẩn trọng và chú ý để tránh biến chứng này.
So sánh tỷ lệ biến chứng của nghiên cứu này với các tác giả khác, chúng tôi thấy nghiên cứu này có tỷ lệ biến chứng ít hơn, theo nghiên cứu của Zhao (2005) biến chứng tổn thương ống Wharton là 29,33%, tổn thương thần kinh lưỡi là 14,67%; theo Motellano (2008) tỷ lệ tổn thương thần kinh lưỡi là 4,4% [9], [12]. Có sự khác biệt này có thể do số lượng đối tượng nghiên cứu cảu chúng tôi còn ít, mặt khác đối tượng được chỉ định chặt chẽ, kiểm soát phẫu thuật tốt, nên tỷ lệ biến chứng đã được giảm thiểu tối đa.