Thực tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Việt Nam trong những năm qua

Một phần của tài liệu Pháp luật về người cao tuổi và việc bảo vệ người cao tuổi trong gia đình việt nam hiện nay (Trang 220 - 229)

PHẦN THỨ BA CÁC CHUYÊN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2. THỰC TIỄN CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

2.3. Thực tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Việt Nam trong những năm qua

2.3.1. Những kết quả đạt được

Công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được quan tâm, tạo điều kiện. Hầu hết người cao tuổi thuộc diện hưởng lương hưu, chính sách người có công, chính sách bảo trợ xã hội, người cao tuổi thuộc hộ nghèo đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được miễn giảm viện phí, được khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí theo quy định. Nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe như mắt sáng cho người cao tuổi, khám chữa bệnh miễn phí được Hội Người cao tuổi và các địa phương thực hiện thường xuyên. Hàng năm, cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội cho trên 1,5 triệu người cao tuổi (khoảng 15%), góp phần giảm bớt khó khăn cho đối tượng, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lớp người cao tuổi, nâng cao vai trò, vị thế của người cao tuổi. Công tác mừng thọ, chúc thọ cũng được quan tâm đặc biệt, đây là sự động viên về mặt tinh thần, rất có ý nghĩa đối với người cao tuổi.

Trung bình mỗi năm, cả nước đã tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho từ 1 triệu đến 1,1 triệu người cao tuổi, thăm hỏi động viên hơn 900 nghìn người cao tuổi khi ốm đau bệnh tật, tặng quà trong dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc, đặc biệt đối với hộ nghèo, người cô đơn không nơi nương tựa16.

Về công tác chăm sóc người cao tuổi tại các cơ sở y tế: Cả nước hiện có 50 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có Khoa Lão khoa, 302 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi;

37.622 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi; 2.522 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa. Có 792.430 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm (gần 8%); 994.564 người cao tuổi được tuyên truyền phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự chăm sóc sức khỏe (gần 9%); 114.918 người cao tuổi bị tàn tật, di chứng chấn thương, tai nạn, tai biến, bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp… được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; gần 600.000 người cao tuổi được khám mắt và 104.000 người được chữa miễn phí. Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai thí điểm mô hình chăm sóc sức khỏe

16 Đỗ Bình “Chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vùng nông thôn, miền núi”. Tin Tức, ngày 27/12/2016

toàn diện, dài hạn cho người cao tuổi tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và bước đầu mang lại kết quả đáng khích lệ…17. Hiện cả nước có hơn 70 nghìn câu lạc bộ người cao tuổi thu hút hơn ba triệu người tham gia. Rất nhiều chương trình tư vấn, khám, chữa bệnh miễn phí dành cho Hội người cao tuổi. Riêng trong Chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” đã có hơn 3,2 triệu người được khám, tư vấn các bệnh về mắt; hơn 400 nghìn người cao tuổi được mổ mắt thay thủy tinh thể với tổng số tiền hơn 467 tỷ đồng18. Nhân Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2015, chỉ riêng trong tháng 10/2015, cả nước đã tổ chức được hơn 60.000 cuộc khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho gần 900.000 người cao tuổi với giá trị gần 49 tỉ đồng; xây dựng 64 căn nhà tình thương, tặng hơn 253.000 suất quà cho người cao tuổi cô đơn (trị giá trên 78 tỷ đồng), góp phần tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi. Đến nay, cả nước có 481.000 người cao tuổi đã được khám mắt, 84.000 người được chữa miễn phí với số tiền trên 103 tỉ đồng19.

Về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình: Hiện có khoảng hơn 72% số người cao tuổi ở nước ta sống cùng con cháu. Sau gần 7 năm triển khai thí điểm Đề án “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”

(từ năm 2010), các địa phương đã tổ chức tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng tư vấn và chăm sóc người cao tuổi cho đội ngũ tình nguyện viên và hội viên người cao tuổi trên toàn quốc. Hướng dẫn người cao tuổi phương pháp chăm sóc sức khỏe, chế độ sinh hoạt… Do vậy, con cháu nhận thức về trách nhiệm cũng như kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tăng lên. Từ đó, phần lớn người cao tuổi sống cùng con cháu được chăm sóc chu đáo, sức khỏe tốt. Người cao tuổi sống cùng con cháu, được vui vầy bên con cháu, được con cháu chia sẻ những vấn đề của cuộc sống, được giúp đỡ con

17 “Chăm sóc người cao tuổi: Phải gắn với mục tiêu phát triển bảo hiểm y tế”- Báo Bảo hiểm xã hội ngày 27/12/2016

18 Thanh mai, “Chung tay chăm sóc người cao tuổi”. Nhân dân điện tử, ngày 24/12/2015

19 Bộ Kế hoạch và đầu tư – Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, “Tình hình thực hiện công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trong thời gian qua”, ngày 25/03/2016

cháu việc nhà nên thấy mình vẫn có ích, không còn cảm giác cô đơn. Điều này khiến cho sức khỏe tâm thần của người cao tuổi tốt hơn. Việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp với sức khỏe và tình trạng bệnh tật của người cao tuổi đã được các thành viên gia đình quan tâm. Nhờ vậy, sức khỏe người cao tuổi tăng lên, giảm nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã có những biện pháp linh hoạt trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Chăm sóc sức khỏe tại nhà được nhiều gia đình lựa chọn thông qua đội ngũ bác sĩ gia đình. Bác sĩ được các gia đình lựa chọn thường là những bác sĩ đang công tác tại các cơ sở y tế, đã khám chữa bệnh cho các thành viên gia đình nhiều năm nên đã nắm rõ tình trạng sức khỏe của người cao tuổi. Đây là giải pháp rất hiệu quả đối với việc khám, chữa các bệnh thông thường cho người cao tuổi. Chỉ khi người cao tuổi mắc bệnh nặng, phức tạp mới chuyển đến các cơ sở y tế. Mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà được các gia đình ở thành thị và ở khu vực nông thôn đều lựa chọn.

2.3.2. Những khó khăn, tồn tại và hướng khắc phục

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay còn nhiều tồn tại. Có thể thấy những tồn tại đó thể hiện cả ở chính sách, pháp luật, việc thực hiện chính sách pháp luật và cá nhân người cao tuổi cũng như thành viên gia đình người cao tuổi.

Về chính sách, pháp luật và việc thực thi: Trong thời gian qua, mặc dù đã có những nỗ lực trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và thực thi nhưng việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế.

- Nhiều địa phương chưa hướng dẫn và triển khai chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi theo Thông tư số 35/2011/TT- BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế về thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại trạm y tế xã, phường. Các quy định về tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao

tuổi phụ thuộc nhiều vào nguồn kinh phí địa phương nên còn hạn chế, dẫn tới khó khăn trong triển khai Trạm y tế xã/phường là nơi khám, chữa bệnh ban đầu cho người cao tuổi, nhưng tỷ lệ người cao tuổi có thẻ Bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế xã/phường còn thấp. Tỷ lệ người cao tuổi đến khám, chữa bệnh, được lập hồ sơ quản lý sức khỏe định kỳ tại y tế tuyến cơ sở cũng rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, bác sỹ, điều dưỡng viên còn thiếu nên khó khăn trong khám sức khỏe định kỳ, tư vấn, tuyên truyền và phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho người cao tuổi. Nhiều bệnh viện tuyến huyện chưa tổ chức được khoa lão khoa. Người cao tuổi gặp nhiều khó khăn để tiếp cận các dịch vụ y tế khi ốm đau bệnh tật, đặc biệt là người cao tuổi nghèo, người cao tuổi ở vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại rất khó khăn. Thực tế này cho thấy, Nhà nước cần có các biện pháp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh của mạng lưới y tế cơ sở, xây dựng và triển khai mô hình bác sĩ gia đình nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi.

- Chính sách an sinh xã hội của nước ta chưa phù hợp dẫn đến một bộ phận không nhỏ người cao tuổi có mức sống thấp, một bộ phận phải lao động kiếm sống ngay cả khi sức khỏe không phù hợp với công việc. Trong khi đó, một số chính sách, quy định pháp luật về trợ cấp xã hội chưa phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay. Theo quy định tại Nghi ̣ đi ̣nh số 136/2013/NĐ- CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì mức chuẩn áp du ̣ng từ ngày 1/1/2015 là 270.000 đồng/tháng là quá thấp. Khi áp dụng mức chuẩn này, nếu người cao tuổi (dưới 80 tuổi) thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng thì được hưởng hệ số 1,5 (405.000đồng/tháng); nếu người từ đủ 80 tuổi trở lên thì mức trợ cấp với hệ số 2,0 (540.000đồng/tháng). Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện hộ

nghèo mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì được hưởng hệ số 1,0 (270.000đồng/tháng). Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội với hệ số 3,0 (810.000đồng/tháng). Như vậy, mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và người cao tuổi thuộc hộ nghèo mà không có người nuôi dưỡng là rất thấp. Mức trợ cấp này chỉ đủ đảm bảo mức sống tối thiểu hàng ngày, trong khi người cao tuổi cần được đảm bảo đủ dinh dưỡng. Khi tuổi cao, khả năng chuyển hóa kém thì việc bổ sung vi chất dinh dưỡng là cần thiết. Với mức trợ cấp như hiện nay thì nhu cầu này khó được đảm bảo. Điều này dẫn đến tình trạng người cao tuổi Việt Nam sống thọ nhưng không khỏe.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành về bảo hiểm y tế chưa thật hợp lý đối với người cao tuổi. Theo Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì đối tượng tham gia bảo hiểm y tế mà tiền đóng bảo hiểm từ ngân sách Nhà nước thì chỉ có người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng và người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo20. Như vậy, người cao tuổi mà không thuộc diện trên, có thu nhập trung bình phải tự mua bảo hiểm y tế. Dù mức đóng bảohiểm không cao so với mức lương cơ bản nhưng cũng là vấn đề khiến người cao tuổi phải cân nhắc khi họ không có thu nhập mà phải sống dựa vào con cháu. Hơn nữa, bản thân người cao tuổi cũng như con cháu của họ chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của việc đóng bảo hiểm y tế nên còn nhiều người không có thẻ bảo hiểm y tế, trong khi phí dịch vụ y tế ngày càng cao. Điều này khiến cho người

20 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014)

cao tuổi không sử dụng các dịch vụ y tế vì lo không có khả năng trả chi phí.

Khi bệnh đã nặng mới buộc phải đến các cơ sở khám chữa bệnh thì cũng không có khả năng chi trả chi phí.

Đồng thời, pháp luật quy định người cao tuổi không thuộc diện hộ nghèo phải từ đủ 80 tuổi trở lên mới được hưởng trợ cấp xã hội là độ tuổi quá cao. Bởi lẽ tỷ lệ người từ đủ 80 tuổi trở lên chỉ chiếm gần 20% số người cao tuổi (2 triệu/10,1 triệu). Quy định về miễn giảm phí giao thông, cơ sở văn hóa, vui chơi giải trí chưa mang tính thực thi cao do thiếu chế tài hoặc các biện pháp khuyến khích, cơ chế kiểm tra… Công tác phối hợp, kiểm tra giám sát công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở các địa phương còn hạn chế, chưa thường xuyên, liên tục. Các chỉ tiêu, tiêu chí kiểm tra, giám sát chưa thống nhất, chưa đồng bộ nên không có cơ sở cho việc đánh giá mục tiêu của Luật Người cao tuổi và Chương trình hành động Quốc gia về Người cao tuổi.

Bên cạnh đó, các nguồn lực bao gồm cả nhân lực và tài chính còn thiếu và yếu cũng là những hạn chế trong công tác thực hiện và kiểm tra, giám sát21.

Trong những năm tới, cần sửa luật về bảo hiểm y tế theo hướng người cao tuổi không có lương hưu thì bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.

Sửa Nghi ̣ đi ̣nh số 136/2013/NĐ- CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo hướng tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội cho các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội tối thiểu phải bằng 50% lương cơ bản (khoản 1 Điều 4); mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng bảo trợ xã hội theo hướng hạ thấp tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng xuống là từ đủ 70 tuổi trở lên (điểm b khoản 5 Điều 5).

Về phía người cao tuổi và các thành viên gia đình:

Bản thân người cao tuổi và thành viên gia đình chưa ý thức được sự cần thiết chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi. Vì vậy, không có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Việc quan tâm đến nhu cầu dinh dưỡng của

21 Hồng Phượng “Chia sẻ kết quả đánh giá 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi”. Tạp chí Lao động và Xã hội, ngày 31/8/2016

người cao tuổi còn hạn chế. Tuổi càng nhiều thì càng có nhiều vấn đề về sức khỏe và nhiều chức năng của cơ thể bị suy giảm, trong đó có hệ thống miễn dịch suy giảm dẫn đến dễ mắc bệnh. Do các chức năng của cơ thể bị suy giảm nên dẫn đến rối loạn chuyển hóa ở người cao tuổi. Khi bị rối loạn chuyển hóa, bệnh nhân sẽ bị rối loạn dung nạp đường, gan nhiễm mỡ, rối loạn mỡ máu, béo phì và nặng nhất là suy dinh dưỡng22. Ngay bản thân người cao tuổi cũng chưa nhận thức hết những tác hại của một số loại thực phẩm, đồ uống, chất kích thích… Có một số lượng không nhỏ người cao tuổi nghiện các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… khiến tình trạng bệnh tật của những người này ngày càng nghiêm trọng theo độ tuổi. Bên cạnh đó, người thân thích và người chăm sóc người cao tuổi hiện nay còn thiếu kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nên chăm sóc người cao tuổi không phù hợp với thể trạng, tình trạng bệnh tật, khiến người cao tuổi sức khỏe ngày càng giảm, bệnh tật ngày càng nặng. Vấn đề cần thiết phải làm hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước về người cao tuổi tại các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sức khỏe người cao tuổi, chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi ở các độ tuổi khác nhau, thuộc các nhóm bệnh khác nhau; thường xuyên tập huấn kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cả về thể chất và tinh thần; giáo dục, động viên người thân thích của người cao tuổi về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; có các biện pháp hỗ trợ gia đình người cao tuổi về kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi.

KẾT LUẬN

Quyền về sức khỏe là một trong các quyền con người, gắn với quyền được sống. Đối với người cao tuổi, quyền được chăm sóc sức khỏe lại càng quan trọng. Tại Việt Nam, tình trạng già hóa dân số nhanh đã tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: Hệ thống an sinh xã hội, việc làm,

22 Tạp chí Lao động và xã hội - Hồng Phượng “Chia sẻ kết quả đánh giá 5 năm thực hiện Luật Người cao tuổi”. Ngày 31/08/2016

tuổi về hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống, dịch vụ chăm sóc sức khỏe…Với tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,2 tuổi, trong khi tuổi khỏe mạnh chỉ là 64 tuổi thì việc chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi lại càng là vấn đề mà mỗi gia đình và xã hội quan tâm. Do có những chính sách, pháp luật phù hợp, Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể trong việc chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi. Song vẫn còn những tồn tại về hệ thống dịch vụ y tế, về những khiếm khuyết hoặc lạc hậu của pháp luật, về bản thân người cao tuổi và thành viên gia đình… cần phải khắc phục nhằm bảo đảm cho người cao tuổi Việt Nam được chăm sóc tốt hơn, bảo đảm cho người cao tuổi Việt Nam “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.

Một phần của tài liệu Pháp luật về người cao tuổi và việc bảo vệ người cao tuổi trong gia đình việt nam hiện nay (Trang 220 - 229)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(236 trang)