Phương pháp khoan nổ

Một phần của tài liệu BIỆN PHÁP THI CÔNG hầm và GIẾNG THỦY điện (Trang 25 - 28)

PHẦN 3: THUYẾT MINH BIỆN PHÁP THI CÔNG

II. THUYẾT MINH BIỆN PHÁP THI CÔNG CHI TIẾT

3. Biện pháp thi công chi tiết gói thầu

3.2. Các bước thi công chi tiết

3.2.2. Phương pháp khoan nổ

Hộ chiếu khoan nổ được thiết kế cho điều kiện chung. Trong trường hợp địa chất thay đổi, hộ chiếu khoan nổ sẽ được tính toán lại và trình TVGS chấp thuận.

Sau khi vẽ xong các lỗ khoan theo hộ chiếu thiết kế lên gương hầm, tiến hành công tác khoan bằng máy khoan hầm chuyên dụng.

Đây là công tác rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả nổ và do đó ảnh hưởng đến tiến độ thi công chung của dự án. Kỹ sư khoan nổ, ca trưởng (phối hợp cùng bộ phận kỹ thuật, thiết bị) phải phụ trách trực tiếp chỉ đạo khoan để đúng theo hộ chiếu.

Đối với các vị trí thi công đường hầm có địa chất đất, đất đá xen kẹp, đá yếu Nhà thầu tiến hành khoan nổ nhỏ dưới đáy tim hầm sau đó tiến hành sử dụng búa căn có sử dụng khí nén đục đến phạm vi thiết kế, sử dụng nhân công bốc xúc đất đá lên xe, vận chuyển ra bãi thải quy định. Tiến hành lắp dựng cây chống và vòm chống tạm, hàn cốp pha lưới thép, rải lưới, đổ bê tông gia cố.

Xe vận chuyển được sử dụng trong thi công là : Xe rùa, xe cải tiến hai bánh, xe 3 bánh.

3.2.2.1. Phương pháp khoan nổ:

a. Phương án lập hộ chiếu khoan nổ.

- Các dạng hộ chiếu nổ mìn tương ứng với các dạng kích thước đường hầm và do điều kiện địa chất tại hiện trường để quyết định kiểu gia cố.

- Số lượng lỗ khoan trong các dạng hộ chiếu còn thay đổi tuỳ thuộc vào địa chất cụ thể sau mỗi lần nổ sẽ quyết định lập hộ chiếu theo phương án nổ đột phá hay nổ nêm.

- Căn cứ vào địa chất thực tế tại mỗi gương nhà thầu thiết kế hộ chiếu khoan với mục tiêu đảm bảo an toàn, đạt hiệu quả cao.

b. Phương án khoan.

- Sau khi trắc địa vẽ xong các lỗ khoan theo hộ chiếu thiết kế lên gương hầm, tổ khoan tiến hành công tác khoan.

- Công tác khoan được thực hiện bằng máy khoan tay, khoan cỡ mũi khoan là 38mm - 45mm.

- Chiều sâu khoan mỗi lỗ theo hộ chiếu khoan nổ theo từng dạng thiết kế và tùy thuộc vào địa chất tại hiện trường khoảng từ 0,8m đến 2,3m.

c. Phương án nạp mìn lấp bua.

Sau khi kết thúc công tác khoan được TVGS cùng kỹ thuật nhà thầu xác nhận hộ chiếu khoan là phù hợp với thiết kế thì tiến hành công tác nạp mìn. Nguyên tắc chung và cơ bản nhất của công tác nạp mìn là thuốc nổ trong lỗ phải được nổ hết (đối với nạp phân đoạn hay không phân đoạn thì kíp điện phải kích hoạt được tất cả các thỏi thuốc đều nổ) để đảm bảo an toàn cho người và thiết bị vào làm các công tác tiếp theo sau khi nổ.

Mìn được nạp theo thứ tự từng số kíp dự định nổ cho từng vành nổ và được nạp từ trên xuống dưới bắt đầu từ hàng nổ viền (trên cùng).

Tuyệt đối không được tiến hành xen kẽ khoan và nạp mìn.

Công nhân nạp mìn phải có chứng chỉ được cấp có thẩm quyền về thi công trong lĩnh vực nổ phá bằng mìn.

Công nhân nạp mìn đứng trên dàn giáo xây dựng hoặc giàn giáo của xe vận chuyển.

Sau khi kết thúc công đoạn nạp thuốc, tiến hành lấp bua. Mục đích của công tác này nhằm không để cho không khí nổ thoát ra ngoài, tạo ra như môi trường đất đá đồng nhất trong lỗ khoan để đảm bảo cho phản ứng phân huỷ thuốc xảy ra được hoàn toàn, tăng thời gian tác dụng cho sản phẩm nổ, giảm sóng va đập (thực tế cho thấy nếu lấp bua tốt sẽ tăng hiệu quả nổ phá nên từ 10 - 20%).

Chiều sâu bua nên tuân theo chỉ dẫn của nhà sản xuất dao động trong khoảng 10 - 30 D ( D là đường kính lỗ khoan).

Sau khi nạp thuốc nổ xong thợ mìn đấu mạng nổ, các thiết bị khoan được đưa ra ngoài, chỉ huy nổ kiểm tra lần cuối sau khi thấy an toàn mới được tiến hành nổ mìn.

Sau khi mìn nổ gương hầm hết khói bụi đảm bảo điều kiện kỹ thuật chỉ huy nổ mìn kiểm tra lại nếu thấy mìn câm phải xử lý triệt để đến khi gương hầm hoàn toàn về trạng thái an toàn thì mới được đưa thiết bị vào thi công (trường hợp hầm sâu thời gian lắng bụi lâu có thể dùng máy nén khí lắp đường ống thép bên hầm hoặc quạt thông gió thổi khói bụi ra ngoài để đẩy nhanh tiến độ thi công).

Khi đường hầm đã tan hết khói người chỉ huy nổ mìn kiểm tra lại gương nổ trước khi đưa máy thi công vào bốc xúc vận chuyển.

3.2.2.2. Biện pháp an toàn a. Bảo quản vật liệu nổ

Nhà thầu sẽ thực hiện nghiêm túc những quy định về bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ.

Kho chứa vật liệu nổ được xây dựng theo đúng thiết kế của nhà thầu đã được cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt.

Các gian chứa thuốc nổ, các khối thuốc nổ, vật liệu nổ được bố trí theo đúng các cự ly an toàn tính toán, giữa chúng với nhau và giữa kho với các công trình lân cận.

Có biện pháp gia cố chống hút ẩm đề phòng hoả hoạn úng nghập kho chứa.

Bố trí đầy đủ nhân lực và hệ thống liên lạc tại kho chứa, làm công tác xuất nhập thuốc nổ, cảnh giới canh gác, hướng dẫn kiểm soát việc thực hiện các nội quy ra vào kho thuốc nổ.

b. Vận chuyển vật liệu nổ.

Nhà thầu sẽ sử dụng xe ô tô chuyên dụng để vận chuyển thuốc nổ và vật liệu nổ.

Lái xe, nhân công vận chuyển vật liệu nổ là đội ngũ chuyên nghiệp, được tập huấn theo định kỳ.

Trước khi tiến hành công tác vận chuyển tập kết thuốc nổ, nhà thầu sẽ làm các thủ tục xin phép cơ quan công an.

Xe ô tô vận chuyển thuốc nổ đảm bảo chạy theo đúng tuyến đường, đúng vận tốc quy định. Trước mỗi cầu phà, công trình quan trọng 500 m, phải dừng lại thực hiện công tác kiểm tra.

c. An toàn khi nạp, nổ mìn.

Phải thông báo cho các đơn vị liên quan gần khu vực biết về vị trí và thời gian nổ trước khi triển khai thi công.

Chỉ cho những người được huấn luyện và kiểm tra đạt kết quả về nổ mìn mới được phép nạp mìn.

Trước khi đưa vật liệu nổ đến gương hầm phải kiểm tra và dọn sạch đá treo trên vòm hầm, gương hầm, đưa các thiết bị ra khỏi khu vực nạp mìn.

Chỉ cho phép sử dụng mạng điện chiếu sáng 36V cho khu vực nạp mìn.

Không được sử dụng lửa trong khu vực nạp mìn.

Phải sử dụng dao cắt dây kích nổ, cấm dùng đá hay sắt chặt dây kích nổ.

Người và thiết bị phải di chuyển đến vị trí an toàn theo quy định.

Các kíp điện luôn chập hai đầu dây với nhau.

Khi nhồi nổ và đấu mạng nổ chỉ có chỉ huy nổ mìn và thợ nổ mìn đã qua đào tạo có chứng chỉ và có kinh nghiệm.

Sau khi nạp xong chỉ huy nổ mìn phải kiểm tra lại mạng nổ.

Trước khi đấu mạng nổ vào mạng điểm hoả phải kiểm tra thông mạch hệ thống dây điểm hoả.

Sau khi kiểm tra mạng nổ đảm bảo an toàn chỉ huy nổ mìn phải yêu cầu các thợ nhồi mìn ra khỏi hầm,

Sau kiểm tra không còn người hay thiết bị trong hầm, cảnh giới cửa hầm, tắt hệ thống chiếu sáng, hú còi báo nổ theo quy định người chỉ huy nổ mìn ra lệnh nổ mới được điểm hoả nối mạng nổ mìn.

Sau khi nổ và thông gió chỉ huy nổ mìn là người đầu tiên vào hầm kiểm tra kết quả nổ. Sau khi kiểm tra kết quả nổ mìn an toàn thì mới cho phép thực hiện các công tác tiếp theo.

Một phần của tài liệu BIỆN PHÁP THI CÔNG hầm và GIẾNG THỦY điện (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(34 trang)
w