Chương II: Thực tiễn xây dựng nền văn hóa ở nước ta hiện nay
3. Thực tiễn xây dựng nền văn hóa nước ta hiện nay
3.2. Những tồn tại và giải pháp khắc phục trong quá trình xây dựng nền văn hóa hiện nay
3.2.1. Những tồn tại và nguyên nhân trong quá trình xây dựng văn hóa
a. Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường:
Xây dựng và phát triển văn hóa được xem là nội dung quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước. Qua 25 năm đổi mới ở Việt Nam, thực tiễn phát triển văn hóa trong nền kinh tế thị trường đã đem lại cho nước ta nhiều thành tựu đáng kể. Thị trường góp phần mở rộng trao đổi, quảng bá các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa một cách năng động, kích thích nhu cầu tiếp nhận văn hóa..v..v… Tuy nhiên mặt trái của thị trường tác động vào văn hóa ở Việt Nam cũng rất rõ.
Đó là sự phân hóa về cơ hội và điều kiện trong sáng tạo, sản xuất, truyền bá các giá trị văn hóa, thông qua các phương tiện truyền tải của nó ngày càng gia tăng.
Tình trạng xuất hiện nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng thấp tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội, ảnh hưởng xấu đến thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận công chúng, đe dọa việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, các giá trị đạo đức truyền thống, thẩm mỹ, nghệ thuật của dân tộc.
Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa văn hóa và kinh tế còn diễn ra ở một số địa phương, ngành và chậm được khắc phục. Một số chương trình, dự án kinh tế chưa quan tâm đúng mức tới nhân tố văn hóa và hiệu quả văn hóa. Do áp lực của tăng trưởng kinh tế mà một số khu đô thị, khu công nghiệp ở Việt Nam thiếu quy hoạch đồng bộ, chưa quan tâm đến đời sống tinh thần - văn hóa của người lao động. Ðầu tư cho các hoạt động văn hóa chưa đúng mức, thiếu những công trình văn hóa có sức hấp dẫn đối với cộng đồng và có ý nghĩa giáo dục xã hội rộng lớn.
Kế hoạch xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa, như công nghiệp truyền thông, công nghiệp giải trí, v.v. chưa được chú ý đúng mức. Việc đầu tư để vừa bảo tồn và tôn tạo di sản văn hóa, vừa khai thác và phát huy giá trị của di sản văn hóa để phát triển kinh tế du lịch còn hạn chế.
Tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội chưa được ngăn chặn.Thiếu những chính sách, cơ chế và giải pháp đủ mạnh để làm cho văn hóa thực sự trở thành động lực và nguồn lực nội sinh của phát triển kinh tế - xã hội.
b. Xây dựng văn hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế:
Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và tác động đến Việt Nam ngày càng rõ rệt, mạnh mẽ và phức tạp.
Với đường lối đối ngoại hòa bình và hữu nghị, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nhằm tranh thủ ngoại lực, phát huy nội lực, sử dụng các thành tựu văn hóa - văn minh, khoa học - công nghệ mà thời đại tạo ra để xây dựng đất nước. Đắc biệt, hội nhập quốc tế cũng đã tạo điều kiện cho sự phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, văn học, nghệ thuật... Tác động của hội nhập quốc tế cùng với công cuộc đổi mới đã tạo nên những biến đổi tích cực trong đời sống tư tưởng, đạo đức và lối sống của xã hội Việt Nam những năm vừa qua. Nhiều nét mới trong các giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành. Tính tích cực, năng động của người dân được khuyến khích. Không khí dân chủ trong đời sống xã hội tăng lên. Thế hệ trẻ tiếp thu nhanh chóng những kiến thức mới và vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh những tác động tích cực đối với phát triển xã hội nói chung và đối với văn hóa nói riêng, hội nhập quốc tế cũng tạo ra những tác động tiêu cực đến văn hóa, đạo đức, lối sống của không ít người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ trong xã hội Việt Nam hiện nay. Ðó là những biểu hiện dao động về tư tưởng, những lệch lạc trong lựa chọn giá trị, tiếp nhận một cách tự phát những lối sống, thị hiếu phương Tây. CN cá nhân cực đoan, sự suy thoái đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, những thói hư tật xấu có cơ hội trỗi dậy và phát triển.
Cuộc cạnh tranh về kinh tế hiện nay cũng gắn liền với cuộc cạnh tranh về văn hóa. Các công ty khổng lồ của ngành công nghiệp văn hóa, kể cả công nghiệp đa phương tiện tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa phương Tây xâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, gây những hiệu ứng tiêu cực tới lối sống, đạo đức xã hội. Ðây là những biểu hiện dễ nhận thấy của cuộc "xâm lăng văn hóa" mà Việt Nam đang chứng kiến.
Những tác động tích cực và tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế đối với văn hóa đặt ra cho sự phát triển văn hóa Việt Nam những yêu cầu mới: Nền
văn hóa dân tộc phải khẳng định vị thế của mình trong giao lưu, tiếp xúc, đối thoại giữa các nền văn hóa trên thế giới. Văn hoá dân tộc phải tham gia vào quá trình nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế khi hội nhập. Trong khi phải chủ động thích ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế, đồng thời nền văn hóa dân tộc phải bảo vệ và phát huy các giá trị đạo đức, tinh thần tốt đẹp và bền vững của dân tộc Việt Nam trong những điều kiện và đặc điểm mới.
c. Xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế:
Ðạo đức, lối sống là những vấn đề cốt lõi trong đời sống văn hóa của mỗi cá nhân, cộng đồng và dân tộc. Ðối với Việt Nam, việc xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đang là yêu cầu vừa rất cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài. Ngăn chặn, đẩy lùi và khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống đang là đòi hỏi của thực tiễn, là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân Việt Nam.
Kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cũng có những tác động tiêu cực đến xây dựng văn hóa đạo đức và lối sống. Những động cơ thực dụng, vụ lợi trong kinh tế thị trường và toàn cầu hóa thôi thúc con người chạy theo những lợi ích vật chất, từ đó bỏ qua hoặc coi nhẹ các nhu cầu và lợi ích tinh thần. Ở Việt Nam, thời gian qua, nhiều sản phẩm núp dưới danh nghĩa văn hóa nhưng chứa đựng những yếu tố độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường, tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên. Ðó là những sản phẩm phản văn hóa làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Lối sống thực dụng thô thiển, vụ lợi, vị kỷ, sa đọa, cái xấu, cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau.
Nguyên nhân dẫn đến những yếu kém trên là do Việt Nam mới chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội CN và hội nhập quốc tế, quá trình chuyển đổi các hoạt động văn hóa theo cơ chế thị trường diễn ra còn chậm và lúng túng. Kinh nghiệm quản lý văn hóa trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế còn hạn chế. Sự vận dụng các quan hệ thị trường vào quản lý văn hóa
còn bất cập. Nhà nước chậm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo phát triển văn hóa thành luật pháp và các chính sách cụ thể. Ðây là những cản trở cần sớm được khắc phục để tạo nên sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn nữagiữa văn hóa và kinh tế, tạo nên sự phát triển hài hòa và bền vững của các lĩnh vực này, làm động lực cho sự phát triển của xã hội.