Một số khuyến nghị

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của đa dạng hóa sinh kế tới thu nhập của nông hộ tại việt nam sử dụng phương pháp phân tích đa hợp coda (Trang 46 - 49)

CHƯƠNG 4: MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

4.2 Một số khuyến nghị

Nghiên cứu này đã cho thấy: đa dạng hóa sinh kế tác động tích cực đến thu nhập của nông hộ. Vì vậy, một trong những giải pháp đa dạng hóa sinh kế của nông hộ là gia tăng số lượng nguồn thu, khi nguồn thu tăng lên thì thu nhập cũng tăng lên, đặc biệt là các nguồn thu phi nông nghiệp. Đối với nông hộ thì nghề chính của họ là làm nông nghiệp vì vậy việc có thêm thu nhập từ các nguồn khác là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Theo đó, nhằm thực hiện tốt chính sách đa dạng hóa sinh kế cần chú ý những đặc điểm sau:

Thứ nhất, phù hợp với từng vùng miền, từng địa phương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế và ngành nghề cho phù hợp. Theo nghiên cứu trên chỉ ra: nếu phân chia theo khu vực sinh thái, các nông hộ ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ có thu nhập bình quân cao hơn so với khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. Do đó, cần có những chính sách hỗ trợ khác nhau đối với từng vùng.

Ví dụ: Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và Đồng Bằng Sông Cửu Long sẽ có sự khác nhau về ngành nghề mũi nhọn, hướng ưu tiên phát triển. Ngoài ra, thu nhập phi nông nghiệp của các khu vực như Trung du miền núi phía bắc và Tây nguyên còn thấp, hoạt động nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng. Vì vậy cần phát triển thêm nhiều mô hình kinh tế như kinh doanh, dịch vụ, du lịch,…phù hợp với quy hoạch và kế hoạch của từng địa phương nhằm tạo việc làm, ổn định thu nhập đảm bảo sinh kế bền vững.

Thứ hai, tùy nhu cầu của thị trường và đảm bảo tính bền vững để lựa chọn các ngành nghề trong chiến lược phát triển. Điều này thực sự quan trọng, bởi vì cần lựa chọn đúng ngành nghề đáp ứng yêu cầu của xã hội thì mới có thể đảm bảo sự phát triển lâu dài và thu nhập ổn định cho người dân. Theo kết quả của nghiên cứu, với ba ngành nghề

được xét đến là: kinh doanh dịch vụ, làm công ăn lương và làm nông thủy sản thì làm nông thủy sản chiếm 37%. Còn lại đối với các ngành nghề phi nông nghiệp thì thu nhập từ tiền lương vẫn cao hơn nhiều so với thu nhập từ kinh doanh dịch vụ. Như vậy, để nâng cao thu nhập thì cần có thêm các chính sách khuyến khích phát triển các dự án, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, đặc biệt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với đặc điểm, nhu cầu và nhiệm vụ của từng địa phương. Bên cạnh đó cũng cần có chính sách giúp tăng thu nhập từ ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay, đời sống của người dân ngày càng cao, nhu cầu tham quan, du lịch, hưởng thụ các dịch vụ đều tăng. Vì vậy, tùy thuộc vào đặc điểm riêng mà từng địa phương sẽ lên kế hoạch gìn giữ văn hóa đặc sắc của địa phương, từ đó giới thiệu, phát triển thu hút du khách. Để phát triển kinh doanh, Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ vốn tốt để những người thuộc các hộ nghèo, cận nghèo hoặc những hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp cận nguồn vốn và có thể sử dụng nguồn vốn đó để phát triển.

Thứ ba, nâng cao trình độ của người dân đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Đối với những hộ nghèo hay cận nghèo thì trình độ người dân thường thấp. Vì vậy, họ sẽ phù hợp với các công việc lao động chân tay nhiều hơn. Tuy nhiên, việc học tập nâng cao trình độ để tiếp cận với công việc mới cũng vô cùng quan trọng. Do đó, nên hỗ trợ các lớp tập huấn phù hợp. Chẳng hạn, hiện nay ở nước ta có rất nhiều khu công nghiệp ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, đối với khu công nghiệp họ cũng có yêu cầu người lao động có trình độ, được học hành. Do đó, Nhà nước cần có các lớp đào tạo kĩ năng, huấn luyện chuyên môn cho người dân khu vực đó, hay đơn giản có thể là các lớp đào tạo nghề miễn phí. Việc làm này sẽ giúp nâng cao trình độ của người dân và giúp họ tự tin trong việc tham gia vào nhiều công việc khác nhau để kiếm thêm thu nhập. Đối với các dự án phát triển sản xuất, cần tập huấn kĩ thuật sản xuất, nâng cao năng lực quản lý, chuyển giao kĩ thuật và công nghệ giúp cho các dự án đạt hiệu quả cao. Về lâu dài, việc đầu tư cho giáo dục để nâng cao trình độ của người dân là vô cùng quan trọng, nghiên cứu cũng đã chỉ ra: trình độ càng cao thì nhu nhập càng cao.

Thứ tư, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, tập trung tham gia vào sản xuất kinh doanh tăng thu nhập. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng: tuổi chủ hộ, hôn nhân, tổng số thành viên hộ và tỷ lệ người phụ thuộc đều có ảnh hưởng đến thu nhập hộ gia đình. Khu vực nông thôn thường có tỷ lệ người phụ thuộc cao, gia đình thường đông con vì vậy cần có

42

kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để họ có thể thực hiện kế hoạch hóa gia đình, giảm gánh nặng, nâng cao đời sống.

Thứ năm, luôn đồng hành cùng người dân trong quá trình xóa đói, giảm nghèo.

Bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực thì vấn đề quan trọng là luôn đồng hành cùng người dân. Trong quá trình tham gia vào các dự án xóa đói, giảm nghèo chắc chắn người dân sẽ có nhiều khúc mắc và khó khăn. Do đó, các cán bộ địa phương cần luôn theo sát tình hình thực tế của người dân, đến tận nhà hỗ trợ họ, giải quyết các thắc mắc và khó khăn đến khi họ có thể quen việc và có kết quả làm việc. Ngoài ra, để hỗ trợ kịp thời nhất thì có thể thành lập các nhóm riêng biệt, trong đó mọi người có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của đa dạng hóa sinh kế tới thu nhập của nông hộ tại việt nam sử dụng phương pháp phân tích đa hợp coda (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(58 trang)