CHƯƠNG III: KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI TẠI VIỆT NAM
II. Áp dụng thuyết sinh thái học ở Việt Nam
Cho đến nay, thực tế áp dụng, các dự án hiện tại và kinh nghiệm về hệ sinh thái công nghiệp (industrial ecosystem) thể hiện những đặc điểm đặc biệt cũng như những hạn chế nhất định.
Thứ nhất, khái niệm về sinh thái công nghiệp đã được áp dụng chủ yếu ở các nước phát triển có kỹ thuật, hệ thống tổ chức và cấu trúc thể chế tiên tiến.
Thứ hai, các dự án này thường được phát triển cho các hệ thống công nghiệp có quy mô lớn như khu công nghiệp sinh thái.
Thứ ba, hầu hết các dự án sinh thái công nghiệp mang tính chất nghiên cứu lý thuyết chủ yếu tập trung vào công nghệ và cân bằng dòng vật chất.
Tuy nhiên, để áp dụng lý thuyết phát triển từ những nước phát triển trên thế giới vào điều kiện của Việt Nam, chúng ta cần lưu ý những vấn đề chính sau đây:
- Thứ nhất, mô hình sinh thái công nghiệp của các nước phát triển không thể áp dụng trực tiếp vào Việt Nam do sự khác biệt về điều kiện kỹ thuật, kinh tế và xã hội mà chỉ có thế học tập và áp dụng cho phù hợp với điều kiện của nước ta.
- Thứ hai, nước ta đã có nhiều KCN đã hình thành và đi vào hoạt động. Do đó, mô hình đề xuất phải có tính khả thi để áp dụng đối với KCN hiện có với nhiều loại hình công nghiệp khác nhau.
- Thứ ba, khi áp dụng lý thuyết sinh thái công nghiệp để xây dựng KCNST ở Việt Nam, chúng ta sẽ không chỉ quan tâm đến công nghệ và lĩnh vực tối ưu hóa dòng vật chất mà còn xem xét đến vai trò của các tổ chức và cơ quan chức năng liên quan đến việc đưa mô hình lý thuyết vào thực tế.
Mô hình kỹ thuật. Theo Trần Thị Mỹ Diệu (2003), mô hình kỹ thuật xây dựng hệ sinh thái KCN không chất thải (hay gọi tắt KCNST) gồm có bốn bước chính. Bước thứ nhất là phân tích dòng vật liệu và năng lượng liên quan đến KCN nghiên cứu. Bước thứ hai tập trung vào việc ngăn ngừa phát sinh chất thải tại nguồn. Bước thứ ba chủ yếu xác định, phân tích và thiết kế các phương án thu hồi, tái sinh và tái sử dụng các chất thải còn lại sau khi đã áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn. Những chất thải không thể tái sinh, tái sử dụng tại nguồn, sẽ được tái sinh tái sử dụng ở những nhà máy khác trong KCN hoặc bên ngoài KCN. Bước cuối cùng đòi hỏi xác định phần chất thải còn lại cần xử lý hợp lý trước khi thải vào môi trường xung quanh. Công nghệ xử lý cuối đường ống rất hữu dụng trong việc xử lý hoàn toàn các chất ô nhiễm còn lại này.
Trong điều kiện kinh tế-xã hội và công nghệ hiện có của nước ta, với nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường hiện tại của các nhà sản xuất cũng như thực tế khó khăn và hạn chế về tài chánh, việc áp dụng các giải pháp ngăn ngừa và xử lý chất thải theo thứ tự ưu tiên nói trên sẽ ít khả thi. Hiển nhiên để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, chiến lược quản lý chất thải và bảo vệ môi trường của nước ta cuối cùng sẽ phải tiến tới mô hình nói trên. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, để khắc phục và hạn chế quá trình hủy hoại môi trường đang diễn ra hàng ngày hàng giờ do chất thải công nghiệp đã và đang phát sinh, giải pháp tình thế có tính khả thi nhất, dễ áp dụng nhất sẽ phải theo thứ tự ưu tiên khác gồm: (1) tái sinh và tái sử dụng chất thải, (2) xử lý cuối đường ống, và (3) dần dần tiến tới thực hiện ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải tại nguồn khi nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường của các nhà sản xuất được nâng cao cũng như công nghệ sản xuất được cải tiến.
Phương pháp luận xây dựng mô hình khu công nghiệp không chất thải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và công nghệ hiện tại của Việt Nam được đề xuất xây dựng theo bốn bước cơ bản như sau:
Bước 1 – Xác định thành phần và khối lượng chất thải
Xác định, thành phần và khối lượng chất thải của tất cả các nhà máy thuộc khu công nghiệp nghiên cứu, các phương pháp xử lý và quản lý hiện tại cũng như các tác động của chúng đến môi trường phải được xác định. Bên cạnh đó, nguyên liệu và năng lượng cần thiết cho dây chuyền sản xuất của các nhà máy cũng đóng vai trò quan trọng . Bước 2 – Đánh giá và lựa chọn phương án tái sinh và tái sử dụng chất thải
Một cách tổng quát, việc tái sinh, tái sử dụng chất thải của một nhà máy này cho các nhà máy khác (offsite reuse and recycling) có thể phân thành hai dạng chính: (1) tái sử dụng trực tiếp trong quy trình sản xuất của các nhà máy khác và (2) xử lý hoặc tái chế thành nguyên liệu mới trước khi tái sử dụng. Điều quan trọng cần xác định là loại và lượng chất thải cần xử lý và nhu cầu cần thiết của các cơ sở có khả năng tiếp nhận các chất thải này làm nguyên liệu sản xuất. Một cách cụ thể, để xây dựng mạng lưới tái sinh – tái sử dụng chất thải giữa các nhà máy trong khu công nghiệp, những thông tin sau đây cần thu thập:
- Nguyên vật liệu và năng lượng cần thiết cũng như sản phẩm và chất thải tạo ra của tất cả các nhà máy trong khu công nghiệp (bao gồm cả các nhà máy phát sinh chất thải và các nhà máy có thể sử dụng chất thải làm (một phần) nguyên liệu sản xuất). Trong đó,
+ Thành phần và đặc tính của dòng chất thải, vật liệu và năng lượng có khả năng tái chế (tính ổn định của chúng theo thời gian);
+ Lượng vật liệu và năng lượng thải;
+ Sự phân bố của các dòng vật liệu và năng lượng thải này theo thời gian. (liên tục, gián đoạn, thỉnh thoảng).
- Các cơ sở (bao gồm cả nhà máy công nghiệp, khu trồng trọt, nguồn nước mặt,…) có khả năng tái sử dụng vật liệu và năng lượng thải. Những thông tin sau đây cần xác định:
+ Tiềm năng tái sinh tái sử dụng vật liệu và năng lượng thải;
+Công nghệ xử lý sơ bộ hay chế biến cần thiết để chuyển chất thải thành nguyên liệu theo yêu cầu của cơ sở tái chế;
+ Nhu cầu về vật liệu và năng lượng thải của các cơ sở hiện có trong khu công nghiệp hay khu vực.
Bước 3 – Đánh giá và lựa chọn giải pháp xử lý cuối đường ống và thải bỏ hợp vệ sinh
Đối với các chất thải còn lại (không có khả năng tái sinh, tái sử dụng), công nghệ xử lý cuối đường ống sẽ là giải pháp chính để bảo đảm loại trừ hoàn toàn tác động của chất thải phát sinh đến môi trường và tiến tới mô hình khu công nghiệp không chất thải.
Để lựa chọn công nghệ xử lý hợp lý, những nội dung sau cần được xem xét, đánh giá:
- Đặc tính và khối lượng chất thải;
- Tiêu chuẩn môi trường và yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm;
- Công nghệ xử lý sẵn có;
- Yếu tố môi trường đối với công nghệ xử lý, ví dụ ưu tiên phương án ít sử dụng thêm hóa chất;
- Hiệu quả kinh tế.
Sự thành công và thất bại của các hệ thống (công nghệ) xử lý chất thải hiện có là bằng chứng thực tế và kinh nghiệm hữu ích nên xem xét khi đề xuất giải pháp công nghệ mới.
Bước 4 - Tổ hợp các giải pháp lựa chọn
Hình 7: Các bước cơ bản trong phương pháp luận xây dụng mô hình kỹ thuật KCNST tại Việt Nam (tham khảo Dieu, 2003).
Vai trò của các cơ quan chức năng và thể chế chính sách: Cần xem xét vai trò của các thành phần này trong mô hình với các yếu tố kinh tế, xã hội và thể chế chính sách hiện tại ở nước ta. Chỉ có hiểu rõ mối quan hệ giữa KCNST xây dựng với các cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp và môi trường, về kinh tế tài chính, về chính sách luật lệ và các tổ chức xã hội khác.