CHƯƠNG 2: TÌM HIỂU CÔNG TÁC TU CHỈNH HẢI ĐỒ
2.6 Các phương pháp tu chỉnh hải đồ
2.6.1 Sử dụng giấy can hiệu chỉnh
2.6.1.1 Giấy can hiệu chỉnh (Chart Overlay Correction Tracing)
Là một mảnh giấy bóng mờ trên đó in một số thông tin thiết yếu trong thông báo hàng hải, các thông tin này chủ yếu là các thông tin cơ bản như vị trí phao tiêu, đèn biển, tàu đắm,…cùng với các đường kinh vĩ độ trùng khớp với hải đồ cần hiệu chỉnh.
Tiêu đề của giấy can gồm các số hiệu thông báo hiệu chỉnh, số hiệu hải đồ cùng với tháng, năm xuất bản mới và ấn bản mới NC/NE nếu hải đồ đã bị hủy bỏ hoặc thay thế bằng NC/NE thì cũng phải hủy giấy can hiệu chỉnh cũ.
Hình 2.17 Giấy can hiệu chỉnh
2.6.1.2 Cách sử dụng Giấy can hiệu chỉnh
Khi hiệu chỉnh bằng giấy can lên hải đồ, ta điều chỉnh sao cho các đường kinh vĩ độ trên giấy can trùng khớp với đường kinh vĩ độ trên hải đồ, sao đó dùng đầu nhọn compa đánh dấu những vị trí cần hiệu chỉnh có sẵn trên giấy can lên hải đồ, nhờ đó người hiệu chỉnh không cần phải mất nhiều thời gian để xác định điểm đó trên hải đồ bằng cách đo.
Hình 2.18 Sử dụng giấy can hiệu chỉnh
Như vậy giấy can hiệu chỉnh làm nhiệm vụ xác định điểm hiệu chỉnh, không được đưa các chi tiết hiệu chỉnh giấy can lên hải đồ, các chi tiết hiệu chỉnh vẫn phải vẽ bằng tay theo cách thông thường. Sau đó đặt lại giấy can lên hải đồ để kiểm tra lại tính chính xác của vị trí tu chỉnh, nội dung tu chỉnh.
2.6.1.3 Ưu, nhược điểm của việc sử dụng Giấy can hiệu chỉnh
a) Ưu điểm: Giấy can hiệu chỉnh là một công cụ phổ biến trên tàu để thực hiện các hiệu chỉnh nhỏ trên hải đồ, giúp cho công việc hiệu chỉnh được tiến hành nhanh và chính xác, không nhầm lẫn, tiết kiệm 80 - 90% thời gian so với các hiệu chỉnh vẽ trực tiếp, đặc biệt thuận lợi cho những tàu viễn dương không chuyên tuyến mang theo lượng hải đồ lớn.
b) Nhược điểm: Giấy can hiệu chỉnh được in và cung cấp thành từng bộ hoàn chỉnh bao gồm tất cả các hiệu chỉnh hàng tuần cho hải đồ toàn thế giới.
Như vậy đối với các tàu chạy chuyên tuyến sử dụng rất ít hải đồ thì việc sử dụng cả một bộ giấy can đầy đủ là không thiết thực.
2.6.2 Đo vẽ trực tiếp trên hải đồ
Sau khi có được các thông tin về nội dung cần tu chỉnh ta sử dụng các dụng cụ như thước song song, bộ eke để xác định các vị trí tọa độ của các tu chỉnh. Sau đó dựa vào nội dung của mỗi loại tu chỉnh mà sử dụng các dụng cụ khác như thước thẳng, bút chì, bút vẽ, compa,…thao tác trực tiếp trên hải đồ để tiến hành những hiệu chỉnh cần thiết.
Cách đo vẽ trực tiếp này áp dụng được trong tất cả các trường hợp, tất cả các tàu, thích hợp với những tàu hành trình theo tuyến không cần thiết trang bị bộ Giấy can hiệu chỉnh. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi sự chính xác, cẩn thận trong những thao tác của người sỹ quan hàng hải. Bên cạnh đó, phương pháp cũng dễ gây sai sót và mất nhiều thời gian hơn khi tu chỉnh so với phương pháp sử dụng giấy can hiệu chỉnh.
2.6.3 Sử dụng các mảnh Block hải đồ
Mảnh Block hải đồ là những mảnh dán trên đó có in sắn nội dung cần sửa chữa, được in ngay trong cuốn Thông báo hàng hải. Nếu trong nội dung thông báo hiệu chỉnh có yêu cầu tu chỉnh bằng những mảnh Blocks như vậy thì việc tiến hành tu chỉnh như sau:
Bước 1: Cắt mảnh dán đó ra. Chú ý giữ lại các đường viền màu đen.
Hình 2.19 Mảnh hải đồ được cắt ta từ ANM.
Bước 2: Ghi số hiệu thông báo lên hải đồ tại vị trí thay thế.
Hình 2.20 Số hiệu thông báo được ghi lên hải đồ tại vị trí tu chỉnh.
Bước 3: Dán mảnh Block lên hải đồ, sao cho trùng khít vào vị trí cần hiệu chỉnh trên hải đồ bằng loại keo dán đặc biệt đã được giới thiệu trong phần “Các dụng cụ sử dụng cho công tác tu chỉnh hải đồ”.
Hình 2.21 Mảnh Block được dán lên hải đồ