Phần 2: CHUYÊN ĐỀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
2.4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
2.4.4. Kết quả điều trị bệnh
Khi phát hiện thấy các triệu chứng nghi mắc bệnh CRD chúng tôi tiến hành điều trị cho gà mắc bệnh CRD bằng thuốc Genta –tylo, đồng thời chúng tôi tiến hành khắc phục các tác động bất lợi của ngoại cảnh, bổ sung thêm B.complex, cho uống điện giải, để tăng sức đề kháng cho gà bệnh. Quá trình vừa điều trị vừa theo dõi các diễn biến bệnh lý đến khi gà khỏi bệnh không còn biểu hiện bệnh lý chúng tôi mới kết thúc điều trị. Quá trình theo dõi sức khoẻ đàn gà được chúng tôi theo dõi trên toàn đàn từ đó đánh giá tỷ lệ khỏi bệnh. Kết quả điều trị được trình bày ở bảng 2.5.
Bảng 2.5. Hiệu lực điều trị bệnh CRD của thuốc Genta – tylo Tháng
Lô I (Genta – Tylo) Số gà điều trị
(con)
Số gà khỏi
(con) Tỷ lệ (%)
6 115 107 93,05
7 90 82 91,12
8 75 70 93,34
9 66 60 90,91
10 34 30 88,24
Tổng 380 349 91,84
Số liệu bảng 2.5 cho thấy: Trong tổng số 380 gà được điều trị có 349 gà chữa khỏi với tỷ lệ khỏi bệnh là 91,84 %. Ở các tháng khác nhau thì hiệu lực điều trị bệnh CRD của thuốc cũng khác nhau, tỷ lệ chữa khỏi của thuốc dao động từ 88,24 – 93,34%. Tháng 6 hiệu lực của thuốc điều trị tốt nhất và thấp nhất là
tháng 10. Tuy nhiên, kết quả điều trị bệnh CRD của thuốc nói chung tương đối cao, điều này cũng hoàn toàn phù hợp với các kết quả nghiên cứu trước đây.
Các kết quả nghiên cứu trước đây đều cho biết, không có loại thuốc nào có thể diệt hoàn toàn mầm bệnh của bệnh CRD, mà chỉ có thể ngăn cản sự phát triển của bệnh. Vì vậy, việc tăng cường công tác vệ sinh, chăm sóc, nuôi dưỡng và bổ sung thêm các loại vitamin A, B, C,… là rất cần thiết để hạn chế sự phát triển của bệnh. Việc sử dụng các loại kháng sinh liều cao cũng giúp giảm sự phát triển của bệnh. Các nhóm kháng sinh: Tetracyclin, Marcrolides (gồm: Tylosine, Erythmomycin, Lincomycin, Tiamuline) và nhóm Quinolones (gồm: Norfloxacin và Enrofloxacin) có hiệu lực tốt với MG.
2.4.5. Tỷ lệ đẻ, năng suất trứng của gà thí nghiệm
Tỷ lệ đẻ là thước đo năng suất trứng của gà sinh sản. Nếu tỷ lệ đẻ tăng cao thời gian đẻ kéo dài cho năng xuất trứng cao, đông thời cũng phản ánh kết quả quá trình nuôi dưỡng hợp lý , đảm bảo thức ăn cân bằng, các chất dinh dưỡng thỏa mãn nhu cầu sinh lý sinh sản của gà. Ngoài ra tỷ lệ đẻ còn phụ thuộc vào các cá thể trong tổng đàn theo dõi. Kết quả theo dõi về khả năng sinh sản của gà thí nghiệm được thể hiện qua bảng 2.6.
Số liệu bảng 2.6 cho thấy:
Diễn biến về tỷ đẻ của gà thí nghiệm hoàn toàn tuân theo quy luật chung của gia cầm. Tỷ lệ đẻ đạt đỉnh cao nhất ở tuần 29 là 95,64%; thấp nhất ở tuần 39 là 89,45%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương đương với kết quả nghiên cứu của (Đinh Sỹ Dũng, 2010) [4] khi nghiên cứu tỷ lệ đẻ trên đàn gà thương phẩm Isa Brown (với tỷ lệ đẻ trung bình từ 90,01% - 92,66%).
Năng suất trứng đạt đỉnh cao nhất ở tuần 29 là 6,69 quả/mái/tuần, thấp nhất ở tuần 35 chỉ có 6,29 quả/mái/tuần.
Bảng 2.6. Tỷ lệ đẻ và năng suất trứng của gà thí nghiệm
Tuần tuổi Tỷ lệ đẻ (%) NST/mái/tuần
25 90,77 6,35
26 91,33 6,39
27 89,95 6,30
28 94,26 6,60
29 95,64 6,69
30 93,65 6,56
31 91,54 6,41
32 93,15 6,52
33 93,51 6,55
34 92,90 6,50
35 89,88 6,29
36 92,81 6,50
37 92,73 6,49
38 93,16 6,52
39 89,45 6,26
40 93,02 6,51
41 92,73 6,49
42 92,67 6,49
43 92,61 6,48
44 92,99 6,51
2.4.6. Khối lượng trứng của gà thí nghiệm
Khối lượng trứng là một trong những chỉ tiêu để đánh giá chất lượng trứng ấp và năng suất trứng tuyệt đối của gia cầm. Khối lượng trứng không những phụ thuộc vào yếu tố di truyền mà còn phụ thuộc vào tuổi đẻ, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng và yếu tố mùa vụ. Từ tuần 32 chúng tôi theo dõi sự biến động và độ đồng đều của trứng gà thí nghiệm. Kết quả theo dõi được ghi ở bảng 2.7.
Số liệu ở bảng 2.7 cho thấy: Khối lượng trứng của gà thí nghiệm dao động từ 51,88g đến 57,76g/quả.
Khối lượng trứng cao nhất ở tuần 41 là 57,76 g/quả và thấp nhất ở tuần 27 là 51,88 g/quả.
So sánh với các giống gà nhập nội khác, trứng gà thí nghiệm của chúng tôi to hơn trứng gà Tam Hoàng, Lượng Phượng, Kabir và tương đương với khối lượng trứng của gà Isa Color ở 40 tuần tuổi 57,70 g (Phùng Văn Tiến và cs, 2004) [21].
Bảng 2.7. Khối lượng trứng của thí nghiệm (g)
Tuần X ±mx Cv (%)
25 52,74±0,94 3,57
26 56,64±0,77 2,71
27 55,62±1,49 5,36
28 56,02±0,88 3,15
29 51,88±0,91 3,51
30 52,80±1,00 3,78
31 57,34±0,88 3,08
32 56,30±1,33 4,71
33 55,84±0,64 2,30
34 54,04±1,34 4,96
35 52,36±0,70 2,66
36 52,74±0,72 2,71
37 54,56±1,25 4,60
38 55,14±1,59 5,76
39 54,34±1,26 4,62
40 55, 54±1,14 4,06
41 57,76±1,04 3,60
42 54,58±1,26 4,60
43 57,40±1,48 5,16
44 56,02±1,77 6,32
Hệ số biến dị của khối lượng trứng gà thí nghiệm dao động từ 2,30% đến 6,32%, điều này chứng tỏ độ đồng đều của trứng là khá cao.