NHÀ BÁO HUỲNH DŨNG NHÂN (PHÓ CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO
TP.HCM, TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NGHỀ BÁO): Không thể để mặc cho quy luật “có cầu có cung”, “tự sinh tự diệt”
Tôi không hiểu vì sao trong giai đoạn chủ trương quy hoạch báo chí mà lại ra đời hàng loạt tờ phụ trương, phụ bản ảnh hưởng uy tín chung của giới làm báo. Lẽ nào thị hiếu của bạn đọc chỉ đơn giản như thế? Vì sao những tờ báo ấy vẫn sinh sôi nảy nở dù nhiều người có trách nhiệm đã lên tiếng phê phán và nêu ra nhiều biện pháp chấn chỉnh?
Quy luật của thông tin là hễ “ấn” vào đầu nhiều lần thì nội dung càng in đậm. Nhóm độc giả dễ bị tác động nhất là những người không có khả năng lựa chọn thông tin, chưa phân định được đúng - sai, thiện - ác, tốt - xấu (trẻ em, người có trình độ thấp). Khoảng cách giữa nhận thức và hành động là rất ngắn.
Tuy nhiên, phải công nhận các báo giải trí này sinh ra để bù đắp một phần thông tin bị bỏ qua, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa thông tin. Vấn đề ở chỗ không ít tờ, bài báo có cách khai thác “trần trụi”, liều lượng và mức độ đi quá xa. Nhiều người cho rằng đến khi hết “cầu” thì các tờ báo dạng này sẽ tự mất đi. Thiết nghĩ, không nên bị động như thế. Một thông tin quá đà hoặc lệch chuẩn có thể để lại “di chứng” dai dẳng nơi người đọc. Các cơ quan quản lý báo chí phải cương quyết vào cuộc bằng quy trình quản lý chặt chẽ. Mặt khác, ta không nên vội trách, mà hệ thống báo chí phải thay đổi, hoàn thiện để đáp ứng hơn nữa nhu cầu của người đọc. Anh đứng đắn, sạch sẽ, chỉn chu nhưng chán phèo thì không thể ngăn được độc giả quay lưng tìm “món mới”.
TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT: Căn cứ nào bảo báo chúng tôi “lá cải”?
Chiều 24/5/2012, chúng tôi hẹn phỏng vấn ông Trần Tiến Dũng- Trưởng văn phòng đại diện Báo Đời sống và Pháp luật (Hội Luật gia VN). Phóng viên đặt vấn đề: “Một số người cho rằng tờ Đời sống và Pháp luật cùng một số ấn phẩm phụ như Hôn nhân và Pháp luật thứ 7, Người đưa tin…
đang dần “lá cải” hóa để thu hút bạn đọc…”, bất ngờ, ông Nguyễn Tiến Thanh (Tổng biên tập Báo Đời sống và Pháp luật), lúc này đang ngồi ở bàn làm việc bên cạnh, chen ngang cuộc phỏng vấn. Ông nổi giận cho rằng “phóng viên Báo Phụ Nữ TP đặt vấn đề sai” và chỉ đạo ông Dũng ngưng ngay cuộc phỏng vấn. Ông Thanh “quát tháo”: “Báo Đời sống và Pháp luật hoạt động với tôn chỉ khác, không làm theo kiểu “lá cải”, người ta lấy căn cứ nào dám bảo báo của chúng tôi “lá cải”?”. Phóng viên Báo Phụ Nữ TP: “Riêng trong tháng 5/2012, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã chỉ ra nhiều tin bài của Báo Đời sống và Pháp luật, đã vi phạm Nghị định 51…”. Ông Thanh tiếp tục cắt ngang: “Đó là chuyện của Sở, họ có quyền thống kê”. Phóng viên Báo Phụ Nữ TP: “Thưa ông, còn những ấn phẩm phụ của Đời sống và Pháp luật như Hôn nhân và Pháp luật, Người đưa tin thì thế nào?”. Ông Thanh vẫn chưa hết nóng giận, tuyên bố từ chối trả lời phỏng vấn.
T.T. (ghi)
ĐỪNG ĐỂ TRẺ BỊ ĐẦU ĐỘC
Con gái tôi, đang học lớp 8, thường đọc báo Thiên Thần Nhỏ. Lúc đầu, tôi khá yên tâm khi biết đó là một ấn phẩm khác của báo Hoa Học Trò.
Nhưng hôm nọ, tình cờ được đọc qua, tôi thực sự rất ngỡ ngàng. 90% nội dung tờ báo xoay quanh tin tức về các “ngôi sao” Hàn Quốc. Ngay cả mục truyện tranh cũng là truyện về đời sống các “ngôi sao” ấy. Các tít bài nổi bật trên bìa báo phần lớn đề cập đến những nhân vật của giới giải trí Hàn. Để tăng thêm mức độ “độc hại” của mình, tờ báo này còn có một photobook (sách ảnh) tràn ngập các gương mặt na ná giống các “ngôi sao” giải trí Hàn Quốc. Ở tuổi đang định hình nhân cách, cần một hình mẫu để hướng đến mà gặp phải sự tâng bốc, tôn thờ các thần tượng, cái đẹp phù phiếm từ báo Thiên Thần Nhỏ thì thật nguy hại cho thẩm mỹ và cả nhận thức của các em sau này.
Thiết nghĩ, hiện tượng giới trẻ cuồng thần tượng, biểu hiện trong các sự kiện giao lưu văn hóa vừa qua (nhịn ăn xếp hàng mua vé, chen lấn xin chữ ký, xúm xít đến hôn ghế “thần tượng” ngồi...) cũng một phần do sự
“đầu độc” từ những tờ báo như thế này. Tôi mong quý phụ huynh hãy tỉnh táo, cẩn thận khi chọn lựa báo cho con, tránh mua những tờ báo nhảm nhí, độc hại.
KHUÊ DƯƠNG (PHOEBILLIONAIRE@...)
LẠNH LÙNG ĐẾN MỨC NHẪN TÂM
Những ngày gần đây, chỉ cần vào Google và gõ “Nữ sinh lớp 7 mang bầu, cả thị trấn xôn xao” thì sẽ có 169.000 kết quả; và gõ “Nam thanh niên tự thiêu cùng người tình 13 tuổi” thì sẽ có tới 456.000 kết quả. Một câu chuyện có kết cuộc đau lòng mà trong đó có “thủ phạm” là những cơ quan truyền thông.
Chuyện xảy ra vào đầu tháng Ba vừa qua, tại Thừa Thiên-Huế, một học
sinh lớp 7 đã trót mang bầu với người bạn trai 23 tuổi. Không lâu sau cái tựa “Nữ sinh lớp 7 mang bầu, cả thị trấn xôn xao” đã xuất hiện “hoành tráng” trên mặt báo Dân Việt; ngay sau đó, hàng loạt các báo mạng lấy lại để đăng tải. Điều đáng nói, cả bài báo gốc lẫn những bản tin copy đều nêu rõ tên, tuổi của nạn nhân, lớp học, trường học, địa chỉ nhà, tên người cha và đặc biệt đưa hình ảnh của nạn nhân rõ mồn một. Chưa hết, bài báo còn miêu tả tình tiết kỹ càng để thêm phần “kịch tính”.
Cách đây vài ngày, do không chịu được áp lực dư luận, hàng xóm dè bỉu, nạn nhân - cô bé 13 tuổi đã cùng bạn trai tự thiêu, may mà hàng xóm phát hiện kịp thời đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Và một lần nữa, đoạn kết buồn này tiếp tục được báo chí khai thác một cách lạnh lùng, vô cảm mà không nghĩ, chính họ đã góp phần đưa những người trong cuộc vào ngõ cụt.
Cha của nạn nhân, ông N.B. nói trong đau khổ, chuyện con gái tôi mang thai đã làm gia đình tôi xáo xào, sao báo chí nỡ lòng chọc ngoáy vết thương thêm sâu? Con gái tôi cũng vì xấu hổ với bạn bè nên đã nghỉ học.
Thế mà nhiều học sinh cứ kéo tới "xem mặt" khiến cháu khóc suốt.
Tác hại của báo lá cải là vậy nhưng nó vẫn khoẻ và phát triển không ngừng . Vậy ai nuôi mà báo lá cải lại sống khoẻ như vậy ?? Có lẽ hầu hết mọi người nhìn vào có thể trả lời ngay được là “các công ty quảng cáo”.
Nhưng xin phép đi sâu hơn một chút. Các công ty quảng cáo dại gì mà mua quảng cáo trên một trang web đìu hiu, tin bài lẹt đẹt khoảng vài trăm cú nhấp chuột?
Dựa vào cảm quan cá nhân, tôi thấy hiện nay có 3 dạng độc giả liên quan đến báo lá cải đáng lưu tâm.
Dạng thứ nhất: Những người không quan tâm và không đọc báo lá cải.
Dạng này hình như lực lượng hơi mỏng, hoặc có thể đông nhưng không lên tiếng (vì không quan tâm) nên ít ai biết, trong lúc chưa chứng minh được là lực lượng dày thì tôi tạm coi là mỏng.
Và nếu họ đang ở đâu đó trong cuộc đời này thì hãy lên tiếng, to rõ ràng, để chúng ta biết rằng ngoài những người phấn khích vì một cô ca sĩ lộ ảnh khỏa thân thì còn có những người phấn khích vì một ông nhà văn (chân không dài) ra sách mới.
Dạng thứ hai: Những người thường xuyên đọc báo lá cải, vì thế hay chê bai báo lá cải, vì thế tiếp tục đọc báo lá cải (để có dẫn chứng mà chê), vì thế tiếp tục chê, vì thế tiếp tục đọc… Tóm lại là thế. Dạng này tôi cho là đông đảo nhất.
Dạng thứ ba: Những người thường xuyên đọc báo lá cải và cảm thấy không có gì nhiều để phải phật ý ngoài các banner quảng cáo lấp lánh làm đau mắt (nhưng thỉnh thoảng họ cũng nên tĩnh tâm một chút để nghĩ xem tại sao báo này được thuê quảng cáo nhiều vậy).
Như đã nói qua ở trên, rất nhiều người đọc báo lá cải với động cơ cực kỳ chính đáng: Tìm ra dẫn chứng cho sự yếu kém, nhảm nhí của báo lá cải, hỗ trợ cho “quá trình đấu tranh” chống lại báo lá cải, lên án và đẩy lùi báo lá cải… Có người còn mạnh miệng: “Những trang báo kiểu đó tốt nhất là biến mất hẳn”. Vân vân. Nhưng tôi ngờ vực mức độ hiệu quả của phương pháp “đấu tranh” này.
Những độc giả này sẽ nói, đúng là họ vào đọc nhưng đọc để rồi chê, bình luận yêu cầu tòa soạn đừng đăng những tin bài như thế nữa, về những nhân vật như thế nữa. Nhưng…
Sự thực là một vài tòa soạn không thèm đếm xỉa gì đến lời yêu cầu đó.
Họ chỉ cần biết rằng, bài về cô người mẫu ngực bự kia thu hút mấy triệu
cú nhấp chuột, được sếp khen mát cả mặt; bài về anh diễn viên ngoại tình kia thu hút mấy nghìn bình luận, đăng muốn hụt cả hơi.
Qua đó, số tiền quảng cáo tăng lên rất đáng phấn khởi. Vì thế, về sau, những tin bài về cô người mẫu đó, anh diễn viên kia cứ tằng tằng mà lên báo. Độc giả phản đối mặc kệ. Quan trọng là họ nhấp chuột.
Ngay cả tờ People, một dạng lá cải sạch của Mỹ - chuyên khai thác tin đời tư ngôi sao nhưng lại được chính các ngôi sao coi trọng, chọn làm nơi chia sẻ chuyện đời tư - cũng không phải là bất khả xâm phạm.
Độc giả sẵn sàng phản đối ầm ĩ khi báo đăng một tin nhảm nhí như
“Michelle Obama mua gì khi đi siêu thị?”, bằng cách viết bình luận phản đối lên thẳng bài báo, và lạ là People đăng cả những bình luận đó.
Nhưng, cũng phải nói luôn là khi nhấp chuột, đọc và viết bình luận, độc giả cũng (không hề vô tình) tăng view cho cái tin Michelle Obama đó.
Thực tế là trên thế giới có rất nhiều báo lá cải sống khỏe, The Sun chẳng hạn. Trước đây có cả News of The World (nếu không bị đóng cửa do nghe lén điện thoại).
Theo quy luật đó thì báo lá cải Việt Nam vẫn sẽ phát triển, trở thành những cỗ máy làm tiền hiệu quả, có thể nghiệp dư hơn hoặc làm được ít tiền hơn, nhưng vẫn là phát triển, chứ chẳng thoái trào như những người phản đối (nhưng vẫn đọc) mong muốn.
Biến mất hẳn thì còn lâu! Nhất là trong tình trạng được độc giả nhiệt tình
“nuôi sống” như hiện nay.
Độc giả sẽ nói: “Đọc tin gì, bài gì là quyền của tôi. Chẳng ai có quyền bắt tôi phải đọc bài này, không được đọc bài kia”. Rất đúng. Ai là công dân biết đọc và có trong tay một chiếc máy tính nối mạng đều có toàn quyền
đọc bất cứ thứ gì họ muốn (chỉ cần máy chịu tải cho).
Nhưng quyền lợi đi cùng trách nhiệm, quy luật đó không ai thoát được.
Chẳng có ai là nạn nhân của tất cả, đôi khi ta là (một trong những) thủ phạm gây ra những thứ ta đang phải chịu đựng.