Nghiên cứu về cây Vầu đắng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc và khả năng tích lũy các bon của rừng vầu đắng (indosasa angustata mc clure) thuần loài tại huyện na rì, tỉnh bắc kạn (Trang 25 - 28)

Chương 1. TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2. Những nghiên cứu trong nước

1.2.4. Nghiên cứu về cây Vầu đắng

Sau đây là một số nghiên cứu cụ thể về cây Vầu đắng:

* Phân loại:

Theo Lê Mộng Chân và Lê Thị Huyên (2000) [3]Vầu đắng có tên khoa học là Indosasa sinica C.D. Chu & C.S. Chao thuộc họ Hòa Thảo Poace Barnh, phân họ Tre Bambusoideae và thuộc chi Vầu đắng Indosasa.

Vũ Dũng sau khi thu nhập mẫu mô tả, đối chiếu với tài liệu và trao đổi với chuyên gia Trung Quốc đã đề nghị thống nhất và sửa lại tên là Indosasa angustata McClure (2001) [8].

* Đặc điểm hình thái:

Vầu đắng là loài Tre mọc tản, thân ngầm lan rộng trong đất, đường kính 1 - 3 cm. Thân khí sinh cao 17 - 20m, đường kính 10 - 12cm; cây to nhất có thể tới 20 cm; thân non màu lục nhạt, phủ lông mềm, thưa, màu trắng, sau rụng đi;

thân già màu lục xám. Chiều dài lóng giữa thân 30 - 50cm, dài nhất đến 80cm, vòng thân hơi nổi lên, nhất là những lóng giữa thân trở lên; vòng mo không có lông. Cây phân cành muộn, phần không có cành thường tròn đều, vòng đốt không nổi rõ. Phần thân tre có cành, thường có vết lõm dọc lóng, đốt phình to, gờ nổi cao. Cành thường 3, đôi khi 2 hay 1. Bẹ mo sớm rụng, hình thang dài và hẹp, lúc non màu lục hồng sau khi khô màu nâu nhạt, lưng có nhiều sọc dọc, giữa các sọc có lông cứng màu nâu, mép có lông mi rõ; tai mo không phát triển, thay vào đó là 4 - 6 lông mi dài 7 - 15cm, đứng thẳng; lưỡi mo nhỏ, cao 2 - 5

mm, đầu có lông mảnh; phiến mo hình lưỡi mác, màu đỏ tím nhạt, ở giữa màu lục, dài 7 - 15cm, lật ra ngòai, đáy phiến mo hẹp so với đỉnh bẹ mo. Lá 3 - 6 trên cành nhỏ; hình mác dạng dải, dài 11 - 28cm, rộng 1 - 5 cm, gân cấp hai 3 - 7 đôi; bẹ lá không lông, mép đôi khi có lông mảnh, tai lá thường không phát triển. Cụm hoa mọc trên cành không lá, mỗi đốt mang 1 hoặc nhiều bông nhỏ.

Mỗi bông nhỏ mang 8 - 12 hoa. Hoa có 3 mày cực nhỏ trong suốt, 6 nhị, đầu nhụy xẻ 3 hình lông chim.Quả dĩnh, hình trứng trái xoan, mầu nâu.

*Đặc tính sinh thái:

Theo Ngô Quang Đê (1994) [9] Vầu đắng có độ chiụ bóng lớn, độ tán che trung bình của rừng Vầu ổn định tới 0,8-0,9, nơi rừng thưa nhiều ánh sáng, sinh trưởng của Vầu đắng hạn chế. Tác giả cũng đã đưa ra một số thông tin khác như vùng có Vầu đắng, phân bố nhiệt độ bình quân từ 22-23,5°C, lượng mưa 1600- 1700mm/năm trở lên, độ ẩm không khí trung bình 85-95%, độ cao phân bố 50m- 120m so với mặt nước biển, Vầu mọc trên các loại đất có đá mẹ là phiến thạch, phiến philit, phiến mica, thành phần cơ giới trung bình nhưng đất ẩm.

Theo Trần Xuân Thiệp (1994) Vầu đắng ưa đất hình thành từ các loại đá phiến, phong hóa tương đối kém; thành phần cơ giới là các loại đất thịt có đá lẫn; tầng đất thường sâu 50 - 80cm, có màu vàng, pH (Kcl) từ 3,2 - 4,6; C/N 8,3 - 9,9; mùn tổng số (%) 0,7 - 4,4; đạm tổng số 0,08 -0,32 (dẫn theo Ngô Quang Đê, 2003) [10].

Vầu đắng có thể mọc hỗn giao hoặc thuần loài, những loài cây gỗ lớn thường mọc hỗn giao với Vầu đắng thường thuộc họ Đậu (Fabaceae), họ Re (Laureceae), Thầu Dầu (Euphorbiaceae) [10].

* Giá trị sử dụng:

Thân khí sinh của Vầu đắng thường được sử dụng trong xây dựng, bên cạnh đó còn được sử dụng để làm nguyên liệu giấy, sản xuất đũa, tăm suất khẩu,…

Măng Vầu đắng được sử dụng làm thực phẩm. Thu hoạch khi măng mới nhú lên khỏi mặt đất là có chất lượng tốt nhất.

* Nhân giống:

Ngô Quang Đê (2003) [10] và nhiều tác giả khác thì hiện nay Vầu đắng ở nước ta có 2 hình thức nhân giống là nhân giống bằng thân ngầm và nhân giống bằng thân khí sinh có mang 1 đoạn thân ngầm. Hình thức nhân giống bằng thân ngầm thì hom được chọn có tuổi từ 1 - 3, khỏe mạnh, có từ 5 - 6 mắt ngủ, thời gian lấy hom trước mùa ra măng,… Đối với nhân giống Vầu đắng bằng thân khí sinh mang một đoạn thân ngầm thì nên chọn thân khí sinh ở tuổi 2 là tốt nhất.

* Kỹ thuật gây trồng và khai thác:

Theo Ngô Quang Đê, có thể trồng Vầu đắng bằng gốc thân khí sinh có mang thân ngâm hoặc bằng một đoạn thân ngầm, trồng vào cuối đông, đầu xuân (vào trước mùa măng), khi trồng chú ý đặt cây hoặc gốc cây thẳng đứng. không được uốn cong hoặc lệch với hướng của thân ngầm: hố đào sâu 40 -50 cm, bón lót bằng phân chuồng hoai, khi trồng cần nệm chặt đất, trồng xong ủ rác để giữ ẩm, tưới nước 2-3 lần [9].

Về kỹ thuật khai thác, tác giả Ngô Quang Đê nhận định: ở những rừng Vầu mới trồng, tuyệt đối không được thả trâu, bò, thường xuyên chú ý phát quang, xới đất. Nơi Vầu ra hoa thì cần khai thác ngay cây có hoa và những cây xung quanh. Sau đó đào bới, loại bỏ thân ngầm rồi bón phân chuồng để giúp cây phát triển tốt. Nếu khai thác không hợp lý sẽ làm cho rừng Vầu bị thoái hoá, mật độ tăng lên nhưng cây nhỏ dần, chỉ nên khai thác cây tuổi 5-6; chu kỳ chặt có thể 2-3 năm một lần; tỉ lệ cây ở các tổ tuổi có thể giữ lại là: 1 tuổi 20- 30%, 2-3 tuổi 30-40%, 4-5 tuổi 30-40%. Đối vớirừng Vầu đã thoái hoá (Vầu đinh), có thể cải tạo bằng cách trồng cây gỗ lá rộng theo băng hoặc theo đám trong rừng Vầu, trước khi trồng cần chặt bỏ và đào gốc cây Vầu theo đám, loài

cây trồng có thể chọn Lim xanh, Ràng ràng, Mán đỉa…; cũng có thể chặt trắng, sau đó đào bỏ hết thân ngầm, trồng lại Vầu xen cây lá rộng [10].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc và khả năng tích lũy các bon của rừng vầu đắng (indosasa angustata mc clure) thuần loài tại huyện na rì, tỉnh bắc kạn (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)