CHƯƠNG II XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP TỰ CHỦ VỚI HỘI NHẬP KINH
2. HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
2.3. Những kết quả đạt được khi Việt Nam tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
Quá trình hội nhập với nền kinh tế quốc tế, mở rộng kinh tế đối ngoại thời gian qua đã mang lại cho chúng ta những kết quả quan trọng :
2.3.1. Chúng ta đã làm thất bại chính sách bao vây cấm vận, cô lập nước ta của các thế lực thù địch, tạo dựng được môi trường quốc tế, khu vực thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế nước ta trên chính trường và thương trường thế giới.
2.3.2. Không những chúng ta đã khắc phục được tình trạng khủng hoảng thị trường do Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã gây nên, mà còn mở rộng được thị trường xuất nhập khẩu.
Trong quá trình hội nhập, chúng ta đã nhanh chóng mở rộng xuất nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, tạo thêm việc làm, tăng thu ngân sách. Nếu năm 1990 kim ngạch xuất khẩu mới đạt 2,404 tỷ USD và nhập khẩu 2,752 tỷ USD thì năm 2001, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 15,1 tỷ USD (nếu tính cả dịch vụ thì đạt 17,6 tỷ USD, tăng trung bình trên 20% mỗi năm, có năm tăng 30% ; riêng năm 2001 do ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn trên thế giới và ở khu vực và giá cả các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu giảm mạnh, nên xuất khẩu chỉ tăng gần 5%.
2.3.3. Thu hút được một nguồn lớn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), bổ sung cho nguồn vốn trong nước, kết hợp nội lực với ngoại lực, tạo được những thành tựu kinh tế to lớn, quan trọng.
Tháng 12-1987, chúng ta đã ban hành Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ đó đến nay đã thu hút được trên 42 tỷ USD vốn đầu tư, với trên 3 000 dự án, đã thực hiện khoảng 21 tỷ USD trong số đó. Nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta : gần 30% vốn đầu tư xã hội, 35% giá trị sản xuất công nghiệp, 20% xuất khẩu, giải quyết việc làm cho
khoảng 40 vạn lao động trực tiếp và hàng chục vạn lao động gián tiếp.
2.3.4. Tranh thủ được nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng lớn, đồng thời giảm đáng kể nợ nước ngoài.
Từ năm 1993, hằng năm đều có hội nghị các nhà tài trợ cho nước ta gồm một số nước và một số định chế tài chính - tiền tệ quốc tế. Cho đến nay, các nhà tài trợ đã cam kết dành cho nước ta gần 20 tỷ USD, chủ yếu là cho vay ưu đãi với lãi suất từ 0,75% đến 2,5% tùy theo mỗi đối tác ; một phần là viện trợ không hoàn lại.
2.3.5. Tiếp thu khoa học và công nghệ, kỹ năng quản lý, góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ kinh doanh năng động, sáng tạo.
Quá trình hội nhập vào nền kinh tế quốc tế đã tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận với những thành quả của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Nhiều công nghệ và dây chuyền sản xuất hiện đại được sử dụng đã tạo nên bước phát triển mới trong các ngành sản xuất. Đồng thời, thông qua các dự án liên doanh hợp tác với nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm quản lý tiên tiến.
2.3.6. Từng bước đưa hoạt động của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế vào môi trường cạnh tranh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng kinh tế đối ngoại, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng suất và chất lượng, không ngừng vươn lên trong cạnh tranh để tồn tại và phát triển ; khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp đã được nâng lên ; đã có hàng trăm doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn
ISO-9000. Một tư duy mới, một nếp làm ăn mới, lấy hiệu quả sản xuất và kinh doanh làm thước đo, một đội ngũ các nhà doanh nghiệp mới năng động, sáng tạo có kiến thức quản lý đang hình thành.