TƯƠNG TÁC THUỐC - THỨC ĂN

Một phần của tài liệu Tương tác thuốc và chú ý khi chỉ định (Trang 23 - 26)

1. Ảnh hưởng của thức ăn tới động học, tác dụng và độc tính của thuốc 1.1. Thức ăn làm thay đổi pH của dạ dày

Khi đói (sáng sớm), dạ dày chứa ít dịch, pH rất acid (1,7 - 1,8); Khi no, pH dạ dày tăng đến ≥ 3 tùy thuộc chế độ ăn. Thuốc sẽ thay đổi hấp thu tùy thuộc pH: trong bữa ăn no, aspirin phân cực nhiều hơn lúc đói, nên giảm hấp thu ở dạ dày.

Sự tháo sạch của dạ dày có ảnh hưởng tới tốc độ di chuyển thuốc: khi no, thuốc mất 1 - 4 giờ để cùng thức ăn thoát khỏi dạ dày, nhưng lúc đói, thời gian này chỉ là 10 - 30 phút.

Khi no, thuốc sẽ nằm lâu ở dạ dày, hậu quả xấu hay ảnh hưởng tốt tùy loại thuốc:

Với thuốc ít hấp thu ở dạ dày, thì nằm lâu ở dạ dày sẽ làm chậm hấp thu ở ruột non. Thuốc nào kết hợp được với những thành phần của thức ăn ở dạ dày để tạo phức khó tan, thì sẽ giảm cường độ hấp thu ở ruột, ví dụ các tetracyclin tạo chelat với cation calci (Ca2+) trong sữa hoặc với magnesi (Mg2+), sắt (Fe3+), nhôm (Al3+) và với các cation hóa trị 2 và 3 khác nằm trong thức ăn.

Với thuốc mà kích thước các hạt có ảnh hưởng tới cường độ hấp thu (như griseofulvin, nitrofurantoin, spironolacton...), thì nên dùng trong bữa ăn, vì lúc đó dạ dày tăng tiết dịch và khối lượng thức ăn nhào nặn giúp những hạt thuốc được trộn đều.

Thuốc nào tan mạnh trong lipid và do đó hấp thu tốt hơn, thì nên dùng trong bữa ăn giàu lipid, ví dụ sulfamid, phenytoin, griseofulvin...

Thuốc nào mà độ tan kém (như propoxyphen) thì sẽ tan tốt hơn khi ăn no.

Dạng viên bao tan trong ruột sẽ bất lợi khi uống lúc no.

Thuốc nào ít bền ở pH acid (như ampicilin, erythromycin...) sẽ dễ bị hủy trong bữa ăn, vì nằm lâu ở dạ dày.

1.2. Chế độ ăn

Chế độ ăn thiếu protid, lipid và năng lượng sẽ làm giảm hoạt tính cytochrom P450. Ngược lại, chế độ ăn giàu protid làm tăng chuyển hóa thuốc qua gan, do làm tăng tổng hợp enzym chuyển hóa thuốc. Bữa ăn sẽ làm tăng lưu lượng máu qua gan, tức làm tăng lượng thuốc qua gan và tăng chuyển hóa ban đầu (first - pass metabolism) như

với morphin, nhiều hormon, thuốc phong bế beta... Bữa ăn có thể hủy hoại vi khuẩn ruột, làm ảnh huởng tới chuyển hóa của một số thuốc qua ống tiêu hóa.

Chế độ ăn thiếu một số khoáng như thiếu kẽm (Zn2+), calci (Ca2+), magnesi (Mg2+) cũng cản trở chuyển hóa thuốc. Thiếu vitamin C làm giảm hoạt tính của enzym chuyển hóa thuốc (tỷ lệ cao những tác dụng không mong muốn của thuốc ở người bệnh cao tuổi có thể có liên quan tới sự hao hụt vitamin C trong cơ thể).

Nhiều thuốc có ảnh hưởng tới sự thèm ăn, làm tăng (hoặc giảm) glucose máu, tăng (hoặc giảm) lipid máu, giảm chuyển hóa protid, giảm hấp thu thức ăn:

Tăng thèm ăn: Insulin, hormon steroid, hormon giáp trạng, sulfonylurea (chống tiểu đường), kháng histamin H1, một số thuốc tâm thần.

Giảm thèm ăn: Glucagon, indomethacin, morphin, cyclophosphamid, glycosid trợ tim...

Tăng glucose máu: Các opiat, phenothiazin, lợi niệu thiazid, probenecid, phenytoin...

Giảm glucose máu: Sulfamid, aspirin, thuốc phong bế beta, phenylbutazon, barbiturat...

Giảm lipid máu: Aspirin, L-asparaginase, colchicin, dextran, fenfluramin, glucagon, phenindion, sulfinpyrazon...

Tăng lipid máu: Thuốc uống ngừa thai (loại estrogen - progestogen), hormon vỏ thượng thận, aminazin, rượu ethylic, thiouracil, vitamin D...

Giảm chuyển hóa protid: Tetracyclin, cloramphenicol...

Giảm hấp thu thức ăn: Clortetracyclin, phenindion, indomethacin, methotrexat...

1.3. Nhiều thuốc còn có tương tác với chuyển hóa vitamin và kim loại trong cơ thể

Nhiều thuốc khi dùng phải kiểm tra lượng Na+, K+ trong chế độ ăn, như dùng lợi niệu, corticoid, lithi, glycosid trợ tim.

Thuốc lợi niệu (đặc biệt nhóm thiazid) và corticoid gây thiếu hụt K+, sẽ làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim nếu dùng glycosid trợ tim. Uống dài ngày thuốc nhuận tràng cũng gây hao hụt K+. Cortisol, aldosteron, desoxycorticosteron, thuốc uống ngừa thai (chứa estrogen-progesteron), phenylbutazon gây tích nước và Na+.

Sulfonylurea chống tiểu đường, phenylbutazon, cobalt, lithi cản trở sự xuất nhập iod ở tuyến giáp. Thuốc uống ngừa thai làm giảm hàm lượng Zn2+ và tăng Cu2+ trong huyết tương. Dùng corticoid dài ngày có thể gây loãng xương.

Rượu ethylic cản trở hấp thu vitamin B1. Isoniazid là chất đối kháng với vitamin B6 và PP. Rượu ethylic, thuốc uống ngừa thai ức chế hấp thu acid folic. Nhiều người bệnh dùng dài ngày thuốc chống động kinh (phenytoin, phenobarbital, primidon, các phenothiazin...) sẽ có hàm lượng thấp acid folic trong huyết thanh và trong hồng cầu, có thể bị thiếu máu hồng cầu to.

Colchicin, rượu ethylic, thuốc uống ngừa thai cản trở hấp thu vitamin B12 qua ống tiêu hóa. Thuốc chống đông máu loại coumarin làm hao hụt vitamin D.

Phối hợp thức ăn chứa nhiều tyramin (pho-mát, rượu vang đỏ, chuối, bia, gan gà, gan ngỗng...) với thuốc ức chế mono amino oxydase (MAOI) sẽ làm cho tyramin không giáng hóa được, gây tăng tiết catecholamin làm co mạch đột ngột, lên cơn tăng huyết áp kịch phát, có thể tử vong ("hội chứng phó -mát", "cheese syndrome").

2. Ảnh hưởng của thức uống tới động học, tác dụng và độc tính của thuốc 2.1. Nước (H2O)

Nước giúp thuốc chóng tới tá tràng là nơi thuốc dễ hấp thu. Nước làm tăng tan rã dạng bào chế, tăng độ tan hoạt chất, thúc đẩy sinh khả dụng của thuốc, như với amoxicilin, theophylin.

Thuốc chỉ lưu lại tại thực quản 5 giây nếu uống kèm 100mL nước; nhưng nếu uống thuốc với quá ít nước hoặc không dùng nước, thì thuốc lưu tại thực quản, có thể gây loét tại chỗ, làm thay đổi động học của thuốc. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân thuận lợi, như có cản trở lưu thông trong thực quản (khối u, hẹp thực quản, thực quản bị chèn ép từ ngoài, thực quản trì trệ lười co bóp). Cần dặn dò người bệnh uống thuốc với 100 mL nước, ở tư thế đứng trong 10 phút, nhất là với những thuốc dễ gây loét thực quản, như các tetracyclin (kể cả doxycyclin, minocyclin), chế phẩm chứa sắt (Fe3+), chứa kali, aspirin, thuốc chống viêm steroid và không steroid, clindamycin, theophylin, các biphosphonat (alendronat, risedronat...) v.v...

Nước uống còn là vị bổ trợ không thể thiếu được trong nhiều trường hợp điều trị, như chữa gút, nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc giúp tăng thải thuốc qua nước tiểu (sulfamid, cyclophosphamid...).

Một số thuốc khác cần uống với nhiều nước là amoxicilin, penicilin V, erythromycin (ethylsuccinat, propionat), ketoconazol...

2.2. Sữa

Sữa chứa calci caseinat, tạo được phức hợp, do đó làm giảm tác dụng của nhiều thuốc, như tetracyclin (kể cả doxycyclin, minocyclin), cefalexin, Augmentin, lincomycin, clindamycin, muối Fe, atenolol...

Sữa chứa nhiều lipid giúp các thuốc ưa lipid dễ tan, nhưng làm chậm khuếch tán của những thuốc nào có hệ số phân tán dầu /nước cao. Sữa làm giảm sinh khả dụng của penicilin V, theophylin, một số cephalosporin. Sữa có pH khá cao, nên làm giảm sự kích ứng dạ dày của một số thuốc acid.

2.3. Cà phê, nước chè, cacao, chocolat

Cà phê, nước chè, cacao, chocolat chứa cafein, theophylin, gây hưng phấn thần kinh trung ương, nên có tương tác (hiệp đồng hoặc đối kháng) với nhiều thuốc khác.

Thuốc hạ sốt giảm đau (aspirin, paracetamol...) tăng tác dụng khi uống cùng cà phê, nước chè. Do lợi niệu, nên cà phê, nước chè giúp nhiều chất tăng đào thải qua nước tiểu. Cà phê, nước chè làm giảm hấp thu và giảm tác dụng của alendronat.

Có thuốc, như aminazin, haloperidol, trộn lẫn với cà phê, nước chè sẽ có tương kỵ kết tủa, nên giảm hấp thu khi uống. Mặt khác, nhiều thuốc làm tăng độc tính của cà phê và theophylin: Phối hợp cà phê, nước chè với thuốc ức chế mono amino oxydase (MAOI) gây nhức đầu, tăng huyết áp. Cimetidin, uống thuốc ngừa thai sẽ ức chế

chuyển hóa cafein và theophylin ở gan, làm tăng độc tính của cà phê, nước chè (mất ngủ, bồn chồn, mê sảng...).

2.4. Rượu ethylic

Liều cao rượu gây co thắt hạ vị, làm chậm sự tháo sạch dạ dày, nên làm giảm tốc độ hấp thu, giảm sinh khả dụng của diazepam, penicilin V, các vitamin ở ruột.

Ngược lại, khi uống cùng rượu, có thuốc (như glycerin trinitrat, một số benzodiazepin...) lại tăng hấp thụ vì tăng hòa tan và lưu lượng máu ở ruột tăng lên sau khi uống rượu.

Rượu kích ứng đường tiêu hóa, làm tăng tính thấm của một số thuốc mà lúc thường rất khó thấm, như kháng sinh aminoglycosid, thuốc chống giun sán.

ở người nghiện rượu, albumin huyết tương sút kém làm cho nhiều thuốc khó gắn vào albumin huyết tương, do đó tăng phân bố vào các mô. Rượu làm thay đổi tính thấm của màng, giúp một số thuốc dễ khuếch tán, như thuốc thần kinh trung ương (benzodiazepin, levodopa, methaqualon) có thể gây rối loạn tâm thần. Khi đó, lưu lượng tim tăng lên do uống rượu, làm cho thuốc càng dễ khuếch tán, độc tính càng tăng.

Nghiện rượu gây cảm ứng enzym chuyển hóa thuốc ở gan, làm tăng chuyển hóa và giảm tác dụng của nhiều thuốc khác, như barbiturat, phenytoin, carbamazepin, meprobamat, tolbutamid, propranolol...

Nhưng nếu thỉnh thoảng uống rượu, thì rượu lại ức chế chuyển hóa và làm tăng tác dụng (tăng độc tính) của một số thuốc khác, như diazepam, clordiazepoxid, phenytoin, carbamazepin, meprobamat, propoxyphen, phenobarbital, tolbutamid và dẫn xuất sulfonylurê, thuốc kháng vitamin K, tetracyclin, INH...

Những thuốc sau đây cũng không được uống cùng rượu, vì sẽ gây tương tác có hại:

Ketoconazol, hydralazin, prazosin, captopril, enalapril, ramipril, atenolol, bisoprolol, labetalol, sotalol, oxprenolol, acebutol, lithi, levodopa, dẫn xuất biguanid chống tiểu đường, thuốc kháng acid...

Một phần của tài liệu Tương tác thuốc và chú ý khi chỉ định (Trang 23 - 26)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(1.137 trang)
w