Chương 2 XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở QUẢNG
2.3 Thực trạng và giải pháp phát huy nhân tố con người trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Quảng Bình hiện nay
2.3.1 Thực trạng nhân tố con người hiện nay ở Quảng Bình + Nguồn nhân lực từ nông dân: Theo số liệu năm 2002, số người trong độ tuổi lao động là 425.171 người chiếm 52,51% dân số, trong đó lao động nông nghiệp chiếm 66,18%. Số liệu trên đây phản ánh một thực tế là nông dân tỉnh ta chiếm tỷ lệ cao về lực lượng lao động xã hội.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực nông dân ở tỉnh ta vẫn chưa được khai thác, chưa được tổ chức, vẫn bị bỏ mặc và từ bỏ mặc đã dẫn đến sản xuất tự phát, manh mún.
+ Nguồn nhân lực từ công nhân: Quảng Bình là tỉnh có nền công nghiệp còn chậm phát triển so với cả nước, các khu công nghiệp có quy mô lớn chưa nhiều, chủ yếu là các cụm khu công nghiệp nhỏ do đó tỷ lệ nguồn lao động công nhân còn thấp. Hiện nay tỷ lệ lực lượng công nhân trong các doanh nghiệp nhà nước thấp hơn lực lượng công nhân của khu vực ngoài nhà nước. Và xu hướng chung là lực lượng công nhân trong cách doanh nghiệp nhà nước ngày càng ít đi, trong khi đó, lực lượng công nhân của khu vực ngoài nhà nước ngày càng tăng lên. Công nhân có tay nghề cao chiếm tỷ lệ rất thấp so với đội ngũ công nhân nói chung.
Trình độ văn hoá, tay nghề, kỹ thuật của công nhân còn thấp. Số công
nhân xuất khẩu lao động tiếp tục tăng, tuy nhiên thời gian gần đây có chững lại.
+ Nguồn nhân lực từ tri thức, công chức, viên chức: tính đến 1/4/1999, Quảng Bình có 10.720 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó 4.676 cao đẳng, 6.042 đại học và trên đại học. Hiện nay, số lượng tri thức, công chức, viên chức đang tiếp tục tăng lên cao, số lượng thạc sĩ, tiến sĩ ngày một nhiều hơn, số cán bộ tham gia vào các lĩnh vực nghiên cứu khoa học ngày một tăng, số cán bộ học tập và làm việc ở nước ngoài cũng ngày một đông hơn. Tri thức, công chức, viên chức trong các ngành nghề của tỉnh và các địa phương cũng tăng nhanh.
2.3.2 Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy nhân tố con người ở Quảng Bình hiện nay
Đẩy mạnh phát triển và đổi mới hệ thống giáo dục
Một là, giải quyết tốt những mối quan hệ giữa đào tạo, sử dụng và việc làm trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực.
Hai là, từng bước nâng cao trình độ dân trí đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho việc phát triển kinh tế.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực hợp lý cho phép có thể vận hành được nền kinh tế hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao.
Bốn là, coi trọng cả ba mặt: mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu về con người cho phát triển.
Tăng cường phát triển khoa học công nghệ
Cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ không chỉ là chính sách hàng đầu cho việc phát triển kinh tế - xã hội mà còn là nhân tố thúc đẩy nâng cao trình độ con người. Trong những năm gần đây, người dân Quảng Bình được tiếp cận ngày càng phổ biến với internet, các mạng di động viễn thông làm tăng cường khả năng trao đổi thông tin. Công nghệ phát triển làm các dịch vụ giao thông vận tải ngày càng
được mở rộng với mức giá phù hợp với người dân lao động, đặc biệt là vận tải hàng không xuất hiện nhiều dịch vụ giá rẻ. Vì vậy, phát triển khoa học công nghệ, đưa khoa học công nghệ vào sâu trong đời sống nhân dân là việc làm cần thiết để phát triển đời sống nhân dân, tạo nên một xã hội tiên tiến, văn minh.
Đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội
Một là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính sách xã hội với cơ cấu xã hội, quản lý xã hội và các chính sách kinh tế, văn hoá.
Hai là, kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.
Ba là, trước mắt tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất để tháo gỡ về mặt chính sách, vốn đầu tư, xây dựng đội ngũ cán bộ.
Bốn là, thực hiện chủ trương các vấn đề chính sách xã hội đều được giải quyết theo tinh thần xã hội hoá.
Giải quyết vấn đề lao động, việc làm, thực hiện chế độ lương hợp lý.
Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, và một tỉnh kinh tế còn nghèo như Quảng Bình thì vấn đề việc làm là vấn đề cấp bách cần giải quyết, bởi lẽ tình trạng thất nghiệp không những làm chậm tiến độ phát triển kinh tế - xã hội mà còn làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Để giải quyết vấn đề này, trước hết phải đi từ khâu giáo dục. Vì điểm yếu của lao động Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng là trình độ thấp. Đặc biệt cần chú trọng đào tạo nghề để tạo ra lực lượng công nhân có trình độ cao. Đồng thời tỉnh cần đầu tư cho các khu công nghiệp, mở rộng các thành phần kinh tế nhằm tạo ra nhiều việc làm mới.
Đi đôi với vấn đề giải quyết việc làm là vấn đề lương bổng. Trong nền kinh tế thị trường, phân hoá giàu nghèo gia tăng, để hạn chế tình trạng này, một trong những biện pháp là tạo ra một chế độ lương bổng hợp lý, cân đối giữa các thành phần kinh tế, các lĩnh vực kinh tế. Chế độ
lương bổng phải giúp người lao động đủ khả năng nuôi sống bản thân và gia đình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, như vậy cũng là góp phần giảm bớt tình trạng tham nhũng.
Dân chủ hoá mọi mặt đời sống xã hội là động lực đặc biệt quan trọng trong việc phát huy nhân tố con người
Dân chủ là phạm trù phản ánh một hiện tượng xã hội, một quan hệ xã hội khách quan. Nội dung cốt lõi của dân chủ là quyền làm chủ của nhân dân, là quyền lực thuộc về nhân dân, tự do, bình đẳng của nhân dân trong xã hội
Hoạt động thực hiện dân chủ của mỗi người là nội dung, thước đo trình độ và sự thể hiện tập trung nhất những tiêu chí dân chủ của một chế độ xã hội. Ngược lại, dân chủ trở thành điều kiện, là yêu cầu có tính quy luật đặc biệt quan trọng để phát huy vai trò nhân tố con người. Con người nhờ có dân chủ, bằng dân chủ và thông qua dân chủ mới hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo đối với lịch sử.
Dân chủ không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của phát triển kinh tế xã hội. Dân chủ giúp con người được giải phóng, phát triển toàn diện bản thân, góp phần tích cực nhất cho sự phát triển quê hương, đất nước. Hiện nay, Quảng Bình đang cố gắng thực hiện dân chủ một cách phổ biến và triệt để.