1.2.1. Những ưu điểm và nguyên nhân
* Ưu điểm cơ bản
Một là, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn Tây đã nhận thức ngày càng đúng đắn, sâu sắc về giá trị văn hóa truyền thống trong PTBV.
Hiện nay, nhận thức của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn Tây khá toàn diện, khá sâu sắc về PTBV, vai trò GTVHTT trong PTBV. Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu PTBV đất nước, xuất phát từ thực tiễn của địa phương, các cấp ủy đảng xác định việc phát huy GTVHTT trong PTBV phải gắn liền với quá trình xây dựng phẩm chất và năng lực con người xứ Đoài đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cao của quá trình CNH, HĐH trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Coi con người với đầy đủ tố chất văn hóa của con người mới xã hội chủ nghĩa, cốt cách, phẩm chất tốt đẹp của xứ Đoài là “trung tâm”, “động lực chủ yếu”
và là chủ thể của quá trình PTBV ở thị xã Sơn Tây hiện nay.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức khá đầy đủ, khá toàn diện về phương hướng, mục tiêu PTBV của thị xã, về các GTVHTT xứ Đoài cũng như tầm quan trọng và tính tất yếu phát huy GTVHTT trong PTBV ở thị xã Sơn Tây hiện nay. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xác định rõ mục tiêu và phương hướng căn bản trong phát triển địa phương theo hướng bền vững.
Điều này được khẳng định rõ trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thị xã những năm qua. Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thị xã lần thứ XX khẳng định: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; khai thác mọi nguồn lực để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KT - XH. Tập trung phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo tồn và phát huy GTVH “Sơn Tây - xứ Đoài”, giữ vững an ninh - quốc phòng. Phấn đấu xây dựng thị xã Sơn Tây sớm trở thành đô thị loại II - Đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội” [24, tr.10]. Đây là phương hướng và mục tiêu căn bản trong PTBV ở thị xã Sơn Tây hiện nay. Nhận thức của Đảng bộ và nhân dân Sơn Tây về PTBV khá đầy đủ và đúng hướng. Theo điều tra, 100% cán bộ được hỏi khẳng định rằng, PTBV là xu thế tất yếu của thị xã, 85,3% cho rằng, phương hướng, mục tiêu phát triển được Đảng bộ thị xã xác định là đúng đắn và phù hợp theo hướng bền vững trên tất cả các lĩnh vực [phụ lục 2].
Người Sơn Tây nhận thức đầy đủ và tự hào về những GTVHTT của quê hương, đất nước mình. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đều khẳng định, các GTVHTT xứ Đoài là một bộ phận hữu cơ, không thể tách rời, góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam thống nhất. Đó là tổng hòa những GTVH ổn định, bền vững, phản ánh cốt cách, bản lĩnh và diện mạo của nhân dân Sơn Tây, được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử, là tài sản tinh thần riêng biệt, đặc sắc của cộng đồng sinh sống trên địa bàn thị xã. Họ ý thức rõ vai trò của bản
thân với tư cách là chủ thể sáng tạo văn hóa, cũng như trách nhiệm trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy những GTVHTT ấy trong quá trình phát triển quê hương.
Dưới góc độ lãnh đạo, quản lý, Đảng bộ và chính quyền thị xã Sơn Tây đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác phát triển văn hóa, coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Từ khi Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI). Thị ủy và Ủy ban nhân dân thị xã đã xây dựng nhiều chương trình, chỉ thị nhằm xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn nói chung, phát huy GTVHTT trong PTBV nói riêng như: Chương trình số 10 - CTr/TU ngày 9/11/2011 về “Bảo tồn, tôn tạo, khôi phục và phát huy các giá trị di tích gắn phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ trên địa bàn”; Kế hoạch số 137/KH - UBND, ngày 23/4/2012 của Ủy ban nhân dân Thị xã về “Thực hiện Chương trình 04- CTr/TU: phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015”; Chương trình số 32 - CTr/TU, ngày 25/8/2014 của Thị ủy Sơn Tây thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”...
Nhận thức của cán bộ và nhân dân về vai trò GTVHTT trong PTBV được nâng lên rõ rệt. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, có tới 84,6% số cán bộ được hỏi cho rằng, GTVHTT có vai trò rất quan trọng trong PTBV, số còn lại nhận định ở mức “quan trọng” [phụ lục 2]. Khẳng định sự thống nhất cao của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa trong nhận thức về vai trò của GTVHTT nói chung, vai trò GTVHTT trong PTBV nói riêng. Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Thị ủy Sơn Tây khẳng định: “Các cấp ủy đảng, chính quyền thị xã xác định phát triển toàn diện sự nghiệp văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng và phát triển sâu rộng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, khuyến học, khuyến tài; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong cán
bộ, đảng viên và nhân dân đối với nếp sống, thói quen ứng xử văn hóa, góp phần xây dựng thị xã Sơn Tây phát triển văn minh, giàu đẹp” [48, tr.16].
Thị ủy và Ủy ban nhân dân thị xã đã chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể xây dựng chương trình hành động thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về văn hóa, chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội nghị… tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, các tổ chức cơ sở đảng đã quán triệt cho đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về mục đích, nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, về sự cần thiết phải phát huy GTVHTT trong PTBV. Theo đó, nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân có sự chuyển biến mạnh mẽ, hầu hết đều nhận thức rõ GTVHTT ở thị xã Sơn Tây là tài sản tinh thần đặc sắc của cộng đồng sinh sống trên địa bàn; GTVHTT có ý nghĩa quan trọng, là nền tảng, động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường phát triển ổn định và bền vững.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân Sơn Tây nhận thức khá sâu sắc về vai trò GTVHTT trong PTBV trên từng lĩnh vực kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Đại bộ phận cán bộ khẳng định, GTVHTT là một thành tố, nguồn động lực quan trọng, đồng thời là mục tiêu chủ yếu của quá trình PTBV, góp phần điều tiết, định hướng mọi mặt của đời sống, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định (88%), điều tiết, cải biến sự phát triển xã hội (84,6%) cũng như góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa con người với tự nhiên, từ đó có ý thức tự giác trong bảo vệ môi trường (86%) [phụ lục 2]. Đây là nhận thức đúng đắn về vai trò GTVHTT trong PTBV ở thị xã Sơn Tây, là cơ sở quan trọng để phát huy GTVHTT xứ Đoài trong PTBV kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn thị xã hiện nay.
Hai là, các GTVHTT chủ đạo được phát huy với tính cách sử dụng sức mạnh
“mềm” của văn hóa để cảm hóa con người, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, góp phần thúc đẩy nâng cao hiệu quả quá trình PTBV ở thị xã Sơn Tây.
Việc khai thác, sử dụng các GTVHTT trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường ở thị xã Sơn Tây hiện nay khá hiệu quả, bước đầu đã nhận thức và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; coi văn hóa nói chung, GTVHTT nói riêng là một thành tố không thể thiếu, có vai trò quan trọng trong PTBV. Kết quả điều tra xã hội học và phỏng vấn trực tiếp một số cán bộ làm công tác văn hóa cho thấy, 100% đội ngũ cán bộ khẳng định GTVHTT là bộ phận cốt lõi, thành tố cơ bản trong PTBV.
Trong từng chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, yếu tố văn hóa nói chung, các GTVHTT nói riêng đã từng bước được chú trọng, đề cao và phát huy hiệu quả khá tốt, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội theo hướng ổn định, bền vững. Văn hóa trở thành nguồn lực trực tiếp phục vụ đắc lực phát triển du lịch. Theo điều tra xã hội học, đa số cán bộ địa phương đánh giá, sự tham gia của yếu tố văn hóa nói chung, GTVHTT nói riêng trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường trên địa bàn thị xã khá cụ thể, rõ ràng và có hiệu quả thiết thực [phụ lục 2].
Nguồn lực văn hóa trong PTBV ở thị xã hiện nay đạt được nhiều thành tựu cả về nguồn lực con người, bảo tồn, khai thác hệ thống các di sản, công tác quản lý, xây dựng thiết chế văn hóa cũng như hoạt động giao lưu về văn hóa.
Về nguồn lực con người, Sơn Tây có nguồn lao động dồi dào và đang trong thời kì “cơ cấu dân số vàng”, nghĩa là tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao gấp đôi trong độ tuổi phụ thuộc. Đây là một lợi thế lớn để PTBV. Lực lượng lao động có cơ cấu phân theo nhóm tuổi trẻ, thuận lợi để nâng cao trình độ chuyên môn kĩ thuật, dễ dàng đón nhận những tiến bộ khoa học kĩ thuật trong sản xuất. Lực lượng lao động bước đầu có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng của lao động nông nghiệp, và tăng tỷ trọng của lao động công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Những năm qua, trình độ học vấn của lao động được nâng lên rõ rệt. Theo số liệu Phòng Thống kê, năm 2015, thị xã Sơn Tây có hơn 93 nghìn lao động, trong đó có gần một nghìn nhà lãnh đạo, quản lý; hơn 3.200 lao động là chuyên môn kỹ thuật
bậc cao. Sơn Tây chú trọng phát huy những giá trị phẩm chất tốt đẹp, truyền thống văn hóa quê hương, đất nước; đồng thời tiếp thu những giá trị tinh hoa và sự tiến bộ của nhân loại góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thường xuyên gắn nhiệm vụ xây dựng con người Sơn Tây trong giai đoạn mới với công tác giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Xây dựng con người mới gắn với từng phường, xã, cơ quan, đơn vị. Quá trình này đã xuất hiện nhiều điển hình tập thể, cá nhân, người tốt, việc tốt trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều tấm gương được tôn vinh ở các cấp, các ngành như: “Đảng viên trẻ tiêu biểu”; chiến sĩ công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Tuổi trẻ lập nghiệp, xung kích bảo vệ Tổ quốc”… đã tạo nên diện mạo mới trong quá trình xây dựng con người mới với lối sống lành mạnh, có tri thức và biết tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến trong sự hội nhập.
Về hệ thống di sản văn hóa, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nhằm phục vụ quá trình PTBV trên địa bàn đã đạt được nhiều thành tựu.
Các di sản văn hóa vật thể được các cấp, các ngành quan tâm gìn giữ tôn tạo.
Nhiều phường, xã đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa. Các di sản văn hóa phi vật thể được khảo cứu, sưu tầm, gìn giữ và phát triển. Hầu hết các làng, xã đã chú trọng đến việc khôi phục các lễ hội truyền thống, gắn liền việc bảo tồn các GTVH tâm linh với phát triển du lịch.
Một số nghề, làng nghề truyền thống được khôi phục như: cơm phố Mía, gà Mía, chè tươi Cam Lâm, tương Mông Phụ, kẹo bột Đông Sàng, bánh tẻ Phú Nhi...
Hàng năm, các phường, xã đều duy trì và tổ chức tốt các lễ hội dân gian với nhiều hình thức phong phú như: lễ hội đền Và, lễ hội chùa Mía... Đặc biệt, từ khi Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam được xây dựng trên đất Sơn Tây, tiềm năng văn hóa xứ Đoài có nhiều cơ hội và điều kiện để phát huy vai trò của mình trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và nhiều lĩnh vực khác.
Về phát triển và quản lý hệ thống thông tin đại chúng. Đây là một trong những lĩnh vực tạo sự gắn kết và thúc đẩy các nguồn lực văn hóa, được coi là một nguồn lực quan trọng trong PTBV ở thị xã Sơn Tây hiện nay. Các hoạt động trên lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản được tăng cường về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng. Hệ thống thiết bị truyền dẫn thông tin, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật được nâng cấp.
Hiện nay, hệ thống loa truyền thanh 15 xã, phường có hơn 800 chiếc, thời lượng phát thanh 30 phút/ngày/2 buổi [48, tr.11]. Từ năm 2011, thị xã đã đầu tư 13 tỷ đồng nâng cấp hệ thống đài truyền thanh không dây; 15/15 phường, xã đã hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng đạt hiệu quả. Xây dựng trang thông tin điện tử, đã đăng tải trên 1000 tin, bài cùng với hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, mạng lưới bưu chính viễn thông đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống nói chung và lĩnh vực văn hóa, văn nghệ nói riêng, nhất là việc gìn giữ và phát huy các GTVHTT của dân tộc, của quê hương, qua đó đóng góp không nhỏ vào quá trình PTBV của thị xã.
Về hệ thống thiết chế văn hóa, đã từng bước được nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Năm 2015, có 15/15 xã, phường có hệ thống truyền thanh không dây, số gia đình văn hóa (đạt 88,5%); số làng văn hóa (đạt 74,2%); số tổ dân phố văn hóa (đạt 80,5%); cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học văn hóa (đạt 86,1%); toàn thị xã có 130/143 làng, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt 90,39%); có 02 đơn vị có nhà văn hóa cấp xã; xây dựng 02 điểm văn hóa công nhân và thành lập cụm Văn hóa - Thể thao phường Phú Thịnh; 100% thôn, tổ dân phố xây dựng được quy ước văn hóa. Có 01 nhà hát, 01 sân vận động thị xã, 01 nhà thi đấu đa năng, 07 sân tennis, 01 bể bơi thị xã, 12 câu lạc bộ bóng bàn, 40 sân cầu lông, 48 sân vui chơi, sinh hoạt tập luyện thể dục, thể thao cấp xã, phường; có 01 thư viện, 26 tủ sách cơ sở ở các làng, tổ dân phố, 01 phòng triển lãm [48, tr.6-12]. Trung tâm văn hóa thị xã đang được đầu tư mới
nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của nhân dân;
tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đương lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình KT - XH, văn hóa của Thành phố và địa phương.
Phong trào hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao phát triển góp phần nâng cao mức hưởng thụ các GTVH tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội, gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn thị xã. Đội ngũ cán bộ văn hóa ngày càng được củng cố về số lượng và trình độ. Tổng số cán bộ làm công tác văn hóa của thị xã 134 người, trong đó 03 có trình độ thạc sĩ, 43 đại học, 38 cao đẳng, 27 trung cấp, 23 sơ cấp [phụ lục 3].
Ba là, giá trị văn hóa truyền thống góp phần tích cực trong điều tiết quá trình phát triển bền vững ở thị xã Sơn Tây hiện nay.
Vai trò điều tiết, định hướng quá trình phát triển bền vững của GTVHTT ở thị xã Sơn Tây được thể hiện khá tốt trong hoạt động thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, gìn giữ môi trường sinh thái. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thị xã lần thứ XX khẳng định: “Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân trên địa bàn là 8,6%/năm; cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 34 triệu đồng;
văn hóa, xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. An ninh chính chị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hoàn thành tốt công tác quốc phòng và nhiệm vụ quân sự địa phương. Hệ thống chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Công tác xây dựng đảng, chỉnh đốn đảng củng cố hệ thống chính trị được coi trọng” [24, tr.7].
Thành tựu quan trọng này có sự đóng góp không nhỏ của văn hóa nói chung, GTVHTT ở thị xã Sơn Tây nói riêng trong vai trò điều tiết, định hướng quá trình PTBV. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, hầu hết số cán bộ được hỏi đều khẳng định, GTVHTT đã thực hiện tốt chức năng điều tiết, cải biến sự phát triển của kinh tế, xã hội (84,6%) cũng như góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa con người với tự nhiên, từ đó có ý thức tự giác trong bảo vệ môi trường (86%) [phụ lục 2].