4.2. MỐI LIÊN QUAN GIỮA SỰ BIỂU LỘ EGFR, HER2 VỚI CÁC ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, HÌNH ẢNH NỘI SOI VÀ MÔ BỆNH HỌC
4.2.4. Mối liên quan giữa sự biểu lộ EGFR, HER2 với đặc điểm hình ảnh nội soi
- Mối liên quan giữa sự biểu lộ EGFR vị trí khối u
Xét mối liên quan giữa sự biểu lộ EGFR, HER2 với vị trí khối u trên nội soi chúng tôi nhận thấy sự biểu lộ EGFR không có liên quan với vị trí khối u. Tỷ lệ
biểu lộ EGFR của ung thư tâm vị là 33,3%, cao hơn so với ung thư không thuộc tâm vị là 25%. Tuy nhiên, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
Garcia khi sử dụng phương pháp định lượng EGFR trong khối u nhận thấy hàm lượng EGFR trong khối u đoạn gần là 10,7fmol/mg protein, không khác so với hàm lượng EGFR trong khối u đoạn xa là 10,75fmol/mg protein. Số bệnh nhân khối u đoạn gần có hàm lượng trên ngưỡng trung bình là 52%, không khác so với số bệnh nhân khối u đoạn xa có hàm lượng trên ngưỡng trung bình (50%). Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê [51]. Czyzewska cũng nhận thấy tỷ lệ biểu lộ EGFR ở các khối u 1/3 trên, 1/3 giữa và 1/3 dưới không có sự khác nhau [40].
- Mối liên quan giữa sự biểu lộ HER2 vị trí khối u
Xét mối liên quan giữa sự biểu lộ HER2 vị trí khối u trên nội soi, chúng tôi nhận thấy có đến 50% ung thư tâm vị có biểu lộ HER2, trong khi chỉ có 19% ung thư không thuộc tâm vị có biểu lộ HER2. Tuy nhiên, sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).
Một số tác giả cho rằng UTDD ở phần trên dạ dày hoặc chỗ nối dạ dày thực quảnhoặc ung thư tâm vị thường có biểu lộ HER2 cao hơn so với các khối u phần dưới dạ dày hoặc UTDD không thuộc tâm vị (Bảng 4.2).
Bảng 4.2. Sự biểu lộ HER2 theo vị trí khối u
Vị trí Phương pháp
Tác giả n Tâm vị
(%)
Không thuộc tâm vị (%) p
Lordick [78] 1527 32 18 - HMMD, FISH
Tanner [105] 231 24 12 - CISH
Nghiên cứu này 90 50 19 > 0,05 HMMD
Pinto-de-Sousa (2002) xác nhận có sự liên quan có ý nghĩa giữa sự biểu lộ của HER2 với vị trí khối u. Tỷ lệ ung thư hang vị biểu lộ HER2 là 7,2%, thấp hơn có ý nghĩa so với ung thư tâm vị (23,8%) và ung thư ở đáy và thân vị (25,0%) (p=0,01) [92].Lordick cũng ghi nhận tỷ lệ biểu lộ HER2 thay đổi theo vị trí khối u: 32% với khối u đoạn nối dạ dày thực quản và 18% với khối u dạ dày [78].
Sử dụng kỹ thuật CISH đánh giá sự khuếch đại gen HER2, Tanner (2005) cũng ghi nhận khuếch đại HER2 thường gặp trong UTBM đoạn nối dạ dày thực quản hơn UTDD (24,0% so với 12,2%) [105].
Nhiều tư liệu ghi nhận ung thư tâm vị có hai bệnh nguyên riêng biệt. Một nhóm giống như UTDD phần xa (týp A) là hậu quả của viêm dạ dày teo do H.
pylori hoặc hiếm hơn là viêm dạ dày teo tự miễn. Nhóm khác (týp B) giống với UTBM thực quản và có khả năng là hậu quả của bệnh trào ngược dạ dày thực quản [82]. Đặc điểm mô bệnh học và một số dấu ấn phân tử của ung thư tâm vị và UTDD không thuộc tâm vị cũng có sự khác nhau [64]. Vì vậy, ngày nay, một số tác giả còn xếp ung thư tâm vị vào nhóm thực thể bệnh lý khác là ung thư đoạn nối dạ dày thực quản. Có thể chính sự khác nhau về bệnh nguyên và mô bệnh học này là những yếu tố làm cho sự biểu lộ HER2 khác nhau giữa ung thư tâm vị và UTDD không thuộc tâm vị.
Tuy nhiên, cũng có một số tác giả chưa xác nhận sự biểu lộ HER2 có liên quan với vị trí khối u [56], [60], [64], [93].
Trong nghiên cứu này, do số lượng bệnh nhân ung thư tâm vị quá ít (chỉ có 6 bệnh nhân) nên chúng tôi chưa thể kết luận về mối liên quan giữa sự biểu lộ EGFR, HER2 với vị trí khối u. Cần nghiên cứu với số mẫu ung thư tâm vị lớn hơn để xác định mối liên hệ này.
4.2.4.2. Mối liên quan giữa sự biểu lộ HER2 với đặc điểm hình ảnh nội soi - Mối liên quan giữa sự biểu lộ EGFR với đặc điểm đại thể trên nội soi Khảo sát mối liên quan giữa đặc điểm đại thể trên nội soi với sự biểu lộ EGFR, chúng tôi ghi nhận sự biểu lộ EGFR trong UTDD dạng loét thấp nhất (9,1%), tiếp theo là dạng nấm (29,7%), dạng thâm nhiễm (42,4%) và cao nhất là dạng polyp (46,2%). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).
Mặc dù Kim J.S. (2009) nghiên cứu trên 153 bệnh nhân UTDD xác nhận sự biểu lộ EGFR không có liên quan rõ rệt với đặc điểm hình ảnh đại thể theo phân loại Borrmann[62], nhưng tác giả Galizia xác nhận sự biểu lộ EGFR có liên quan với phân loại Borrmann, với hệ số tương quan là r = 0,222 (p=0,045) [49].
- Mối liên quan giữa sự biểu lộ HER2 với đặc điểm đại thể trên nội soi
Đánh giá mối liên quan giữa đặc điểm hình ảnh đại thể UTDD qua nội soi với sự biểu lộ HER2, chúng tôi nhận thấy hình ảnh đại thể có liên quan với biểu lộ HER2. Sự biểu lộ của HER2 có sự khác nhau giữa dạng hình ảnh tổn thương đại thể: dạng polyp và dạng nấm có tỷ lệ biểu lộ HER2 lần lượt là 50,0% và 25,0%, cao hơn nhiều so với dạng loét (13,2%) cũng như dạng thâm nhiễm (không thấy biểu lộ HER2). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,05).
Mặc dù Allgayer không nhận thấy sự khác biệt về mức độ biểu lộ HER2 giữa các dạng hình ảnh đại thể của khối u [28], nhưng nhiều tác giả đều thừa nhận dạng hình ảnh đại thể có liên quan với mức độ biểu lộ HER2. Pinto-de-Sousa (2002) ghi nhận kết quả tương tự chúng tôi với các bệnh nhân UTDD dạng nấm/loét sùi có tỷ lệ biểu lộ HER2 là 23,5%, cao hơn so với UTDD dạng loét (12,6%), và dạng thâm nhiễm (0%) [92]. Lee K.E. (2003) nghiên cứu trên 841 bệnh nhân được cắt dạ dày triệt để tại Đại học Seoul, Hàn Quốc nhận thấy sự biểu lộ HER2 có liên quan với hình ảnh đại thể theo phân loại Borrmann: UTDD thuộc týp I,II (dạng polyp và dạng nấm) có biểu lộ HER2 cao hơn týp III, IV (dạng loét và dạng thâm nhiễm) theo phân loại Borrmann (29,5% so với 13,9%; p < 0,05) [70].
Như vậy, hình ảnh đại thể khối u có liên quan với sự biểu lộ EGFR và HER2 trong UTDD. Tác giả Ann đã nhận thấy hình ảnh đại thể của khối u có liên quan với đặc điểm mô bệnh học khối u [29]. Điều này gợi ý rằng có thể đặc điểm mô bệnh học mới chính là yếu tố quyết định mối liên quan giữa đặc điểm khối u với sự biểu lộ EGFR và HER2.