CHƯƠNG 3: TÍNH TOÁN TỔN THẤT VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP GIẢM TỔN
3.3. KIẾN NGHỊ MỘT SỐ GẢI PHÁP GIẢM TỔN THẤT ĐIỆN NĂNG CHO ĐIỆN LỰC
3.3.1. Giải pháp giảm tổn thất kỹ thuật
3.3.1.1. Hoàn thiện kết cấu lưới điện đúng tiêu chuẩn
Để đảm bảo cung cấp điện chất lượng cao, an toàn đối với đời sống con người, không có nguy cơ xuất hiện cháy nổ và để đảm bảo độ tin cậy trong việc cung cấp điện, Điện lực Vụ Bản cần xây dựng những tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết. Lựa chọn tiết diện dây dẫn và cáp theo điều kiện đốt nóng do dòng điện của các thiết bị của người tiêu dùng gây nên, để đảm bảo dây dẫn không bị quá tải trong quá trình truyền tải điện năng.
Lựa chọn loại dây dẫn và cáp cho phù hợp với điều kiện môi trường sử dụng:
khô hanh, ẩm ướt, có chất ăn mòn hay không, nhiệt độ cao hay thấp,…Quy định phương pháp đặt dây và cáp, đảm bảo cách điện với đất và dây pha với dây pha.
Đối với từng loại day dẫn (dây nhôm trần, dây đồng, dây thép bọc) và đối với từng mục đích sử dụng điện(mắc điện ngoài trời, đường dây trên không) cũng cần phải xác định thông số kỹ thuật chính xác, đặc biệt về tiết diện dây dẫn, đảm bảo thỏa mãn tổn thất điện áp cho phép trên đường dây để độ chênh áp tại nơi dùng điện không quá số cho phép, đảm bảo thiết bị dùng điện vẫn hoạt động bình thường và không ảnh hưởng đáng kể đến tính năng quản lý.
Vì vậy, phải có kế hoạch đầu tư cải tạo cụ thể, chi tiết sử dụng vốn đầu tư hiệu quả nhất. Ưu tiên đầu tư cải tạo lưới điện tại những khu vực đang có dự án phát triển, tập trung đông dân cư.
Cần tiến hành mua sắm vật tư, kỹ thuật, xây dựng để chuẩn hóa (loại dây dẫn, chất lượng dây dẫn, loại trụ cột, khoảng cách giữa các cột,...) góp phần nâng cao chất lượng lưới điện và chất lượng điện năng cung cấp, khắc phục tình trạng chắp vá, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
3.3.1.2. Quản lý đường dây truyền tải
Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra kỹ thuật thường xuyên và định kỳ đảm bảo lưới điện vận hành ổn định. Tính toán đưa ra phương thức kết dây tối ưu, để tổn thất điện năng là thấp nhất.
Giảm suất sự cố, kết hợp cắt điện sửa chữa lưới điện với mục tiêu giảm tổn thất điện năng. Khai thác triệt để công suất đặt của các máy biến áp: điều chuyển các máy biến áp quá tải, non tải để phù hợp với phụ tải.
Phát hiện kịp thời công tơ cháy kẹt, ghi chỉ số chính xác và đúng lịch. Kiểm tra theo phụ tải của các trạm biến áp, tránh để trạm biến áp vận hành quá tải hoặc non tải. Chú trọng vào các khu vực có tỷ lệ tổn thất điện năng ở mức cao, phân tích tìm nguyên nhân gây nên tổn thất cao các đường dây Điện lực quản lý.
3.3.1.3. Bảo dưỡng hệ thống
Điện lực quản lý việc thực hiện nghiệp vụ kinh doanh của tổ quản lý và tổ dịch vụ theo đúng quy định của Tập đoàn điện lực và các quy định của Tổng công ty Điện lực Miền Bắc trong công tác ghi chỉ số, quản lý khách hàng, kiểm tra điện, phúc tra chỉ số, phát hiện và thay thế công tơ cháy, kẹt.
Lập và thực hiện các phương án sửa chữa tiếp xúc, thay dây những điểm có đường dây không đảm bảo cấp điện gây tổn thất cao, thay công tơ kém chất lượng kịp thời. Nâng công suất những trạm biến áp quá tải, nâng tiết diện dây dẫn lưới điện hạ thế các lộ đường dây hạ thế quá tải.
Duy trì kiểm tra ngày, đêm phát hiện các khuyết tật trên lưới điện trung thế và hạ thế nhằm đảm bảo cấp điện và giảm tổn thất điện năng. Chú trọng triển khai các khu vực lưới điện xuống cấp và khu vực có mức tiêu thụ điện cao.
3.3.2. Giải pháp giảm tổn thất thương mại
3.3.2.1. Nâng cao chất lượng công tác quản lý khách hàng
Kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đo đếm, để phát hiện các trường hợp sai lệch, nhầm lẫn, không bình thường.
+ Tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra hệ thống đo đếm trên toàn bộ địa bàn Điện lực quản lý bao gồm các lộ dây trung thế. Trong đó tập trung những khu vực có mạng điện sinh hoạt dày đặc, mạng lưới điện cũ nát và những nơi có phụ tải lớn.
Chặt chẽ, chính xác trong việc ghi chỉ số công tơ. Nâng cao chất lượng ghi chỉ số công tơ, cử các tổ dịch vụ đảm nhiệm:
+ Thực hiện bằng cách hoán đổi vị trí, Điện lực cử người đi ghi trực tiếp từng phần, các khu vực trong điểm, các khu vực có sản lượng lớn, tổ chức phúc tra thường xuyên từ phòng kinh doanh đến tổ dịch vụ.
+ Phòng kinh doanh tài vụ cần lập kế hoạch chi tiết về việc hoán đổi vị trí các tổ dịch vụ trong công tác quản lý công tơ đo đếm. Tăng cường quản lý ghi chỉ số công tơ đúng chu kỳ và đúng chỉ số.
Chống trộm cắp điện
+ Điện lực phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý các trường hợp trộm cắp điện
+ Củng cố lực lượng kiểm tra viên điện lực, thường xuyên bồi huấn về công tác kiểm tra và xử lý chống ăn trộm điện. Phổ biến kinh nghiệm kiểm tra cho các địa phương, các dạng vị phạm thường gặp và một số vụ vi phạm nghiêm trọng, điển hình hoặc các hình thức vi phạm mới.
+ Việc thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và kinh doanh bán điện sẽ giảm được đáng kể tổn thất cho toàn điện lực.
3.3.2.2. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức kinh doanh
Chú trọng đến việc nâng cao trình độ, nghiệp vụ ngành điện cũng như ý thức trách nhiệm của cán bộ công nhân viên toàn Điện lực. Thường xuyên mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho công nhân quản lý kinh doanh điện, đảm bảo cho họ có đủ trình độ chuyên môn trong công tác kiểm tra, chống lấy cắp điện.
Thực hiện việc phân quyền ở cấp quản lý khác nhau. Nhưng bên cạnh đó cũng cần có những thay đổi về việc quản lý kinh doanh điện năng
+ Đưa ra mô hình quản lý hợp lý, tạo tính minh bạch, rõ ràng trong công tác quản lý kinh doanh
+ Đưa ra được người (bộ phận) chịu trách nhiệm quản lý điện từng khu vực, tạo nên tâm lý cho họ quan tâm đến công việc của mình
+ Nâng cao trình độ quản lý của những cán bộ chuyên trách, đặc biệt là giám đốc và các phó giám đốc.
3.3.2.3. Nâng cao chất lượng công tác dịch vụ khách hàng
Để đảm bảo công tác giảm tỷ lệ tổn thất điện năng đạt hiệu quả cao, Điện lực Vụ Bản cần hướng dẫn và quy định thực hiện các nghiệp vụ: mở sổ quản lý khách hàng, ghi chỉ số công tơ, tính toán hóa đơn tiền điện, hạch toán thu- chi tiền điện công khai hàng tháng. Vì vậy, Điện lực cần phối hợp với các cơ quan quản lý điện địa phương tiến hành kiểm định, đánh giá chất lượng, lựa chọn công tơ đo điện phù hợp với công suất tiêu thụ, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, cần phải thay mới bằng công tơ phù hợp.
Bên cạnh việc tăng cường quản lý khách hàng thông qua việc quản lý công tơ, Điện lực Vụ Bản nên chú trọng nhiều đến công tac quản lý hợp đồng kinh doanh mua bán điện. Có thể lập một ban phụ trách về hợp đồng mua bán điện với nhiệm vụ trước mắt: tiến hành rà soát tổng điều tra và ký lại hợp đồng mua bán điện, mở một sổ quản lý khách hàng trong đó cho biết rõ các thông tin: tên hộ tiêu thụ, địa chỉ, mục đích sử dụng và tính toán tiền điện hàng tháng mỗi hộ phải nộp.
Để góp phần vào việc quản lý khách hàng đạt hiệu quả cao, Điện lực Vụ Bản nên trang bị nhiều máy tính áp dụng trong công tác quản lý công tơ và hợp đồng.
TÓM TẮT CHƯƠNG 3
Chương 3 của đồ án là chương tính toán và đưa ra các đề xuất giải pháp nhằm giảm tổn thất điện năng cho lộ đường dây 473 E315 nói riêng và cho toàn điện lực Vụ Bản nói chung.Kết quả tổn thất kỹ thuật của lộ đường dây này gồm tổn thất điện năng trên các máy biến áp và trên đường dây truyền tải được tính phần mềm PSS/ADEPT.
Sau khi tính toán xong, phần tiếp theo em đã phân tích các kết quả thu được và so sánh với kết quả mà Điện lực cung cấp để nhìn ra sự chênh lệch giữa chúng, giải thích các nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự chênh lệch này.
Nằm trong thực trạng chung của hệ thống điện của điện lực Vụ Bản, các đường dây dẫn, các trạm biến áp được đóng điện đã cũ vận hành từ rất lâu, trong khi công tác bồi dưỡng trình độ cho công nhân, cán bộ quản lý chưa được quan tâm, đó còn chưa kể nguồn kinh phí dành cho nâng cấp các đường dây còn hạn chế. Bên cạnh đó công tác quản lý và chăm sóc khách hàng vẫn còn hời hợt.
Với tình trạng như hiện nay, để đạt hiệu quả cao về kinh tế, đảm bảo độ ổn định của dòng điện, chất lượng điện năng và giảm tổn thất cho đơn vị thì Điện lực cần có những biện pháp về mặt quản lý kỹ thuật, quản lý thương mại ngăn ngừa những sự cố có thể xảy ra trong địa bàn huyện quản lý.