Muốn cho công tác giáo dục đạo đức học sinh đạt hiệu quả cao nhất, thiết nghĩ điều đầu tiên phải làm cho tập thể CB, GV, CNV và học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức học sinh,từ đó nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng GDĐĐ cho học nói riêng và chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường nói chung.
1.1. Đối với Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường Hàng năm cần phải:
- Xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức cụ thể, khoa học, phù hợp với thực tiễn của nhà trường
- Quán triệt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, các quy định của Bộ GD - ĐT, của Sở GD - ĐT Nam Định về công tác giáo dục đạo đức cho học sinh tới tất cả các tổ chức, tập thể và cá nhân trong nhà trường.
Muốn vậy, nhà trường phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá đối với công tác giáo dục đạo đức học sinh. Từ kinh nghiệm quản lí của bản thân, chúng tôi nhận thấy: Ban Giám hiệu nhà trường không chỉ xây dựng, phổ biến các văn bản liên quan đến giáo dục đạo đức học sinh như: Nội qui trường lớp, 10 điều giao tiếp văn minh, những qui định về bảo vệ tài sản tập thể...Ban Giám hiệu còn phải thường xuyên, trực tiếp kiểm tra công tác thực hiện của từng tập thể và cá nhân học sinh. Ví dụ để có biện pháp giáo dục đạo đức học sinh kịp thời, các đồng chí trong Ban Giám hiệu nhà trường phải thường xuyên kiểm tra công tác quản lí đạo đức học sinh thông qua các sổ theo dõi như Sổ trực tuần, Sổ theo dõi nền nếp học sinh, Sổ theo dõi, kiểm diện sĩ số học sinh... thông qua những sổ sách theo dõi đó, BGH mới phát hiện ra những học sinh cá biệt, những học sinh thường xuyên vi phạm nền nếp, những học sinh chưa có tiến bộ trong rèn luyện đạo đức.
Nhà trường cần đa dạng hóa các hình thức giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua các hoạt động tập thể phong phú, các giờ học ngoại khóa như Tuyên truyền về phòng chống HIV- AIDS vào tháng 12, Giáo dục phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, tổ chức các hội thi do cấp trên tổ chức như:
tìm hiểu về biển đảo quê hương, các cuộc thi tìm hiểu về sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục giới tính, tìm hiểu về luật an toàn giao thông...
1.2 Đối với Đoàn thanh niên
Trong trường học, Đoàn thanh niên là một tổ chức có vai trò hết sức quan trọng đối với công tác quản lí, giáo dục đạo đức học sinh. Muốn công tác giáo dục
đạo đức học sinh đạt hiệu quả cao nhất, phải phát huy vai trò tích cực của Ban chấp hành đoàn trường, chi đoàn cơ quan, cùng toàn bộ lực lương thanh niên xung kích của nhà trường.
Đoàn trường phải nắm bắt mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính quyền, chủ động phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tổ chức tốt phong trào thi đua học tập, rèn luyện. Thường xuyên tổ chức các sân chơi lành mạnh để thu hút và giáo dục đạo đức học sinh như : phối hợp với GVCN tổ chức giờ sinh hoạt dưới cờ; các hoạt động ngoại khóa; các hoạt động Giáo dục ngoài giờ lên lớp sinh động theo hướng đổi mới của nhà trường, phong phú về nội dung và đa dạng hình thức. Trong năm học 2015-2016 Đoàn thanh niên trường THPT Mỹ Lộc đã tổ chức thành công nhiều chương trình hoạt động bổ ích góp phần tích cực trong công tác giáo dục đạo đức học sinh như: tổ chức chương trình “ Hành trang vào tương lai” vào sáng thứ 2 hàng tuần cho học sinh khối 10,11; tổ chức hội trại thanh niên nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập đoàn 26//3; tổ chức thành công hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh 3 khối tại khu di tích lịch sử văn hóa đền thờ thầy giáo Chu Văn An; phát động và tổ chức thành công các cuộc thi vẽ tranh cổ động tuyên truyền về An toàn giao thông, sáng tác báo tường nhân dịp 20/11…
Song song với công tác tổ chức các hoạt động trên, muốn công tác giáo dục đạo đức học sinh đạt hiệu quả cao, Đoàn trường còn cần làm tốt công tác kiểm tra việc chấp hành nội quy, nề nếp học tập, vệ sinh môi trường của học sinh. Trong năm học 2015-2016 Đoàn trường đã làm tốt công việc này như: thường xuyên kiểm tra nền nếp, vệ sinh các lớp đầu giờ học, phân công nhóm cờ đỏ trực cổng 15 phút đầu giờ, tổ chức kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ vào các dịp quan trọng như đầu học kỳ, cuối học kỳ, cuối năm học…
1.3 Đối với giáo viên chủ nhiệm
Giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp thay mặt nhà trường giáo dục học sinh về các mặt đức dục và trí dục, là cầu nối giữa nhà trường- gia đình học sinh- giáo viên bộ môn...Trong công tác giáo dục đạo đức học sinh, giáo viên chủ nhiệm có vai trò vô cùng quan trọng. GVCN chính là người có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tu dưỡng rèn luyện đạo đức của học sinh, chính vì vậy GVCN phải là người có đủ đức, đủ tài thay mặt Hiệu trưởng quản lý HS một lớp học. GVCN phải có nhận thức đúng đắn về mục tiêu giáo dục THPT và tầm quan trọng của việc GDĐĐ cho học sinh, có tinh thần trách nhiệm cao, có kinh nghiệm, phương pháp GDĐĐ học sinh và hết lòng chăm lo giáo dục thế hệ trẻ.
Để công tác giáo dục đạo đức học sinh có hiệu quả, trong những năm qua trường THPT Mỹ Lộc đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn phân công những giáo viên có kinh nghiệm, có tâm huyết có phương pháp chủ nhiệm tốt. Nhà trường quy định giáo viên chủ nhiệm phải xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể ngay từ đầu năm, thông qua sự phê duyệt của Ban giám hiệu, mỗi tuần một GVCN ít nhất 3 lần lên lớp đầu giờ học. GVCN phải phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên, liên lạc thường xuyên với cha mẹ học sinh thông qua các hình thức phong phú như: điện thoại, sổ liên lạc điện tử SMAS, các buổi họp phụ huynh, xuống thực tế gia đình những học sinh cá biệt, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm học 2015- 2016 nhiều giáo viên chủ nhiệm được đánh giá là những thầy cô năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết, thực sự là những người cha, người mẹ thứ hai của học sinh như: cô giáo Trương Thị Bích Ngọc- chủ nhiệm lớp 12 A10, thầy giáo Trần Đình Huy- GVCN lớp 11A8; cô giáo Trần Thị Tươi- chủ nhiệm lớp 12A6; cô Nguyễn Thị Hằng- chủ nhiệm lớp 11A10….
1.4 Đối với giáo viên bộ môn
Như trên đã nói, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công tác giáo dục đạo đức học sinh chưa thực sự hiệu quả chính là một số giáo viên bộ môn chưa coi công tác giáo dục đạo đức là nhiệm vụ: chỉ chú trọng dạy chữ , chưa quan
tâm dạy người. Muốn nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức học sinh cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên bộ môn nhất là các bộ môn có ý nghĩa quan trọng đối với công tác giáo dục đạo đức như môn Giáo dục công dân, môn Ngữ văn, môn Lịch sử…. Giáo viên bộ môn chính là những người thường xuyên tiếp xúc với học sinh, họ trở thành tấm gương, những người có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tri thức và nhân cách sống của học sinh. Học sinh trọng thầy vì đạo đức của thầy, phục thầy vì kiến thức của thầy, quý mến thầy vì lòng độ lượng của thầy. Giáo viên bộ môn cần thông qua các bài giảng trên lớp tích hợp việc hình thành, giáo dục đạo đức cho học sinh.