I. Nguyên nhân
1. Chính sách tài khóa lỏng lẻo là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng nợ công
Trong những năm qua , đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, Việt Nam luôn rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách. Để bù đắp có các giải pháp phổ biến như in thêm tiền mặt, tăng thuế, và vay nợ. Trong các phương án trên, giải pháp hữu hiệu nhất và cũng đã được nước ta lựa chọn đó là đi vay nợ để bù đắp thâm hụt ngân sách. Đây chính là nguyên nhân đẩy nợ công lên cao.
Sau khi Chính phủ thực hiện gói kích cầu năm 2009, ngân sách Nhà nước những năm gần đây có mức thâm hụt ngày càng tăng vì phải dành nguồn kinh phí lớn cho việc thực hiện các chính sách kích thích kinh tế, cải cách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội. Về giá trị tuyệt đối, bội chi tăng từ mức 65,8 nghìn tỷ đồng năm 2011 lên mức 263,2 nghìn tỷ đồng năm 2015.
So với GDP, bội chi đã tăng từ mức 4,4% GDP năm 2011 lên mức 6,1%
GDP năm 2015, cao hơn giới hạn 5% theo quy định của Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030. Giai đoạn 5-10 năm vừa qua, tốc độ tăng chi tiêu công của Việt Nam quá lớn trong khi nguồn thu ngân sách lại không tăng tương ứng, thành ra phải vay bù đắp, nợ công tăng rất nhanh. Điều đáng lo ngại là quy mô nợ của Việt Nam rất lớn so với năng lực trả nợ.
2. Thâm hụt ngân sách của Việt Nam phát sinh không phải từ thu ngân sách bị giảm mà chính là do chi đã vượt quá thu.
Bởi thực tế, trong bốn năm gần đây nguồn thu ngân sách gia tăng với tỷ lệ 10,4%/ năm và chiếm đến 24% GDP. Về cơ cấu chi, Chính phủ đã xem trọng hơn chi thường xuyên, bằng chứng là khoản này chiếm đến hơn 80% chi ngân sách, trong khi đó chi đầu tư giảm xuống chỉ còn 16-17%
tổng chi ngân sách. Tuy đây là một tín hiệu cho thấy sự cập nhật, bắt kịp xu hướng của chi tiêu công trên toàn thế giới, khi nhìn nhận ra vai trò của chi thường xuyên nhưng khi nhìn nhận dưới góc độ của Việt Nam cũng có rất nhiều những vấn đề cần lưu ý ở đây. Thứ nhất nước ta là nước có thu nhập trung bình thấp nên chi đầu tư rất quan trọng để nâng cao cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Thứ hai, nếu như ở các nước khác chi thường xuyên cao để giúp cho bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả hơn thì ở nước ta chi phí phát sinh bởi bộ máy cồng kềnh và hoạt động kém hiệu quả. Cũng bởi nhận thức được vấn đề này nên Chính phủ đã chủ trương cắt giảm biên chế, tinh gọn bộ máy trong những năm gần đây.
3. Việc phân bổ và sử dụng vốn còn thiếu hiệu quả
Đầu tư công ở nước ta chiếm tỷ trọng cao,xét tổng đầu tư toàn xã hội năm 2015 đạt 32,6% GDP thì đầu tư công vẫn chiếm tỷ trọng lớn bởi tiết kiệm trong giai đoạn này giảm 25% GDP. Việt Nam phải tăng cường đi vay và thu hút vốn đầu tư nước ngoài để bù đắp cho những thiếu hụt này. Phải nhìn nhận thực tế rằng bên cạnh những thành công và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, không thể phủ nhận, đầu tư công còn có hạn chế, nhất là về hiệu quả đầu tư. Nguyên nhân do quản lý chưa tốt, đầu tư chưa hợp lý, đầu tư nhiều vào các ngành tư nhân sẵn sàng đầu tư; thiếu đầu tư tương xứng cho những ngành có khả năng lan tỏa, dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đầu tư thiếu tập trung, không dứt điểm cho các công trình trọng điểm… đặc biệt, nhiều khoản đầu tư không có khả năng trả nợ, tức là khoản vay về đầu tư xong chưa tạo ra lợi nhuận để trả nợ, do vậy buộc phải đi vay để trả nợ. Nếu lấy các ví dụ cụ thể, thì có ngay các dự án đầu tư có vốn nhà nước thua lỗ tiền tỷ hay các dự án đội vốn vài chục lần, như Dự án sơ xợi Đình Vũ, Thép Thái Nguyên; Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực quốc lộ 13 - Ung Văn Khiêm (TP.HCM) đội vốn 442%,..
Số liệu do Bộ Tài chính công bố cho thấy trên 70% nguồn vốn ODA được sử dụng cho đầu tư công và cung ứng vốn thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Điều đáng tiếc là khu vực kinh tế nhà nước thường làm ăn thua lỗ.
Biểu đồ 7- Chỉ số ICOR của Việt Nam 1995-2015
Quan sát biểu đồ ta có thể dễ dàng nhận thấy trong 20 năm chỉ số ICOR của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, chỉ số này được xác định bằng thay đổi vốn đầu tư trên thay đổi của sản lượng của toàn nền kinh tế.Từ năm 2010 đến 2015 chỉ số này đã hai lần đạt đỉnh điểm là 7( trong khi các nước trong ku vực con số này chỉ từ 2 đến dưới 4). Một sự gia tăng chính là biểu hiện của sự yếu kém trong công tác quản lý và phát huy hiệu quả của đầu tư công tại Việt Nam. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này cũng chính bởi tưu duy quản lý theo nhiệm kỳ, mang tính cục bộ của các địa phương, mệnh ai người nấy làm, và kết quả dẫn đến là quy mô của nền kinh tế chỉ hơn 120 tỉ USD nhưng cả nước có đến 100 cảng biển, 28 sân bay, 18 khu kinh tế ven biển, 260 khu công nghiệp, 27 khu kinh tế
cửa khẩu và khoảng 650 cụm công nghiệp, hơn 100 ngân hàng. Đây chính là một sự lãng phí gây thất thoát với nền kinh tế của quốc gia.
Một khó khăn không thể không nhắc đến với Việt Nam là kể từ khi trở thành nước có thu nhập trung bình từ năm 2009, nước ta sẽ không còn được hưởng những khoản vay ODA ưu đãi mà thay vào đó là vay thương mại với lãi suất cạnh tranh
II. Giải pháp đề xuất
Trước sự gia tăng nhanh chóng của nợ công với tốc độ ước tính khoảng 17,5% như hiện nay thì chúng ta cần có những biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề mang tầm quốc gia này là hết sức cần thiết. Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra nhưng nhìn chung sẽ nhằm giải quyết hai nguyên nhân chính khiến nợ công tăng nhanh.
1. Thận trọng hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay đảm bảo cân đối giữa tốc độ vay nợ và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế
Nợ công đã tăng từ mức 62,2% GDP năm 2015 lên mức dự kiến 64,9% năm 2016. Tốc độ tăng bình quân nợ công giai đoạn 2011 - 2016 vào khoảng 17,5%, gấp gần 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Thực trạng trên nếu không được giải quyết sẽ đe dọa khả năng trả nợ của Việt Nam và thực tế đã cho thấy nước ta đã phải đi vay đảo nợ- đi vay mới để trả nợ cũ. Như vậy, nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không được sử dụng cho chi thường xuyên đã bị vi phạm khi một phần vay bù đắp bội chi đã được sử dụng để trả nợ gốc.
2. Cân đối ngân sách một cách hợp lý.
Theo Báo cáo, trong năm 2016, tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí là 793,2 nghìn tỷ đồng, thấp hơn so với chi thường xuyên (937,6 nghìn tỷ đồng) dẫn đến thiếu tích lũy từ ngân sách. Hơn nữa, thu nội địa còn dựa vào nguồn thu thiếu bền vững. Nếu trừ đi thu từ tiền sử dụng đất, từ bán cổ phần sở hữu nhà nước, tăng sản lượng khai thác dầu thô thì thu nội địa so với tổng thu ngân sách nhà nước sẽ giảm từ 79,8%
xuống 65%, phản ánh thu nội lực từ nền kinh tế (hoạt động sản xuất kinh doanh) không lớn.
Trong khi đó, chi thường xuyên và chi trả nợ tăng nhanh khiến chi đầu tư phát triển thấp và giảm mạnh qua các năm. Chi thường xuyên tăng bình quân ở mức 15% trong giai đoạn 2011 - 2016. Trong khi, chi đầu tư phát triển so với tổng chi ngân sách nhà nước giảm từ 26,4% năm 2011 xuống 20% năm 2016 cho thấy, cơ cấu chi chưa cân đối, tích cực và thiếu vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước. Do vậy chính phủ cần tăng tiết kiệm trong chi thường xuyên và chi đầu tư có hiệu quả để khắc phục tình trạng nợ công như hiện nay.
3. Nâng cao hiệu quả của các dự án đầu tư công.
70% vốn ODA được sử dụng để đầu tư vào khu vực kinh tế nhà nước nhưng cũng thật đáng buồn khi khu vực này lại làm ăn thua lỗ. Nhận thức về vấn đề này nên để hạn chế nợ công, trong thời gian qua đã có rất nhiều dự án triệu đô bị Chính Phủ tạm dừng vì tính hiệu quả không cao như dự án mở rộng giai đoạn 2 gang thép Thái Nguyên lên đến 8104 tỷ đồng, đạm Ninh Bình nhà máy 12000 tỷ lỗ 2000 tỷ sau 4 năm hoạt động, ethanol Dung Quất, nhà máy sợi Đình Vũ. Đó mưới chỉ là
năm trong số rất nhiều những dự án công thu lỗ, kém hiệu quả cần sớm chấm dứt để giải quyết vấn đề nợ công.
Bên cạnh đó Chính phủ cũng đang trong lộ trình cái cách khu vực kinh tế Nhà nước, bằng lộ trình rút vốn phù hợp. Giải pháp vừa góp phần tăng nguồn thu cho Ngân sách vừa tạo ra sự công bằng hơn trong nền kinh tế cạnh tranh. Theo lộ trình thì sẽ 2016-2020 sẽ tiến hành thoái vốn trên phạm vi 240 doanh nghiệp. Trước đó, theo báo cáo của Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), tính cuối năm 2015, tổng vốn Nhà nước ở trong 800 doanh nghiệp có giá trị khoảng 55 tỷ USD và tổng giá trị tài sản khoảng 130 tỷ USD. Như vậy, quy mô của đợt thoái vốn trong giai đoạn 2016 -2020 có giá trị thực tế lên tới hàng chục tỷ USD.
Có thể nói, nợ công chính là thách thức cho chính sách vĩ mô cuả Việ Nam.
Vấn đề của nợ công không nằm ở quy mô hay tỷ lệ nợ công/GDP mà là ở xu hướng tăng trưởng của nợ công, là khả năng trả nợ trong tương lai hay nói cách khác là hiệu quả sử dụng vốn vay. Để hạn chế những hệ lụy của nợ công gây ra thì việc triển khai kịp thời các chính sách và biện pháp quản lý nợ công là một nhiệm vụ quan trọng đối với Chính phủ và các ngành, các cấp để công tác quản lý nợ công tại Việt Nam an toàn và hiệu quả hơn.