CHƯƠNG II: ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - MÔI TRƯỜNG VÀ KINH TẾ XÃ HỘI
II.1. ĐIỀU KIỆN MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN
II.1.3. Đặc điểm thủy văn – địa chất thủy văn
Khu thăm dò đá carbonat làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ Núi Hải Phú, xã Thanh Hải, Thanh Nghị - Thanh Liêm - Hà Nam có diện tích 12,5 ha, bề mặt địa hình lởm chởm, có nhiều hốc karst. Toàn bộ diện tích thăm dò có địa hình dương, nằm cao trên mực nước xâm thực địa phương nên nước mưa được tiêu thoát rất nhanh theo bề mặt vách núi xuống các thung lũng hoặc theo các khe nứt, hốc karst thoát ra suối Khởi.
Suối Khởi ở phía đông và đông nam diện tích thăm dò là miền thoát nước chính của khu thăm dò và vùng phụ cận
Ngoài suối Khởi, xung quanh diện tích thăm dò còn có nhiều ruộng trồng lúa nước và một vài ao hồ nhỏ. Đây cũng là miền thoát nước rất quan trọng trong khu vực.
II.1.3.2.Đặc điểm địa chất thủy văn
- Tầng chứa nước lỗ hổng các trầm tích Đệ tứ không phân chia
Các trầm tích Đệ tứ phân bố trong các thung lũng ven núi, nằm ở rìa phía đông,
đông nam ngay phía bên ngoài diện tích thăm dò, chỉ có một phần rất nhỏ ở phía tây khu vực thăm dò.
Thành phần chính của tầng chứa nước này là sét bột, bột sét pha cát. Phần dưới là cát sạn sỏi, dăm cuội, mảnh đá vỡ với nhiều các kết sắt vón cục màu nâu gụ và travertine. Bề dày tầng chứa nước thay đổi từ 0,5 m đến 4- 5 m. Do nằm lộ trên bề mặt địa hình và phân bố chủ yếu trong các thung lũng đá vôi nên nước dưới đất ở đây có quan hệ rất chặt chẽ với các yếu tố khí tượng thuỷ văn. Mực nước dưới đất và mức độ phong phú nước thay đổi rất mạnh theo mùa và tuỳ thuộc vào lượng mưa khu vực.
Vào mùa mưa, sau những trận mưa lớn, các trầm tích này lập tức bão hoà nước, mực nước dâng cao gần mặt đất. Nhưng sau khi mưa, nước dưới đất tiêu thoát rất nhanh, mực nước hạ thấp rất nhanh. Theo tài liệu bơm hút thí nghiệm giếng đào của Viện Địa chất (2001) tại thôn Khởi, mực nước tĩnh vào mùa khô (so với mặt đất) Ht= 2,6 m; tỉ lưu lượng giáng đào q= 0,01 l/ms; nước có độ tổng khoáng hoá M= 0,28 g/l.
Đây là các thành tạo địa chất rất nghèo nước, đồng thời nằm ở ven rìa nên đặc điểm ĐCTV của nó không gây ảnh hưởng đến quá trình khai thác mỏ.
- Tầng chứa nước khe nứt- karst các thành tạo carbonat tuổi Trias giữa, Hệ tầng Đồng Giao dưới (T2)
Tầng chứa nước này lộ trên bề mặt địa hình. Thành phần thạch học chính của tầng chứa nước này là đá dolomit màu xám tro, xám trắng đục xen các lớp đá vôi bị dolomit hoá màu xám sáng, ghi xám, phân lớp từ trung bình đến dạng khối. Tổng bề dày của tầng chứa nước này từ 400÷ 600 m.
Đá dolomit và đá vôi dolomit hoá trong tầng chứa nước này có mức độ nứt nẻ mạnh, có chỗ bị nghiền thành bột và ít hang hốc nên có khả năng chứa nước từ nghèo đến giầu nước.
Theo tài liệu khảo sát của Viện Địa chất (2001) ở vùng lân cận, các giếng đào dân dụng trong đá vôi phong hoá nứt nẻ thuộc loại nghèo nước; có mực nước tĩnh dao động 1,26 ÷ 3,04 m (so với mặt đất); lưu lượng 0,2 ÷ 0,377 l/s; tỉ lưu lượng 0,1÷ 0,328 l/sm, hệ số thấm K=7,45 ÷ 11,5 m/ngđ.
Lỗ khoan thăm dò của đề án (LK1 ở cốt cao 41 m) sâu 50 m liên tục gặp đới nứt nẻ, tuy nhiên không gặp nước.
Khảo sát thực địa chỉ ghi nhận được 01 mạch nước xuất lộ từ tầng chứa nước này (ML1). Điểm xuất lộ nước nằm ở chân núi, ngay dưới ranh giới phía nam diện tích tham dò, tại cốt cao 9,8 m. Mạch nước chảy từ trong núi ra, theo hướng từ tây sang đông và nhập vào dòng chảy suối tại điểm dòng suối chuyển phương dòng chảy đang từ nam lên bắc chuyển sang từ tây nam lên đông bắc. Tại thời điểm khảo sát
(3/9/2010), lưu lượng mạch nước khoảng 0,4 l/s.
Nước dưới đất trong tầng chứa nước này là nước áp lực yếu. Nguồn cung cấp chủ yếu là nước mưa. Miền thoát chủ yếu là các dòng chảy ngầm ra suối Khởi và thấm rỉ ra các thung lũng xung quanh. Phương vận động của nước ngoài phương vận động từ đường phân thuỷ ra các thung lũng xung quanh còn có phương vận động theo phương của đất đá và phương của các khe nứt, chủ yếu là phương tây bắc – đông nam.
Nước dưới đất có độ pH là 7,52; tổng khoáng hoá 0,14 g/l; tổng độ cứng tính theo CaCO3 đạt 273 mg/l; thuộc loại nước siêu nhạt, hơi cứng, có tính kiềm yếu. Loại hình hoá học chính của nước là bicarbonat-calci, magiê.
Nhìn chung, đây là tầng có mức độ chứa nước không đồng đều, từ rất nghèo nước đến giàu nước. Trong các lớp phong hoá, tầng chứa nước này nghèo nước; các khối đá đặc xít, ít dập vỡ, không bị karst hoá thì hầu như không chứa nước; còn trong các đới phá huỷ kiến tạo hoặc bị karst hoá mạnh, tầng chứa nước có mức độ chứa nước từ trung bình đến giàu nước.
Có thể phân chia tầng chứa nước này thành 2 phần:
- Phần nằm trên cốt cao -10 m là rất nghèo nước (có thể coi như không chứa nước);
- Phần nằm dưới cốt cao -10 m là đá vôi bị nứt nẻ nhiều hơn, có nhiều hang hốc karst nên có khả năng chứa nước tốt hơn. Tuy nhiên mức độ chứa nước ở đây cũng không đồng đều, chỉ những nơi đá bị karst hoá mạnh hoặc bị dập vỡ mạnh do phá hủy kiến tạo thì mới có khả năng chứa nước tốt;
Nhìn chung trên diện tích thăm dò, tầng chứa nước này có mức độ giàu nước không đồng đều. Đến cốt cao -10 m, đất đá gần như không chứa nước; sâu hơn -10 m đá bị dập vỡ và karst hoá mạnh hơn nên có khả năng chứa nước tốt hơn.
Mỏ đá carbonat Núi Hải Phú nằm lộ thiên; chiều sâu khai thác cao hơn cốt cao (-10 m) nên nước ngầm của tầng này không ảnh hưởng đến quá trình khai thác mỏ. Do đá ở đây bị nứt nẻ mạnh nên về mùa mưa, nước mưa tại các moong khai thác cũng có thể tiêu thoát theo các hệ thống khe nứt; vì vậy việc bơm nước mưa tháo khô mỏ vào mùa mưa là phương án mang tính dự phòng.
- Nước dưới đất trong các đới đứt gãy kiến tạo
Trên diện tích thăm dò không phát hiện thấy các đứt gãy kiến tạo lớn nên không có các đới chứa nước do phá hủy kiến tạo.