1.2. Thực trạng ngộ độc thực phẩm và ngộ độc do nấm
1.2.2. Tình hình ngộ độc do nấm độc trên thế giới
Ngộ độc là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng quan trọng gây ảnh hưởng tới sức khoẻ kinh tế xã hội cho cá nhân và quốc gia trong đó có ngộ độc do nấm độc, nên đã được nhiều tác giả nghiên cứu. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC), gần 41.000 người chết trong năm 2008 do ngộ độc mà một phần đáng kể trong số những ngộ độc trên toàn cầu này là do ngộ độc nấm [85]. Có nhiều trường hợp ngộ độc nấm ở các nước khác nhau mỗi năm. Nghiên cứu ngộ độc do nấm đã được các tác giả trên thế giới nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, từ các nghiên cứu về dịch tễ học, độc tính hoặc điều trị ở những mức từ mô tả đến sinh học phân tử.
Sean P. N. và CS đã được báo cáo cho các trung tâm kiểm soát chất độc California trong thời gian nghiên cứu 5 năm từ năm 1993 đến năm 1997 để đánh giá ngộ độc sau khi ăn phải nấm độc. Hầu hết 6.299 (99,7%) trường hợp biểu hiện cấp tính, chỉ có 16 đối tượng còn lại (0,3%) là biểu hiện muộn [86]. Sevki H. E. và CS nghiên cứu 294 bệnh nhân bị ngộ độc nấm nhập viện Khoa Nhi và Khoa cấp cứu Nhi, Nội khoa và Phòng ICU tại Bệnh viện Đại học Cumhuriyet ở Sivas từ năm 2000 đến năm 2007 về các yếu tố dịch tễ học như mùa vụ xảy ra ngộ độc; vị trí nơi nấm đã được chọn, phương pháp nấu ăn, triệu chứng ngộ độc, thời điểm bắt đầu triệu chứng, phát hiện trong phòng thí nghiệm, loại thuốc được điều trị và kết quả của các liệu pháp. Trong số 294 bệnh nhân này thì có 276 (93,8%) bệnh nhân đã ăn nấm mọc trong tự nhiên (đồi, bờ sông, ruộng), và 18 (6,2%) đã mua nấm trồng.
Thời điểm bắt đầu triệu chứng độc tính nấm được chia thành giai đoạn đầu (trong vòng 6 giờ sau khi nuốt phải) và trì hoãn (6 giờ đến 20 ngày). Bệnh nhân có các triệu chứng sớm được điều trị bằng nước rửa dạ dày, duy trì cân bằng chất lỏng, điện giải. Các bệnh nhân có triệu chứng ngộ độc nghiêm trọng được điều trị bằng cách thêm penicillin [28].
Vào năm 1998, đã có 6.175 trường hợp ngộ độc nấm ở Pháp và khoảng 8.000 đến 10.000 trường hợp được ước tính ghi nhận.
Ping Z. và Zhiguang Z. (2014) đã điều tra và phân tích 102 trường hợp ngộ độc nấm ở miền nam Trung Quốc từ năm 1994 đến năm 2012, trong đó có 852 bệnh nhân và 183 người tử vong, với tỷ lệ tử vong chung là 21,48% [26].
Tại các quốc gia có nhiều rừng vẫn thường xảy ra các trường hợp ngộ độc nấm độc [28]. Tại Mỹ, mỗi năm số nạn nhân bị ngộ độc nấm độc khoảng 5 trường hợp/100.000 dân. Năm 1996, các trung tâm chống độc ở Mỹ đã thống kê được 10.584 trường hợp bị ngộ độc nấm độc. Năm 2004, số nạn nhân bị ngộ độc nấm độc tại Mỹ là 8.601 người, trong đó 5 người bị tử vong. Thống kê trong 11 năm gần đây, các trung tâm chống độc ở Mỹ đã ghi nhận 85.556 trường hợp ngộ độc nấm độc.
Tại Cộng hoà liên bang Nga, từ tháng 7 đến tháng 8 năm 1997 đã có 34 người chết do ăn phải nấm độc và từ giữa tháng 7 đến tháng 9 năm 1998 có 180 người bị ngộ độc nấm độc trong đó có 9 người chết. Tại Thụy Sĩ, trong 2 năm gần đây số người bị ngộ độc nấm độc là 356 người, trong đó tử vong 39 người.Chan C. K, và CS đã nghiên cứu 67 trường hợp ngộ độc do nấm được báo cáo tại Trung tâm Thông tin Ngộ độc Hồng Kông từ ngày 1 tháng 7 năm 2005 đến ngày 30 tháng 6 năm 2015 cho thấy 100% bệnh nhân đều ăn nấm độc mọc tự nhiên. Trong đó 60 (90%) trường hợp xuất hiện với các triệu chứng nôn, tiêu chảy và đau bụng ở dạ dày-ruột. Trong số đó có 7 trường hợp bị ngộ độc amatoxin, sáu người bị bệnh nặng thì có 1 người đã chết và 2 bệnh nhân phải cấy ghép gan. Đã có 1 bệnh nhân nhiễm độc nấm gây ảo giác do Tylopilus nigerrimus gây ra sau khi ăn nấm thương mại. Một số trường hợp nhiễm độc liên quan đến việc mua nấm từ người dân thu hái nấm hoang dã, phơi khô và đem bán [87].
Rất nhiều các nghiên cứu về ngộ độc do nấm độc được tiến hành ở Iran [88], Nhật Bản [89] và cho các kết quả tương tự về mùa xảy ra, các triệu chứng ngộ độc và tỷ lệ tử vong cao.