IV. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC VÀ HỆ LUỴ CỦA CHÍNH
2. Những hệ luỵ:
Xe cũ được phép nhập khẩu, người tiêu dùng chờ đợi cơ hội sở hữu một chiếc xe phù hợp với túi tiền, nhà kinh doanh xe cũ hy vọng một cơ hội làm ăn mới. Thế nhưng các hy vọng đang dần dần nguội lạnh khi một loạt các chính sách hạn chế được áp dụng.
Nghịch lý đầu tiên khi nói đến thị trường ôtô Việt Nam là giá xe thuộc loại cao nhất thế giới ở một quốc gia thuộc loại nghèo trên thế giới. Dường như dưới sức ép của người tiêu dùng, một loạt các chính sách để giảm bớt nghịch lý này đã được thực hiện gần đây. Thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc (xe chở người) đã giảm từ 100% xuống còn 70%, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) giảm từ 80% xuống còn 50%. Nhưng có lẽ vẫn chưa đủ, bắt đầu từ 1/5/2006 xe ôtô cũ chở người đã chính thức được cho phép nhập khẩu trở lại.
Tuy nhiên, trái với sự háo hức ban đầu, với nhiều người, giấc mơ xe cũ đã khép lại khi có quá nhiều sự hạn chế được áp dụng. Chẳng hạn, thuế nhập khẩu tuyệt đối (từ 3.000 đến 25.000 USD/xe), hoặc thuế nhập khẩu 150% (trong khi xe mới là 70%), giới hạn các cửa khẩu được phép nhập khẩu (4 cửa khẩu), giới hạn độ cũ của xe (không quá 5 năm nhưng phải chạy được ít nhất 6 tháng và trên 10.000 km).
Với các chính sách hạn chế nói trên, đằng sau những động thái tưởng như thể theo quyền lợi người tiêu dùng còn nguyên một loạt những mâu thuẫn sâu xa khác chưa thể giải quyết được.
* Mâu thuẫn giữa hạ tầng giao thông và nhu cầu phương tiện cá nhân:
Tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở các thành phố lớn, số vụ tai nạn giao thông quá lớn đang là vấn đề thời sự nhức nhối. Chưa thấy có số liệu đề cập đến khả năng chịu đựng và kế hoạch phát triển của hạ tầng giao thông đối với tốc độ tăng trưởng của phương tiện hiện nay. Người tiêu dùng không có thông tin về tốc độ gia tăng phương tiện hợp lý, để hiểu được những chính sách điều tiết tiêu dùng của chính phủ.
Dù có lập luận thế nào đi nữa, thì việc gia tăng quá nhanh chóng của phương tiện giao thông là không mong muốn và những hệ quả của xe cũ như ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông có thể làm vấn đề càng thêm trầm trọng. Rõ ràng các loại thuế đánh trên ôtô đang đóng vai trò hạn chế tiêu dùng mặt hàng đặc biệt này và ôtô cũ không phải là ngoại lệ.
* Mâu thuẫn giữa đòi hỏi thu ngân sách và nhu cầu người tiêu dùng: Thuế các loại đánh trên ôtô đang đóng góp một khoản thu ngân sách lớn. Đối với xe mới 5 chỗ ngồi nguyên chiếc nhập khẩu thì các loại thuế (bao gồm thuế nhập khẩu bằng 70% giá CIF, thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 50% của cả giá CIF và thuế nhập khẩu, thuế VAT 10%) đã chiếm tới 68% giá bán có thuế.
Đối với các loại xe sản xuất trong nước thì 3 loại thuế trên cũng chiếm xấp xỉ 50% giá bán của xe. Một chiếc xe mới có động cơ dung tích 2.000 cc, nếu giá bán 30.000 USD thì phần thuế phải nộp đã xấp xỉ 15.000 USD, chưa kể các đóng góp thuế gián tiếp của các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ liên quan đến sản xuất ôtô.
Trong khi đó một chiếc xe cũ cũng với động cơ 2.000 cc giả sử mua chỉ 5.000 USD thì giá sau khi đã nộp đủ 3 loại thuế trên là 24.750 USD. Nếu cân nhắc về khía cạnh thu ngân sách cộng với các yếu tố liên quan đến hệ quả bất lợi của việc nhập xe cũ, thì rõ ràng nhập khẩu xe cũ không phải là một lựa chọn được chào đón. Nếu quả thực vì quyền lợi người tiêu dùng hay muốn kích cầu thì chỉ việc giảm thuế đối với xe mới (nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước), chứ không cần phải mở cửa cho xe cũ.
* Mâu thuẫn giữa bảo hộ sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng:
Bảo hộ sản xuất luôn đồng nghĩa với khả năng cạnh tranh yếu. Với sản lượng quá nhỏ, đương nhiên giá thành không thể nào thấp hơn so với xe sản xuất ở các nước có quy mô sản xuất lớn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ôtô đã đặt những nền móng đầu tiên - một bước đi cần thiết của bất cứ ngành công nghiệp nào, một đội ngũ lao động trong lĩnh vực mới được hình thành, người tiêu dùng được hưởng các chế độ dịch vụ sau bán hàng, một loạt các ngành sản xuất phụ trợ, dịch vụ đi theo phát triển,... Tất cả những lợi ích đó có thể coi là một cái giá phải trả của người tiêu dùng khi giá thành sản xuất cao.
Hơn 10 năm với những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất ôtô, kết quả chưa được như mong đợi, nhưng nếu mở cửa cho xe cũ cạnh tranh thì không khác gì một cú đánh knock-out và hiệu quả của nó chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của Việt Nam. Vì vậy, các chính sách tiếp theo nhằm hạn chế mức độ cạnh tranh của xe cũ dường như lại là một logic hợp lý với những ý kiến muốn bảo hộ ngành công nghiệp ôtô nội địa.
Với những mâu thuẫn trên rõ ràng việc cho phép nhập khẩu xe cũ không hẳn là nhằm đáp ứng lựa chọn đa dạng của người tiêu dùng, cũng không hẳn là biện pháp tích cực để làm giảm giá xe trong nước. Chính sách cho nhập xe cũ và những biện pháp hạn chế tiếp theo của nó vẫn phải đảm bảo dung hòa tất cả những mâu thuẫn này. Như vậy cái nghịch lý “Giá cao - Túi tiền ít” người tiêu dùng sẽ vẫn phải chấp nhận, ít nhất trong thời điểm hiện nay.