CHƯƠNG 5: THẢO LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
5.2. Khuyến nghị với các doanh nghiệp Việt Nam
Phát triển bền vững là xu hướng và là một tiêu chí có tầm quan trọng, và được coi vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong thời đại hiện nay: xanh từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Chính vì vậy dựa vào kết quả nghiên cứu, doanh nghiệp cần nắm bắt được tâm lý, thái độ của người tiêu dùng để từ đó đưa ra những chiến lược hành động phù hợp nhằm kích thích ý định tiêu dùng xanh của giới trẻ.
Thứ nhất, từ kết quả bài nghiên cứu ta có thể thấy “Mức độ tiếp cận thông tin từ truyền thông xanh” và “Học hỏi từ nhóm tham khảo” có ảnh hưởng tích cực đến “Ý định mua xanh” của người tiêu dùng trẻ. Cho thấy, giới trẻ hiện nay đã và đang có xu hướng tìm hiểu thông tin về môi trường về sản phẩm xanh nhiều hơn, nhưng theo những phương thức mới hơn không chỉ dừng lại ở truyền thông truyền thống như báo đài, ti vi. Vì vậy, doanh nghiệp cần có những chiến lược nhằm thúc đẩy, tuyên truyền, truyền thông theo các phương thức mới, sáng tạo gắn chặt với tâm lý hiện nay của giới trẻ để đối tượng này có thể tiếp cận dễ dàng và kích thích ý định mua xanh của họ như: quảng cáo xanh trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội phổ biến, sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng bá cho sản phẩm xanh của doanh nghiệp, tăng lòng tin người tiêu dùng.
Theo “báo cáo Việt Nam Digital 2021 do We are social và Hootsuite” thống kê vào tháng 1/2021, có đến 72 triệu người dùng mạng xã hội ở Việt Nam, chiếm 73.7%
tổng dân số và tăng 11% so với năm 2020. Cũng theo thống kê này, Facebook, Instagram, Twitter và Tiktok là những nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất.
Đặc biệt, Tiktok đã vượt qua Facebook về số lượt tải về ở Việt Nam. Dựa trên những số liệu đó, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa tài nguyên trên mạng xã hội. Qua nền tảng mạng xã hội, doanh nghiệp có thể kết hợp với người nổi tiếng để kêu gọi người tiêu dùng thay đổi những hành động nhỏ nhất để giảm bớt lượng rác thải nhựa trên toàn cầu bằng cách sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp.
Theo “Vero - Digital Marketing & PR Agency tại Đông Nam Á” (12/2019), nghiên cứu “Influencer thời đại mới: Gen Z và Gen Y đang đặt niềm tin vào ai?” đã
chỉ ra rằng những influencer (người có tầm ảnh hưởng) xuất thân từ Internet đang dần được yêu thích hơn, có thể nói là sánh ngang với sức hút của các celebrities (người nổi tiếng trong hoạt động nghệ thuật). Chính vì vậy, để tiếp cận với người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam, doanh nghiệp cần biết cách thích nghi với nền tảng tiếp thị sử dụng người có tầm ảnh hưởng. Doanh nghiệp nên xây dựng câu chuyện riêng cho sản phẩm xanh, làm thành những video ngắn với sự tham gia của những influencer và đăng tải lên nền tảng mạng xã hội của doanh nghiệp cũng như của chính influencer mà doanh nghiệp hợp tác.
Học hỏi từ nhóm tham khảo đã có một tác động tích cực khá lớn đến ý định tiêu dùng xanh của giới trẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đó là học hỏi từ người thân, gia đình, bạn bè, thầy cô,… hay cả những thần tượng, những người nổi tiếng. Doanh nghiệp có thể kết hợp thêm những phương thức mới để thể hiện trách nhiệm thông qua tham gia phong trào, chiến dịch bảo vệ môi trường trên các nền tảng mạng xã hội.
Điều này giúp gia tăng độ nhận diện thương hiệu xanh của doanh nghiệp Doanh nghiệp có thể tham gia các thử thách bảo vệ môi trường trên mạng xã hội như phong trào Zero Waste, thử thách dọn rác với hashtag Challenge For Change,... để làm đẹp hình ảnh doanh nghiệp cũng như thông qua đó kết hợp quảng bá sản phẩm mới gắn với các phong trào. Điều đặc biệt của giải pháp này là khách hàng sẽ giúp hình ảnh của doanh nghiệp được lan rộng hơn bằng nút “share”. Các hashtag đi kèm (#têndoanhnghiệp #tênchiếndịch) cũng đóng vai trò giúp tăng độ nhận diện cho nhãn hàng.
Bên cạnh đó, có thể tiến hành liên kết với các trường cấp ba, đại học, cao đẳng về các chương trình xanh, chương trình tình nguyện vì môi trường, giúp bổ sung kiến thức cho học sinh, sinh viên, và bản thân họ sẽ sớm nhận thức được sản phẩm xanh, môi trường xanh là gì, từ đó sẽ hình thành nên ý định tiêu dùng xanh, trước tiên là với sản phẩm của chính doanh nghiệp tổ chức. Kết hợp lại, doanh nghiệp có thể đưa ra những chiến lược phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp trong xã hội hiện đại ngày nay. Từ bài nghiên, doanh nghiệp có thể hiểu thêm được ý định tiêu dùng xanh của người trẻ ở Hà Nội, và xu hướng của người trẻ của Việt Nam hiện nay dựa trên việc học hỏi từ nhóm nhóm tham khảo và tiếp cận thông tin từ truyền thông. Dó đó, hãy thử tiếp cận theo những phương thức mới, đánh trúng tâm lý khách hàng, nhằm đem lại
hiệu quả cao nhất và tích cực nhất đối với sản phẩm xanh của doanh nghiệp, và đối với môi trường sống của chúng ta.
Thứ hai, doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc dán nhãn sinh thái cho sản phẩm xanh. Hoạt động gắn nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường là một hoạt động tự nguyện, không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam về ghi nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, nhãn sinh thái là một công cụ hữu hiệu để gia tăng mức độ uy tín và khẳng định chất lượng của sản phẩm cũng như doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu thì nhãn sinh thái chính là một công cụ tăng sức cạnh tranh. Khi các tổ chức Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng sang quốc tế, đặc biệt ở một số nước EU, thì đều phải chuẩn bị, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn quốc tế cũng như các tiêu chuẩn của quốc gia đó về vấn đề môi trường. Việt Nam đang ở trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vì vậy hành động tự nguyện đăng ký cấp nhãn xanh có một ý nghĩa lớn lao trong việc khẳng định chất lượng sản phẩm của Việt Nam, từ đó tạo bước đệm vững chãi cho việc phát triển kinh tế toàn quốc. Để đủ tiêu chuẩn được dán nhãn sinh thái, doanh nghiệp cần lưu ý phải chuyển hóa cách quản lý môi trường theo hướng tiếp cận có hệ thống. Trong đó, cần đặc biệt nâng cao trình độ quản lý, cải thiện nguồn nhân lực, thường xuyên cập nhật hệ thống khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.
Doanh nghiệp khi có nhu cầu cấp chứng nhận nhãn sinh thái có thể tham khảo các quy định tại Nghị định số 80/2006/NĐ-CP và Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thứ ba, theo kết quả nghiên cứu, ý định mua xanh bị ảnh hưởng mạnh bởi thu nhập. Chính vì vậy doanh nghiệp nên thực hiện nghiên cứu và đưa ra các phân khúc sản phẩm tương ứng với các mức giá đa dạng để linh hoạt với các mức thu nhập khác nhau của người trẻ tại Hà Nội. Chẳng hạn, thực hiện hoạt động khảo sát thị trường để phân đoạn thành các thị trường khác nhau, ở đây doanh nghiệp nên triển khai phân đoạn thị trường theo nhân chủng học vì thu nhập đang là một nhân tố có tác động mạnh đến ý định mua xanh của người tiêu dùng. Từ đó, phân tích nhu cầu của khách hàng ở mỗi phân đoạn và khả năng thanh toán của họ cho các sản phẩm xanh. Đối với những người tiêu dùng có mức thu nhập cao, doanh nghiệp nên đưa ra các sản phẩm ở phân khúc cao cấp, đa dạng mẫu mã, chủng loại với mức giá cao. Ngược lại, đối với
những người có mức thu nhập trung bình - khá, doanh nghiệp nên đưa ra các sản phẩm ở phân khúc thấp hơn nhưng vẫn phải đảm bảo về mặt chất lượng sản phẩm, mẫu mã của các sản phẩm dành cho phân khúc này ở mức cơ bản, đủ cho nhu cầu của người mua. Ví dụ với sản phẩm mỹ phẩm xanh, đối với những người tiêu dùng có thu nhập cao doanh nghiệp nên nghiên cứu đưa ra dòng mỹ phẩm thiên nhiên với nhiều công dụng, chức năng hơn dòng sản phẩm thông thường dành cho nhóm đối tượng người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình - khá. Tóm lại, với mỗi ngành hàng khác nhau thì doanh nghiệp cần chủ động xây dựng nhiều chiến lược khác nhau nhằm kích thích việc mua xanh của mọi đối tượng người tiêu dùng.