Xem xét tác động của yếu tố ĐDH đến ổn định ngân hàng:
Kết quả ước lượng của mô hình đều cho thấy có ý nghĩa thống kê của các yếu tố ĐDH thu nhập, Logarit tự nhiên của TTS, Tốc độ tăng của TTS, Tỷ lệ Cho vay/TTS, Tỷ lệ Vốn huy động/TTS trong mối tương quan với ổn định ngân hàng. Điều này đúng
với kỳ vọng ban đầu và cũng phù hợp với hầu hết các nghiên cứu trước đó.
Xem xét tác động của yếu tố cạnh tranh đến ổn định ngân hàng: Kết quả của mô hình cho thấy các hệ số hồi quy mô hình các yếu tố cạnh tranh và các biến kiểm soát mang đặc điểm riêng của ngân hàng với các biến phản ánh mức độ ổn định của ngân hàng đều có ý nghĩa thống kê đáng tin cậy. Điều đó phản ánh rằng chiến lược cạnh tranh của ngân hàng có ảnh hưởng tích cực đến duy trì ổn định ngân hàng ở các NHTM Việt Nam.
Xem xét tác động của yếu tố ĐDH trong mối tương quan với cạnh tranh đến ổn định ngân hàng: Để trả lời câu hỏi liệu ĐDH có thật sự tác động thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tích cực, tác động cùng chiều của cạnh tranh đến ổn định ngân hàng, luận án đã tiến hành các kiểm định và kết quả cho thấy rằng:
Trong quá trình cạnh tranh của mình, các ngân hàng lựa chọn thực hiện chiến lược ĐDH sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định ngân hàng. Đây chính là bằng chứng thực nghiệm quan trọng chứng minh yêu cầu đối với các NHTM Việt Nam sẽ phải thận trọng hơn nữa trong việc lựa chọn cách thức thực hiện ĐDH hoạt động trong chiến lược cạnh tranh của mình là hoàn toàn hợp lý.
5.2 Gợi ý một số chính sách về đa dạng hóa, cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh ngân hàng
Về hoạch định chiến lược kinh doanh ngân hàng:
- Chiến lược cạnh tranh: ngân hàng cần củng cố năng lực cạnh tranh, quản lý hiệu quả chi phí hoạt động. Các nhà quản lý cần
có những chính sách hỗ trợ, tạo môi trường hoạt động minh bạch và hiệu quả, khuyến khích các ngân hàng dần mạnh dạn đầu tư để củng cố tiềm lực trên mọi mặt.
- Chiến lược ĐDH thu nhập: Các ngân hàng cần có chiến lược hoạch định sản phẩm dịch vụ, hướng đến nhu cầu của khách hàng trong dài hạn. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cần chú trọng vấn đề ĐDH trong các đề án phát triển TCTD, mang tính định hướng phát triển hoạt động này cho các NHTM.
- Chiến lược xem ĐDH là phương tiện hàng đầu để gia tăng cạnh tranh: các ngân hàng nên xây dựng chiến lược tổng hợp, trong đó ĐDH thu nhập là một phần trong kế hoạch, tiến hành song song nhiều chiến lược kinh doanh khác để khai thác triệt để nguồn lực và thế mạnh của ngân hàng. Trên cơ sở kinh nghiệm và tiềm lực tích lũy được, ngân hàng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động ĐDH của mình.
Về cơ cấu sử dụng tài sản có và VCSH: các ngân hàng nên xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng trên tất cả các lĩnh vực, tìm hiểu nguyên nhân tăng tài sản là đáp ứng nhu cầu thanh khoản hay mục tiêu sinh lời. Đồng thời cần xem xét lại chất lượng tín dụng của các khoản vay. Bên cạnh đó, các nhà quản lý, điều hành ngân hàng cũng cần phải xúc tiến công tác thúc đẩy, hỗ trợ các NHTM xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa hệ thống tài chính để tránh gây tổn thương cho hệ thống ngân hàng
Về khả năng ứng phó với các biến động từ nền kinh tế vĩ mô: ngân hàng cần xây dựng chính sách dự báo tốt những thay
đổi của nền kinh tế. Từ đó có những biện pháp chủ động ứng phó những thay đổi. Ngoài ra, các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần duy trì sự bình ổn cho thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát, đưa ra các chỉ tiêu quản lý tốc độ tăng trưởng tín dụng của các NHTM. Đồng thời cần theo dõi chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh ngân hàng, nắm bắt và chỉ đạo thực hiện việc sáp nhập, mua bán ngân hàng, tránh các trường hợp sở hữu chéo ngân hàng ảnh hưởng đến hiệu quả và sự an toàn của VCSH, từ đó ảnh hưởng đến ổn định chính ngân hàng và của toàn hệ thống.
5.3 Đóng góp mới của luận án
Thứ nhất, thông qua việc nghiên cứu mối quan hệ giữa ĐDH, cạnh tranh và ổn định ngân hàng, luận án cung cấp một khung lý thuyết tổng quan với nội dung đầy đủ về sự tương quan giữa ba yếu tố trên.
Thứ hai, kết quả nghiên cứu của luận án chỉ ra sự tác động của ĐDH, cạnh tranh đến ổn định ngân hàng, tác động của ĐDH và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng tại các NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2017.
Thứ ba, thông qua nghiên cứu cơ sở dữ liệu của các NHTM Việt Nam, nghiên cứu cũng cho thấy được mối quan hệ tương quan cùng chiều hay ngược chiều của ba yếu tố trên. Kết quả này góp phần vào việc lựa chọn và điều hành chiến lược ĐDH, cạnh tranh để mang đến ổn định hơn nữa cho hệ thống NHTM Việt Nam.
Thứ tư, khi xem xét tác động của ĐDH đến mối quan hệ giữa cạnh tranh và ổn định ngân hàng trong hệ thống NHTM Việt Nam, giúp nhận thức hơn nữa tầm quan trọng của ĐDH và cách thức sử dụng ĐDH như là công cụ đặc biệt để giúp cho việc cạnh tranh đạt hiệu quả nhiều hơn mong đợi. Trên cơ sở đó góp phần giúp cho các NHTM Việt Nam nhanh chóng nắm bắt xu hướng chung của nền kinh tế, tự tin hoạch định các chiến lược liên quan đến ĐDH để đạt được kết quả kinh doanh tốt hơn.
Ngoài ra, luận án cũng tìm thấy các mối tương quan dương của các yếu tố ảnh hưởng đến ổn định ngân hàng: tốc độ tăng trưởng tài sản, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát đến ổn định ngân hàng tại các NHTM Việt Nam; đồng thời tương quan âm của huy động vốn đến ổn định ngân hàng. Đây là khám phá quan trọng giúp các nhà quản trị và hoạch định chính sách xem xét toàn diện hơn khi đề ra các phương án gia tăng ổn định cho các NHTM Việt Nam.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, các nhà quản trị ngân hàng và các nhà hoạch định chính sách rút ra những kết luận và gợi ý chính sách cần thiết trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, góp phần đưa hệ thống NHTM trong nước ngày càng hoạt động hiệu quả, tăng cường sức mạnh cạnh tranh và ổn định bền vững.
5.4 Hạn chế nghiên cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo Không thể so sánh mức độ ĐDH, cạnh tranh và ổn định trong mối tương quan với một số nền kinh tế trong khu vực.
Đây là hạn chế đáng kể ảnh hưởng đến chính sách được gợi ý trong hoàn cảnh toàn cầu hóa lĩnh vực tài chính - tiền tệ.
Ngoài ra, luận án giới hạn xem xét ĐDH dựa trên chỉ tiêu thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi của ngân hàng. Những chỉ tiêu này chưa phản ánh và đo lường hết được các hoạt động ĐDH của ngân hàng: ĐDH sản phẩm, dịch vụ, ĐDH địa lý và kết hợp cả hai hình thức ĐDH trên. Trong khi HQKD của ngân hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ các hoạt động này.
Sau những phân tích và kết quả đạt được từ luận án, vẫn còn những vấn đề trăn trở cần tiếp tục được tìm hiểu và nghiên cứu, cụ thể:
- Liệu hình thức ĐDH địa lý, ĐDH sản phẩm dịch vụ hay hình thức ĐDH nào vừa mang lại cho các NHTM Việt Nam lợi thế cạnh tranh đồng thời giúp hoạt động kinh doanh ngân hàng được ổn định.
- Xét về bối cảnh nghiên cứu, thị trường tài chính Việt Nam cần hội đủ những yếu tố nào để từ đó tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giúp cho hệ thống các NHTM có khả năng thực hiện tốt các chiến lược kinh doanh của mình vừa mang lại lợi nhuận nhưng đảm bảo ổn định bền vững.