Chương 4: BÀN LUẬN VỀ ĐẶC TRƯNG VÀ GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT
4.2. Giá trị nghệ thuật trang trí
Thông qua nghệ thuật trang trí ĐLLT, ĐLHL giá trị thẩm mỹ được thể hiện đa dạng trong các hình thức trang trí bao gồm: chạm khắc, tượng, tranh vẽ trên ván gỗ, nề, ngõa, hoành phi câu đối, cùng một số đồ thờ, được thể hiện trong không gian ngoại thất và nội thất ở đình thông qua một loạt các hệ thống biểu tượng như mây, mưa, mặt trời, tinh tú, nông nghiệp, công nghiệp,… được người nghệ sỹ dân gian sử dụng các kỹ thuật như: chạm, đục, vẽ, viết, đắp, tạc,… trên các chất liệu như: gỗ, sứ, giấy, nề, ngõa thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật trang trí như đối xứng, xen kẽ, nhắc lại, phá thế, xoay chiều để làm nổi bật lên những giá trị thẩm mỹ cơ bản là “Chân – Thiện – Mỹ” trong đó:
Việc đánh giá các giá trị thẩm mỹ nói chung và ở ĐLLT và ĐLHL nói riêng, yếu tố nhân văn là yếu tố được coi trọng hàng đầu, đây là một trong những tiêu chí đánh giá chung cho nhiều lĩnh vực khác mà không chỉ ở riêng lĩnh vực nghệ thuật học, một tác phẩm nghệ thuật đẹp phải chứa đựng tính chân thực ở trong đó, một tác phẩm phản ánh càng chân thực bao nhiêu thì giá trị nghệ thuật càng trở nên có giá trị bấy nhiêu, cái nét chân thực được biểu hiện ở đây không phải là vẽ sao cho giống hay tạc sao cho chuẩn, đắp sao cho đúng mà “Chân” ở đây là cái vẻ đẹp trong cuộc sống thực được truyền tải mạnh mẽ nhất vào trong tác phẩm để trở thành giá trị nghệ thuật mang tính tượng trưng cao, nhìn vào từng tác phẩm nghệ thuật như thấy được cả cuộc sống quanh ta về một cuộc sống bộn bề với với những cảnh hoan hỉ như du thuyền, cưỡi ngựa, đi săn, chăn trâu, qua các đề tài phong phú về thiên nhiên, con người, linh thú, đặc biệt là những hoạt cảnh dân dã nơi làng quê yên ả để càng thấy được giá trị của “Thiện” lương, hướng con người ta đến những suy nghĩ tích cực, làm những điều tốt, nghĩ tới việc giúp dân, giúp đời và luôn mong cầu một cuộc sống tốt đẹp. Tất cả những vẻ đẹp của “Chân”, “Thiện” ấy đều được khái quát và miêu tả qua các hình
tượng nhân vật, để đạt tới vẻ đẹp của sự toàn “Mỹ”, tính thẩm mỹ trong nghệ thuật trang trí ở hai ngôi đình Lâu Thượng và Hùng Lô, về cơ bản chủ yếu theo hướng hài hòa với tổng thể bố cục, tạo nên những nét duyên dáng về tạo hình, một thẩm mỹ dân gian mang tính thuần Việt trong nghệ thuật trang trí ở hai ngôi đình.
Sự chân thực rõ nét nhất trong nghệ thuật trang trí ở hai ngôi đình là việc đưa một số nhân vật có thật trong lịch sử vào trong tác phẩm nghệ thuật như:
Vua Hùng, Hai Bà Trưng, Đinh Bộ Lĩnh cùng một số các vị tướng lĩnh có công trong lịch sử để làm hình tượng trang trí thông qua các bức như: tượng thờ Hai Bà Trưng (ĐLLT), tập trận giả (Đinh Bộ Lĩnh, ĐLHL), Vua Hùng đi săn (ĐLLT). Ngoài ra, yếu tố chân thực còn được miêu tả bởi những hoạt cảnh dân gian như: đá cầu, đấu hổ, bắt lợn, du thuyền, đấu khiên,… thông qua những hoạt cảnh này gợi cho người xem sự thích thú bởi tạo hình các nhân vật trong các hoạt cảnh bắt rắn, đi săn, cưỡi ngựa hay tính biểu cảm được thể hiện trong dáng vẻ tinh nghịch của rồng con, nét mặt tươi vui của rồng mẹ,… ngoài ra tính thẩm mỹ còn được biểu hiện tinh tế ở vành môi hình dấu ớ (^) và bàn tay rồng mẹ như ôm như giữ lấy thân rồng con đã cho thấy cái tình rất nhân văn được ẩn dụ trong mô típ ngợi ca về tình mẫu tử thiêng liêng. Thông qua những mô típ mang tính ẩn dụ đó ít nhiều trong ta dấy lên tình yêu giữa người với người, tình yêu với cỏ cây hoa lá, thiên nhiên, muôn loài. Chính sự trắc ẩn này là nét “Chân” “Thiện” không thể thiếu trong giá trị nghệ thuật trang trí ở hai ngôi đình để đạt tới vẻ đẹp được gọi là “Mỹ”.
Bên cạnh giá trị nhân văn, cùng tính biểu cảm, tính hình tượng đó thì giá trị thẩm mỹ còn được thể hiện thông qua ngôn ngữ của chất liệu, ta có thể thấy người thợ làm đình trang trí linh hoạt trên các chất liệu và một số hình thức còn được thể hiện ở dạng chất liệu ghép. Trong đó: gỗ là chất liệu được sử dụng và khai thác nhiều nhất (cả kiến trúc, chạm khắc, tranh vẽ, hoành phi, câu đối…) còn chất liệu ghép được sử dụng nhiều ở giai đoạn về sau (nề, ngõa). Về chất liệu gỗ người ta sơn màu để tạo hiệu ứng trang trí bắt mắt (trong cả chạm khắc
và tranh vẽ màu), cùng kỹ thuật tạo chất trong cùng một bức chạm như thân trơn trong cách tạo hình rồng con, sự xù xì trong cách tạo vẩy cho rồng mẹ, chỗ thì gây cảm giác gồ ghề, chỗ lại cho cảm giác nhẵn mịn, tạo sự tương phản tuyệt đối giữa mắt nhìn, không gian, ánh sáng, tâm thức để thưởng thức một tác phẩm mang tính nghệ thuật. Ngoài ra, giá trị thẩm mỹ còn được thể hiện ở bút pháp vẽ tranh lên gỗ với những bảng màu không quá cầu kỳ, chủ yếu lột tả bằng các hình tượng nhân vật bằng mảng bẹt, diện lớn,… được đặt cạnh những bức chạm cầu kỳ được thể hiện bằng những nét chạm tinh tế, chỗ thì thô phác hóm hỉnh như cách tạo hình con trâu ở ĐLHL, chỗ thì quằn quại mang đầy tính kỹ thuật như những bức chạm rồng ổ ở ĐLLT... Vì vậy, khi ta ngắm nhìn các tác phẩm trang trí, không đơn giản chỉ là ngắm bằng mắt mà còn cần cảm nhận bằng tay, bằng cảm giác, bằng trái tim, bằng sự hiểu biết về thẩm mỹ trong nghệ thuật tạo hình của mỗi con người khi đứng trong một không gian văn hóa và đậm chất tâm linh này.
4.3.1.2. Giá trị tạo hình
Qua nghiên cứu nghệ thuật trang trí ở ĐLLT, ĐLHL, giá trị của nghệ thuật tạo hình phần lớn nằm trong các kỹ thuật thể hiện của các thủ pháp tạo hình như:
đường nét, màu sắc, tỷ lệ, không gian, ánh sáng. Khi chúng hài hòa với nhau, đủ không gian để ngắm nhìn, ánh sáng đủ rõ, khối đủ nổi, đường nét đủ bay lượn, hình tượng đủ sự gợi, ắt sẽ cho người thưởng ngoạn thứ gọi là nghệ thuật tạo hình. Vẻ đẹp của tạo hình không chỉ dừng lại ở nét, trong hình, miếng, mảng, họa tiết, mô típ trang trí mà còn được thể hiện trong từng kỹ thuật chạm khắc điêu luyện như chạm nông, chạm lộng, chạm thủng, chạm nổi... để tạo ra các cách tạo khối đa dạng như khối nổi, khối chìm, trong các cách sắp xếp bố cục mang phong cách khác nhau như bố cục hình cơ bản, bố cục theo các dạng thức như đối xứng, bố cục phân tầng trang trí...
Nghệ thuật tạo hình được thay đổi nhiều nhất, sáng tạo nhất, được thay đổi liên tục thậm chí còn mang tính liên hoàn rất cao phải kể đến là những mô típ trang trí trong các mảng chạm khắc ở ĐLLT với tạo hình rồng được thể hiện
một cách tài tình với cái đầu khá lớn so với thân; mắt lồi, tròn, sừng nhọn, miệng rộng, mặt dữ, hàng vảy xếp rất chỉn chu. Toàn bộ rồng như hình đao mác, cuốn cuộn bay ngược ra sau với đủ mọi tư thế với các quy luật của không gian và thời gian. Từ trên xuống, từ dưới lên; trái qua phải tới tất cả kết hợp với các đao lửa mập mạp, khỏe khoắn thông qua những nét chạm uốn lượn của đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân dân gian đã tạo nên một tổng thể chạm khắc đỉnh cao với nhiều tạo hình đẹp về khối, tỉ mỉ về đường nét, hợp lý về mảng, tỉ lệ hài hòa…
tất cả được thay đổi liên tục trong một bức chạm khắc. Các mảng miếng tuy có sự thay đổi nhưng lại mang tính đồng nhất, hòa quyện vào nhau để tạo nên những tác phẩm chạm khắc độc đáo ở ngôi đình này.
Bên cạnh đó tạo hình bỗng trở nên huyền ảo hơn nhờ sự góp sức không nhỏ của kỹ thuật chạm thủng để tạo nên những khoảng trống xuyên qua bức chạm và tạo thành những khoảng hở có thể quan sát được lớp không gian bên kia vừa giúp không gian trở nên thông thoáng vừa giúp cho ánh ánh sáng lọt qua một cách tự nhiên để tạo nên hiệu ứng mờ tỏ chốn thâm cung. Các phần còn lại trên thớ gỗ trở nên rõ ràng, rành mạch nhờ sự đục thủng lớp nền nên tạo sự tương phản về đậm nhạt giữa khối hình và không gian ảo phía sau.
Rõ ràng, với sự thay đổi liên tục trong nghệ thuật tạo hình từ những hình thức trang trí nhỏ nhất như: chạm khắc, tượng, hoành phi câu đối, tranh vẽ… đã tạo nên tổng thể ngôi đình có giá trị tạo hình như những tác phẩm nghệ thuật đích thực tạo nên những giá trị nghệ thuật sâu sắc phản ánh nhân sinh quan và thế giới quan. Cỏ cây hoa lá, thiên nhiên, thú rừng, chim muôn vạn vật bỗng trở nên sinh động hoan ca. Nhưng trên hết, hình ảnh con người ung dung tự tại xen giữa bầy rồng như hình ảnh người cưỡi ngựa, người đánh trống, người thổi kèn, người cưỡi voi, người bắt rắn, hình ảnh con người tự do săn bắn hái lượm nhất là các hoạt cảnh về con người ở ĐLHL được coi là một biểu tượng đầy tính nhân văn – dẫu đẹp như Tiên - Rồng nhưng con người mới là tất cả. Khẳng định con người mới là trung tâm của thế giới quan trong vũ trụ bao la này.
4.4.2. Giá trị văn hóa, lịch sử 4.4.2.1. Giá trị văn hóa
ĐLLT và ĐLHL là hai ngôi đình được ra đời vào cuối TK XVII ở Miền Bắc Việt Nam, do vậy qua nghệ thuật trang trí trong kiến trúc đã phần nào nói lên được bản chất của kinh tế, chính trị, xã hội vào giai đoạn này. Qua một số đề tài lao động, chiến đấu, đi săn, vui chơi hội hè đã phần nào tái hiện về một góc lịch sử trong khung cảnh chung của những năm cuối TK XVII cũng như nét đẹp trong văn hóa của những năm sau này.
Trở về với tình hình xã hội cuối TK XVII, theo nhiều tài liệu đã nhận định đây là giai đoạn rất phức tạp trong thời kỳ phong kiến Việt Nam, là thời kỳ xã hội được lập lại hòa bình trước cuộc chiến tranh kéo dài hơn 100 năm giữa hai triều đại nhà Lê mới và tàn dư của nhà Mạc, là sự lục đục nội bộ của vua Lê – chúa Trịnh, là giai đoạn Trịnh – Nguyễn phân tranh dẫn tới sự chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài. Mặc dù tình hình xã hội phức tạp là thế nhưng dưới tài quân sự của các chúa Trịnh dưới triều Lê Chính Hòa, nhiều nhà sử học đã ghi nhận đây là triều đại ấm no, thái hòa trong nhân dân. Cũng chính vào thời gian này, đất nước ta đã chứng kiến một thời kỳ phát triển khá rầm rộ của thương nghiệp. Một mặt, do nhu cầu thoát khỏi sự gò bó của nông nghiệp cũng như do sự phát triển tự thân của nó (chủ yếu ở Đàng Trong), do điều kiện giao thông, đi lại thuận lợi hơn trước, do nhu cầu của cuộc sống hàng ngày tăng lên, nên sự trao đổi hàng hóa ngày càng cần thiết. Mặt khác, sự hình thành của luồng giao lưu buôn bán quốc tế tác động mạnh mẽ đến các vùng lâu nay xa cách, đóng kín và làm cho nhu cầu hàng hóa đặc sản địa phương tăng lên không ngừng.
Vậy nên, vào cuối thế kỷ XVII là giai đoạn đột biến rất mạnh mẽ của các ngôi đình làng trên khắp miền Bắc và ĐLLT, ĐLHL cũng được ra đời trong giai đoạn này. Cả hai ngôi đình được dựng với quy mô lớn, bề thế, khang trang nhất là ĐLLT với những cột đình rất lớn mấy người ôm, mái đình xòe rộng sừng sững hiên ngang một góc trời như sự chứng minh về một xã hội với nền buôn bán giao
thương tấp nập và thể hiện một đời sống vật chất và tinh thần khá giả của người dân nơi đây.
Theo dòng chảy của nghệ thuật chạm khắc đình làng vào TK XVII, các chạm khắc ở ĐLLT và ĐLHL là bức tranh dệt nên từ những hoạt cảnh sống động và vui tươi trong cuộc sống đời thường của người nông dân như: đi săn, bắt lợn, uống rượu, đấu vật, mẫu tử,... cùng nhiều đề tài lễ hội dân gian với những kỹ thuật chạm khắc vô cùng tỉ mỉ như: chạm bong, chạm lộng, chạm thủng… Qua các đề tài chạm khắc đình làng, ta thấy hình ảnh rất chân thực trong cuộc sống xã hội đương thời đã được thể hiện một cách sinh động, đầy tính hiện thực và mang một màu sắc riêng của làng quê miền trung du yên bình.
Đặc biệt, quan niệm về nòi giống tiên – rồng ở miền đất cổ đã chi phối khá nhiều trong cả tục thờ và nghệ thuật trang trí ở nơi đây. Vì sinh ra trên mảnh đất thiêng – mang đậm màu sắc cha rồng, mẹ tiên cùng các tục thờ Hùng Vương rõ rệt, nên cả hai ngôi đình cũng giống như hàng trăm ngôi đình khác trên địa bàn toàn tỉnh đều có tục thờ vua Hùng và các tướng lĩnh có công. Hình tượng chạm khắc trong hai ngôi đình phần lớn được lấy cảm hứng từ chủ đề tiên - rồng như các hình ảnh ba cô tiên múa, tiên cưỡi rồng, hình ảnh người cưỡi ngựa, người đánh trống, người thổi kèn, người cưỡi voi, người bắt rắn, hay hình ảnh con người tự do săn bắn hái lượm, con người tự do hội hè múa hát vang cả đất trời nhất là các hoạt cảnh về con người được chạm khắc rất nhiều ở ĐLHL được coi là một biểu tượng đầy tính nhân văn sâu sắc.
Rõ ràng, nghệ thuật trang trí ở ĐLLT và ĐLHL mang tính bản địa cao nhưng vẫn chịu ảnh hưởng từ Nho giáo trong văn hóa Trung Hoa và Phật giáo trong văn hóa Ấn Độ. Ba biểu hiện văn hóa rõ nét này cùng nhau tồn tại và tiếp biến nhau để trở thành một trong những dòng nghệ thuật văn hóa tuy có ảnh hưởng từ văn hóa ngoại lai nhưng lại mang phong cách và mỹ cảm truyền thống của dân tộc Việt. Qua nghệ thuật trang trí ĐLLT và ĐLHL người xưa đã gửi gắm những ước vọng của mình thông qua các tín ngưỡng dân gian như: Tín ngưỡng
thờ thần (thờ thần núi, thờ thần mặt trời), thờ thành hoàng làng, thờ cúng Hùng Vương, tín ngưỡng nông nghiệp (cầu mưa, cầu tạnh), tín ngưỡng phồn thực (cầu cho sự sinh sôi, nảy nở),… để trở thành một trong những nét đẹp không thể thiếu trong quá trình trang trí ĐLLT và ĐLHL.
4.4.2.2. Giá trị lịch sử
ĐLLT và ĐLHL là hai ngôi đình còn bảo lưu nhiều vốn nghệ thuật dân gian trên mảnh đất cổ được ra đời từ khoảng cuối TK XVII và được bổ sung, thay đổi cho đến tận ngày nay. Cứ tết đến xuân về, vào dịp mùng 8, 9 tháng giêng hàng năm, hội làng Lâu Thượng được tổ chức với quy mô làng xã, vào dịp này người dân tụ tập rất đông và thực hiện các nghi lễ cúng tế, tổ chức rước kiệu từ đình Ngoại sang đình Nội để tế lễ, sau đó lại rước kiệu sang miếu Vật để tiếp tục tế lễ. Qua lễ hội, người dân thêm phần gắn kết tình làng nghĩa xóm và kết nối cộng đồng, nhưng ý nghĩa nhất là giáo dục truyền thống yêu nước, tưởng nhớ công lao của những người có công trong quá trình dựng làng, dựng đình, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu dân tộc trên mảnh đất Vua Hùng.
Trong đó, ĐLHL là một ngôi đình có niên đại rất rõ ràng ra đời năm 1697 trong khi ĐLLT không rõ về niên đại chỉ được các nhà nghệ thuật học đoán định ra đời khoảng cuối TK XVII. ĐLHL sau quá trình trùng tu lớn vào thời Nguyễn được bổ sung nhiều hạng mục công trình như phương đình, tòa tiền tế, lầu chuông, gác trống, nhà văn chỉ, nhà yến lão để trở thành một quần thể kiến trúc còn tồn tại đến ngày nay. Riêng tòa đại đình được làm theo kiểu chữ Nhất. Đình kiến trúc nhất gian nhị hạ tức là 1 gian 2 chái. Có hàng hiên chạy xung quanh. Mái đình cách nền 3m.
Trên thượng cung thờ 3 ngai là 3 vị thành hoàng làng, hai bên hạ ban thờ chư tiên hiền (tức người có công xây dựng đình). Ở tòa đại đình có rất nhiều câu đối, hoành phi, cuốn thư được viết bằng chữ Hán. Toàn bộ phần kiến trúc hay hậu cung được trang trí màu sắc bắt mắt. Ở khu giữa của tòa đại đình là khu thờ, được làm trên một gác lửng. Các cột kèo và các mảng chạm đều được phủ sơn son thếp vàng tạo sự lộng lẫy nguy nga. Còn ở ĐLLT chưa xác định có