Ảnh hưởng của các yếu tố môi trường bên ngoài

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện công tác hoạch định chiến lược kinh doanh tại Công ty TNHH quảng cáo và nội thất Thiên Trường (Trang 25 - 29)

CHƯƠNG II: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ CÁC KẾT QUẢ PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG HOẠCH ĐỊNH CHIẾN LƯỢC KINH DOANH TẠI CÔNG TY

2.2. Giới thiệu về Công ty TNHH quảng cáo và nội thất Thiên Trường

2.3.1. Ảnh hưởng của các yếu tố môi trường bên ngoài

a) Môi trường Kinh tế

- Lạm phát: Lạm phát đã giảm từ mức 2 con số năm 2011 (18,13%) xuống mức 1 con số 6,81% năm 2012 và 6,2% năm 2013 khiến cho giá cả hàng hóa tương đối ổn định. Điều này giúp Công ty tránh được tình trạng bất ổn định về giá cũng như giúp người dân tránh khỏi tình trạng phải thắt chặt chi tiêu khi giá cả hàng hóa leo thang.

- Lãi suất: Từ "đỉnh" 18%/năm với lãi suất huy động năm 2011, khiến lãi suất cho vay cao tới 23-25%/năm, đến nay, trần lãi suất huy động đã giảm về mức 7%/năm và chỉ áp dụng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 9%/năm, những khoản vay thông thường cũng không còn phải chịu mức lãi suất cho vay "khủng", mà được điều chỉnh xuống mức hợp lý hơn, quanh ngưỡng

10-12%/năm. Việc lãi suất cho vay của các ngân hàng có xu hướng giảm như hiện nay là một lợi thế đối với Công ty trong việc huy động vốn kinh doanh vì như hiện nay lượng vốn vay vẫn chiếm một tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu vốn của Công ty. Lãi suất giảm giúp Công ty giảm được chi phí để có được các khoản vay để đầu tư mạnh hơn vào các dự án kinh doanh mới.

- Thu nhập bình quân đầu người: GDP/1 người ở Việt Nam ngày càng tăng - theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 đạt 1.960 USD, tăng so với 1.749 USD của năm 2012. Trong đó thu nhập bình quân đầu người của thủ đô Hà Nội năm 2013 đạt khoảng 52,3 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức 41,8 triệu đồng/ngườ/năm của năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người tăng khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn cho tiêu dùng trong đó có các sản phẩm nội thất.

b) Môi trường Chính trị - pháp luật

Việt Nam được đánh giá là một trong số các nước có nền chính trị ổn định nhất trên thế giới. các Công ty hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam không phải chịu rủi ro từ sự bất ổn chính trị nên yên tâm sản xuất, tạo điều kiện thu hút đầu tư, mở rộng kinh doanh.

Hệ thống luật pháp Việt Nam tạo ra sân chơi, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN. Tuy nhiên hệ thống luât pháp Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở, tạo điều kiện cho các DN làm ăn phi pháp, cạnh tranh không công bằng làm hạn chế sự phát triển của các DN làm ăn chân chính.

c) Môi trường Văn hóa, xã hội

Từ xưa đến nay người Việt Nam luôn có quan niệm là “an cư, lạc nghiệp”. Một người đàn ông sau khi kết hôn việc đầu tiên họ nghĩ đến là việc xây dựng một ngôi nhà tổ ấm cho riêng mình. Và công việc mua sắm nội thất gia đình sau khi xây nhà là công việc tất yếu. chính điều đó đã tạo điều kiện cho các DN kinh doanh nội thất có cơ hội tồn tại và phát triển.

Nhu cầu sử dụng sàn gỗ thay thế cho gạch men truyền thống ở Việt Nam ngày càng tăng trong những năm gần đây do sản phẩm sàn gỗ mang lại cảm giác ấm cúng và rất sang trọng cho căn phòng. Tuy nhiên một số năm trước người tiêu dùng vẫn còn e ngại khi quyết định sử dụng các sản phẩm sàn gỗ vì một số sàn gỗ do chưa được xử lý triệt để nên rất dễ bị cong ngót, cong vênh (đối với sàn gỗ tự nhiên) hay dễ bị mục

và phồng khi gặp nước (đối với sàn gỗ công nghiệp). Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại sàn gỗ như: Janmi, Dehome, Florton… có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với trước đây và giá cả phù hợp với mức tiêu dùng của người dân.

Việt Nam là nước có hơn 89 triệu dân, có cơ cấu dân số trẻ trong đó có khoảng 90% dân số dưới hoặc đang trong độ tuổi lao động, và 65% dưới 35 tuổi. Với sự thay đổi cơ cấu dân số như vậy, Việt Nam được nhận định là đang bước vào “thời kỳ cơ cấu dân số vàng”. Như vậy rõ ràng nước ta đang có một cơ hội “vàng” khi sử dụng một lực lượng lao động trẻ dồi dào trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế năm 2010 – 2020.

Mặt khác, Hà Nội được xem là thành phố có tốc độ thành thị hóa lớn nhất nước ta, nó làm gia tăng nhu cầu xây sựng của người dân, từ đó cũng làm phát sinh nhu cầu mua sắm nội thất gia đình. Điều này tạo cơ hội tốt cho việc kinh doanh của Công ty.

d) Môi trường công nghệ

Công nghệ sản xuất phát triển giúp cho các DN sản xuất tạo ra các sản phẩm tốt hơn với gái rẻ hơn, từ đó tạo điều kiện cho Công ty có được nguồn cung chất lượng với giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bên cạnh đó khoa học công nghệ phát triển tạo ra các phần mềm tiện ích hỗ trợ hoạt động kinh doanh của DN diễn ra hiệu quả hơn như: phần mềm kế toán, phầm mềm hỗ trợ kê khai thuế (giúp công việc kế toán trở nên đơn giản hơn, tiết kiệm nhân công, thời gian).

Theo liệt kê của các công ty xây dựng, trên thị trường hiện đã đã có khoảng trên 15 nhãn hiệu sàn gỗ công nghiệp khác nhau chủ yếu là hàng nhập khẩu từ châu Âu và châu Á với những tên tuổi đã trở nên quen thuộc như UNIFLOORS, CLASSEN, WITEX, KRONOTEX (CHLB Đức), PERGO (Thụy Điển, Malaysia), ALSAPAN (Pháp) LASSI (Trung Quốc), GAGO (Hàn Quốc)...Trong số các loại sản phẩm CHLB Đức đang chiến thị phần lớn nhất, được người tiêu dùng ưu tích nhờ có chất lượng cao và màu sắc cũng như chủng loại phong phú. Hiện nay Công ty cũng đã cập nhật cho mình những loại sàn gỗ với công nghệ sản xuât mới nhất nhằm đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng nhu cầu khách hàng.

2.3.1.2.Ảnh hưởng của yếu tố môi trường ngành.

a) Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hiện tại trong ngành

Các đối thủ cạnh tranh mạnh nhất nhất trên thị trường nội thất ở nước ta hiện nay có thể kể đến: Nội thất Hòa Phát cao cấp, nội thất Hà Anh – với nhiều năm kinh

nghiệm hoạt động trên thị trường cũng như khả năng tài chính mạnh, thương hiệu được nhiều người biết đến chiếm lĩnh phần lớn thị phần trong ngành.

Tuy nhiên đối thủ cạnh tranh trực tiếp hiện nay của Công ty phải kể đến các cửa hàng kinh doanh nội thất nhỏ lẻ trên địa bàn quận Cầu Giấy hay các cửa hàng dọc tuyến đường Đê La Thành và các cửa hàng nội thất khác nằm rải rác trên các khu phố trên địa bàn Hà Nội. Đây là các Công ty trực tiếp giành khách hàng của Công ty, tác động trực tiếp đến thị phần của Công ty.

b) Đe dọa gia nhập mới

Thu nhập của người lao động ngày càng được cải thiện, sức mua lớn dẫn đến chi tiêu cho mua sắm nội thất cũng lớn hơn. Mặt khác ngành kinh doanh nội thất hiện nay được đánh giá là ngành có tỷ suất sinh lợi khá lớn và có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, các DN trước đây chuyên xuất khẩu gỗ sang thị trường nước ngoài thì nay đã quay lại phục vụ thị trường nội địa đầy hấp dẫn. Chính những yếu tố đó khiến cho ngành khinh doanh nội thất trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Rào cản gia nhập trong ngành kinh doanh nội thất được đánh giá là không quá cao vì nhu cầu vốn đầu tư ban đầu không quá cao (khoảng vài tăm triệu đồng đối với hình thức kinh doanh hộ gia đình với các sản phẩm nội thất bình dân); các sản phẩm nội thất có tính chuyên biệt hóa thấp; chính sách của Chính phủ luôn khuyến khích các DN kinh doanh.

c) Đe dọa các từ các sản phẩm/ dịch vụ thay thế

Các sản phẩm nội thất do Công ty cung cấp chủ yếu được làm từ nguyên liệu là gỗ tự nhiên hoặc gỗ công nghiệp, vì vậy có rất nhiều sản phẩm thay thế làm từ inox, nhôm kính như: tủ bếp inox, cầu thang inox,… Các sản phẩm này có đặc tính ưu việt hơn so với các sản phẩm gỗ đó là giá thành rẻ hơn, độ bền cao. Tuy nhiên mức độ thay thế của nó là không cao vì đa số người dân Việt Nam có xu hướng dùng đồ gỗ cho các vật dụng trong nhà thay vì sử dụng các đồ dùng từ kim loại.

Ngoài ra cũng phải kể đến sản phẩm thay thế trực tiếp của sản phẩm ván gỗ của Công ty đó là các loại ván sàn tre. Các sản phẩm này mang lại một sự khá biệt, mới lạ, gây hấp dẫn khách hàng sử dụng. Trong tương lai sản phẩm này có thể là sản phẩm thay thế lớn nhất của sản phẩm mục tiêu của Công ty.

d) Quyền lực thương lượng của khách hàng

Khách hàng của Công ty bao gồm hai nhóm chính đó là: khách hàng là các hộ gia đình và khách hàng là các DN có nhu cầu mua sắm nội thất văn phòng làm việc. Vì

mặt hàng nội thất không phải là mặt hàng mua thường xuyên vì vậy mức độ trung thành của khách hàng gần như là không có.

Hiện nay số lượng các DN kinh doanh nội thất trên địa bàn Hà Nội là khá nhiều;

sản phẩm không có tính chuyên biệt hóa nhiều, mức độ cạnh tranh trong ngành cao, vì vậy khách hàng có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Vì vậy các DN trong ngành thường xuyên cạnh tranh nhau về giá để lôi kéo khách hàng và quyền lực thương lượng của khách hàng là khá cao.

e) Quyền lực thương lượng của nhà cung ứng

Một số nhà cung cấp hiện nay của Công ty là: Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng;

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Vinh An; Công ty TNHH thương mại Minh Thái (cung cấp chủ yếu các loại sàn gỗ, các thiết bị nội thất gia đình và văn phòng). Trong đó nhà cung cấp chính là công ty TNHH Phú Mỹ Hưng. Các công ty này đều là đối tác làm ăn đã lâu với Công ty, hầu hết là từ khi thành lập đến nay, gắn bó với sự tồn tại của Công ty. Chính vì vậy mà việc thương lượng về giá cả, điều kiện thanh toán, điều kiện giao nhận trở nên dễ dàng hơn trên cơ sở hai bên cùng có lợi và quyền lực thương lượng của nhà cung ứng là không quá cao.

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện công tác hoạch định chiến lược kinh doanh tại Công ty TNHH quảng cáo và nội thất Thiên Trường (Trang 25 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(45 trang)
w