4. Thực trạng phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam
4.2. Những hạn chế tồn tại trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong những năm qua
4.2.1 Về thể chế
Bối cảnh chuyển đổi xã hội đang trong giai đoạn quá độ cùng với sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế chính trị -xã hội khiến cho trình độ, kỹ năng lập pháp, lập quy ở Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Đến lượt mình, điều này khiến cho khung pháp lý và hệ thống thể chế về phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao mà thực tế đang đòi hỏi để có thể phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả. Có thể chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của hệ thống thể chế về phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.
Một là, Luật phòng, chống tham nhũng. Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức nhưng lại hạn chế hoặc không công khai những thông tin này làm một trong những công cụ phòng, chống tham nhũng khá hữu hiệu – minh bạch tài sản của cán bộ, công chức- chưa đem lại những hiệu quả như mong muốn ở Việt Nam. Khi không có được những thông tin cần thiết về tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thuộc diện kê khai tài sản thì những cán bộ, công chức khác trong cơ quan, đơn vị và những người dân sẽ không thể biết được những di
biến động về tài sản, thu nhập theo hướng gia tăng nhanh một cách đáng ngờ của các đối tượng này; do đó, cũng không thể có bất kỳ nghi ngờ nào về hành vi tham nhũng đã hoặc đang xảy ra. Lẽ đương nhiên, điều này gây khó khăn, cản trở đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng.
Hai là, Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000 đang có hiệu lực quy định phạm vi bí mật nhà nước theo hướng giao thẩm quyền khá lớn cho các cơ quan hành chính nhà nước. Bên cạnh “tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định là tối mật”, “tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định là tuyệt mật”, còn “danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật do người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an quyết định”. Quy định này cùng với sự thiếu vắng cơ chế bảo hiến đã tạo ra nguy cơ các cơ quan hành chính nhà nước có thể tự xác định các văn bản mật một cách tùy tiện theo nhãn quan quản lý của chính cơ quan này. Điều đó sẽ có khả năng khiến cho những nỗ lực, quyết tâm phòng, chống tham nhũng của quốc gia gặp phải những trở ngại to lớn khi thiếu vắng hay không thể tiếp cận những thông tin cần thiết phục vụ hoạt động nghiệp vụ phòng, chống tham nhũng.
Ba là, hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ nhiều thể chế khác nhau thì mới có thể tăng cường được hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc một số đạo luật có liên quan đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng còn chậm được ban hành, gây ảnh hưởng nhất định đến công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, “vẫn còn một số văn bản, đề án chưa được ban hành như Nghị định về trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định về bảo vệ người tố cáo tham nhũng; Đề án về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn... Một số quy định đã bộc lộ hạn chế, vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung như việc chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng...”
4.2.2. Về thực thi chính sách, pháp luật phòng chống tham nhũng Sau khi Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 được xây dựng, ban hành, tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho công tác phòng, chống tham nhũng, nhìn chung,chống tội phạm tham nhũng ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả tích cực; song, tình hình tội phạm tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, vẫn diễn ra phức tạp về tính chất cũng như mức độ thiệt hại, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, xây dựng cơ bản,quản lý đất đai và trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, ở một số nơi, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng mới tập trung chủ yếu vào đối tượng là đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên; việc tuyên truyền chưa được sâu rộng đến từng cấp cơ sở và mọi tầng lớp nhân dân. Nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng chưa thật sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn; nhiều lúc, nhiều nơi còn mang tính hình thức, phong trào, chưa chú trọng chất lượng và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục; số báo, đài ở Trung ương cũng như địa phương có chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống tham nhũng còn ít và chưa được duy trì thường xuyên, đều đặn. Trên thực tế, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, quần chúng nhân dân bộc lộ sự hạn chế trong nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng, thiếu chủ động, tự giác, tích cực trong chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Trong thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, việc công khai, dân chủ trên một số mặt, (như hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, đầu tư dự án, xây dựng,...) còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Vẫn còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không thực hiện việc công khai, minh bạch tại 23.522 cơ quan, đơn vị đã phát hiện và xử lý 1.704 cơ quan, đơn vị có vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động”
Việc kê khai tài sản, thu nhập đã có tác động tích cực đến nhận thức và hành động của cán bộ, công chức về trách nhiệm minh bạch tài sản, thu nhập và có tác dụng phòng ngừa tham nhũng nhất định, giúp cho công tác quản lý cán bộ, công chức, đảng viên được chặt chẽ hơn; song, việc thực hiện chưa đồng đều, một số nơi triển khai thực hiện còn chậm, có nơi gặp khó khăn, vướng mắc do nhận thức của các cấp, các ngành chưa nhất quán, chưa thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này.
Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, số lượng vụ án, vụ việc về tham nhũng được phát hiện và điều tra chưa tương xứng với thực tế tham nhũng xảy ra. Việc điều tra, giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp còn gặp nhiều khó khăn; thời gian điều tra phải kéo dài, phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung; một số vụ án chưa giải quyết dứt điểm, phải tạm đình chỉ điều tra do bị can bỏ trốn hoặc bị kéo dài do chờ kết quả giám định thiệt hại…Các vụ việc, vụ án tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài; tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo tuy đã giảm so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao;
tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn hạn chế. “Tuy có tiến bộ nhưng công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Hiệu quả phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chưa cao. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở các cấp cơ sở và chủ yếu là đối tượng trực tiếp thực hiện; số vụ việc, vụ án có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn chiếm tỷ lệ cao, tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn rất hạn chế,v.v…
Hiện các vụ án tham nhũng lớn được phát hiện có thể nói đến gồm Vụ tham ô tài sản tại Tổng công ty Vinalines thiệt hại hàng trăm tỷ đồng; vụ tham nhũng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Ngân hàng Công thương chi nhánh Nhà Bè,
Thành phố Hồ Chí Minh gây thiệt hại trên 2.000 tỷ đồng; vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Tổng công ty Sabeco; vụ 3 lãnh đạo chi nhánh Hồng Hà của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn lạm quyền trong thi hành công vụ gây thiệt hại 487 tỷ đồng…
Tóm lại, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong những năm qua đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng; song, như Chính phủ đã phải thẳng thắn thừa nhận, công tác phòng, chống tham nhũng, chưa đạt yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý của Nhà nước.