Inlay, mão và các nhịp cầu bằng vàng được đúc sử dụng kỹ thuật làm mất mẫu sáp (lost - wax pattern technique). Đầu tiên mẫu sáp được tạo giống hệt về hình dạng và đường viền của mão vàng tương lai. Mẫu sáp sau khi đã được gọt tỉa sẽ được bao phủ bởi bột đúc silica - thạch cao để tạo khuôn với một kim đúc dẫn từ mặt ngoài khuôn đúc đến mẫu sáp. Mẫu sáp sau đó sẽ bị loại trừ bởi nhiệt, khuôn đúc sau đó tiếp tục được xử lý để có thể đón nhận vàng nóng chảy bằng cách nung nóng có kiểm soát ở trong lò.
1.Thành phần:
Sáp chủ yếu để tạo sáp inlay là paraffin, sáp microcrystalline, ceresin, carnauba, candelilla và sáp ong. Ví dụ một sáp inlay có chứa 60% paraffin, 25%
carnauba, 10% ceresin và 5% sáp ong. Do đó, sáp hydrocarbon tiếp tục là thành phần chính của công thức này. Một số sáp inlay được mô tả là cứng, trung bình hay mềm dựa theo tính chảy của chúng. Tính chảy có thể giảm bằng cách thêm sáp carnauba hay bằng cách lựa chọn một loại sáp paraffin có nhiệt độ tan chảy cao hơn.
Một ví dụ lý thú là một sáp inlay cứng có thể chứa tỷ lệ sáp carnauba thấp hơn một sáp inlay trung bình, nhưng độ chảy của sáp inlay cứng thì thấp hơn sáp trung bình do sáp paraffin có nhiệt độ tan chảy cao hơn được chọn trong công thức của sáp cứng. Nhựa với số lượng nhỏ, khoảng 1% cũng ảnh hưởng đến tính chảy của sáp
inlay. Sáp inlay thường được chế tạo thành dạng thanh hay dạng que màu xanh dương đậm, màu xanh hay màu tím dài 7,5cm và đường kính 0,64cm. Một số nhà sản xuất cung cấp sáp dưới dạng viên tròn hay hình nón nhỏ hay những lọ thuốc mỡ bằng kim loại thậm chí là khối lớn.
2.Tính chất:
Tính chính xác và tính hữu dụng sau cùng của một vật đúc bằng vàng phụ thuộc rất nhiều vào tính chính xác và chi tiết đúng của mẫu sáp. Một sáp có khả năng thực hiện chức năng tốt trong kỹ thuật đúc vàng phải có một số tính chất xác định.
Sáp đúc inlay nha khoa loại 1 (loại mềm) và loại 2 (loại cứng) đã được thừa nhận theo tiêu chuẩn số 4 ANSI/ADA. Loại 1 là sáp mềm dùng trong kỹ thuật sáp gián tiếp. Loại 2 là sáp cứng hơn dành để tạo mẫu sáp trực tiếp trong miệng, nhờ có độ chảy thấp ở 37°C nền giảm thiểu sự biến dạng của mẫu khi lấy nó ra khỏi miệng.
Sáp loại 1 có độ chảy nhiều hơn loại 2 ở cả nhiệt độ cao hơn và thấp hơn nhiệt độ miệng. Độ chảy thấp của sáp loại 2 và khả năng dễ gọt tỉa của sáp loại 1 do mềm hơn là những tính chất để làm việc cần thiết cho các kỹ thuật tương ứng với từng loại.
Tiêu chuẩn cũng đòi hỏi nhà sản xuất phải có những hướng dẫn liên quan đến phương cách làm mềm sáp và nhiệt độ làm việc để thực hiện mẫu sáp đối với kỹ thuật trực tiếp. Cả hai loại đều phải mềm mà không được bong ra từng mảng. Tiêu chuẩn không còn yêu cầu các dữ liệu về sự giãn nở vì nhiệt đối với loại 2 nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn được nhà sản xuất cung cấp.
3.Tính chảy:
Khi tạo một mẫu sáp trực tiếp trên miệng, sáp phải được làm nóng đến nhiệt độ tại đó sáp chảy đủ mức dưới áp lực để tái lập lại được một cách chính xác các vách của xoang đã được chuẩn bị. Nhiệt độ làm việc do nhà sản xuất đưa ra phải thích hợp cho việc tạo mẫu sáp trực tiếp nhưng không được quá cao để có thể gây thương tổn cho các cấu trúc răng sống hay làm bệnh nhân khó chịu. Độ chảy không đủ mức của sáp do làm nóng không đủ sẽ làm việc ghi dấu các chi tiết của xoang bị thiếu và cũng tạo ra các ứng suất quá mức trong lòng mẫu. Tính chảy quá mức do
làm nóng quá nhiều làm sự nén ép lên sáp bị khó do vật liệu không tạo thành hình thể được.
4.Hệ số nở nhiệt:
Tốc độ giãn nở của sáp inlay loại 1 là cao nhất từ nhiệt độ chỉ hơi dưới nhiệt độ của miệng cho đến nhiệt độ vừa trên 45°C. Các kiến thức về mức độ giãn ra hay co lại của sáp cho phép đánh giá được mức độ bù cần thiết để tạo ra một vật đúc chính xác. Các dữ liệu đủ để cho thấy sự co lại của sáp từ nhiệt độ làm việc đến nhiệt độ phòng có thể bao gồm trong mỗi gói sáp inlay. Một khi mẫu sáp đã được điêu khắc xong sẽ được lấy ra khỏi xoang răng và chuyển sang labo sẽ bị giảm nhiệt độ và kéo theo sự co lại vì nhiệt. Khi giảm nhiệt độ từ 12°C đến 13°C từ nhiệt độ trong miệng đến nhiệt độ phòng (khoảng 24°C) sẽ làm sáp co tuyến tính 0,4% hay thay đổi 0,04% cho mỗi độ thay đổi.
5.Sự biến dạng của mẫu sáp:
Mẫu sáp có hệ số nở nhiệt cao và có khuynh hướng bị biến dạng nếu để chúng không bị kiềm chế. Sự biến dạng thường tăng lên khi nhiệt độ và thời gian cất giữ tăng lên. Tính chất này của sáp có liên quan với sự phóng thích ứng suất dư trong mẫu sáp trong quá trình tạo mẫu. Tất cả các loại sáp đều có đặc tính phóng thích ứng suất và bị biến dạng, nhưng đặc biệt gây phiền phức đối với mẫu sáp inlay vì vật đúc inlay cần có kích thước thật đúng.
Do sự biến dạng của mẫu sáp liên quan với nhiệt độ tạo mẫu và lưu giữ nên cần phải hiểu những nguyên tắc về nhiệt độ tạo mẫu. Một cách tổng quát, nhiệt độ của mẫu sáp khi được đưa vào xoang và tạo dạng càng cao thì mẫu sáp càng ít bị biến dạng. Điều này hoàn toàn hợp lý vì ứng suất dư trong mẫu sáp gây nên sự biến dạng thì liên hợp với những lực cần thiết để tạo dạng sáp đầu tiên. Sự sáp nhập của các ứng suất dư có thể được giảm thiểu bằng cách làm mềm sáp một cách đồng nhất bằng đưa lên nhiệt độ 50°C tối thiểu 15 phút trước khi sử dụng, bằng cách dùng các dụng cụ điêu khắc đã được làm ấm và đai cũng được làm ấm, và bằng cách đưa từng lượng nhỏ sáp lên đai.
Do sự phóng thích các ứng suất nội tại và sự biến dạng theo sau có liên quan với nhiệt độ lưu giữ, vì thế nhiệt độ lưu giữ càng cao thì biến dạng càng nhiều.
Nhiệt độ lưu giữ thấp không phải ngăn ngừa hoàn toàn được biến dạng nhưng làm
giảm thiểu được mức độ biến dạng. Nếu mẫu sáp inlay chưa đúc phải để bên ngoài trong thời gian trên 30 phút thì cần phải để trong tủ lạnh. Mặc dù giữ ở nhiệt độ này vẫn có thể xảy ra một số biến dạng nhưng vẫn ít hơn so với lưu giữ ở nhiệt độ phòng bình thường.
Nếu yêu cầu mẫu không được phép biến dạng thì không nên lưu giữ trong một thời gian dài. Cách tốt nhất để giảm sự biến dạng đến tối thiểu là đúc mẫu ngay sau khi tạo dạng xong. Một mẫu sáp lưu giữ trong tủ lạnh cần phải làm ấm lại đến nhiệt độ phòng trước khi đúc. Trong khi tạo rãnh, có thể làm giảm sự biến dạng bằng cách dùng que sáp rắn hay rãnh rót bằng kim loại rỗng được lấp đầy bằng sáp dính.
Nếu mẫu sáp đã bị giữ lâu thì cần điều chỉnh lại bờ mẫu. Nhiệt độ tạo mẫu, thời gian và điều kiện lưu giữ, mẫu sáp được đúc liền hay giữ lâu là những yếu tố liên quan đến tất cả các kỹ thuật tạo mẫu.